Trong hai ngày (27-28/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do T.Ư quản lý).
Cùng với nội dung này, chiều ngày 28/10, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, nhất là quý III tăng tới 13,67%. Các khu vực của nền kinh tế và hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, có trên 163.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chính phủ cũng dự kiến năm nay sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 03 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các đại biểu trong phiên thảo luận tổ đều nhận định tích cực về kết quả phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời cũng lưu ý nhiều vấn đề như lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của DN và đời sống người dân; giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết. Có tới 39/51 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao…
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%.
Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Chính phủ đề xuất dành 12.500 tỉ đồng để tăng lương từ 1/7/2023.
Theo tổng hợp thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án tăng lương cơ sở này. Một số ý kiến đề xuất, Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.