Khác với sự phát triển ở phương Tây tâp trung chủ yếu vào giải quyết nhu cầu lương thực thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu; ở nước ta nông nghiệp đô thị không chỉ tạo ra nguồn nông sản tươi ngon, giá rẻ cung ứng tại chỗ cho cư dân đô thị, mà còn tác động tích cực đến bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; đặc biệt là kết hợp hài hòa với thiên nhiên thông qua nhiều loại hình để nâng cao giá trị kinh tế và cuộc sống tinh thần của cư dân đô thị.
Nông nghiệp đô thị Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan và nhất là không gian xanh, cuộc sống đô thị hài hòa.Từ xu thế nông nghiệp đô thị toàn cầu và ở Viêt Nam; dựa vào thực tiễn Đông Nam bộ trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội; bài viết đề cập đến những vấn đề cần được qua tâm trong phát triển tiềm năng nông nghiệp đô thị ở nước ta;
Nông nghiệp đô thị,vai trò và tác động của trang trại thành phố trong xu thế toàn cầu
Nông nghiệp đô thị(NNĐT) là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thực phẩm liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nông lâm kết hợp và làm vườn, được tích hợp trong các quy hoạch phát triển đô thị bền vững hoặc tác động trực tiếp đến cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm cho cư dân thành phố.
NNĐT bao gồm cả nông nghiệp trong thành phố và ở các vùng ven đô. Trên thế giới ý tưởng về sản xuất lương thực thực phẩm bổ sung cho đô thị đã được thể hiện trong chiến tranh và vào những thời kỳ suy thoái kinh tế, khi tình trạng thiếu lương thực thực phẩm phát sinh.
Vào năm 1893, lần đầu tiên cư dân thị trấn Detroit được yêu cầu sử dụng đất trống trong thành phố để trồng rau. Thị trưởng thành phố còn dự định dùng các khu vườn đô thị để cung cấp thực phẩm và thúc đẩy khả năng độc lập về lương thực trong lúc khó khăn (Wikipedia 2022-1).
Là lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiếp thị thực phẩm và những nông sản khác cho người dân thành phố, NNĐT được dùng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Lĩnh vực này đã được nhìn nhận trên quan điểm tài nguyên kinh tế, môi trường và an toàn lương thực.
Phân tích quá trình phát triển NNĐT, các ng\hà nghiên cứu nhận thấy:
Việc trồng trọt trong các khu vườn thành phố làm giảm đáng kể lượng rác thải thực phẩm đồng thời với tạo cơ hội thuận lợi để mỗi cá nhân được tham gia vào quyền công dân sinh thái. Bằng kết nối lương thực với thiên nhiên, làm vườn đô thị đã dạy người dân kỹ năng cần thiết để tham gia vào xã hội dân chủ và hiệu quả sản xuất NNĐT chỉ đạt cao khi cư dân đô thị thực sự đảm nhận từng vai trò cụ thể trong các trang trại thành phố.
Nông ghiệp đô thị tạo không gian xanh và phát triển cân bằng
NNĐT tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của mỗi cá nhân. Những khu vườn đô thị là nơi tạo thuận lợi cho tương tác tích cực, góp phần nâng cao hạnh phúc và cảm xúc của toàn xã hội. Nhiều người dân cảm nhận được, làm việc trong vườn đô thị đã mang lại lợi ích vật chất và tình thương yêu cụ thể. Họ coi NNĐT là phương tiện cải thiện sinh kế của những người dân sống trong thành phố.
Xem xét cụ thể hơn còn cho thấy, hệ thống nông công nghiệp hiện đại đã đẩy chi phí năng lượng lên cao. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện, hệ thống thực phẩm truyền thống tiêu tốn nhiên liệu cao hơn gấp 4 đến 17 lần và lượng CO2 phát thải nhiều gấp 5 đến 17 lần so với sản xuất và tiêu dùng tại chỗ. Tiết kiệm năng lượng của NNĐT làm giảm dấu chân carbon trong nhiều thành phố. Ngoài ra, khu vực này còn hoạt động giống như một bể chứa carbon để điều hòa không khí.
