Phụ phẩm từ trồng trọt
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, tính đến hết quý III/2022, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh đạt 10.068ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP Tân An với sản lượng thu hoạch khoảng 190.000 tấn, giảm 55.000 tấn so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh, chưa kể giá vật tư đầu vào, phân bón tăng cao khiến nông dân thua lỗ. Một số nơi, nông dân đã phá bỏ cây thanh long, chủ yếu là các vườn già cỗi, năng suất, chất lượng trái thấp.
Tuy nhiên, đối với các HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An chủ động sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn được thương lái thu mua ổn định, từ đó nhiều nhà vườn đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất từ sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ. Đáng chú ý, họ còn tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có ý tưởng biến cành thanh long thừa thành phân hữu cơ, giảm chi phí sản xuất tăng thu nhập.
Trước nhu cầu thực tế cần phân bón cho vườn thanh long rộng 3ha, từ vài năm nay, anh Võ Văn Khanh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã áp dụng phương pháp ủ phế phụ phẩm trong nông nghiệp với chế phẩm sinh học để tạo thành phân bón hữu cơ.
Theo anh Khanh, bình quân một năm mỗi trụ thanh long loại bỏ từ 10 - 12kg các phế phẩm như cành, bông lép, trái thối. Mỗi ha trồng thanh long có khoảng 1.200 - 1.300 trụ, như vậy, hàng năm, tổng lượng phế phẩm của thanh long thải ra môi trường khoảng 12-15 tấn/ha. Với lượng lớn phế phẩm từ cây thanh long, nếu không biết tận dụng sẽ là nguồn rác khổng lồ thải môi trường.
Những cành thanh long già cỗi sau khi cắt bỏ được tập kết lại, đầu tư máy xay để nghiền nát những vỏ cây gai góc ấy, đem trộn và ủ với một loại chế phẩm sinh học với tỉ lệ 3 lít/tấn, giữ ở độ ẩm rồi ủ đóng 3-4 ngày đảo trộn đều và ủ tiếp 5 - 7 ngày cho ra thành phẩm là nguồn phân hữu cơ giá trị, rồi đem bón ngược lại cho cây thanh long.
Với cách ủ phân này, người dân có thể ủ hoai nhanh phân chuồng, phân xanh ở quy mô hộ gia đình, khử mùi hôi của phân, ức chế vi sinh vật gây bệnh cho người, động vật và cây trồng. “Lợi thế của phương pháp này là tận dụng được nhiều phế, phụ liệu trong nông nghiệp như vỏ trấu, lúa lép, vỏ hạt điều, rơm rạ… để chế biến thành phân hữu cơ sinh học, giúp cải tạo phục hồi, tăng độ phì nhiêu cho đất trồng màu mỡ và không gây hại đến môi trường sống, cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, tạo một hệ sinh thái tuần hoàn khép kín ngay tại vườn thanh long. Ngoài ra, việc bón phân hữu cơ cho cây thanh long giúp cho cây xanh tốt, không bị nấm cành, trái có độ ngon, ngọt.
Không dừng lại ở việc làm phân hữu cơ để bón cho vườn thanh long, anh Khanh kết hợp với một người anh để biến vỏ tràm - một loại phế phụ phẩm trong ngành gỗ thành phân hữu cơ. Mỗi năm, anh Khanh thu mua khoảng 1.000 tấn vỏ tràm từ các nhà máy sản xuất gỗ lớn, từ đó tạo ra khoảng 400 tấn phân hữu cơ.
Ngoài việc sử dụng phân hữu cơ bón cho cây thanh long của mình, anh Khanh còn cung ứng nguồn phân hữu cơ cho các nhà vườn có nhu cầu làm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Long An với giá trung bình từ 1,5 - 3 triệu đồng/tấn (tùy loại, thành phẩm hay bán thành phẩm).
Phế phẩm từ chăn nuôi
Gắn bó với nghề nông từ nhiều năm nay, ông Thái Thanh Hòa (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Phó Giám đốc HTX Công nghệ cao Phước Điền luôn đau đáu với việc làm sao để sản phẩm của mình cung cấp ra thị trường được tươi, sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Hòa cho biết, nhờ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thượng tập huấn, hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ vi sinh tại nhà mà ông và bà con trong huyện, trong HTX, đã biết tận dụng nguồn phân thải trong chăn nuôi để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, bón cho cây trồng tươi tốt, an toàn mà không phải lo lắng khi giá phân bón tăng cao và khan hiếm.
Với diện tích 5.000m2, ông Hòa chỉ trồng duy nhất một loại rau húng lủi để cung cấp cho thị trường, mỗi tháng khoảng gần 1.500kg.
Theo ông Hòa, từ khi áp dụng ủ phân hữu cơ vi sinh tại nhà, không chỉ giúp ông và nhiều bà con tiết kiệm được phần chi phí phân bón mà còn tận dụng được ngay những phế phụ phẩm trong nông nghiệp tại địa phương như phân dơi, phân dê, phân bò, rơm rạ…
“Tôi thường mua phân dê, phân gà của bà con chăn nuôi trong xã, trong huyện rồi trộn đều với trichodemar ủ kín. Khoảng 10 ngày, mở ra xem, nếu phân khô thì tưới nước thêm, còn ẩm thì tiếp tục tiến hành ủ. Thường ủ khoảng 6 tháng sẽ có được loại phân hữu cơ vi sinh tốt cho cây trồng. Từ khi áp dụng phương pháp này, chúng tôi không phải sử dụng phân hoá học, vừa bảo vệ môi trường, vừa an toàn cho chính mình, gia đình mình và người tiêu dùng”, ông Hòa nói.
Cứ sau 4 đợt thu hoạch húng lủi thì ông Hoà lại xới đất, rải phân hữu cơ bón lót để đất được tơi xốp, bắt đầu cho vụ mùa tiếp theo.
Cũng là một thành viên của HTX Công nghệ cao Phước Điền, ông Nguyễn Tấn Thành (ấp Tân Điền) canh tác trên diện tích 3.000m2, trồng rau quế, rau cải, hẹ và chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh tự ủ tại nhà để bón cho cây.
Mỗi năm, ông Thành ủ phân một lần để cung cấp khoảng 800kg phân hữu cơ đủ bón cho 3 loại rau trong vườn. Để việc ủ phân không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ông Thành đầu tư một bể xi măng, mỗi lần ủ là trải một lớp phân dê rồi tưới một lớp phân urê, phân lân, thao tác này được lặp đi, lặp lại cho đến khi đầy bể xi măng.
“Chi phí ủ phân hữu cơ vi sinh tại nhà chỉ khoảng 2 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mua phân bên ngoài. Phân hữu cơ vi sinh tự ủ chất lượng tốt hơn so với phân hữu cơ bên ngoài và mình biết được từng loại nguyên liệu sử dụng, cũng yên tâm hơn. Nhờ việc ủ phân này, đã giúp gia đình tôi giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, hướng đến sản xuất rau theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Tôi và các thành viên trong HTX cũng khuyến khích bà con bón phân hữu cơ để cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng ”, ông Thành chia sẻ.
Việc tận dụng hiệu quả những phế phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ đem lại giá trị cao về mặt kinh tế cho người nông dân, mà còn giúp giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh, bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau.