Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 6)

PHẦN THỨ HAI

PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. Tác động của các yếu tố khách quan đến phát triển nông nghiệp đô thị

1. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị của một số quốc gia trên thế giới

Thành phố Havana, Cu ba

Từ hơn 30 năm qua, Cuba đã thực hiện thành công mô hình nông nghiệp đô thị, đảm bảo nguồn cung cấp rau quả ổn định và an toàn cho người dân Thành phố. Mô hình này đã đi vào cuộc sống người dân Cuba trong những năm 1990 khi Cuba lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đến năm 1994, chương trình nông nghiệp đô thị quốc gia đã được hình thành, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Viện Nghiên cứu cơ bản về nông nghiệp nhiệt đới Alejandro Humboldt. Năm 2008 có hơn 20 vạn thị dân Cu Ba làm việc trong ngành NNĐT sử dụng 140km2 đất đô thị. Hiện nay, Cuba có hơn 380.000 trang trại đô thị bao phủ khoảng 100.000 mẫu đất chưa sử dụng hoặc đất khó sử dụng. Những trang trại này sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn rau mỗi năm - khoảng 70% lượng rau mà người dân thành phố tiêu thụ. Nếu tính cả những người dân trồng rau ở vườn nhà thì có hàng triệu người Cuba ở đô thị trồng rau (gần 80% trong tổng số trên 11 triệu người Cuba sống ở thành phố). Tại Cu Ba phát triển mạnh mẽ NNĐT để cung ứng thực phẩm tươi sống tại chỗ cho cư dân đô thị, nhờ đó thủ đô Lahabana đã tự túc được đến 90% thực phẩm, khoảng 50% nhu cầu rau quả được cung cấp ngay trong thành phố.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT): Mặc dù là một quốc gia công nghiệp hóa cao nhưng NNĐT vẫn được ưu tiên phát triển. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), lĩnh vực sản xuất NNĐT mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với nông thôn. Về doanh thu lợi nhuận trên mỗi nông dân, NNĐT cao gấp hai lần so với nông nghiệp nông thôn. Ngay cả ở Tokyo, một trong những thành phố lớn nhất và đông đúc nhất trên thế giới, với các mạng lưới phức tạp của đường sắt, đường giao thông, các tòa nhà và dây điện; NNĐT vẫn sản xuất đủ rau để cung cấp cho gần 700.000 cư dân thành phố.

Kinh nghiệm du lịch nông nghiệp: Một trong những kinh nghiệm phải kể tới đó là mô hình du lịch nông nghiệp của Nhật Bản. Đất nước này đã có những quan điểm, phương hướng phát triển, cũng như lựa chọn mô hình phù hợp nhằm phát triển khu vực nông thôn giáp với đô thị. Nhật Bản rất thành công trong các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa, ẩm thực như tham quan những cánh đồng lúa đẹp như tranh vẽ, du ngoạn trồng và thu hoạch lúa cũng như các chuyến tham quan ẩm thực trong đó những người tham gia làm onigiri (cơm nắm) hoặc pound mochi (bánh gạo).

Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, nông nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng thích nghi của các thành phố, giải quyết rất tốt các vấn đề do đô thị hóa quá nhanh gây ra cho các đô thị. Tại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc, nông nghiệp ven đô đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lương thực sạch cho những người dân. Vào giai đoạn năm 2010, tỷ lệ rau cung cấp cho thành phố Bắc Kinh là 55% và Thượng Hải là 50%. Tiếp đến đó là vành đai nông nghiệp của thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Thâm Quyến là thành phố phát triển rất nhanh, cần nhiều thực phẩm. Do đó, thành phố đã đầu tư cho vùng nông nghiệp cách xa đô thị chừng hơn chục cây số. Tại đây họ tổ chức sản xuất những thứ mà thành phố tiêu thụ.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Thái Lan cũng là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh, với nhiều tiềm năng tài nguyên gắn với sản xuất nông nghiệp có thể phát triển loại hình du lịch nông thôn. Quan điểm du lịch nông thôn Thái Lan gần giống như quan điểm của Ý, đó là hoạt động gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, với tên gọi tiếng Anh là Agrotourism. Tại Thái Lan phát triển loại hình du lịch nông thôn cũng đã được quan tâm phát triển. Tổ chức quan tâm đến việc phát triển loại hình này là Cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan và Trung tâm phát triển nông nghiệp quốc gia Thái Lan. Tuy nhiên cho đến năm 2000, loại hình du lịch nông nghiệp  mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển mạnh.

2. Xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam

 Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp đô thị. Kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành phố thời gian qua là tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố. Có thể thấy, “Chương trình phát triển hoa, cây cảnh, chim, cá cảnh” ở thành phố Hồ Chí Minh cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đầu năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá cảnh đã xuất khẩu bình quân 1-2 triệu con cá cảnh các loại sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... với kim ngạch đạt 2-3 triệu USD, tăng bình quân 30%/năm. Trong năm 2009, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và đang đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cho từng loại cây con, vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Hiện nay thành phố đã và đang xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ Sinh học (Quận 12), Trung tâm thủy sản (Cần Giờ), trại thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao - hợp tác Israel (Củ Chi),... nhằm tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, đặc sản, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và thị trường bên ngoài trong tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị. Hoặc các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở khu vực nội thành như quận 2.