Theo nguyên lý, cây cối hấp thụ carbon dioxide (CO2) và thải ra khí oxy (O2) qua quá trình quang hợp, nó có thể góp phần vào tăng cường loại bỏ và ngăn chặn sự phát tán của CO2 trong cả vòng đời sản phẩm. Từ đây, lựa chọn cây không bị rụng lá sẽ làm tăng thêm khả năng cô lập carbon của trang trại đô thị.Trong tự nhiên, một mái nhà xanh chưa cắt cỏ với diện tích 2000 m² có thể loại bỏ tới 4000 kg vật chất dạng hạt, đồng nghĩa với cứ 1m2 mái nhà xanh có thể thu nhận được hầu hết chất dạng hạt phát thải hàng năm của một xe hơi.
Ngày nay, những khu đất bị bỏ trống trong lòng các đô thị thường trở thành nơi đổ, chứa bất hợp pháp chất thải độc hại, gây nguy hiểm đối với cơ thể con người, Thực hiện NNĐT là cách làm để loại bỏ nguy cơ chất thải độc hại nhờ sử dụng thực vật và vi sinh để phân hủy, hấp thụ và chuyển hóa chất độc sang dạng trơ hoặc loại bỏ khỏi mặt đất.
Ngoài ô nhiễm độc hại, tiếng ồn là vấn đề đáng quan ngại. Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ làm giảm giá trị tài sản mà còn gây tổn hại đến sức khỏe, tiếp xúc với tiếng ồn liên tục dẫn đến tình trạng suy kiệt. Do hầu hết mái nhà và những lô đất trống đều phản xạ thay vì hấp thụ sóng âm; việc trồng cây có thể làm giảm ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị ngày nay (Wikipedia 2022-1).
Hoạt động thể chất có tác động tích cực đối với NNĐT; kết luận này không chỉ bằng nhìn nhận gián tiếp mà được hỗ trợ trực tiếp bởi sự tham gia của người dân với tư cách là thành viên của trang trại đô thị. Sự tham gia của người dân trong hoạt động nông nghiệp giúp nâng cao sức hấp dẫn của khu vực và trở thành động lực nâng cao hiệu quả của NNĐT.
Nếu định nghĩa môi trường là nơi mọi người cùng chung sống, làm việc và giải trí; thì chênh lệch thực phẩm lại trở thành vấn đề của công bằng. NNĐT thúc đẩy công bằng lương thực và môi trường . Điều này được lý giải bởi NNĐT làm giảm sự chênh lệch trong tiếp cận thực phẩm lành mạnh. Sản phẩm tươi trồng tại địa phương với giá phải chăng không chỉ dành cho người giàu có, mà còn tạo sự công bằng lớn hơn đối tầng lớp nghèo. Qua đó, có thể giúp cải thiện điều kiện sống của những cư dân phải chịu mức độ căng thẳng thực phẩm cao.
NNĐT bền vững thúc đẩy bảo vệ người lao động và quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho người dân đô thị những rủi ro nếu đất đai canh tác bị ô nhiễm. Người ta đã phát hiện, nông sản đô thị còn chứa nhiều chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe. Đất bị nhiễm chì cao thường bắt nguồn từ sơn của các tòa nhà cũ, từ khói xe hơi hoặc bị lắng đọng trong bầu khí quyển. Nếu không được giáo dục thích hợp về rủi ro canh tác và thực hành an toàn, người tiêu dùng đô thị phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Các dự án chia sẻ đã tìm cách kết hợp người sản xuất với đất và không gian đô thị. Những khu vườn trên mái nhà cho phép cư dân đô thị duy trì không gian xanh mà không mất đất để phát triển. Ơ nhiều nước, người ta đã dùng những khoảng đất để nông dân bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tạo sự phụ thuộc của người tiêu dùng vào NNĐT, thì thị trường cần được mở thường xuyên. Theo đó, chợ ở trung tâm thành phố mang lại sự tương tác hoàn hảo cho nhóm người bán đa dạng để họ dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng.
Việc trồng trọt tại các khu vườn và không gian trong các thành phố sẽ mang lại nhiều lợi ích song cần nhiều vốn đầu tư. Để tài trợ cho các dự án NNĐT, cần phải có vốn tài chính dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc tài trợ của các chính phủ.
Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong phát triển NNĐT, Thủ đô Moskva nước Nga đã có 65% số gia đình có mô hình VAC đô thị;Thủ đô Berlin nước Đức đã có hơn 8 vạn vườn rau nội đô, hàng vạn cư dân Thành phố New York (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng; ở nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc, nông nghiệp đô thi và vùng ven đô đã cung cấp tới 85% nhu cầu rau xanh và trên 50% lượng thịt, trứng cho người dân đô thị. Tại Cu Ba, thủ đô Lahabana đã tự túc đến 90 % thực phẩm cần thiết, tới 20 vạn thị của dân nước này làm việc trong NNĐT, họ sử dụng trên 14 nghìn ha đất bên trong thành phố. Nghiên cứu nông trại ở Thủ đô Lahabana, GS Catherine Murphy từng nhận xét “Đây là một mô hình thú vị khi Cu Ba là quốc gia có gần 80% dân số sống ở đô thị. Điều này chứng tỏ các thành phố có thể tự sản xuất được lương thực mà vẫn đảm bảo các lợi ích về xã hội và môi trường” (Hội KHPT Nông thôn Việt Nam 2021).
Giải thích xu hướng phát triển NNĐT, GS.TS Mangstl người phụ trách chiến lược an toàn thực phẩm toàn cầu của tổ chức FAO, cho biết“Giá cả lương thực gia tăng đã tạo sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, phát triển NNĐT còn là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững thực chất cho các đô thị sinh thái tương lai…,đó là nhân tố chính thúc đẩy mô hình nông nghiệp đô thị phát triển”(Võ Hữu Hòa2022 )
Trong chiến tranh Thế giới lần thứ I và II, nhiều khu vườn trái cây, rau củ và thảo mộc trong đô thị của nước Mỹ, Canada và Anh quốc đã nhằm vào giảm áp lực về lương thực thực phẩm. Chương trình Vườn Chiến thắng Quốc gia với việc thiết lập hệ thống nông nghiệp thành phố trong thế chiến lần thứ 2 đã có hơn 5,5 triệu người Mỹ tham gia, sản xuất trái cây và rau quả chiếm tới 44% sản lượng hàng năm của đất nước này. Báo cáo của Liên hợp quốc năm 1996 ước tính, thế giới có hơn 800 triệu người trồng lương thực và chăn nuôi trong các thành phố.
Trang trại thành phố đầu tiên được thành lập vào năm 1972 tại Thị trấn Kentish (London), đó là nơi kết hợp nuôi động vật với không gian làm vườn, Tiếp theo, nhiều trang trại đô thị khác đã được phát triển ở London và khắp nước Anh. Vào năm 2010, thành phố New York đã xây dựng trang trại mái nhà lớn nhất thế giới, đó là kết quả của những chương trình giảm thuế và tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh. Ở Singapore, người ta cũng đã chứng kiến những trang trại thủy canh trên mái nhà dựa vào canh tác thẳng đứng (Wikipedia 2022-1).
Sự phát triển đô thị ở Việt Nam và miền Đông Nam bộ
Tại Việt Nam thuyết âm dương, ngũ hành đã được vận dụng đa dạng trong luận giải nhiều hiện tượng của cuộc sống. Trong phong thủy và xây dựng đô thị, đó là chỗ dựa của nhiều lý giải. Các nhà phong thủy, địa lý dựa vào những thuyết này để xem xét, đề xuất hay sửa chữa những sai lệch của nhiều sự việc. Cùng với vấn đề gợi ra, thuật phong thủy còn vận dụng kiến thức tương sinh, tương khắc và ngũ hành để chỉ ra tính chất của đất đai. Từ đó có thể đề xuất, sửa đổi nhằm thu được những nguồn lợi mà tính chất môi trường mang lại.
