Săn tìm nhân tài là thực tế mới của ngành du lịch Việt Nam

Song song với mở lại biên giới quốc tế và triển khai nhiều chương trình xúc tiến du lịch, các khách sạn, công ty lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ liên quan trên cả nước có thể phải đối mặt với một vấn đề lớn -- đó là thiếu hụt lao động có trình độ.

Ảnh minh họa

Suốt thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trong năm 2020-2021, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải cắt giảm nhân sự (có kinh nghiệm chuyên môn). Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp ngành du lịch đã cắt giảm nhân sự đến 70-80% trong năm 2020. Năm 2021, số lao động làm toàn thời gian chỉ còn ở mức 25% so với năm 2020, trong khi đó khoảng 30% lao động nghỉ việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Những lao động này quay lại với công việc cũ trước khi theo ngành du lịch và khách sạn, hoặc tìm việc làm khác. Hiện tại, rất nhiều người trong số họ không muốn trở lại làm việc trong ngành du lịch, đặc biệt khi mức lương không còn đủ hấp dẫn.

Tình trạng mất cân bằng cung và cầu nghiêm trọng đối với lao động có trình độ vốn đã là vấn đề nan giải của ngành từ trước khi đại dịch bùng phát. Thực tế số liệu thống kê từ trước đại dịch cho thấy chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.

Hợp tác trong giáo dục và đào tạo

Ngành du lịch cần nỗ lực đưa ra các biện pháp đồng bộ nhằm khuyến khích lao động có trình độ quay lại làm việc, đồng thời đào tạo lại những nhân viên đã làm việc lâu năm. Và trên hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở đào tạo cho tất cả các cấp độ, cũng như xây dựng các trường quản trị du lịch và khách sạn với chương trình giảng dạy được quốc tế công nhận.

Ngày càng có nhiều nhân tài tiềm năng được đào tạo bài bản về du lịch và khách sạn tại các trường đại học, cao đẳng, và họ sẵn sàng tham gia thị trường lao động ở cấp quản lý. Ngành du lịch nên tạo cơ hội và thu hút nguồn nhân lực này với mức lương cao hơn bình thường.

Về mặt chính sách, cần đặc biệt lưu ý đến các định hướng giáo dục đào tạo được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Phát triển nhân tài ngành du lịch và khách sạn là ưu tiên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Tổng cục Du lịch.

Sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch là hết sức cần thiết để đảm bảo rằng Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Một giải pháp mà Chính phủ có thể triển khai là đưa ra ưu đãi thuế cho các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch và khách sạn. Nhiều doanh nghiệp có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo ngành du lịch tại chỗ, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí. Nếu huy động được sự tham gia của họ thì nỗ lực mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng sẽ được nâng cao, giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam.

Doanh nghiệp du lịch mong muốn đào tạo (lại) hay trau dồi trình độ (lại) cho nhân viên của họ ở mọi cấp độ cũng có thể hợp tác với các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như các trường đại học có ngành du lịch và khách sạn, hay các trường dạy nghề hoặc trung tâm đào tạo về khách sạn. Sử dụng chung cơ sở vật chất, tổ chức hội thảo đào tạo tại chỗ, cung cấp chứng chỉ đại học và sau đại học về du lịch và khách sạn đều là những ý tưởng cần được xem xét.

Chú trọng nâng cao kỹ năng

Trong điều kiện bình thường mới của ngành du lịch, kiến thức về an toàn và kỹ năng giao tiếp xuất sắc, cũng như kiến thức về CNTT và du lịch thông minh, là các kỹ năng có nhu cầu ngày càng cao. Du lịch thông minh đang trở thành hiện thực, nên chuyên gia du lịch và khách sạn tương lai nên chuẩn bị sẵn sàng để làm việc trong thực tế đó.

Xét về kỹ năng ngoại ngữ, thành thạo tiếng Anh là yêu cầu hiển nhiên. Nhưng với việc thị trường Trung Quốc, Nga và Nhật Bản bị thu hẹp thì khả năng sử dụng các ngoại ngữ khác nhằm phục vụ du khách từ những thị trường mới nổi như Thái Lan hay Malaysia cũng sẽ được săn đón.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp kiến ​​thức cùng kỹ năng thực hành tiên tiến nhất. Những trường đại học như RMIT Việt Nam đang góp phần đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai cho ngành du lịch và khách sạn bằng cách cung cấp cho họ cả kiến ​​thức lý thuyết lẫn thực tiễn về ngành, cũng như nền tảng vững chắc về quản lý kinh doanh, tài chính, marketing, kỹ năng mềm và năng lực tiếng Anh ở trình độ cao nhất.

Người sử dụng lao động cũng có thể đầu tư nhiều hơn vào đào tạo tại chỗ để nâng cao kỹ năng và trình độ của lực lượng lao động hiện tại, bên cạnh các nỗ lực giáo dục khác. Cần lưu ý rằng việc đào tạo tại chỗ như vậy có thể sẽ tiêu tốn nguồn lực lớn mà nhiều doanh nghiệp đang không có sẵn sau giai đoạn đại dịch vô cùng khó khăn vừa qua. Vì vậy, doanh nghiệp có thể chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục trực thuộc nhà nước, khối tư nhân hoặc tổ chức phi lợi nhuận để thực hiện kế hoạch đào tạo tại chỗ.

Triển vọng nghề nghiệp trong ngành du lịch

Du lịch và khách sạn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Lịch sử cho thấy ngành du lịch không tránh khỏi các cuộc khủng hoảng nhưng chúng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, và ngành này luôn phục hồi nhanh và mạnh hơn bao giờ hết. Đây là những gì chúng ta đang trải nghiệm ngay lúc này đây. Tại thời điểm hiện tại, triển vọng việc làm đang rất tốt cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành du lịch và khách sạn, miễn là họ có đủ trình độ và đam mê với ngành này.

Đối với những bạn trẻ dự định theo học ngành du lịch và khách sạn, lời khuyên của tôi là hãy chọn một cơ sở giáo dục có uy tín với các tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy được quốc tế công nhận, hãy nỗ lực trau dồi kỹ năng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) lên trình độ cao nhất có thể, và hãy theo đuổi con đường học vấn lên mức cao nhất. Vài năm trước đây, chỉ cần có chứng chỉ nghề một hoặc hai năm là đủ để có được một công việc tốt trong ngành du lịch và khách sạn. Nhưng hiện tại hầu hết các công ty đang ưu tiên tuyển dụng ứng viên có bằng cử nhân và bằng cao học sẽ sớm trở thành đòi hỏi cần có đối với những vị trí quản lý.

Lời nhắn nhủ cuối cùng mà tôi muốn gửi tới các bạn trẻ (cũng như thầy cô) theo đuổi ngành du lịch và khách sạn là hãy tích lũy càng nhiều kinh nghiệm thực tế càng tốt, có thể là thông qua kỳ thực tập, vừa học vừa làm, dự khán công việc, v.v. để khi tham gia vào thị trường việc làm các bạn đã trong tâm thế sẵn sàng đón nhận bất cứ thách thức nào mà tương lai mang đến.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro – Giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam