ĐÀO DUY ANH
BẰNG TRÌNH (Dịch)
Dẫn nhập
Cách về phía hạ lưu của Huế vài km, bên tả ngạn sông Hương có một làng người Minh Hương - như bản thân cái tên làng đã chỉ ra - có nguồn gốc từ việc bén rễ trên mảnh đất An Nam (1) của cuộc di dân người Tàu. Người ta đã biết được câu chuyện về việc lập làng và phát triển của làng người Minh Hương ở Faifoo (2): nghiên cứu này sẽ lưu ý tới một trường hợp khác dùng để hiệu chỉnh qua so sánh hữu ích.
Trước tiên chúng ta cố gắng tìm xem liệu có phải việc nghiên cứu văn khắc có cho phép ta một vài chỉ dẫn về nguồn gốc ngôi làng này không. Nhưng về chuyện này, chúng ta không may mắn, bởi vì chỉ những ghi chép trong chiếc bia duy nhất của đình Minh Hương, tức Thiên Hậu cung, lại chỉ cho chúng ta biết về những lúc mới bắt đầu khởi lập của ngôi đình này. Theo lời những người cao tuổi, xưa kia có một ghi chép được viết ngay trên tường, đằng sau tấm bia nhỏ của các Tiên-hiền, và chắc chắn lưu giữ ký ức về những người thành lập làng. Ghi chép này là một sự may mắn cho các nhà nghiên cứu chúng ta, nhưng lòng hăng hái không đúng lúc của một lý trưởng có lẽ là nguyên nhân của sự phá hoại. Truyện kể rằng trong phong trào Duy Tân và kháng thuế năm 1908 ở Quảng Nam và sau đó lan rộng ở Thừa Thiên cũng như trong các tỉnh khác của Trung Kỳ, một thầy đồ trong làng bị nghi ngờ là thành viên của phong trào này và lý trưởng bị triệu lên huyện để trình báo xem liệu trong làng mình có hay không các hội nhóm chống đối. Soát lại mọi chuyện, ông ta sợ rằng ghi chép đáng ngờ, vốn nhằm ca ngợi sự đoàn kết của những vị tổ tiên đầu tiên nhỏ nhất trí đã góp phần tạo nên gia sản, rất có thể gây nên sự lo sợ của dân làng, nên ông ta dùng quyền lực để cạo sạch các chữ được chạm nổi trên tường.
Ngược lại, tôi đã có may mắn thâm nhập vào các tài liệu của làng, vốn không dễ được phổ biến. Thật không may là những tài liệu ấy lại không đầy đủ, phần cổ nhất đã bị hủy hoại vì loạn lạc khi hạm đội của Đô đốc Courbet chiếm Thuận An năm 1883. Chỉ có thể xác định ngày tháng thành lập làng căn cứ vào các tài liệu sau này và các cuốn gia phả của những dòng họ cổ nhất làng.
Thành lập và phát triển làng
Lần giở các tài liệu của làng cho phép chúng tôi phát hiện ra việc chép lại một lá đơn đề năm thứ bảy của thời Bảo Thái nhà Lê (1726) có những đoạn sau: "Đức Thượng vương, khi đã định đô ở Kim Long, ban dụ cho tổ tiên ta một mảnh đất nằm gần làng Thanh Hà và lấn sang địa phận của làng Địa Linh, để lập một khu thương phố." Chỉ dẫn khá chính xác này cho phép ta biết rằng khu phố ấy, tiền thân của làng Minh Hương, đã được lập và được cho phép sau năm 1636, thời điểm chúa Nguyễn Phúc Lan thiên đô từ Phúc Yên (huyện Quảng Điền) tới Kim Long (huyện Hương Trà), cách khoảng 2km, ở thượng lưu của kinh thành hiện tại. Nhưng trước đó, liệu có ở đó một khu định cư của người Tàu mà chưa được chuẩn y hay không? Hay nói cách khác, khu phố còn nghi ngờ - thành lập đồng thời của một nhóm thương nhân - phải chăng đã tồn tại trước khi có sự cho phép chính thức sau năm 1636 một chút?
Việc kiểm tra các cuốn gia phả cổ nhất của làng sẽ mang tới cho ta những chỉ dẫn quý báu.
Theo cuốn gia phả của họ Trần, một trong hai họ ngụ cư cổ nhất của làng cùng với họ Lý (chúng tôi không thể tìm thấy những giấy tờ của dòng họ này, vốn suy vi và không một cháu con nào còn lại trong làng), thì tổ đầu là Trần Dương Thuần có gốc ở huyện Long Khê, phủ Chương Châu, huyện Phúc Kiến chạy khỏi quê khi nhà Minh sụp đổ để tránh phải thờ chủ mới của Trung Quốc, và tới định cư ở An Nam làm nghề buôn bán, vẫn giữ y phục nhà Minh. Ông ta thọ 79 tuổi chết năm thứ 27 triều Khang Hy (1688), ngày 12 tháng 4 âm lịch, vào giờ tuất. Mặc dù không ghi chép chính xác vị trí nơi ở của ông ta, nhưng việc Trần Dương Thuần được mai táng ở An Cựu (dưới chân núi Ngự Bình) khiến chúng tôi tin rằng ông ta ở trong vùng quanh Huế, nghĩa là có thể trên, và chắc chắn ở ngay trí làng Minh Hương, bởi vì nếu lỡ ở nơi khác, có lẽ người ta sẽ không thể quên ghi vào trong gia phả. Con trưởng của ông ta với người vợ cả được sinh ra ở Trung Quốc vào năm đầu tiên của Thuận Trị (1644) và vẫn ở lại nước để chăm sóc mẹ mình vì bà này không đi theo chồng. Hơn mươi năm sau, khi người con trai này tới gặp Dương Thuần ở Trung Kỳ thì ông thấy con mình trong trang phục nhà Thanh, tức là bắt buộc phải là năm đầu tiên triều Khang Hy. Do vậy, ông ta phải rời đi vài năm sau khi đứa con sinh ra năm 1644. Nếu ông ta không phải là những người ngụ cư đầu tiên, thì những người tới trước ông ta cũng không thể tới trước quá lâu. Dù sao thì trước 1636 không nhất thiết phải có người Tàu định cư ở Thanh Hà. Hạt nhân đầu tiên của sự định cư người Tàu này do vậy được tạo nên từ một nhóm các dòng họ tới từ vài năm trước hay cùng một lúc với tổ họ Trần, khi chúa Nguyễn thiên đô tới Kim Long.
Chuyện di cư của họ diễn ra trước khi tướng Dương Ngạn Địch với hơn 3.000 người tới xin chúa Nguyễn cho định cư vào năm 1679. Họ có một vài người và chọn định cư ở làng Thanh Hà và Địa Linh, nơi hạ lưu sông Hương, cách kinh thành đương thời khoảng 5 km. Vị trí được chọn phải là một cảng sông quan trọng của vùng Thuận Hóa. Họ được chúa Nguyễn Phúc Lan cho phép mua các mảnh đất tư trong làng để xây các cửa hàng quay mặt ra sông, ven con đường làng hiện tại đi từ Bảo Vinh tới phà Thanh Phước. Vào năm thứ 6 triều Thịnh Đức, 1658, việc buôn bán này có thể được coi như chính thức thừa nhận nhờ vào việc đăng ký trong sổ điền bạ, và cái tên Thanh Hà phố đã bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ này. Dù sao chúng ta cũng biết rằng trước năm 1700, năm Chính Hòa thứ 21, khu định cư người Tàu đã tạo nên một khu phố có được sự tự trị nhất định và có tên riêng của mình: khu phố Thanh Hà (Thanh Hà phố) hay khu phố Thanh Hà được tạo nên bởi những thần dân nước ngoài của triều Đại Minh (Đại Minh khách thuộc Thanh Hà phố), mặc dù về mặt địa lý thì nó vẫn thuộc làng Thanh Hà (và tất nhiên cả làng Địa Linh).
Vào thời kỳ các khu người Tàu nhận cái tên Thanh Hà phố, nghĩa là nhận được theo tư cách một thực thể công dân, những Hoa kiều nghĩ tới việc mang tới cho cộng đồng một cơ sở tôn giáo bằng cách lập ra ở phía cực Nam của khu phố ngôi đền Thiên Hậu cung, dành để thờ vị tiên nữ nổi tiếng của vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc, được coi như người bảo trợ cho các thủy thủ và họ mang theo tín ngưỡng ấy trong quá trình lưu lạc của mình.
Nhưng giữa khi đó, khu vực của họ mở rộng. Dân Hoa kiều tăng lên sau đó do sinh đẻ cũng như do việc di dân mới. Dân cư dần dần phải mở rộng trên dải đất bồi mà dòng sông đã bắt đầu lắng lại ở ngay trước mặt khu phố và họ tìm cách gia cố và mở rộng khu vực đó. Việc nhận quyền sở hữu, với danh nghĩa tài sản tư hữu của Hoa kiều đối với các mảnh đất mới này đã được xác nhận vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) do việc đăng ký của họ vào điền bạ. Theo đó, các mảnh đất mà người Tàu ở sẽ bao gồm một phần 7 mẫu, 5 sào, 8 thước, 2 tấc, trong đó có 6 mẫu, 3 sào, 3 thước trên làng Thành Hà và phần còn lại của làng Địa Linh, điều đó thể hiện khu vực ban đầu đang lớn dần lên từ một dải phù sa. Tiếp đó, khu vực còn đang phát triển từ một suất 4 mẫu, 1 sào, 3 thước, được mua ở làng Địa Linh cho việc mở rộng khu vực buôn bán theo hướng ra phía Huế. Những mảnh đất cuối cùng này, vào năm thứ 10 triều Thái Đức nhà Tây Sơn, là đối tượng của sự tranh chấp do làng Địa Linh đưa ra, sự tranh chấp có lẽ bắt nguồn từ việc hướng của ngôi đền (chùa Ông) của làng Địa Linh ra dòng sông bị che khuất do việc mở rộng lãnh thổ của khu định cư người Tàu. Chính quyền, một phần vì sức nặng của số thuế ở các thương nhân Hoa kiều, phần khác căn cứ vào các lợi ích tín ngưỡng của dân làng Địa Linh, nên đã dàn xếp theo cách ôn hòa khi trao trả cho làng quyền sở hữu các mảnh đất ấy với điều kiện làng này cho Hoa kiều thuê lại với giá đương thời.
Mảnh đất có ngôi đền được lập sau đó, vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), vốn được mở rộng từ một mảnh đất được mua lại của làng Thành Hà.
Vào thời chúa Nguyễn, Thành Hà phố được coi về mặt hành chính là một phần phụ thuộc của Hội An phố của Quảng Nam. Dưới thời Tây Sơn (1775-1802), nó được tách ra để lập ra một đơn vị riêng với việc đổi tên từ Minh Hương Thanh Hà phố thành Minh Hương xã Thanh Hà phố, do sự giống nhau với Minh Hương Hội An phố hay Minh Hương xã Hội An phố vốn chỉ khu định cư người Hoa kiều ở Faifoo. Nhưng về mặt địa lý mà nói, khu phố luôn luôn gắn với xã Thanh Hà: Chỉ từ năm thứ 12 của triều Gia Long nhà Nguyễn (1813) thì khu phố ấy mới lớn lên ở mức một làng đích thực dưới cái tên Minh Hương.
Các rặng cây được trồng để ngăn cách một khu vực dành riêng cho đền thờ có diện tích tổng cộng là 1 mẫu 2 sào 5 tấc, chưa tính khu vực của đường cũ (7 sào 7 tấc) và con đường mới (3 sào 6 thước 6 tấc). Phần nhỏ hơn của khu vực này so với sổ trước bạ năm 1669 có lẽ là kết quả của những bồi tụ mới trong suốt 130 năm gần đây và bị các địa chủ dọc bờ sông chiếm hữu một cách cá nhân. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), cái tên Minh Hương (hương thơm của triều Minh) được thay đổi về nghĩa (làng của những thần dân nhà Minh). Hai năm sau, làng được cho phép sở hữu dải đất 1 mẫu 2 sào 7 thước 5 tấc xuất xứ từ một miếng đất bồi phía trước con đường mới.
