Phát triển Kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 dưới góc nhìn nghiên cứu

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21 tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025. Trước đó, ngày 6 tháng 10 Tổng cục Thống kê Việt Nam đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh KTXH toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đã nâng triển vọng tăng trưởng lên từ 0,1 đến 0,3% so với những dự báo trước đây.

phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1730102144.png

Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 khoá XV (Ảnh VNTTX)

KTXH Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đóng góp nhiều kết quả quan trọng và cao hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực. Ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát thấp hơn giới hạn cho phép.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao và thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%, thị trường ngoại hối đã cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán cả năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ, năm trước; Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD.

Cơ cấu nền kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Trong cơ cấu nền kinh tế, các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt. Trong Quý 3/2024 mặc dù báo YAGI tan phá nặng nề các tỉnh phía Bắc nhưng tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản vẫn tăng trưởng 2,58%, đóng góp 4,08% vào méc tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, là động lực quan trọng để dẫn dắt tăng trưởng, đã tăng 9,11% và đóng góp 48,8%vào tăng trưởng chung; Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh Với mức tăng trưởng 7,51% ngành dịch vụ đã đóng góp vào tăng trưởng chung 47,04%.

Chính phủ đã quyết liệt cơ cấu lại hệ thống  tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tích cực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ hoặc kém hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được nâng lên. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh với 110 quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Cùng với tăng trương kinh tế ấn tượng, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét cả về nhận thức, hành động và kết quả. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản được kế thừa, bảo tồn và phát huy; tổ chức tốt các ngày lễ lớn; an sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Tín dụng và chính sách xã hội đã được đẩy mạnh. Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 nước trên thế giới.

Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Không ngừng nâng cao kỹ thuật chuyên môn, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là ghép tạng. Chuyển đổi số và khám chữa bệnh từ xa được đẩy mạnh; y tế tư nhân tiếp tục phát triển.

Lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; thu nhập bình quân  của người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%.

Chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên; các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế đoạt giải cao, khẳng định trí tuệ, năng lực của thế hệ trẻ Việt Nam.

phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1-1730102143.png

Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực hiện phát triển KTXH năm 2024 và kế hoạch 2025 (Ảnh: Duy Linh)

3/4 chặng đường của năm 2024 đã qua, những tín hiệu đáng mừng cho thấy, nền kinh tế đang phục hồi ; Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,82% riêng quý III tăng tới 7,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,1% đã dẫn dắt tăng trưởng; kinh tế; xuất nhập khẩu phục hồi, xuất siêu gần 21 tỷ USD; bội thu ngân sách, nợ công giảm, lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục cho dù con nhiều biến động về kinh tế xã hội và địa chính trị trên thế giới.

Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng nhưng phía sau những con số tổng hợp của Tổng cục thống kê có thực sự được cảm nhận bởi doanh nghiệp và mọi người dân hay không? Theo các nhà nghiên cứu lại là vấn đề cần bàn. Phân tích số liệu thống kê; giúp giới nghiên cứu nhận rõ kết quả tích cực, song trong tầm nhìn dài hạn cũng giúp chúng ta nhận ra những vấn đề đáng để quan tâm. 

Trước hết, Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp, nhưng sức sống của nhiều doanh nghiệp chưa hồi phục tốt. Bình quân một tháng còn 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương với số doanh nghiệp thành lập mới; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng đầu năm 2024 tăng 21,5% so với cũng kỳ năm trước, còn số ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể lại tăng tới 33,4%’.Số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn quý trước giảm 2,4% và khó khăn hơn tăng 1,7%. Xu hướng sản xuất kinh doanh khó khăn còn phản ánh trên thị trường lao động. Cho dù doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhẹ, nhưng số lao động lại giảm tơi 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi chậm của doanh nghiệp và thị trường lao động đã khiến sự phục hồi nhu cầu trong nước vẫn đang còn chậm. 

Trong nền kinh tế VN, khu vực FDI đã giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2024 với tổng số 299 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, hơn 72% thuộc FDI, khu vực trong nước chỉ chiếm 28%. Cán cân thương mại cũng xuất hiện chênh lệch rất lớn giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước.Trong khi khu vực FDI xuất siêu 38 tỷ USD, thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 17,4 tỷ USD. Điều này không chỉ là hiện tượng trong giai đoạn hiện nay, mà còn phản ảnh sự mất cân đối về cơ cấu của nền kinh tế đã tồn tại trong nhiều năm.

phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2-1730102143.png

Một trong những rủi ro đang đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô là nợ xấu ngân hàng. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh so với quý I/2024 và cuối năm 2023 với số dư nợ xấu của các ngân hàng đã tăng thêm 20,8% trong quý II/2024 và vãn còn xu hướng gia tăng. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên 5%, đã tăng đáng kể so với mức 2% của năm 2022. Sức ép đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp, phần lớn là bất động sản sẽ còn tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế từ nay đến cuối năm.  

Sau cùng, cán cân thanh toán tổng thể của quý II /2024 đã thâm hụt gần 6,07 tỷ USD, cao gấp trên 4 lần so với mức thâm hụt của quý I/2024. Thực tế này tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá trong những tháng cuối năm 2024.

Có thể thấy, đằng sau những con số tích cực, còn nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Cho dù mục tiêu tăng trưởng 7% có thể đạt, nhưng nền tảng của sự phục hồi và tăng trưởng dài hạn cần được quan tâm để đảm bảo thực sự phát triển bền vững.