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được chính quyền thành phố Hà Nội xác định là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội. Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

trong-rau-1718761992.jpg

Tổ chức không gian trang trại đô thị kết hợp tham quan du lịch ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Tự nhiên và cảnh quan của Đà Lạt là một tài nguyên quý. Địa phương này đã khai thác và phát triển nhanh chóng nhiều loại hình canh tác, kinh doanh nông lâm nghiệp đa dạng, nổi bật là mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc mở rộng quy mô, số lượng trang trại đa dạng sản phẩm, kết hợp du lịch, trải nghiệm, cảnh quan đẹp mang lại những hiệu quả cao về mặt kinh tế cho người nông dân đô thị ở đây. Tuy nhiên, gần đây Đà Lạt đang đối mặt vấn đề tái cơ cấu.

Tổ chức không gian làng nghề truyền thống kết hợp du lịch nông nghiệp ở thành phố Hội An, Quảng Nam

Với ý tưởng khai thác các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường của từng làng nghề, Hội An đang thành công với quy hoạch đô thị du lịch phát triển theo hướng sinh thái, văn hóa, cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm gắn với làng nghề cùng những sản phẩm hỗ trợ cho du lịch phố cổ. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống được ưu tiên quy hoạch, liên kết phát triển thành chuỗi du lịch cộng đồng tại đây như làng rau Trà Quế.

Nông nghiệp đô thị (NNĐT) ở Bình Dương

Là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước, nông nghiệp đô thị của tỉnh Bình Dương đã sớm được tỉnh quan tâm, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng cao. Thành phố Thủ Dầu Một làm ví dụ điển hình cho những bước phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp đô thị. Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 2.655ha, chiếm 22% diện tích đất tự nhiên và chỉ còn 4.118 lao động phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông lâm-thủy sản của thành phố đạt 50,6 tỷ đồng, giá trị sản lượng bình quân trên 1ha canh tác/năm đạt đến 69,4 triệu đồng. Đây là nỗ lực chuyển dịch từ cây có giá trị kinh tế thấp chuyển sang cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị như trồng rau mầu, hoa lan, cây cảnh, vườn cây ăn quả…

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định về “Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp, và đã phê duyệt báo cáo Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Nông nghiệp đô thị ở Đà Nẵng

Nông nghiệp ở Đà Nẵng được nhắc đến như một thành tựu của thành phố này. Các vườn rau cộng đồng ngay giữa thành phố. Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi chỉ thị của UBND thành phố Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi diễn ra khá sôi động.

Thành quả đáng kể nhất là nghề làm SVC,  trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, tạo ra sản phẩm có giá trị. Cũng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh và có cơ hội làm giàu. Trung tâm khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cùng Phòng Kinh tế quận Hải Châu đã mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Hiện quận, huyện nào cũng có Hội SVC và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10.000 chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300-400 tỷ đồng/năm. Ngoài nghề trồng hoa, cây cảnh, việc sản xuất rau xanh cộng đồng phục vụ cho thành phố cũng được ưu tiên phát triển và mang lại hiệu quả cao.

Nông nghiệp đô thị tại thành phố Hải Phòng

Đảo Bầu, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng là địa điểm thăm quan, du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp rất nổi tiếng. Tại đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp gắn với những nông cụ quen thuộc của nông thôn miền Bắc như: trải nghiệm các hoạt động tham quan trên bộ (vườn ổi, vườn bưởi, trang trại chim, đầm cá Koi); tham quan dưới xuồng và các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp khác (bắt cá, bắt vịt, thu hoạch nông sản, học cách chiết ghép cành, tỉa lá, bọc ổi, kéo cá vó bè, trải nghiệm 1 ngày làm nông dân...).

Ngoài dịch vụ tham quan, Đảo Bầu cũng phục vụ ẩm thực địa phương, bán, giới thiệu nông sản của trang trại cho du khách. Để tăng sức hấp dẫn du khách, khu du lịch có bảo tàng nông nghiệp, khu vực tổ chức múa rối nước, thêm các hoạt động trải nghiệm. Về chiến lược phát triển lâu dài, địa phương này quy hoạch và xây dựng đề án Du lịch gắn  với nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất thủy sản bình quân tăng 7,87%/ năm, từng bước khẳng định là trung tâm sản xuất giống thủy hải sản ở miền Bắc.

Nông nghiệp đô thị tại thành phố Thái Nguyên

Thái Nguyên là một thành phố có quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ rất nhanh. Thành phố thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị. Kết quả nghiên cứu Khoa học - xã hội - nhân văn năm 2020 của địa phương cho thấy thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị tại tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2015-2019 đã có chiều hướng phát triển tốt, giá trị sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng đạt 3,47%. Cơ cấu nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn về khoa học công nghệ, quy hoạch.... Hơn nữa, dù mô hình rất hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn, nguyên nhân chính vẫn do nguồn vốn còn hạn hẹp.