Là quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ; nhiều năm qua, tại Việt Nam, các vùng nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng thành phố, tạo nên một cấu trúc hài hòa. Các làng trong thành phố không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm, nơi thư dãn, tạo vẻ vui tươi mà còn là địa điểm tiếp nhận những nguồn phế thải nội đô. Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi của làng mạc ven đô đã từng là những khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của nhiều thành phố (Lê Thành Ý 2021).
Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã đô thị hóa với nhịp độ cao; trong giai đoạn 2010-2020, nhiều thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại I) đã mở rộng nhanh không gian từ trung tâm ra ngoài ngoại vi. Đô thị hóa mạnh đặt ra vấn đề cấp bách là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai và thị trường. Phát triển mở rộng mô hình NNĐT không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tươi ngon, an toàn mà còn cần để đáp ứng nhu cầu về cảnh quan đô thị và không gian sống xanh hơn cho người dân thành thị.
Mức đô thị hóa của Việt Nam năm 2017 đạt 35%. Theo nhiều dự báo, tỷ lệ này đến năm 2035 sẽ lên 50%-55% mà vùng ven đô thường là đầu mối gắn kết mọi hoạt động sản xuất, thương mại. Đô thị hóa mở rộng đòi hỏi phải cung cấp nguyên liệu, lao động cho các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, đó là cầu nối quan trọng giữa khu vực trung tâm với những vệ tinh của đô thị lớn.
Ngày nay, ngoại vi đô thị ở Việt Nam còn thiếu những định hướng và công cụ quản lý thích hợp trong chuyển hóa từ nông thôn sang thành thị. Đô thị hóa nông thôn ven đô gây những biến động về nhân khẩu, đất đai dẫn đến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ; hạ tầng quá tải, gây những vấn nạn về môi trường, nhà ở, xã hội và kỹ thuật. Mặt khác, đất xây dựng còn dàn trải, thiếu kiểm soát và không ổn định đã gây những hệ lụy tại nhiều khu vực.
Trong bối cảnh trồng lúa không mấy hiệu quả do giá trị kinh tế mang lại thấp và thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh đe dọa. Nhiều hộ dân đã chuyển đất lúa sang trồng rau an toàn với vốn đầu tư không nhiều và thời gian sản xuất ngắn, hiệu quả mang lại cao hơn. Tuy nhiên, cách làm này còn gặp nhiều khó khăn, bởi lúc giá cao thương lái tìm đến thu mua, khi giá xuống họ lại đột ngột ngừng, khiến người trồng chịu thua thiệt. Nhiều hộ nông dân đã tự liên kết để hình thành các tổ hợp và hợp tác xã nông nghiệp, những hình thức này mang lại hiệu quả thiết thực từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản làm ra.
Đông Nam Bộ là một trong 3 vùng phát triển kinh tế động lực của Việt nam; vùng bao gồm các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh còn được gọi là miền Đông. Là khu vực kinh tế năng động nhất Việt Nam, Đông Nam Bộ đã đóng góp trên 2/3 giá trị vào nguồn thu ngân sách hàng năm của cả nước, Trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nướcvùng đạt lệ đô thị hóa trên 62.8% (Wikipedia 2022-2).
Một trong những mô hình được nhắc đến nhiều trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là HTX nông nghiệp Phước An, được thành lập vào năm 2006 tại huyện Bình Chánh. Với phương châm nói không với cách làm ăn dối trá gây hại cho sức khỏe cộng đồng, HTX đã được các tổ chức quản lý thành phố và huyện Bình Chánh quan tâm hỗ trợ, đã cử chuyên gia về tập huấn sản xuất Nhờ những hướng dẫn cụ thể, thường xuyên của các cấp địa phương trong sản xuât không để tồn dư chất độc hại, không vi khuẩn có hại và tuyệt đối không nhập những lô hàng có chất gây nguy hại khi đưa ra thị trường; các hộ dân tham gia dần hình thành thói quen sản xuất an toàn; luôn ghi nhật ký đồng ruộng và bám sát cây trồng, Từ đó, HTX đã tạo được niềm tin đối với khách hàng và các siêu thị lớn ngày càng đặt hàng nhiều hơn (Tạp chí Quy hoạch xây dựng 2020).
