Phát triển du lịch bền vững giúp quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, đồng thời vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học và sự phát triển của các hệ sinh thái. Như vậy, hướng đi và nhiệm vụ tất yếu của phát triển du lịch bền vững là cần phải thiết lập sự cân bằng hợp lý giữa ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường để bảo đảm tính bền vững lâu dài.
Mục tiêu cơ bản của Phát triển du lịch bền vững, bao gồm: Mục tiêu về kinh tế; về xã hội và về văn hóa, môi trường.
Khi chúng ta nhắc đến mục tiêu về kinh tế, đó là việc đảm bảo hiệu quả kinh tế trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế cho địa phương tại các điểm du lịch; tạo cạnh tranh để các doanh nghiệp và các điểm du lịch có khả năng tiếp tục phát triển phồn thịnh và đạt lợi nhuận lâu dài. Mục tiêu kinh tế còn được thể hiện ở chỗ: Sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch. Đồng thời, tăng tối đa đóng góp của du khách đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế địa phương tại các điểm du lịch, khu du lịch, bao gồm phần tiêu dùng của khách du lịch được giữ lại tại địa phương.
Mục tiêu về xã hội, chính là giải quyết vấn đề cơ hội việc làm, công bằng xã hội, thúc đẩy an sinh xã hội. Tăng thêm về số lượng, chất lượng việc làm tại địa phương do ngành Du lịch tạo ra và được ngành Du lịch hỗ trợ, không có sự phân biệt đối xử về giới tính, độ tuổi, dân tộc,…. Thực hiện công bằng, rộng rãi trong việc phân phối lại lợi ích kinh tế và xã hội thu được từ hoạt động du lịch cho tất cả những người trong cộng đồng đáng được hưởng. Và duy trì, tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, bao gồm cơ cấu tổ chức xã hội, cách tiếp cận các nguồn tài nguyên, hệ thống hỗ trợ đời sống, tránh làm suy thoái và khai thác quá mức môi trường cũng như xã hội dưới mọi hình thức.
Mục tiêu về văn hoá, môi trường, đó là bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ tự nhiên, môi trường, nhằm tôn trọng và phát huy giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch. Hướng đến duy trì, nâng cao chất lượng của cảnh vật, kể cả ở nông thôn cũng như thành thị, tránh để môi trường xuống cấp. Có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
Nguyên tắc của Phát triển du lịch bền vững
Muốn phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội với mục tiêu mang tới sự hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường và không làm ảnh hưởng tới tương lai.
Để thực hiện những mục tiêu trên, cần xác định được các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, lấy làm kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp du lịch phát triển bền vững trong tương lai, đó là:
Một là, phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội.
Sự tồn tại lâu dài của ngành Du lịch phải nằm trong khuôn khổ chiến lược của quốc gia, vùng, địa phương về kinh tế - xã hội. Để đảm bảo sự phát triển, ngành Du lịch cần phải tính tới nhu cầu trước mắt của cả người dân và du khách, trong quy hoạch cần phải thống nhất các mặt kinh tế - xã hội, môi trường, tôn trọng chiến lược của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương. Phát triển ngành Du lịch phải phù hợp với địa phương, phù hợp với quy hoạch mà địa phương giao cho, sự phát triển đó mới bền vững và lâu dài.
Hai là, khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý.
Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch. Việc sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên văn hóa xã hội là hết sức cần thiết đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, khai thác phục vụ hoạt động du lịch dựa trên sự tính toán nhu cầu hiện tại.
Ba là, giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ở mức vừa đủ một mặt giúp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, mặt khác giảm chất thải ra môi trường. Các tài nguyên thiên nhiên cần được quy hoạch, quản lý tránh sự khai thác một cách ồ ạt hoặc phát triển nóng.
Bốn là, duy trì bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn.
Cần trân trọng tính đa dạng của thiên nhiên, xã hội, môi trường của điểm đến, đảm bảo nhịp độ, quy mô và loại hình phát triển du lịch, để bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương. Xem xét quy mô và sức chứa của mỗi vùng, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động thực vật, lồng ghép các hoạt động du lịch vào các hoạt động của cộng đồng dân cư, ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại. Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa bản địa, phúc lợi xã hội, nhu cầu của sự phát triển, đảm bảo quy mô, tiến độ của các loại hình du lịch nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại...
Năm là, phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế cho địa phương.
Với tính đặc thù liên ngành, phát triển bền vững không phải chỉ riêng nó mà kéo theo nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực du lịch, việc hỗ trợ cho ngành nghề khác không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động du lịch mà còn hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp gián tiếp tham gia vào hoạt động này, từ đó dẫn đến hỗ trợ kinh tế cho địa phương.
Sáu là, thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch.
Việc tham gia của cộng đồng địa phương là một nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Khi cộng đồng địa phương được tham gia phát triển du lịch sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch, vì sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ gắn quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cư dân đối với sự phát triển chung của du lịch.
Bảy là, lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng có liên quan.
Tham khảo ý kiến của các bên liên quan và cộng đồng dân cư, các tổ chức trong và ngoài nước, phi chính phủ, chính phủ với các ý kiến cho dự án, là nguyên tắc quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Chia sẻ lợi ích của các bên nhằm mục đích hài hòa về lợi ích trong quá trình thực hiện.
Tám là, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Với phát triển du lịch bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch đang thiếu hụt một lượng rất lớn, lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu chung của ngành. Một lực lượng lao động đào tạo kỹ năng thành thạo, không những mang lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Chín là, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học ngành Du lịch.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đào tạo và thực hiện hoạt động phát triển du lịch. Các thành tựu khoa học công nghệ về du lịch trong các lĩnh vực thời gian qua đã trở thành những nền tảng khoa học quan trọng với tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch.