Nông nghiệp sinh thái "linh hồn" của nông nghiệp bền vững

TH
Việt Nam đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tối ưu hoá chi phí sản xuất có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hoá thương mại, biến đổi khí hậu, rủi ro dịch bệnh, kiểm soát thất thoát lương thực thực phẩm và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

627237399270666ac11723c9-nong-nghiep-sinh-thai-01-01-high-1652755040.png

C Ô N G  C Ụ  
C H I Ế N  L Ư Ợ C

Nói đến phát triển nông nghiệp bền vững là nói đến nông nghiệp sinh thái, một nền nông nghiệp cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và bao trùm.

Về cơ bản, nông nghiệp sinh thái mềm dẻo trong các lựa chọn về qui mô (lớn - nhỏ) và tính chất (tích hợp một phần hoặc toàn phần), bởi vậy giúp cung cấp các giải pháp phù hợp với bối cảnh và giải quyết các vấn đề của địa phương, khu vực. 

Trên cơ sở mục tiêu bảo vệ và khai thác hoạt động chức năng của hệ sinh thái (dịch vụ sinh thái), nông nghiệp sinh thái có lợi thế thành công ở qui mô lớn, bởi vậy hình thức sản xuất nông nghiệp này thường dựa trên sự đồng sáng tạo kiến thức, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của các nhà sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, nông nghiệp sinh thái tăng quyền cho các nhà sản xuất và cộng đồng - đóng vai trò là tác nhân tạo ra thay đổi.

Về mặt kỹ thuật, nông nghiệp sinh thái áp dụng các nguyên tắc sinh thái trong thiết kế hệ thống sản xuất nhằm tăng cường lợi ích sinh thái (như kiểm soát sinh học, thụ phấn, tái tạo dinh dưỡng, bảo vệ đất, nước…) theo các qui mô khác nhau. Các tiến trình sinh thái sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở áp dụng công nghệ. Bởi vậy thâm canh nông nghiệp sinh thái hiện đại có thể kết hợp với nông nghiệp chính xác và ứng dụng công nghệ số.

Gần đây, nông nghiệp sinh thái đã được các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc đưa vào thảo luận như là một công cụ chiến lược để đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

 


G I Ả I  P H Á P  C H O  
N Ô N G  N G H I Ệ P  V I Ệ T

Để phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất nông nghiệp hiện đại của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ phải là một nền nông nghiệp sinh thái thông minh dựa trên ứng dụng đổi mới sáng tạo của các hệ thống nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các phương thức quản trị thông minh, chính xác, áp dụng công nghệ số nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trong điều kiện sử dụng tiết kiệm, bền vững và hiệu quả các nguồn lực tự nhiên.

Để nông nghiệp sinh thái có điều kiện phát triển, việc tích tụ, tập trung ruộng đất thành các trang trại trung bình là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề để sản xuất trên quy mô lớn và hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp làm chủ các doanh nghiệp gia đình, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Giữa các trang trại cần được hỗ trợ bởi liên kết, hợp tác trong khuôn khổ các HTX Nông nghiệp và các dịch vụ chuyển đổi số nhằm tăng hiệu quả. Cần cải thiện các chính sách và quy định về sử dụng đất nông nghiệp để giúp nông dân dễ dàng tạo ra các hệ thống sản xuất bền vững và đa dạng hơn, như chuyển từ thâm canh lúa hoặc ngô sang các hệ thống hỗn hợp (ví dụ: lúa - tôm, trái cây, rau hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp, hệ thống chăn nuôi kết hợp trồng trọt, nông nghiệp bảo tồn, VAC…). Các hệ thống này cần có chiến lược phát triển dài hạn, quản lý một cách hệ thống liên ngành, tích hợp kiến thức khoa học và kiến thức địa phương để tránh rủi ro trong chuyển đổi tự phát gây mất cân bằng cung cầu thực phẩm và sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên đất. 

Gia tăng việc tiếp cận với các thị trường có yêu cầu chất lượng cao để gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch thông qua áp dụng cơ giới hóa, canh tác nông nghiệp chính xác, nông nghiệp kỹ thuật số. 

 

Chính quyền và cơ quan chuyên môn cần ban hành các hình thức khuyến khích để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và áp dụng các giống cải tiến thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời, chú trọng công tác thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý bản địa làm vật liệu chọn tạo giống cả bằng hình thức tại nông hộ và ngân hàng gen; hỗ trợ người nông dân gìn giữ các giống cây, con quý thông qua hỗ trợ phát triển các giống địa phương thành sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế sản xuất, giúp người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chính sách và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích áp dụng các hệ thống sản xuất sinh thái, bền vững hơn (ví dụ: thực hành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chính xác, nông lâm kết hợp...) và trồng rừng đặc biệt trên các vùng đất bạc màu, ven biển. Hệ thống sản xuất tại những vùng có điều kiện khắc nghiệt cần được đầu tư kết hợp với các ngành nghề đi kèm (ví dụ: ngành bảo quản, chế biến, thu mua và phân phối sản phẩm...). Phát triển và thí điểm các biện pháp khuyến khích để mở rộng quy mô mô hình thông minh với khí hậu nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ các-bon. Thúc đẩy mở rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng ở các vùng miền núi, khó khăn nhằm khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Khuyến khích mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái kết hợp du lịch nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm đô thị và cải thiện môi trường đô thị.

Các doanh nghiệp, người sản suất cũng phải áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp chính xác, tối ưu giá thành sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất.

Chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu.

ĐÀO THẾ ANH