LTS: Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải loạt bài "Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị" phản ánh nhiều khía cạnh trong việc xây dựng hệ nông nghiệp sinh thái trong điều kiện nước ta hiện nay. Tạm khép lại vấn đề, Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận những chia sẻ của PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Cách tiếp cận của nông nghiệp sinh thái dựa vào quy trình từ dưới lên, và tập trung vào giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương. Theo ông, điều này tạo ra những thuận lợi, cũng như có thể vấp phải khó khăn nào trong bối cảnh Việt Nam hiện tại?
Việt Nam có địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, với nhiều đới khí hậu khác nhau, và tạo ra các tiểu vùng sinh thái khác biệt. Khái niệm "từ dưới lên" của nông nghiệp sinh thái khác với nông nghiệp thâm canh, hoặc làm theo hợp đồng nhằm tránh việc xác định cây trồng, vật nuôi không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Ví dụ, trước đây phong trào phát triển cây ngô trên đất dốc ở miền núi phía Bắc, phục vụ cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc phát triển mạnh. Tuy nhiên, bà con lại áp dụng cách làm thâm canh ở đồng bằng, khiến đất bị rửa trôi, xói mòn do một năm chỉ làm một, hai vụ ngô. Khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta đã định hướng lại bằng mô hình nông lâm kết hợp, giúp bề mặt của đất được che phủ quanh năm.
"Đi từ dưới lên" còn giúp người làm nông nghiệp khai thác được kiến thức bản địa, bởi người dân đã sinh sống ở mỗi khu vực nhiều đời, có kinh nghiệm khai thác bền vững hệ thống nông nghiệp địa phương, hoặc sử dụng thuần thục giống bản địa. Trong nông nghiệp cạnh tranh, nhiều giống địa phương có thể bị loại khỏi cuộc chơi do năng suất, nhưng chính những giống ấy lại tạo ra đa dạng sinh học trong công tác bảo tồn. Làm thế nào để sử dụng giống địa phương và nâng cấp lên thành sản phẩm hàng hóa, trở thành thương hiệu mới là hướng đi bền vững.
Dù vậy, việc dựa vào tài nguyên bản địa gặp rào cản về vốn đầu tư. Người dân cần có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể phát triển thành hàng hóa, đủ sản phẩm bán ra thị trường. Nhưng do điều kiện của địa phương không đồng đều, nên sản phẩm sinh thái khó phát triển trên diện rộng. Vì thế, mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát triển loại hình sản phẩm này.
Một thách thức là sự hợp tác của nông dân, bởi nông nghiệp sinh thái có thể phải đánh đổi trong thời gian đầu bằng năng suất. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo HTX cũng cần thay đổi tư duy nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông nghiệp.
Nông nghiệp sinh thái giải quyết vấn đề theo cách tổng hợp và cung cấp các giải pháp tổng thể, lâu dài, tập trung vào nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết, đặc điểm này có gì giống và khác so với định hướng tích hợp đa giá trị mà ngành nông nghiệp đang theo đuổi?
Nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm qua với các loại phương thức thực hành đa dạng, nhưng lại được coi như các tiến bộ kỹ thuật. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái đã phát triển trong sản xuất và có chính sách hỗ trợ ở Việt nam chia thành 6 nhóm là: (1) Nông lâm kết hợp, (2) quản lý dịch hại tổng hợp, (3) thâm canh lúa bền vững, (4) canh tác hữu cơ, (5) hệ thống tổng hợp trồng trọt - chăn nuôi và VAC, (6) nông nghiệp bảo tồn và nông nghiệp cảnh quan. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình thường nhỏ về qui mô, đơn điệu về thành phần và chưa có sự kết nối hiệu quả với các hệ thống khác như thị trường, công nghiệp, dịch vụ… nên chưa tạo được động lực bứt phá.
Chính phủ vừa thông qua Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp mang tính lâu dài. Do đó, cần phải nhìn quy trình sản xuất nông nghiệp trong tổng thể hệ thống lương thực, thực phẩm, bao gồm vật tư đầu vào, nông dân, và khâu chế biến, phân phối. Trong đó, mọi chủ thể trong chuỗi đều có vai trò thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp sinh thái.
Nếu tách nỗ lực của nông dân khỏi tác động từ xã hội, chúng ta có thể vấp phải vấn đề là sản phẩm làm ra chất lượng nhưng lại không được thị trường ủng hộ, người tiêu dùng không sẵn sàng mua sản phẩm ấy với giá phù hợp. Một hệ thống như vậy khó có thể tồn tại.
Ở chiều ngược lại, trước khi xây dựng hệ nông nghiệp sinh thái, người dân cũng cần tìm hiểu, xác định rõ các yếu tố đầu vào như phân hữu cơ, phụ phẩm vi sinh đã có sẵn trên thị trường chưa? Các cơ quan quản lý đã xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn để đơn vị sản xuất có thể tự công bố sản phẩm sinh thái chưa? Thông tin đưa đến người tiêu dùng đã đủ sức thuyết phục chưa? Từng thành tố sẽ sở hữu một giá trị khác nhau trong quá trình chuyển đổi.
Việc tự thúc đẩy và khai thác các tiến trình tự nhiên, trên cơ sở tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học khiến quá trình xây dựng hệ nông nghiệp sinh thái thường mất nhiều thời gian. Là trụ đỡ nền kinh tế, cũng như lực kéo chính cho cán cân thương mại, ngành nông nghiệp cần có biện pháp gì để hài hòa các lợi ích trong ngắn hạn, thưa ông?
Nguyên lý của nông nghiệp sinh thái là hạn chế các yếu tố đầu vào như giảm phân bón hóa học, đồng thời xây dựng, cải thiện các biện pháp kỹ thuật mang tới lợi ích kinh tế lâu dài, bền vững. Đó là những lợi ích khó thấy được trong ngắn hạn. Vì vậy, trước mắt cần khai thác đa giá trị của mỗi sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn các phụ phẩm nông nghiệp. Ví dụ, sợi chuối có thể sử dụng để dệt các sản phẩm thủ công nghiệp, hoặc rơm rạ, trấu tạo năng lượng sinh khối.
Một cách khác là gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Tại nhiều nơi trên thế giới, người nông dân có thể bán sản phẩm trực tiếp cho du khách. 50% thu nhập của họ đến từ dịch vụ, như cho thuê homestay, trải nghiệm công việc nhà nông...
Chúng ta cần nhìn thẳng thắn, rằng nếu chỉ dựa đơn thuần vào sản phẩm nông nghiệp thì khó nâng cao thu nhập cho người dân. Nguyên nhân bởi tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp ở nước ta còn thấp. Đây là hệ quả từ việc đầu tư hóa học liên tục khiến chất lượng sinh thái suy giảm. Một loạt hệ lụy như thiếu việc làm ở nông thôn, chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm... kéo theo. Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ nếu không có cách tiếp cận mới.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hệ nông nghiệp sinh thái có quy mô càng lớn sẽ càng đạt hiệu quả cao. Ông nghĩ như thế nào về nhận định cần sớm có chính sách tích hợp xây dựng hệ thống nông nghiệp sinh thái với xây dựng vùng nguyên liệu lớn, hay phát triển HTX, kinh tế tập thể?
Như tôi đã nói, một số mô hình nông nghiệp sinh thái ở nước ta như nông lâm kết hợp đã gặp thách thức trong việc mở rộng được thị trường. Chúng ta không thể tổ chức thực hành nông nghiệp tốt cho một, hai hộ, bởi họ sẽ bị ảnh hưởng từ những yếu tố lân cận. Ít nhất phải vận động được nông dân trong một xóm, hoặc một thung lũng để tạo ra một vùng sinh thái. Muốn làm như vậy cần gắn họ trong HTX, kinh tế tập thể.
Điểm mạnh của kinh tế tập thể là dễ dàng thương mại hóa sản phẩm, như tổ chức các dịch vụ sơ chế, đóng gói, phân phối... Bên cạnh đó là hỗ trợ từ các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương.
Cuối cùng, khi tham gia kinh tế tập thể, nông hộ có thể tự nâng cao giá trị sản phẩm thông qua hệ thống chứng nhận, chẳng hạn PGS. Đây là chứng nhận dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ NN-PTNT ban hành. Tuy nhiên, chứng nhận này không thể cấp cho từng hộ mà phải cả HTX.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ kỳ vọng xây dựng Việt Nam thành một cường quốc nông nghiệp sinh thái, cường quốc đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu ấy, chúng ta cần bắt tay vào làm những gì từ hôm nay?
Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, từ người sản xuất đến tiêu dùng, để tất cả cùng sẵn sàng chung tay vào xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch và phát triển bền vững. Đặc biệt là từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta cần các giải pháp, chính sách đồng bộ, nhằm đảm bảo cả về an sinh xã hội, lẫn công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Xin cảm ơn ông!