Ông Nguyễn Phú Trọng - Một người bạn tốt

Tôi có ông thông gia, một nông dân trước đây từng học cùng lớp Văn, Khóa 8 của Trường đại học tổng hợp Hà Nội với ông Nguyễn Phú Trọng. Ông cũng là rể làng tôi và bên họ vợ của ông ai cũng biết ông từng là bạn học cùng lớp đại học với ông Trọng.

Vì thế, một số người thường tò mò hỏi ông: “Ông Trọng học thế nào?” Ông trả lời nước đôi: “ Các vị hỏi tôi câu ấy rất khó trả lời. Nếu tôi trả lời các vị là ông Trọng học giỏi, thì các vị lại cho là tôi khen phò mã tốt áo. Còn nếu tôi trả lời ông Trọng học bình thường thì các vị, có thể lại nghĩ rằng tôi ghen tỵ với ông ấy. Tôi chỉ có thể nói rằng, ông Trọng là người bạn tốt”.

Về việc học của ông Trọng, theo nhà báo Dương Đức Quảng, cũng là bạn cùng lớp với ông Trọng: ”Khi học đại học, anh Trọng học giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp vào Đảng trong trường. Ra công tác anh về tạp chí Cộng sản, sau đó đi làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, đã bảo vệ học vị Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại Liên Xô. Về nước anh trở lại công tác tại tạp chí Cộng sản, rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng” (như mọi người đã biết).

dt1abcv-1721351893.jpg

Đôi bạn cùng lớp học Khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng (bên trái), ông Bùi Đức Nhận (bên phải)

 

Sau mấy chục năm rời ghế trường Đại học tổng hợp Hà Nội, bạn bè mới có dịp gặp lại nhau, việc nhận xét đúng về tình cảm bạn học với nhau là một việc không hề dễ. Câu nhận xét của ông thông gia của tôi về ông Trọng là dựa vào những việc thật mà ông chứng kiến. Ông kể với tôi, năm 1997, Văn K8 của ông họp lớp tại Văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam, 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tổ chức họp ở đây là vì, có một số nhà báo kỳ cựu lớp Văn K8 đã và đang công tác tại cơ quan thông tấn này như: Nguyên phó tổng Giám đốc Trương Đức Anh, nữ nhà báo Vũ Kim Hải, nhà báo Trần Đình Thảo, nhà báo Văn Thành (Hà Tây), nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chú Chí Thành, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, nhà báo Dương Đức Quảng, nhà báo Đoàn Tử Diễn. Trong lớp ông, chỉ có ông thông gia của tôi – ông Bùi Đức Nhận - là nông dân “một nắng hai sương”. Khi đó ông Trọng đang là Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội, thấy trường hợp này của bạn, có nói với các bạn cùng học: “Lớp ta còn có anh Nhận chưa có việc làm, các bạn cố gắng giúp anh Nhận có việc làm phù hợp. Nhưng tôi cũng xin nói với anh Nhận rằng, theo cơ chế hiện nay, bạn bè chỉ giúp anh có việc làm thôi còn anh phải tự lo liệu chỗ ở”.

Đáp lại lời ông Trọng, ông Nhận nói: ”Tôi rất cám ơn anh Trọng và các bạn đã thực sự quan tâm đến hoàn cảnh của tôi. Nhưng tôi cũng xin nói với anh Trọng và các bạn biết, hiện nay tôi còn vợ và mẹ già rất yếu ở quê. Tôi không thể rời nhà lên Hà Nội làm việc được”. Ông nói riêng với tôi, có người bạn ở cơ quan nọ, đã gợi ý xếp việc cho ông, nhưng ông nói thật: “Tôi không làm được đâu vì tính tôi tự cao lắm”.

Cuối năm 2017, lớp văn K8 của ông lại họp tại Đài tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, khi đó, ông Trọng mời ông thông gia của tôi: “hai anh em chụp chung tấm ảnh làm kỷ niệm”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã chụp tấm ảnh này. Qua việc này, ông Bùi Đức Nhận lại nhận xét, ông Trọng là người bạn tốt. Hai người bạn chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm, tay đan tay nhau thân mật. Ông nói vui với tôi, một nông dân bình thường chụp ảnh chung với một ông “vua” nước nhà. Tôi đánh giá chỉ có bạn tốt mới làm như vậy. Biết tôi làm đươc ảnh, ông đã nhờ tôi mang in giúp tấm ảnh này cỡ 40cm x 60cm có khung để ông treo trước Tết làm kỷ niệm. Hóa ra, tiêu chí đánh giá về người bạn tốt của ông rất đơn gian, chỉ thông qua thái độ, tình cảm, không cần vật chất, của bạn bè đối với một “phó thường dân”, một nông dân, không có chút lương hưu như các bạn. Ông bảo, thái độ của bạn đối với ông là “thước đo” tình cảm bạn bè. Tuy về quê sống, không một đồng lương hưu như các bạn, nhưng bạn bè cùng lớp ông vẫn quan tâm thăm hỏi, tiếp đón ông chu đáo khi ông tới thăm, như những ngày cùng ngồi trên ghế nhà trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Đấy là ”thước đo” tình bạn bè. Ông tâm sự: “nhiều lần tôi nói với bà ấy nhà tôi hãy đi cùng tôi lên Hà Nội, tôi sẽ đưa bà đi thăm bạn bè cùng học của tôi, bà sẽ thấy tình cảm của các bạn đối với tôi tốt như thế nào, không có bà lại nghĩ tôi chỉ được cái nói mồm. Nhưng bà ấy nhát như cáy đâu có chịu đi”.