Trong vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao. NNĐT ở đây đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và giá trị sản xuất ngày một gia tăng. Trong những mô hình phát triển có thể thấy, NNĐT thành phố Thủ Dầu Một là một ví dụ điển hình. Do đất nông nghiệp thành phố giảm nhanh, chỉ còn khoảng, 22% diện tích tự nhiên (2.655ha) và lao động nông nghiệp xuống còn trên 4.100 người, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn đạt trên 50,6 tỷ đồng với sản lượng bình quân trên đất canh tác hàng năm hơn 69,4 triệu đồng/ha. Những nỗ lực không ngừng của người dân Thủ Dầu Một đã dịch chuyển sản xuất từ trồng cây có giá trị kinh tế thấp sang cây mang giá trị kinh tế cao và phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị như trồng rau màu, cây cảnh và cây ăn quả; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với mô hình lớn hơn hoặc trong trang trại phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp.
Ghi nhận được từ một số địa bàn và những đề xuất
Là ngành kinh tế ở trong và ven đô thị, NNĐT Đông Nam Bộ đã tập trung vào sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân thành phố lương thực, thực phẩm tươi sống; hoa, sinh và thực vật cảnh. Kinh tế NNĐT đã đi theo hướng canh tác hữu cơ và CNC, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chất thải không gây ô nhiễm để tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đô thị hoá cao nhất cả nước, NNĐT được phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, khoa học công nghệ, đặc biệt là con người và thị trường tiêu thụ. Thành phố đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát triển NNĐT. Kết quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã tạo thêm việc làm tại chỗ; góp phần gia tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp thành phố. Có thể thấy“Chương trình phát triển hoa, chim, cây và cá cảnh” đã mang laị kết quả thiết thực. Từ đầu năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá cảnh đã xuất khẩu từ 1 đến 2 triệu con cá sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản với kim ngạch thu về đạt 2-3 triệu USD, gia tăng bình quân 30%/năm (VUSTA 2012).
Nhằm đưa nông nghiệp đô thị lên tầm cao mới vào những năm 2020 và xa hơn, thành phố đã phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2025; đã và đang thúc đẩy nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cho các vùng giống và sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng và đang hoàn thành nhiều trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) như khu nông nghiệp CNC Củ Chi, Trung tâm Công nghệ Sinh học Quận 12, Trung tâm thủy sản Cần Giờ,trại thực nghiệm Bò sữa CNC, hợp tác với Israel ở Củ Chi...nhằm tạo nhiều giống cây, con chất lượng; sản xuất sản phẩm đặc chủng, phân bón và vật tư kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ trong phát triển NNĐT. Tuy nhiên,những việc làm của thành phố Hồ Chí Minh lại đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và vận dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong khi hạ tầng giao thông còn bất cập, cần được cải thiện để rút ngắn khoảng cách giữa thành phố với các vùng, miền và thị trường quốc tế .
Nhằm vào thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế-xã hội; theo quy hoạch và mục tiêu phát triển nông nghiệp, ngành NNĐT Bình Dương đã tập trung xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại; sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
Phát triển NNĐT và nông nghiệp CNC cần đồng bộ và gắn với nuôi trồng những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học. Theo Quy hoạch phát triển, những vùng nông nghiệp ở các huyện phía Nam được định hướng vào phát triển theo mô hình NNĐT sinh thái, sử dụng ít đất và ứng dụng CNC để trồng các loại cây ăn trái đặc sản, các loại rau, hoa, cây cảnh; nuôi trồng các loại sinh vật cảnh, tạo những mảng xanh cho đô thị...