Khu phố Thanh Hà có tên nôm là Phố Lở (khu phố bị lở) do bờ sông hơi lõm tại vị trí này, là do nhiều lần sụt lở. Hiện tượng này đã xác định chính sự lựa chọn vị trí này cho việc thiết lập một cảng sông ở hạ lưu con sông. Nhưng sự di chuyển của dòng chảy con sông xảy ra từ giữa thế kỷ XVII, có lẽ là sau một lần ngập lụt lớn, đã gây ra sự bồi đắp liên tục thấy rõ ngày một cao hơn. Vào khoảng thời Gia Long, việc bồi cát ở đoạn này của con sông tăng mạnh do việc đào sâu của dòng kênh lưu thông từ Kinh thành Huế và việc nắn thẳng lại con kênh Ngự Hà vượt qua đoạn này và làm nổi lên trước mặt ngôi làng một đảo nhỏ lớn dần lên và nay chiếm một diện tích 9 mẫu 7 sào. Bắt đầu ở giữa và kết thúc xa hơn về phía trước Triều Sơn, đảo này bị chia cắt với bờ lõm của sông bởi một "con lạch dao động từ 5 tới 20m chiều rộng". Việc chiếm quyền sở hữu một phần của hòn đảo nhỏ này vốn nằm trước mặt làng Minh Hương chỉ xảy ra dưới thời Tự Đức vì lợi ích của làng với danh nghĩa của chung.
Từ tất cả những chi tiết trên ta thấy rằng tiến trình phát triển lãnh thổ của làng Minh Hương đã trải qua sáu chặng:
-
Trước tiên là qua mua bán lập ra hạt nhân đầu tiên của khu định cư trên dải đất đằng sau con đường hiện tại, vốn thuộc về làng Thanh Hà và Địa Linh.
-
Tiếp theo là lập quyền sở hữu cho dải đất bồi phía trước con đường này.
-
Thứ ba là mua từ làng Địa Linh một mảnh đất, mảnh này sau đó lại nhập trở lại vào làng kia dưới thời Tây Sơn.
-
Bước thứ tư là mua của làng Thanh Hà một mảnh đất cho việc mở rộng nó để thành mảnh đất dành cho việc xây dựng đền thờ.
-
Bước thứ năm là dưới thời Minh Mệnh sở hữu một dải đất bồi mới.
-
Chặng cuối cùng là việc phát triển gần đây trên một phần của hòn đảo nhỏ nằm phía trước làng.
Trong hai chặng đầu tiên của sự phát triển của làng, khu định cư chỉ mang cái tên Thanh Hà phố. Chỉ từ chặng thứ tư mới xuất hiện những cái tên Minh Hương và Minh Hương xã đi trước những chữ Thanh Hà phố, rồi tên gọi rất ngắn Minh Hương xã, vào năm 1813 khu phố buôn bán trở thành một làng đích thực. Trong chặng thứ năm, bằng việc mở rộng trên dải đất bồi mới nhất, làng đổi tên Minh Hương với nghĩa "hương thơm của người Minh" thành "quê hương người Minh".
Buôn bán
Tại sao những người Hoa kiều đã chọn Thanh Hà làm nơi định cư? Chúng ta đã thấy là ở vị trí này, Hương Giang có một cảng nước sâu. Rất nhiều thuyền buồm từ phía Bắc và Nam tới qua Cửa Eo (xưa là qua cửa Thuận An) đều có thể neo đậu ở đây. Những người Trung Quốc đầu tiên tới đây có lẽ muốn định cư ở đó cho gần một kinh thành mới lập và chắc chắn nghĩ rằng cảng có thể dùng để làm nơi trú ngụ cho những tàu bè lớn của Trung Quốc mà họ hy vọng sẽ thu hút tới đây - cho tới nay, cảng duy nhất của Trung Kỳ mà tàu thuyền ngoại quốc thường xuyên lui tới, đặc biệt các tàu Trung Quốc, là Faifoo - để thực hiện các hoạt động thương mại với quê hương của họ. Vả lại, họ không được phép định cư xa hơn về thượng lưu do luật lệ của đất nước khi ấy quy định không cho phép người nước ngoài lại quá gần kinh thành. Họ định cư ở đó trước hết, hoặc như những người bán lẻ, hoặc như những thợ thủ công, hoặc như những nhân lực đôi khi thực hiện một cách lũy tích nghề y và phong thủy. Từ đó họ phân tán đi trong nhiều địa phương khác của vùng Thuận Hóa cho tới Quảng Trị và Quảng Bình.
Trong thời gian đầu, Phố Lở chắc chắn được dùng làm trung tâm tái phân phối trong Thuận Hóa đối với các hàng hóa nước ngoài tới Faifoo và người Tàu tới mua ở đây trong mùa trao đổi. Vì thế lui tới cảng không chỉ là thuyền trong nước. Nhưng sau đó, các tàu buôn Trung Hoa tới đây giống như ở Faifoo khi gió mùa Đông Bắc và mang tới các sản phẩm từ Trung Hoa như chè, thuốc, vải lụa, giày dép, đồ gốm sứ, đồ đồng, giấy thờ, giấy thường, nhựa hương, nến, hoa quả ngâm, sách chữ Nho và mang ngược trở lại vào đầu mùa gió Đông Nam những thứ như hồ tiêu vốn là thứ hàng độc quyền của nhà nước thời các chúa Nguyễn.
Những ngôi nhà của người Trung Quốc đầu tiên chỉ là những nhà tranh đơn giản nằm đằng sau con đường hiện tại, đối diện dòng sông. Khi họ đã đạt được và cải tạo dải đất bồi đầu tiên, họ xây hàng nhà tranh thứ hai đối diện hàng thứ nhất quay lưng ra sông. Vào năm 1700, họ được phép xây các ngôi nhà bằng gạch như ở Hội An để tránh hỏa hoạn. Trong mùa hoạt động buôn bán, phần lớn các ngôi nhà này được cho thương nhân Trung Hoa thuê và họ ở đó trong khoảng giữa hai đợt gió mùa. Đó cũng là lúc gần Tết nên thuyền người Tàu tới nhiều nhất.
Chính quyền luôn cố gắng kiểm soát chặt chẽ việc ngoại thương nên phó thác cho người Tàu và người lai Trung Quốc vai trò trung gian đối với việc mua bán các sản phẩm độc quyền và mua các mặt hàng cần thiết cho nhu cầu của nhà nước và vua chúa. Các quan lại của Tàu như cai tàu, tri tàu, cai bộ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thông ngôn... nói chung là được tuyển trong số những người lai Trung Quốc định cư ở Thanh Hà phố. Dưới thời Tây Sơn, trong khi các khu định cư mang tên Minh Hương xã Thanh Hà phố (vừa là làng, vừa là phố) thì cai bộ Tàu thường kiêm các chức vị hương trưởng để làm trung gian giữa làng và chính quyền cao hơn, và thông ngôn hay thông sứ kiêm chức phố trưởng để theo dõi việc buôn bán của khu phố.
Vì phần lớn các Hoa kiều và người lai Trung Quốc có học và khéo léo, biết nhiều nghề tinh xảo nên chính quyền thường có thói quen liên lạc với họ trong nhiều việc quan trọng, như việc trang trí lễ tiết, chuẩn bị các bữa tiệc, làm các buổi pháo hoa, viết thư pháp và câu đối, làm nến thờ, bóc vỏ quế. Về phía mình, các quan lại lớn thường cần tới tay nghề người Trung Quốc cho các bữa tiệc hay mua bán các mặt hàng nước ngoài. Tất cả những điều đó thể hiện một dạng lao dịch đặc biệt mà những người tỵ nạn phải hoàn thành đối với chính quyền đã tỏ ra hiếu khách đối với họ.
Nhưng ngược lại, người Tàu và người lai ở Thanh Hà phố cũng như những người ở Hội An phố đều ưa thích sự ưu đãi này. Họ được miễn trừ nghĩa vụ quân sự, thuế thân, thuế thuốc lá và đò ngang. (Tuy nhiên, chính họ là người nhận lĩnh canh cho phần lớn các chợ và đò ngang ở Thanh Hà). Với tư cách là người nước ngoài, họ chịu sự quản lý trực tiếp về mặt luật pháp của Tổng trấn mà không hề qua các quan lại như tri huyện. Nhưng khu phố hay làng của họ có nghĩa vụ công nạp vua hàng năm các đồ lễ nhân lễ tiết. Dưới thời Tây Sơn, làng Minh Hương ở Phố Lở hàng năm phải nộp vào ngân quỹ triều đình 6 nén bạc ròng như là một món quà tất nhiên nhân lễ Chánh đản (lễ năm mới), Đoan dương (ngày năm tháng năm), hay lễ Vạn thọ (ngày sinh vua) và Húy nhật (ngày kỵ của vua).
Vào một số thời kỳ, đặc biệt là dưới thời Tây Sơn, người ta đòi hỏi làng Minh Hương đóng góp bằng hiện vật thay cho các món quà bạc ròng: ngọc trai, vải, ngay cả đồ đồng, than củi để đúc súng đại bác và chuông.
Vào thời kỳ Gia Long, dân làng Minh Hương còn phụ thuộc vào nghĩa vụ quân sự và lao dịch đặc biệt, nhưng sau khi làng họ tách khỏi Thanh Hà, họ đòi hỏi cũng được miễn lao dịch mua bán với lập luận rằng dân cư làng, bao gồm cả con cháu những người di cư đầu tiên, tức là những người lai, đã giảm đi rất nhiều do các biến loạn thời Tây Sơn. Tuy nhiên, họ chấp nhận tiếp tục cung cấp những người thông ngôn và đảm bảo việc kiểm tra các con tàu người Tàu. Nhưng với tư cách những người mới bị đồng hóa, họ cần phải trả nhiều hơn so với người An Nam. Năm thứ nhất đời Minh Mệnh, quy chế mới về người lai bắt buộc họ một khoản đóng góp trị giá 2 đĩnh (tael) bạc đối với hạng người lớn và 1 đĩnh (tael) bạc đối với trẻ vị thành niên (chưa đến 18 tuổi), người già và tàn tật, các khóa sinh đỗ đạt được miễn. Kể từ năm thứ 10 đời vua Thành Thái, mọi sự phân biệt giữa người làng Minh Hương và các làng khác bị bãi bỏ, như vậy đã kết thúc việc đồng hóa người lai vào người bản địa.
Việc đồng hóa hoàn toàn cần tới hai thế kỷ để hoàn thành. Những người Tàu đầu tiên định cư trên đất nước phần lớn đều lấy người phụ nữ bản địa: đó là trường hợp Trần Dương Thuấn. Chuyện con lai trở nên phổ biến theo từng thế hệ, nhưng hậu duệ rất lâu sau vẫn bảo lưu nguồn gốc của mình, và cho tới thời Gia Long thì trước khi nơi định cư được nâng lên thành làng thực sự, họ vẫn còn sử dụng trong những đơn thỉnh cầu từ "quý quốc" khi nói về quốc gia bảo trợ họ. Người ta không biết là vào thời điểm nào họ đã bắt đầu theo phong tục An Nam. Theo các tài liệu lưu trữ về làng, chúng ta chỉ biết rằng vào thời chúa Nguyễn, tất cả người Tàu và người lai Tàu định cư lâu hay mới đều ghi đăng ký cùng danh nghĩa Thanh Hà phố. Chính dưới thời Tây Sơn, sau khi xuất hiện cái tên Minh Hương xã, người ta bắt đầu dành một vai trò đặc biệt cho người lai (Minh Hương) và một vai trò khác cho Hoa kiều đích thực có gia đình và nhà trong khu phố (Thanh Hà phố). Vào năm thứ 11 đời Gia Long (1812), một chỉ dụ chia khu người Tàu thuộc Minh Hương thành năm hội đoàn và bắt các thành viên buộc phải mang theo thẻ căn cước. Biện pháp này bị bãi bỏ năm 1814; nhưng năm 1816, Minh Hương, lúc này đã là một làng, yêu cầu các cư dân lai phải đăng ký với vai trò khác với vai trò của năm hội đoàn bao gồm tất cả những người di cư mới tới đã ở hoặc Minh Hương, hoặc Chợ Dinh, hoặc trong các làng khác, đi từ đèo Hải Vân tới Bố Chánh (tỉnh Quảng Bình). Những người lai Tàu do vậy cố gắng tự coi mình như những người bản địa đích thực.
Suy thoái
Trong Những kỷ niệm về Huế của Michel Đức Chaigneau, có một đoạn miêu tả về Phố Lở (mà tác giả này gọi nhầm là Bao Vinh) vào thời Gia Long và đã chứng minh cho chúng ta thấy địa điểm này như một trung tâm thương mại của những người phát đạt nhất. Cảng này thường xuyên có các thuyền lớn của người Hoa, tàu của người Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cảng này cũng được dùng làm nơi đăng ký cho hai chiếc tàu "Phụng phi" và "Long phi" của Gia Long do Vannier và Forant điều khiển, họ đã ở trong làng gần kề với đền Thiên Hậu.
Theo nhật trình con tàu của ông, chuyến viễn du thứ hai tới Nam Kỳ của con tàu Le Henri trong năm 1819 và ba tháng đầu năm 1820, thuyền trưởng Rey kể rằng thuyền của ông ta neo đậu đối diện một ngôi làng "có sẵn đủ mọi thứ dự phòng" và không phải đâu khác ngoài Minh Hương. Phố Lở theo các chứng cứ trước đó tất phải là một trung tâm thương mại phát triển đương thời.
Tuy nhiên, nếu cho rằng một phần dân số của làng đã rời đi trong những cuộc biến loạn thời Tây Sơn, thì có thể kiểm chứng bằng cách so sánh con số dân chúng khi đó với số dân thời trước, và người ta có thể nhận ra rằng Phố Lở đã có một hoạt động lớn hơn vào khoảng cuối thời kỳ các chúa Nguyễn. Các tài liệu của làng cho chúng ta con số 792 nhân khẩu đăng ký vào năm Quang Trung thứ 2 (1789). Nhưng trong suốt thời Tây Sơn khi các thứ thuế đối với người Minh Hương quá nặng nề, một số lượng lớn dân chúng đã đi tìm lánh nơi khác hay trở thành tay chân hoặc lính cho phủ quan hay các đội lính để tránh thuế. Sáu năm sau, năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1795), chỉ còn khoảng 50 hay 60 người trong làng. Vào năm đời Gia Long thứ 16 (1818), có khoảng 60 nhân khẩu đăng ký, trong đó hơn 20 là thuộc hạ trong các quan phủ.
Có lẽ không thích hợp khi coi những con số này như là chính xác tuyệt đối, vì thói quen mà các làng có và còn giữ được về việc giấu một phần nhân khẩu đăng ký. Chúng ta cũng không thể đặt tin tưởng trên cơ sở sự khác nhau mang tính hình thức của các con số để kết luận rằng qua thời Tây Sơn, làng Minh Hương đã mất hơn 19/20 dân số, vì các con số được đưa ra thời Cảnh Thịnh và Gia Long chưa tính tới vai trò người lai, số nhân khẩu theo nghĩa sát nhất của làng, trong khi số nhân khẩu được nêu ra thời Quang Trung cũng bao gồm những người Tàu di cư mới tới. Với hơn 30 người lai (thậm chí người ta có thể ước tính gấp năm lần mới gần tới sự thực) còn lại trong làng vào thời Gia Long, tức là có một con số rất lớn người Tàu nguyên gốc, những người mới tới hay quá độ do vấn đề thời tiết, khiến cho Phố Lở có thể đạt tới sự sầm uất mà Michel Đức Chaigneau đã miêu tả.
Những con số này tuy nhiên cũng cung cấp cho chúng ta thấy một chỉ dẫn cho thấy một xu hướng suy thoái, mặc cho sự phồn thịnh mang tính tạm thời có được nhờ hòa bình được lập lại. Xu hướng này cũng có những nguyên nhân mang tính địa lý. Hiện tượng bồi cát của một phần dòng sông trong phần đối diện với làng tăng mạnh vào thời đầu Gia Long và dẫn tới sự xuất hiện đảo nhỏ mà chúng ta đã nhắc ở trên. Trong vùng quanh đảo nhỏ này, đáy sông được nâng cao khiến cho cảng không cho các tàu thuyền lớn ra vào và kể từ đó buộc phải dừng ở độ cao "Thanh Phước, nơi có xưởng tàu và các bến ụ khô".
Các tàu thuyền An Nam đến từ phía Bắc và phía Nam cũng có xu hướng rời Phố Lở để ngược lên Bao Vinh kể từ khi đó đã phát triển thành cảng ngoài của Huế cho việc đi lại của các thuyền nhỏ. Trong khi đó, các ghe thuyền người Tàu lại ngược tới Chợ Dinh, nơi có số lượng lớn người Tàu và người lai tới từ làng Minh Hương đã định cư ngay từ năm đầu Gia Long. Trong một giấy tờ chính thức được đề vào năm thứ 9 của Gia Long, làng Minh Hương được chỉ như thế này: Thanh Hà Chợ Dinh nhị phố Minh Hương xã (làng Minh Hương bao gồm hai khu phố của Thanh Hà và Chợ Dinh).