Nông nghiệp đô thị tại thành phố Cần Thơ

Vườn trái cây Mỹ Khánh, cách thành phố Cần Thơ 10km,  đây là một vườn cây tiêu biểu trong môi trường đô thị thành phố Cần Thơ.- Tổ chức không gian vườn với việc hình thành 2 trục giao thông (vào và ra) có cảnh quan xen ở giữa, không gian vườn trái cây Mỹ Khánh lạ và hấp dẫn hơn so với vườn trái cây truyền thống ở Việt Nam. Vườn được phân chia thành nhiều không gian chức năng khác nhau: không gian đón tiếp là những quầy trái cây và quà lưu niệm, không gian mặt nước gồm 2 hồ lớn tạo khoảng cách cần thiết, không gian ẩm thực và không gian nghỉ ngơi gồm nhiều chòi và nhà kiểu dân gian Nam bộ. Yếu tố cây ăn trái có mặt ở tất cả các không gian chức năng, tạo cảm giác vừa quen thuộc bởi các loại cây bản địa, vừa mới lạ vì có các hoạt động kết hợp. Thông qua việc tổ chức không gian vườn Mỹ Khánh đã xác định chức năng tham quan du lịch và nghỉ dưỡng và tạo dựng hình ảnh không gian vừa truyền thống vừa hiện đại. Vườn trái cây Mỹ Khánh là mô hình tiêu biểu cho mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch và ngày càng trở thành điểm đến thu hút của du khách và người dân Cần Thơ.

Nông nghiệp đô thị tại thành phố Vĩnh Long

Một trong những mô hình nông nghiệp phổ biến trong đô thị hiện nay là trồng rau sạch trong khu dân cư. Rau vốn là loại cây trồng khá “nhạy cảm” với thời tiết, sâu bệnh, do đó trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ĐBSCL như hiện nay, việc xây dựng mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái để cho ra sản phẩm thực sự an toàn là hướng đi khó. Trong bối cảnh đó, một số vườn rau hữu cơ ở thành phố Vĩnh Long cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc chọn hướng đi khó nhưng bền vững để xây dựng nhãn hiệu rau an toàn nhằm phục vụ thị trường, nhất là người dân đô thị.

Nông nghiệp đô thị ở thành phố Hà Nội

Theo Quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, đề xuất tạo một “Hành lang xanh, vành đai xanh”- mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội-  với 70% quỹ đất tự nhiên của Hà Nội là hành lang xanh (trong đó 40% diện tích bảo tồn dành cho vùng nông nghiệp năng suất cao, các vùng bảo vệ đa dạng sinh học và các khu vực di sản văn hóa, 30% quỹ đất còn lại để hình thành các vùng phát triển dựa vào bảo tồn).

Đề xuất quỹ đất phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại khu vực ven đô:

- Các khu vực hiện là vùng trồng rau sạch, đến năm 2020 được quy hoạch là đất nông nghiệp, theo định hướng quy hoạch xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nằm trong hành lang xanh xung quanh đô thị trung tâm, bảo tồn 100% diện tích để phát triển mô hình nông nghiệp sạch, hiện đại áp dụng kỹ thuật cao, công nghệ mới trong sản xuất.

- Các khu vực hiện là đất nông nghiệp (lúa, rau mầu) ven sông Hồng, sông Đuống, được quy hoạch là đất nông nghiệp, được lựa chọn để hình thành mô hình trồng rau sạch ổn định, từng bước áp dụng kỹ thuật cao, công nghệ mới. Tỷ lệ sử dụng đất cho mô hình từ 50-100% diện tích.

Trên thực tế quá trình đô thị hóa của thành phố Hà Nội đã dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc khu vực nông thôn ven đô, khu vực này có các làng xã đã được xây dựng hình thành từ rất lâu đời với nhiều mô hình kinh tế đặc trưng, như làng nghề truyền thống: sản xuất đồ mộc, may ở Thạch Thất, gốm sứ Bát Tràng, vàng bạc Kiêu Kỵ…, làng thuần nông: như vùng trồng lúa, hoa, cây cảnh chất lượng cao, nuôi trồng thuỷ sản, rau an toàn, chăn nuôi tập trung…, quá trình này đã làm mất đi các yếu tố truyền thống làng xã. Đô thị hóa cũng là nguyên nhân cho sự suy thoái của làng nghề nổi tiếng, việc thất truyền của nhiều nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng, hay việc mất đi, nhiều giống cây trồng, đặc sản quý.

Công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hoá vào sản xuất và thực hiện các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn như vùng trồng lúa, hoa, cây cảnh chất lượng cao, nuôi trồng thuỷ sản, rau an toàn, chăn nuôi tập trung đã nâng giá trị thu nhập bình quân lên cao. Một số mô hình sản xuất mới đã hình thành (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp liên kết, HTX…) nhưng những mô hình có hiệu quả bền vững chưa nhiều. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như:

- Mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao

- Mô hình phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao

- Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn

- Mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn

- Mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm

- Mô hình du lịch nông nghiệp

- Mô hình hoa, cây cảnh