Phân tích thực tế diễn ra, có thể thấy, trong thời gian qua, việc hình thành kinh tế NNĐT trong vùng chưa thật rõ ràng. Nhiều nơi người dân mới chỉ chú ý đến xây dựng mô hình phù hợp với quá trình đô thị hoá như trồng rau mầm, trồng nấm, thủy canh; các mô hình trồng hoa lan, cây cảnh và chăn nuôi động vật có giá trị kinh tế cao. Những mô hình NNĐT xây dựng cho thu nhập cao gấp từ 8 đến 10 lần so với mô hình nông nghiệp canh tác truyền thống, song mới chỉ là những mô hình thí điểm trình diễn, đòi hỏi phải nhanh nhạy hơn nữa trong tiếp thu, nắm bắt thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhất là nguồn vốn đầu tư. Theo nhiều phân tích, để xây dựng một mô hình hiện nay, bình quân tiêu tốn trên 40 triệu VNĐ, riêng mô hình trồng hoa lan tốn kém nhiều tỷ đồng. Đây là những khoản đầu tư không nhỏ và là trở ngại rất lớn của nhiều địa phương.
Từ những vấn đề rút ra có thể thấy:NNĐT không chỉ tạo ra nguồn nông sản tươi sống, giá rẻ, cung ứng tại chỗ cho cư dân đô thị, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát triển NNĐTmuuos thành công phải gắn với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại; đó là nền nông nghiệp ứng dụng CNC (NNƯDCNC) hướng vào tạo ra nhiều sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đô thị. Ngoài giá trị phục vụ đời sống, nền nông nghiệp này còn góp phần xây dựng cảnh quan đô thị, tạo nét văn hóa mới, cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh-sạch-đẹp và đời sống hài hòa cùng với thiên nhiên.
Nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm cho rằng, cần phải có chính sách phát triển NNĐT bền vững thì mới tận dụng được những thế mạnh lưu trữ, vận chuyển; cung cấp dịch vụ tươi sống; tạo việc làm và tăng thu nhập.
Để xây dựng NNĐT theo hướng CNC, vai trò của KH&CN và khuyến nông vô cùng quan trọng, đây là nhịp cầu nối các nhà khoa học, nhà quản lý với nhà nông, giúp người dân tiếp cận nhanh tiến bộ kỹ thuật để mở mang phát triển. Một giải pháp quan trọng khác cần được quan tâm đó là thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu những loại hình sản xuất phù hợp.
Nhằm đưa NNĐT sớm trở thành nền nông nghiệp CNC, hoat động khuyến nông cần được tổ chức để trở thành đầu tàu lan tỏa, kéo theo những toa tàu NNĐT đi lên. Nông nghiệp đô thị giúp cân bằng hệ sinh thái, gắn kết giữa các ngành, đồng thời liên kết không gian trên phạm vi rộng: giữa kinh tế với hành chính và giữa nông thôn với đô thị. Ngoài ra,NNĐT còn giữ vai trò định hướng đối với nông nghiệp ở các vùng phụ cận.
Mang những nét riêng của nền sản xuất công nghệ cao, NNĐT với những công nghệ chất lượng, an toàn giữ vai trò quan trọng để hạn chế tác động bất lợi trong quá trình đô thị hóa trên nền tảng lọc sạch không khí, chống làm bẩn nguồn nước, giảm tiếng ồn và tạo cảnh quan hài hòa cho đời sống đô thị.
Đô thị sinh thái đòi hỏi phải bố trí sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ở mỗi vùng miền đều cần bố trí hợp lý địa bàn sản xuất xen kẽ hoặc tập trung cả ở bên trong và ngoài thành phố. Phát triển NNĐT là phát triển nền sản xuất bền vững đặc thù, luôn gắn kết và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của dân cư cả về thực phẩm, môi trường và nơi nghỉ ngơi thư dãn cùng với thiên nhiên. NNĐT phải đảm bảo để con người luôn được phát triển toàn diện cả về sức khỏe và tinh thần trên cơ sở áp dụng các phương pháp sản xuất khoa học, các mô hình sử dụng chung và tái tạo được các nguồn lực.
Dựa trên đặc điểm và những vấn đề rút ra trong thưc hiên NNĐT có thể nhận biết được mức độ phát triển nông nghiệp. Ngày nay, giới nghiên cứu đã coi phát triển NNĐT là một chiến lược, là hướng đi cần thiết trong quá trình đô thị hóa.
Từ vai trò là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của Đông Nam Bộ trong khuôn khổ bài viết, để mở mang phát triển NNĐT xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
1. Trước hết là trong quy hoạch, cần nghiên cứu và hoàn thiện những quy hoạch chi tiết các vùng giống, sản xuất cây trồng,vật nuôi theo hệ thống thống nhất từ vùng cho đến cơ sở sản xuất kinh doanh, Theo hướng phát triển này, công khai phổ biến quy hoạch và thành tựu nghiên cứu khoa học phát triển NNĐT đến các cấp quản lý và mọi người dân; nâng cao tính pháp lý của quy hoạch và thực hiện nghiêm minh quy hoạch đã được phê duyệt là việc làm cần thiết.
2. Nhằm khắc phục những trở ngại về vốn đầu tư, cần phát huy nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Vốn ngân sách nhà nước nên tâp trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các trung tâm nông nghiệp CNC. Theo đó, cần mở rộng thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay vốn ưu đãi của cả Trung ương và địa phương; phát triển mạng lưới tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
3.Trong thực hiện các chương trình mục tiêu cần tập trung vào phát triển nhanh và đồng bộ chương trình giống cây, con chất lượng cao bao gồm cả hoa, cây cảnh và chim cá cảnh; phát triển mạnh trồng rau và chăn nuôi đô thị an toàn; bảo tồn và phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn phù hợp trong lòng đô thị, Theo đó, đào tạo nhân lực NNĐT cần phát triển theo kịp đòi hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên từ cấp cơ sở và điều quan trọng là thay đổi phương pháp khuyến nông theo hướng truyền đạt kiến thức đến nông dân bằng ngôn ngữ thích hợp.
Việc chuyển giao tiến bộ công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm cần được khuyến khích mạnh mẽ với những chính sách cụ thể đối với tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lai tạo giống ở từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm NNĐT.
4.Trong hội nhập kinh tế toàn cầu, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ là nội dung cần đăc biệt quan tâm. Nên chăng, chương trình cần hướng vào nghiên cứu xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản hàng hóa; mở rộng liên kết, hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNĐT địa phương.
5 Trong bảo vệ môi trường, Viet GAP với nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ;thực phẩm không chứa tác nhân gây bệnh phải được tôn trọng và quảng bá rộng rãi đến công chúng. Đối với những sản phẩm phục vụ nhu cầu tinh thần như hoa, cây, cá cảnh, cần có quy định và thực hiện chặt chẽ về an toàn, vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Thay cho lời kết
Đô thị hóa là một xu thế khách quan, nó phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, nhất là những nước đang phát triển. Tuy nhiên, đô thị hóa quá nhanh lại là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái cảnh quan thiên nhiên. Việc thiết kế những vành đai xanh cho các khu đô thị và nông nghiệp ven đô là một giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nhằm xây dựng các đô thị phát triển xanh và bền vững.
Trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven dô bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất để tăng sản lượng cây trồng vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách. Trong khi sản xuất nông nghiệp theo lối quảng canh, truyền thống có nhiều hạn chế thi NNĐT lại có điều kiện để thu hẹp dần những hạn chế này. Bên cạnh đó, NNĐT còn có thể phát triển theo hướng chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho cư dân thành phố.
Từ vai trò dẫn hướng và mở đường, NNĐT được kỳ vọng sẽ là giải pháp bền vững trong đô thị hóa ngày nay.
Địa chỉ liên hệ: Lê Thành Ý
19b/668 ,Lạc Long Quân, Tây Hồ Hà Nội
SĐT: 0829848231
Email: lethanhy05@gmail.com