Nhưng cho tới thời Minh Mệnh, các hội đoàn người Tàu với số lượng là bốn vẫn còn chỗ của họ ở Phố Lở vì cảng vẫn còn dùng được. Hiện tượng bồi cát chỉ khiến nó chấm dứt hoạt động hẳn vào thời Tự Đức. Ngay từ những năm đầu của thời kỳ này, các hội đoàn di cư hướng về phía Chợ Dinh, và tiến trình suy thoái tiếp diễn tới mức mà vào năm 1876, Dutrueil de Rhins, chỉ huy tàu Scorpions, tàu chiến được Pháp tặng cho triều đình Huế theo điều ước 1873, khi đi ngang qua Phố Lở đã không hề chú ý gì tới đây. Chỉ khi vượt qua mũi Nam của hòn đảo như Minh Hương thì ông ta mới nhận thấy hoạt động của Bao Vinh mà ông ta gọi nhầm là Mang Cá. Thật may mắn, một viên quan có gốc Minh Hương là Trần Tiễn Thành, hậu duệ đời thứ bảy của Trần Dưỡng Thuần, Thượng thư Bộ Lại tương lai của triều Tự Đức, đã tiến hành cứu phần còn lại của làng và mang lại cho làng một cơ sở bền vững.
Ông ta cho mua những ngôi nhà và mảnh đất người Tàu bỏ lại, sửa sang và mở rộng phần phù sa bồi đắp phía trước mặt của trang ấp được cấp, kéo dài từ con đường Thanh Hà tới phần đất của cung Thiên Hậu. Vì ngôi làng không có phần công điền trồng lúa dùng cho việc thờ cúng, nên ông ta đã dành cho làng 21 mẫu lúa công mua được từ làng Hòa Đa và An Xuân (huyện Phú Vang), 10 mẫu lúa tư được mua ở làng Triều Thủy (huyện Phú Vang), 5 mẫu lúa tư được mua ở làng Triều Sơn (huyện Hương Trà), và 10 mẫu đất thổ canh của làng An Quán (Thành phố Huế). Ông cũng lập ra quy chế cho các buổi lễ và ăn uống chung vẫn còn hiệu lực đến ngày nay.
Sau khi cảng bị rời bỏ, những người Tàu sống nhờ vào nghề buôn bán đã chuyển về Chợ Dinh hay nơi khác, tất cả những người lai sống bằng nghề buôn bán cũng ra đi tìm một nơi thuận tiện hơn trong công việc của mình. Chỉ còn lại trong làng những người được giao cho việc trông nom nơi thờ cúng và một số giống cây nông nghiệp. "Khu phố sụt lở" trở thành "khu phố sụp đổ", chỉ còn là một ngôi làng giống bao ngôi làng khác, không có diện mạo đặc biệt, chỉ còn giữ lại theo gốc gác cái tên của Minh Hương và việc thờ cúng Thiên Hậu mà những tổ tiên xa xưa mang theo trong chuyến rời bỏ của mình.
Làng bao gồm 16 mẫu (bao gồm 4 mẫu trên đảo) hiện tại có 348 nhân khẩu, mà phần lớn đã lập nghiệp nơi khác, số ít khắp nơi, một số là quan liêu, số khác là thương nhân và trồng trọt. Chỉ còn trong làng 9 nhân khẩu với 21 người nước ngoài đến từ làng bên.
Chúng tôi đã thấy rằng do việc bồi cát ở cảng mà trung tâm thương mại Phố Lở đã bị hoang phế và chuyển sang Chợ Dinh. Không vô ích khi chúng ta nói vài lời về trung tâm này, nơi khu định cư Phố Lở - khu định cư đầu tiên của người Tàu được xác định. Trong khi Phố Lở suy thoái thì Chợ Dinh dần dần trở nên sầm uất hơn. Dưới thời Gia Long và Minh Mệnh, một số lượng nhất định người Tàu từ Phố Lở và các nơi khác đã định cư ở đây. Nhưng theo Kỷ niệm của Michel Đức Chaigneau, ở Chợ Dinh cũng như ở Chợ Được (nằm giữa cây cầu hiện tại Gia Hội và Chợ Dinh) chưa có nhiều cửa hàng của người Tàu. Ngược lại, ở Kẻ Trài, những người Tàu làm nhiều nghề khác nhau, kể cả buôn bán.
Nhưng vào thời Tự Đức, ở Gia Hội (tên xưa là Chợ Được) và ở Chợ Dinh, người ta thấy những cửa hàng của người Tàu đặt hai bên đường. Các ghi chép sau này của Dutreuil de Rhins cho thấy sự hoạt động náo nhiệt: "Con phố chạy tới sát chân cầu có những cửa hàng của người Tàu. Chính quyền An Nam, vốn rất nghi kỵ người nước ngoài, đã mở cửa cho họ nhưng chỉ với một tỷ lệ rất thấp. Tại Bắc Kỳ, nơi họ đông nhất, người ta tính ra chỉ có khoảng mười nghìn, và trong mỗi tỉnh của Trung Kỳ nói riêng, không có tới năm trăm. Tương tự như thế, trong tỉnh Huế chúng tôi chỉ thấy khoảng hai trăm người ở Thuận An, chủ yếu rải rác trên các ghe mành người Tàu hay phục dịch vua, một trăm năm mươi tới một trăm tám mươi ở Chợ Được và khoảng hai mươi lập nghiệp chung quanh. Dù không nhiều lắm nhưng người Tàu đã nắm giữ mọi ngành buôn bán lớn; cửa hàng của họ ở Chợ Được giống như một cửa hàng bách hóa: người ta có thể thấy nhất là vải Tàu và Anh, bằng lụa, bông, đồ sứ, bát đĩa, đồ đạc bằng gỗ, chè, thuốc nhuộm, đồ làm sẵn kiểu Tàu, thuốc lá, văn phòng phẩm, đồ chơi, đồ thờ cúng, đồ làm bếp, làm vườn... Những người Tàu này tới từ nhiều tỉnh khác nhau: Hải Nam, Quảng Châu (Canton), Phúc Kiến... và có vẻ như vô cùng đoàn kết, dù thuộc về những hội đoàn tín ngưỡng khác nhau. Người ta thấy rằng ở tất cả bọn họ, lòng tự tôn giống nòi và ý thức của một thượng đẳng hơn hẳn người An Nam. Những thương nhân Tàu bình thường ấy, dù không có ở xứ sở này lãnh sự hay các nhóm bảo vệ quyền lợi, luôn ngẩng cao đầu trước người An Nam, quan to hay nhỏ, không nhường bước trước bất cứ ai, thể hiện công khai sự thương hại đối với người bản xứ và là những người được kính trọng nhất".
Vào thời kỳ này, những người Tàu ở Chợ Được và Chợ Dinh đã thay thế người Tàu ở Phố Lở (có thể là cùng một họ) để thâu tóm lấy ngành thương mại lớn của xứ sở này. Họ còn có các phương tiện khác để hút tiền của người An Nam, như mở sòng bạc và tổ chức các trò thả thơ, chưa kể cách cho vay nặng lãi của họ với mức cao. Họ được chính quyền cho phép lĩnh canh các chợ, thuốc lá, độc quyền thuốc phiện và rượu bằng việc trả hàng đĩnh bạc lớn. Một số người Tàu có thế lực cũng nhận được sự độc chiếm đối với việc cung ứng các nhóm hàng đủ loại dành cho vua và triều đình.
Chú thích
-
Cách gọi Trung kỳ của người Pháp khi đó (ND. Kể từ đây nếu không có chú thích đặc biệt thì đều là của chính tác giả Đào Duy Anh).
-
Nguyễn Thiệu Lâu, Sự hình thành và phát triển của làng người Minh Hương (Faifoo), B.A.V.H, 1941, số 4. Đây cũng là tên của Hội An thời trước (ND).
-
Có thể tự hỏi liệu người Hoa được chứng minh trong khu định cư này không tới từ một vùng khác mà người ta có thể giả thiết nằm gần kinh đô cũ của chúa Nguyễn ở Phúc Yên trên Sông Bồ hay không, và không theo chúa từ xa tới trong quá trình thiên đô. Chúng tôi đã thận trọng hỏi những người già cả trong làng và không một điều nào cho phép chúng tôi giữ lại sự nghi ngờ này.
-
Cuốn gia phả nêu ra năm sinh là năm thứ 29 triều Gia Tĩnh (1550), tức là Dương Thuần thọ 138 tuổi chứ không phải 79. Chúng tôi tin là ngày mất gần với sự thật hơn. Năm sinh được nêu ra chắc là kết quả của việc tính nhầm, do tác giả cuốn gia phả lấy căn cứ là tuổi và ngày mất. Tuy nhiên đó không phải là lỗi duy nhất của cuốn gia phả. Chúng tôi còn thấy một lỗi liên quan tới ngày tháng của An Nam được đưa ra tương ứng với ngày Trung Hoa và ngày chu kỳ của cái chết.
-
Theo Biên niên sử triều Nguyễn (Đại Nam thực lục tiền biên), Nguyễn Phúc Chu, sau khi đã lập ra Đông Phố mới lấy được của Campuchia, vào năm 1698 đã cho tập hợp tất cả người Hoa ở dinh Trấn Biên trong một làng có tên Thanh Hà (thần dân triều Thanh) và những người định cư ở dinh Phiên Trấn thành một làng có tên Minh Hương (thần dân triều Minh). Chúng ta còn chưa kiểm chứng được điều khẳng định này. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải quả quyết rằng làng Thanh Hà nằm gần Faifoo (Hội An - ND) và làng dừng làm trạm dừng chân cho Hoa kiều từ Quảng Nam trong những chuyến đi liên miên của họ, và làng Thành Hà nơi người Hoa từ Thừa Thiên định cư, không có điểm gì chung với những thần dân triều Thanh. Có những làng Annam đích thực tồn tại trước khi người Hoa tới. Nhưng cần phải thú thực là sự trùng hợp là kỳ lạ.
-
Một tờ giấy đề năm thứ 16 đời vua Minh Mệnh (1835) nói rằng đền thờ được di lên cao từ 150 năm nay. Không thể có các tư liệu chính xác hơn; các ghi chép còn lại cho đến nay chỉ cho biết những ngày tháng của lần chuẩn bị mới đây.
-
Giấy tờ mua bán tập thể được một nhóm người dân làng Thanh Hà ký có đề ngày thứ 28, tháng thứ 7 năm thứ 7 đời vua Cảnh Hưng (tư liệu của làng Minh Hương) - Mảnh đất này được biểu thị trên sơ đồ ở phần thứ 4.
-
Phố Lở và Minh Hương và maicons của Thợ đan lát và De Forant, của Morineau, BAVH, số 4 năm 1919.
-
Sơ đồ của dòng sông Huế nâng cao lên của M. Fargues năm 1875 là bản đồ đầu tiên, ở đó đã có hòn đảo nhỏ của Minh Hương (xem chú thích 2 trang 261).
-
Xem bản đồ làng Tấm khắc ván XXII, phần số 1.
-
Xem bản đồ làng Tấm khắc ván XXII, phần số 1.
-
Xem bản đồ làng, phần số 2.
-
Xem bản đồ làng, phần số 3.
-
Xem bản đồ làng, phần số 4.
-
Xem bản đồ làng, phần số 5.
-
Xem bản đồ làng, phần số 6.
-
Ở Faifoo, các loại bình và đĩa bằng đồng tới từ nước ngoài thông thường không phải hàng nghìn mà là hàng chục nghìn. Các thương nhân người Hoa mua chúng rồi bán lại ở Thành Hà phố và lãi rất lớn (Lê Quý Đôn; Phủ biên tạp lục, quyển IV).
-
Xem thông báo của thuyền trưởng tàu Thiên Nguyên từ Quảng Đông về các mặt hàng được bán cho Nhiệm Lương Thuận ký vào năm thứ 8 đời vua Gia Long và tuyên bố của chính quyền địa phương Minh Hương về các mặt hàng bị tịch thu qua phiên dịch của Lữ Hữu Dinh vào năm thứ 10 đời Gia Long.
-
Theo Phủ biên tạp lục, quyển IV: Mỗi năm, vào lúc thượng tuần thứ năm, Chúa sai đội trưởng và lính ra bãi ở Bãi Tròi, huyện Minh Linh. Họ ra lệnh cho dân chúng cho hồ tiêu vào túi và số lượng phụ thuộc vào tầm quan trọng các mảnh vườn. Họ mua theo giá định sẵn là 5 quan mỗi gánh, chở theo thuyền ra phố Thanh Hà để bán cho người Trung Hoa. Người dân địa phương bị cấm tự mình bán cho người Tàu.
-
Theo một lá đơn đề tháng thứ 11 năm thứ 9 đời vua Gia Long, chính quyền làng xã Minh Hương đề nghị được đo đạc vùng điền thổ.
-
"Đi theo con đường này ra hướng biển, ta thấy trên đoạn đi qua có một con lạch nhỏ được bắc bằng một chiếc cầu gỗ tồi tàn, và qua thành phố khoảng 2 km, người ta tới một con đường rộng có ở cả hai phía những ngôi nhà rộng rãi lợp ngói tạo nên từ một số những ô vuông nhà được gắn kết với nhau bằng những hành lang có mái che kề bên với một cái sân ở chính giữa, và từ số khác là những ngôi nhà riêng lẻ có vườn đằng sau. Tất cả các ngôi nhà lớn ấy gần như là giống nhau, cả về kiến trúc cũng như cả về nội thất; các căn nhà chính được chia nửa theo chiều dài và có một lối đi rộng ngang qua chính giữa; phần quay ra đường phố tạo nên hai cửa hàng, và các gian đằng sau cũng như phần phụ thuộc dùng để cho thuê hay làm cửa hàng. Con phố này có tên là Bao Vinh. Giữa người Trung Kỳ và người Tàu có quan hệ buôn bán lớn, nhất là các đồ xa xỉ phẩm. Do vậy các cư dân của khu phố này nói chung có cuộc sống sung túc hơn so với các khu phố ngoại ô của thành phố. Đi qua con phố này, người ta có thể không khó khăn khi thấy những người giàu có hơn ở khu phố, dù ồn ào một chút nhưng cũng cần cù hơn trong công việc và ít rong chơi. Những người Tàu chiếm phần lớn các cửa hàng có phần lớn các sản phẩm từ Trung Hoa; và trong đường phố đi lại không ngừng những người không bỏ phí thời gian, kể cả những việc thấp kém nhất để một ngày nào đó nhờ tiết kiệm sẽ trở thành những thương gia như đồng bào họ." - Trích dẫn của Lê Bá Vinh, người dịch.
-
Các học sinh Trường Viễn Đông Bác Cổ đã được yêu cầu vẽ sơ đồ toàn bộ các làng được đề cập tới. Chúng tôi giữ lại các bản vẽ của nhiều vùng do sinh viên Vũ Mạnh Hùng cung cấp.
-
Theo bản đồ của Le Floch de la Carrière được in lại trong Tập tranh lịch sử của Đông Pháp (Paul Boudet và Andre Masson, Nhà xuất bản G.V.Oeíit, Paris, 1931), bản đồ đề năm 1787, tức là vào thời Tây Sơn, 15 năm trước khi vua Gia Long lên ngôi, chúng ta có thể thấy Phố Lở là một trung tâm khá sầm uất và đảo nhỏ Minh Hương còn chưa xuất hiện.
-
Xem chú thích của bản báo cáo được dẫn của Morineau, BAVH số 4 năm 1919, trang 155. Sơ đồ dòng sông Huế hay của Kigne được L. Rey vẽ năm 1819 (in lại trong BAVH năm 1933, số 1-2, tranh số 1) còn chứng minh cho chúng ta thấy rằng Phố Lở như một trung tâm thương mại người Trung Hoa mà chưa hề có đảo nhỏ Minh Hương.
-
Sơ đồ dòng sông ở Huế được M. Fargues vẽ vào ngày 9 và 11 tháng 1875 (thời Đức Đức) và in lại trong BAVH 1933 (số 1 và 2), là bản đồ đầu tiên mà người ta thấy hiện ra hình ảnh Minh Hương. Sơ đồ này mặt khác cho chúng ta thấy Phố Lở không còn như một trung tâm thương mại lớn nữa.
-
. R. Morineau, đã dẫn.
-
. Xem Bao Vinh, cảng thương mại của Huế của R. Morineau, BAVH, II 1916, trang 198-210.
-
. "Sau khi đã vượt qua mũi Nam của đảo, chúng tôi đi vào phần hẹp nhất của dòng sông tạo thành một đường cong không rõ cho tới góc phía Bắc của thành, các bờ tường lũy nổi lên rõ hơn. Phía bên phải chúng tôi là làng Mang Cá (miệng cá) bị một dòng suối nhỏ cắt ngang làm đôi. Sau cái cầu là cái chợ, những người hiếu kỳ bỏ đó để xem chúng tôi đi qua. Những túp lều xếp hàng ven mặt nước có vẻ như là những ngôi nhà, bởi vì những bức tường đều bằng đá, phần trừ ra được giải thích là do ngập lụt thường xuyên từ tháng Mười tới tháng Giêng. Chính ở đây là cảng trong của Huế. Nhiều thuyền mành của người An Nam và người Tàu xếp kín dòng sông hẹp và sâu (160m chiều rộng, 4-8m chiều sâu)". J. Doutreuil de Rhins: Vương triều An Nam và những người An Nam, Librairie Pion, 1889, trang 79-80.
-
Trong những con số này không tính phụ nữ và trẻ em.
-
Theo Đại Nam nhất thống chí, địa điểm có những cửa hàng người Tàu là khu phố Đồng Gia, nằm ở thượng lưu của Kẻ Trại.
-
Xem Michel Đức Chaigneau, sđd, trang 184-193.
-
Thuận An có những ghe mành và các cửa hàng của người Tàu thuộc về Chiêu thường cục, công ty hàng hải của người Tàu do Lý Hồng Chương lập và được triều đình Huế cho độc quyền chuyên chở tiền đồng và các sản phẩm liên quan tới thuế.