Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Việc thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định đã dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện và khiến tình trạng trễ hạn thanh quyết toán chi phí xảy ra phổ biến.

Chiều 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Một nội dung được các đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm là vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Theo ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình), nhiệm vụ của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) là kiểm tra, rà soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT của cơ sở KCB BHYT, người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật BHYT.

Riêng giám định chuyên môn thuộc nghề y, nên đề nghị giao cho một Hội đồng có chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ về cơ sở KCB có quyền đề nghị ký hợp đồng và cơ quan BHXH có quyền đồng ý hoặc từ chối ký hợp đồng KCB BHYT.

Còn ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở KCB BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở Khoản 4, Khoản 5. Tuy nhiên, việc bệnh nhân KCB BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi BV không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.

“Trước khi trình Dự thảo Luật tại Kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện”, ĐB Trần Chí Cường nêu rõ.

Vì vậy, ĐB Trần Chí Cường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở KCB không có thuốc và vật tư y tế tại Điều 31, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi KCB BHYT.

Về tăng cường vai trò quản lý giám định BHYT của Bộ Y tế, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, theo Khoản 6, Điều 2 của Luật BHYT, công tác giám định BHYT là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế do tổ chức BHYT tiến hành. Tuy nhiên, thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, nên đã dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện (BV) và khiến tình trạng trễ hạn thanh quyết toán chi phí xảy ra phổ biến (năm 2023 có tới 30% cơ sở KCB gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định).

Để giải quyết vấn đề này, ĐB Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung quy định trong Luật BHYT, yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế, giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH với ngành Y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở KCB và người bệnh.

Về cung ứng thuốc và vật tư y tế cho người bệnh, ĐB Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung vào Điều 43 Luật BHYT quy định: “Cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người bệnh BHYT”. Đồng thời, nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở KCB có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp người bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi ngay tại cơ sở KCB, giảm TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý chi phí.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng đề xuất ngành Y tế thành lập Hội đồng giám định chuyên môn là rất lý tưởng, song ngành Y tế không thể thực hiện công tác giám định được, do khối lượng công việc rất nhiều và không đủ bác sĩ chuyên môn để thành lập hội đồng. Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung vào Khoản 6 Điều 2 về việc Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý để làm cơ sở giám định thanh toán chi phí KCB BHYT.

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, thực tế chứng minh và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan BHXH chỉ thực hiện giám định tài chính trên cơ sở quy định về chuyên môn của ngành Y tế, còn ngành Y tế phải chịu trách nhiệm về chuyên môn và chất lượng KCB- điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động giám định nếu thay đổi, ngoài việc giảm những tranh cãi không đáng có giữa cơ quan BHXH và y tế, điều quan trọng hơn là giúp nâng cao chất lượng, hạn chế lạm dụng điều trị có xu hướng ngày càng tăng hiện nay. “Việc sửa luật theo hướng tăng quyền lợi cũng phải tính đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT, vì vậy cần đưa vào luật này Ngân sách Nhà nước có trách nhiệm bổ sung để duy trì hoạt động”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu lưu ý.