Tôi bảo ông thông gia về ý kiến ông Trọng là người bạn tốt, không phải chỉ là nhận xét của ông đâu. Vì ông thông gia tôi không có facebook, nên tôi đã kể cho ông nghe về câu chuyện của anh Dương Đức Quảng kể trên facebook về tình cảm của ông Trọng đối với bạn bè như thế nào: “Đối với các bạn bè khác ở lớp tôi cũng vậy, khi biết tin bố, mẹ, vợ hoặc chồng của các bạn qua đời hoặc khi các con của các bạn lấy vợ, gả chồng, biết tin, anh Trọng đều đến tận nhà chia buồn hoặc chia vui với bạn bè. Ngày Giáo sư Phan Cự Đệ dạy chúng tôi mất, anh Nguyễn Phú Trọng đến viếng, tuy có vòng hoa riêng nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vẫn nhập đoàn với chúng tôi là các sinh viên Văn Khóa 8 trường Đại học Tổng hợp viếng thầy”. Ông Trọng là người hòa đồng, anh Dương Đức Quảng nói: ”Có người bảo anh là "Trọng Lú" nhưng tôi nghĩ anh Trọng là người thông minh, không hề lú lẫn chút nào. Một lần, khi đang là Chủ tịch Quốc hội, ngồi cùng xe với bạn bè cùng lớp đại học, hầu hết là nhà văn, nhà báo, những người "biết nhiều chuyện trong xã hội", về thăm nơi lớp học sơ tán trong thời gian chiến tranh chống Mỹ ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, anh Trọng đã được nghe các bạn kể bao nhiêu chuyện tiếu lâm, đọc cả thơ ca hò vè về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và cả câu vè về "Trọng Lú" mà không nhịn được cười. Đôi lúc anh cũng góp một vài chuyện vui cùng các bạn”. Theo anh Quảng, trước đây do hoàn cảnh mỗi người một nơi đường xá xa xôi không có điều kiện gặp nhau, nhưng sau này có điều kiện thuận lợi hơn, “kể từ năm 1980, hầu như năm nào lớp tôi cũng gặp nhau vào ngày đầu xuân và Nguyễn Phú Trọng thường có mặt đều đặn, kể cả khi đã giữ cương vị cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chỉ khi nào anh vì công việc mà không có mặt ở Hà Nôi thì mới vắng mặt hoặc khi có cuộc họp quan trọng thì dù có muộn Trọng vẫn đến để gặp bạn bè”.

Là thông gia với nhau đã hơn 10 năm trời, tôi có nghe sau khi ông thông gia của tôi tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, đã công tác ở Ty Văn Hóa tỉnh Lai Châu, nhưng đến nay tôi mới giám hỏi về chuyện này: “ Nguyên nhân tại sao đang làm Ty văn hóa Lai Châu ông lại về nhà làm ruộng?” Ông trả lời: “Câu hỏi của ông cũng giống câu hỏi của chị Bích Ba – người từng dẫn chương trình tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam – hỏi tôi khi giới thiệu tập thơ “Thơ cho mình” của tôi. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, khi tôi đang làm Ty Văn hóa Lai Châu, tôi nghỉ phép và vào tuyến lửa tỉnh Quảng Bình để thăm một người bạn làm lãnh đạo ở Ty văn hóa tỉnh này” (thời đó đi vào tuyến lửa là một việc vô cùng khó khăn. Mọi thứ đều đươc kiểm duyệt rất ngặt nghèo tránh kẻ địch trà trộn chỉ điểm cho máy bay địch ném bom, bắn phá). “Tôi đã đến công an địa phương trình báo nhưng do không có giấy tờ tùy thân nên bị công an giữ và trả về Ty văn hóa Lai Châu. Sau đó tôi bị thôi việc về nhà”. Tôi đã có lần nghe ông nói: “Tính tôi tự cao lắm, việc ông trở về địa phương có liên quan đến điều này không?”. Trả lời: “ Cũng có một phần, có lần đoàn văn công Bắc Ninh lên biểu diễn ở Lai Châu, khi đoàn hát quan họ Bắc Ninh xong, vị Trưởng ty Văn hóa sau đó phê phán là họ hát nhạc vàng. Tôi lên tiếng phản đối: đây là dân ca quan họ Bác Ninh chứ không phải nhạc vàng. Và tôi bị trù úm từ đó”.

Tôi nói với ông: “Ông bị thiệt thòi cái này nhưng ông lại được cái khác. Thứ nhất, ông bà đã nuôi dạy đươc một đàn 3 con đều qua Đại học và có việc làm ổn định. Thứ hai là ông có sức khỏe hơn hẳn bạn bè của ông. Năm nay, ông đã 76 mà vẫn mạnh khỏe, rất hiếm khi ốm đau. Tuy nhiên, tôi thấy ông vẫn còn điều gì lấn cấn trong tâm, nên khi ngủ cùng giường với tôi ở Hà Nội, tôi thấy trong giấc ngủ ông vẫn thở ngắn than dài. Ông bảo, ở tuổi này rồi, không có lương hưu, hàng tháng vẫn ngóng tiền con gửi, cũng là điều làm tôi suy nghĩ. Phải chăng, ông vẫn còn suy nghĩ về hậu họa do ông có “tính tự cao” như ông từng thừa nhận?

30/6/2019

P.C.P