Nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân đã thay đổi toàn diện thế nào sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26?

29/06/2022 09:15

Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XIII) thảo luận lần này, đó là thảo luận về đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xin giới thiệu bài viết của PGS-TS. Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

 

Nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân đã thay đổi toàn diện

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giúp đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cơ hội về hoạt động kinh tế số, lợi ích cụ thể đầu tiên là người nông dân có thể tiếp cận với nhiều thông tin hơn để ra quyết định sản xuất chính xác hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường thông qua các nền tảng số do doanh nghiệp hay nhà nước cung cấp để kết nối với các dịch vụ đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ cơ giới hoá, vay tín dụng, tiếp cận khuyến nông số, dịch vụ dự báo thời tiết khí hậu, dịch vụ BVTV, dịch vụ bảo quản, vận chuyển...

Nhờ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8%/năm; Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần.

Cơ cấu lại ngành nghiệp đã có những kết quả tích cực. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả nhấn mạnh ưu tiên cho phát triển ngành hàng dựa trên lợi thế vùng, phát triển chuỗi giá trị, phát triển KHCN và đổi mới thể chế.

Thu hút đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả khả quan. Thời gian trước đây, đầu tư công của nhà nước cho khu vực nông nghiệp thấp, đầu tư tư nhân (kể cả trong nước và FDI) còn rất hạn chế và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, trước triển vọng lạc quan của thị trường nông sản thế giới, nhiều công ty xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết hợp tác đầu tư vào Việt Nam. 

Đáng chú ý, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã từng bước hình thành các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. 

Tuy vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là số lượng hộ nông dân lớn, nhưng quy mô canh tác nhỏ, vốn đầu tư ít, thiết bị cũ, lạc hậu. Điểm yếu phổ biến là thiếu hợp tác, liên kết, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái trung gian. 

Vì vậy để áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp thành công thì hộ nông dân trước hết phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, tham gia hợp tác liên kết vào các HTX theo chuỗi giá trị.

Hệ thống thông tin khoa học công nghệ và thị trường phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn hạn chế. Trước hết, đối với nông dân và người dân nông thôn hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. 

Chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho họ với thông tin, xoá nhoà một phần khoảng cách về địa lý, gỉam bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp như hiện nay để được sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Chính phủ.

Hệ thống thể chế, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chưa đồng bộ. Hiện nay, cơ chế chính sách để khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn, lỗ hổng cần sớm có các biện pháp nhằm giải quyết hài hòa quan hệ giữa môi trường và kinh tế ở nông thôn. Trong khi chính sách yếu là căn bệnh khó chữa của hệ thống quản lý hiện nay.

Hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp

Trong thời gian tới, mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tập trung vào nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp. 

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phục vụ có hiệu quả chiến lược tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp, cần tính đến là cải cách thể chế tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị, kết hợp với ứng dụng KHCN, chuyển đổi số nhằm sử dụng với hiệu quả cao hơn nguồn lực, tăng năng suất lao động. Số lượng lao động nông nghiệp sẽ giảm nhưng cần đào tạo hình thành tầng lớp nông dân trẻ chuyên nghiệp với các chính sách cụ thể.

Cần có chiến lược phát triển kinh tế phi nông nghiệp trong nông thôn để đảm bảo phát triển hài hoã giưã các vùng lãnh thổ thông qua chiến lược công nghiệp hoá phân tán dựa vào công nghiệp chế biến nông sản và phát triển dịch vụ du lịch nông thôn và đa dạng các sản phẩm địa phương OCOP.

Đầu tư công cho nông nghiệp, đặc biệt cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cần được ưu tiên để đáp ứng nhu cầu KHCN đang tăng nhanh phục vụ phát triển. 

Để đạt được mục tiêu này, xin có một số kiến nghị đề xuất với Chính phủ để thúc đẩy CNH, HĐH nông thôn như sau:

Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, nông thôn không chỉ là bệ đỡ mà còn là động lực mới cho phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn đến 2045.

Làm rõ mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện hậu đại dịch, trong đó vai trò KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng gắn với kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn, phát huy được lợi thế để công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đổi mới quan điểm về vai trò công bằng của các thành phần kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đặc biệt chú ý vai trò chủ thể của hộ nông dân chuyên nghiệp, HTX, THT và cộng đồng trong quá trình phát triển, chú trọng vai trò của các hiệp hội ngành hàng.

 Thúc đẩy phát triển nền kinh tế phi nông nghiệp nông thôn (chế biến nông sản, cụm làng nghề, du lịch nông thôn…) để giải quyết bằng được việc rút lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp và tạo công ăn việc làm phi nông nghiệp trong nông thôn để giảm bớt sức ép dân số lên các đô thị lớn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Tạo đột phá về tổ chức thể chế và đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa nông dân, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, phát triển chuỗi giá trị.

Nới lỏng chính sách hạn điền đất nông nghiệp, ưu tiên trực canh trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ hộ nông dân hình thành các trang trại gia đình và các hợp tác xã nông nghiệp hiện đại như ở các nước phát triển.

Tiếp tục tăng đầu tư công cho nông nghiệp, phân cấp quản lý đầu tư công, các dịch vụ công, quản lý công trình, tài nguyên công cộng cho các tổ chức cộng đồng; thử nghiệm hình thức quỹ phát triển nông thôn hỗ trợ cho các cộng đồng dựa trên các dự án do cộng đồng đề xuất và làm chủ.

Nhà nước cần tăng cường đầu tư công về kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam ít nhất đạt mức tương đương với xu hướng các nước trong khu vực là mức 0,84% GDP nông nghiệp.

Xây dựng đề án chuyển đổi số, nền tảng số tập trung của ngành nông nghiệp, của nông thôn mới nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công cho nông nghiệp, nông thôn.   

Bộ NNPTNT cần tham gia điều phối chương trình Đổi mới sáng tạo quốc gia để hướng đến các DN và HTX nông nghiệp nông thôn nâng cao năng suất lao động. Ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, chế biến thực phẩm, quản lý thất thoát sau thu hoạch, nông nghiệp tuần hoàn và chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn.

Kiến nghị Trung ương xem xét ban hành nghị quyết mới về “tam nông”

Trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 5 (ngày 4/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, báo cáo tổng kết trình Trung ương lần này đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chỉ ra những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn nhận diện những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kiến nghị Trung ương xem xét ban hành nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được.

Cùng với đó, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết là: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Lao động nông thôn có xu hướng già hoá, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

PGS.TS.Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam