Nhiều rào cản
Kinh tế HTX mang lại nhiều lợi ích cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” bởi còn có những đứt gãy trong chuỗi liên kết sản xuất hiện nay. Năm 2017, cây chanh leo được coi là “trái vàng” của nông dân tỉnh Sơn La, khi 1ha chanh leo được chăm sóc tốt có thể cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Nhưng, do tâm lý “ăn xổi”, người dân tự ý phá bỏ hợp đồng đã được ký kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, ồ ạt nhập giống chanh kém chất lượng về trồng. Kết quả, diện tích canh tác giảm từ hơn 4.000ha (năm 2019) xuống còn 300ha (năm 2021).
Phân loại bưởi tại HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre).
Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc - Lê Hoài Hưng cho biết: Đối mặt với việc vùng nguyên liệu giảm, tư thương cạnh tranh, không thu hồi được vốn cho nên doanh nghiệp không thể tiếp tục cung ứng giống, phân bón… Qua tìm hiểu, các mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chanh leo, công ty phát hiện có không ít cá nhân, HTX lũng đoạn thị trường, gây mất lòng tin giữa người dân và công ty.
Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É (Thuận Châu - Sơn La) xót xa cho biết, từ hơn 100ha chanh leo, đến nay cả xã chỉ còn khoảng 18ha. Đây cũng là bài học cho người dân và các HTX khi tự ý phá bỏ cam kết trong phát triển nông nghiệp và chạy theo thị trường tự do để bán nông sản ra ngoài. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất đang có nguy cơ kéo lùi kinh tế HTX.
Không chỉ có tâm lý “ăn xổi” mà trình độ quản lý, nguồn nhân lực yếu kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, vốn điều lệ thấp… cũng là những bất cập của nhiều HTX, trong đó có HTX Nông nghiệp Bình Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre). Được thành lập cách đây hơn hai năm với 129 thành viên, số vốn điều lệ 135 triệu đồng, HTX sở hữu 67ha gồm: bưởi da xanh, dừa, chanh. Trong đó có 22ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, nhưng không thể “ăn nên làm ra”.
Xã viên Nguyễn Văn Hồng Vân đang sở hữu 9.000m2 bưởi da xanh cho biết: “Sở dĩ nhiều hộ xã viên như gia đình tôi chọn bán cho thương lái vì bán cho HTX người dân phải tự thu hoạch rồi chở đến tận trụ sở HTX mà giá cũng bằng với giá thương lái thu mua…”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Bình Hòa - Lê Văn Thắng chia sẻ, hiện HTX gặp rất nhiều khó khăn từ văn phòng làm việc, kho bãi, phương tiện đến vốn… Đồng thời, bộ máy quản lý thiếu giám đốc có đủ trình độ, kinh nghiệm phụ trách kinh doanh. Vì vậy, xã viên không mặn mà, tâm huyết với hoạt động HTX.
Thực tế cho thấy, đã có những nỗ lực của các địa phương trong phát triển kinh tế tập thể gắn với việc chủ động xây dựng chuỗi sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua hiện đại hóa sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương lúng túng với mô hình điều hành, phát triển, thậm chí là khó khăn trong thay đổi tư duy sản xuất, huy động nguồn lực của xã viên. Do đó, bên cạnh sự chủ động trong phát huy nội lực, HTX cũng cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng để HTX nông nghiệp phát triển bền vững.
Khó khăn trong chuyển đổi số
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Ước tính, có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, có khoảng 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google... Điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin của một số HTX cơ bản đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có khả năng đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số và cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... vào sản xuất nông nghiệp.
Đối với các HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ này cao hơn. Có khoảng 70% HTX vận tải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình, hoạt động của phương tiện; sử dụng phần mềm để quản lý khách, hàng hóa. 60% HTX thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, việc chuyển đổi số trong HTX hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, cho biết, năng lực, tư duy và nhận thức của HTX đối với chuyển đổi số trong phát triển là vấn đề mới. Do đó, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên HTX. Trên địa bàn tỉnh đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các HTX này mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều.
Một rào cản nữa trong chuyển đổi số ở HTX là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin. Các hoạt động của HTX cơ bản vẫn theo kinh nghiệm. Một số ít HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Trên thực tế, một số ít HTX đã quan tâm đầu tư công nghệ, hạ tầng số, công nghệ thông tin, chú trọng đến việc xây dựng những bộ nhận diện số như: Chữ ký số để khai báo thuế; xây dựng website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... Tuy nhiên, hầu hết các HTX không tự làm chủ những phương tiện này.
Nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp. Nhìn chung, các HTX có quy mô nhỏ, chủ yếu là HTX nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống nên còn hạn chế nguồn vốn và khả năng huy động vốn không cao. Do vậy, năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Văn Tú, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết, Thủ đô hiện có 1.342 HTX nông nghiệp; trong đó có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 HTX được thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của thành phố. Các HTX trên địa bàn Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Cụ thể, HTX Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) liên kết các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm... Đơn vị đã lựa chọn giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa cung cấp sản phẩm rau, củ cho các công ty thực phẩm và siêu thị. Đặc biệt, hơn 50% sản lượng của HTX Nông nghiệp Hương Ngải được tiêu thụ theo đơn đặt hàng của siêu thị, nhà hàng,…
Ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Hơn 5 năm trước, HTX khi đó chỉ có vài thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha, là tập hợp một nhóm hộ nông dân tâm huyết, cùng đam mê với nghề trồng rau sạch. Mong ước của nhóm nông dân này lúc bấy giờ chỉ đơn giản là hình thành được vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Giáp Ngọ”.
Bà Uông Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm cho biết, nhận thấy nhu cầu về sử dụng dược liệu để chế biến các thực phẩm chức năng phục vụ nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao, HTX đã thuê đất của hơn 100 hộ nông dân (thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) để trồng sâm Bố Chính. Mô hình được HTX sản xuất theo quy trình hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như hệ thống tưới nước tự động và ươm giống. Thời gian trồng sâm bắt đầu vào mùa xuân. Cây sâm trồng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 9 sẽ cho thu hoa.
Hiện nay, các HTX nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến nay, cả nước có 94 liên hiệp HTX nông nghiệp và gần 21.000 HTX nông nghiệp; trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và trên 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Đặc biệt, cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX, 145 HTX nông nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu và 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước.
Bên cạnh đó, cả nước có 18.945 trang trại theo tiêu chí mới; trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.
Hiện, có 800 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 42 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 2.285 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến, năm 2023 sẽ thành lập mới 1.600 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 22.500 HTX nông nghiệp. Trong đó, hơn 65% HTX nông nghiệp xếp loại tốt, khá. Cùng với đó là có trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.
Tuy nhiên, hành trình để đạt được mục tiêu còn khá gian nan, vì các HTX nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về quy hoạch đất đai, thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…
Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường. Đồng thời, đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp HTX. Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm; phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của HTX nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành Nông nghiệp sẽ đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp như chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường, kết cấu hạ tầng.
Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng các địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp như rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật; cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém.
Cùng với đó, tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về HTX nông nghiệp.