Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

BÊ TRỌC - SỐ 12

(Chuyện đời thường trong chiến tranh)

Phạm Việt Long #phamvietlong #PVL #Btroc #Betroc 

NGÀY 2/3/1972

Đến chỗ làm việc của Hội đồng nhân dân huyện - nằm ở xã Hoài Châu. Ở rìa núi chứ không ở đồng bằng. Nơi này, suối rất xa, mỗi lần đi vác nước phải mất 30 phút.

NGÀY 3/3/1972

Dự họp Xã Uỷ mở rộng. Hoài Châu là xã Thành đồng, đang xây dựng thành xã Anh hùng. Hoài Châu có nhiều mặt mạnh như võ trang đánh địch, đóng góp nhân tài vật lực, nhưng cũng có một số mặt yếu như đấu tranh chính trị, nổi dậy, trong cán bộ cũng có tư tưởng thoả mãn, tự cao, cho xã mình là hơn cả. Huyện đang tập trung xây dựng cho xã này trở thành một xã thật toàn diện.

NGÀY 4/3/1972

Cùng A - Trưởng ban Khởi nghĩa thôn An Quý - về thôn này. Đi qua một cánh đồng lúa. Có những thửa ruộng cấy giống lúa lùn đã trổ bông. Bông lúa to, hơi cúi xuống. Có lẽ hạt đang vào sữa. Còn những thửa cấy giống lúa cao đang thì con gái, đùa gió vi vu. Từ trên núi nhìn xuống, thấy đồng bằng có vẻ nhỏ hẹp. Nhưng khi đi vào lòng nó rồi mới thấy nó thật bao la. Nhìn lại phía Tây, thấy một đám cháy lớn đang bốc lên ở phía núi Hoài Hảo. Có lẽ do pháo bắn. Dãy núi bị chìm nghỉm trong màn đêm, thành thử chỉ thấy một đường lửa ngoằn ngoèo, chơi vơi giữa bầu trời như một con rồng lửa đang vùng vẫy.

Qua khỏi thôn Tân An, tôi và A lọt thỏm vào giữa một cánh đồng hoang. Đất sỏi khô cằn lại bị trộn thêm mảnh pháo, đầu mẩu dây thép gai làm A phải cúm rúm dò từng bước. Anh đi dép Nhật, vừa bị dây thép gai đâm thủng bàn chân, đau điếng. A cho biết đây là một Sở Mỹ đã bỏ.

Khi qua khỏi một con mương nhỏ, chúng tôi tới gần một xóm. Con đường nhỏ dẫn vào xóm hiện lên trắng mờ mờ, có một tầu dừa khô nằm chắn ngang. Xóm im lìm, tối đen. Dò dẫm đi qua một cái chuồng bò, qua một cái sân nhỏ, vào một ngôi nhà nhỏ. A nhấc cái rựa chắn ở cửa, bước vào nhà và bật lửa, soi sát mặt một phụ nữ đang ngủ trên giường. Chị hỏi, giọng ngái ngủ:

- Ai đấy?

- A đây.

- A nào?

- Chị mà còn không biết à? Anh Thật có vô đây không?

Nhận rõ A, chị vội kéo anh cúi sát xuống, thì thào:

- Có lính ở nhà ông Cưởng!

- Lính nào?

- Cộng hoà! Thôi, đi mau đi!

A vội kéo tôi đi. Ra sân, A chỉ vào ngôi nhà nằm cách đó chừng chục mét, thì thào:

- Bọn lính ở nhà đó!

Thật rợn tóc gáy! Chúng tôi quay lại, đi qua hướng khác. A nói:

- Đồng bào đặt ám hiệu mà mình không hay. Nhìn tầu dừa, mình tưởng họ cản vịt. Thấy nhà không đốt đèn, mình tưởng vì buồn, họ không đốt. Gia đình ấy vừa có người bị chết vì địch khui công sự.

Sống ở vùng xen kẽ với quân địch này phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của sự vật.

Phải lội qua một con kênh rộng, nước tới ngực. Nước cắn vào da thịt buốt thon thót.

Lại vào một xóm. Các nhà vẫn còn đỏ đèn. Vào một ngôi nhà, thấy một ông già đang nằm chống tay trên giường. Cạnh đó là một người đàn ông trung niên và hai cậu thiếu niên mang súng. Ở dưới bếp, hai cô bé nô giỡn gì với nhau, cười rúc rích miết.

Lát sau, một thanh niên gọi:

- Liên, kiếm túi nhựa dỡ cơm cho mấy anh.

Một cô bé chừng 12, 13 tuổi, da đen đen, chạy ra mở tủ kiếm một lúc rồi cầm một cái túi nhựa chạy vào. Lát sau, cô đi ra, xách một gói cơm to tướng. Một cô bé nữa đi theo sau, mặt bị bôi lọ đen thui. Người đàn ông và 2 thanh niên khoác súng, xách cơm đi - họ là du kích.

Tới một ngôi nhà khác lụp xụp hơn. Mấy anh du kích thôn vào gọi thím chủ nhà dậy:

- Có thịt, cá gì không thím? Lấy ít lon gạo nấu cho anh em ăn.

Bà thím dậy:

- Có cá chứ không có thịt!

Rồi thím đi lấy gạo, bắc nồi nấu cơm. Thím giục chúng tôi ăn nhiều. Sau đó, thím lại lấy bánh tráng tráng bằng nước dừa cho chúng tôi ăn. Mấy anh em ngồi quây quần bên thím, vừa ăn vừa nói dỡn, có anh lại nũng nịu thím chẳng khác nào những đứa con ngồi bên bà mẹ hiền.

Sau khi ăn liền nói tới chuyện ở. Mấy du kích nêu lên nhiều khó khăn, nói rằng để chúng tôi ở sợ không bảo đảm. “Ăn thì dễ chứ ở thì khó quá”. Chúng tôi phải nói gắt máu lắm mới được họ nhận cho ở.

NGÀY 5/3/1972

Mới 3 giờ sáng Nê đã dẫn tôi và A ra công sự. Anh dặn rất kỹ: “Cứ nằm dưới đó, đừng đội lên, chiều tôi sẽ tới dỡ nắp”. Nắp hầm đóng ập xuống. Căn hầm hơi thấp, 2 người nằm rộng, chắc đã làm từ lâu.

Chợp mắt một chút, tỉnh dậy đã thấy một luồng ánh sáng yếu ớt lọt qua lỗ thông hơi. Nằm trăn trở mãi không ngủ được. Không phải do khó chịu - hầm này rất thoáng, mát, mà vì suy nghĩ lắm thứ quá. Hiện nay quần chúng đang sốt ruột đợi lệnh khởi nghĩa. Bà con nói: “Làm thì làm hắc đi cho rồi, để lai rai mãi ớn quá”. Sốt ruột quá, có người sinh ra nghi ngờ, cho rằng không có khởi nghĩa. Nhìn vào hoạt động tháng 1, tháng 2, họ nói: “Rồi đó, vậy là khởi nghĩa rồi đó”. Bên cạnh đó, bọn ác ôn tăng cường thanh lọc quần chúng, làm phong trào sụt. Phải làm công tác tư tưởng cho giỏi và phải có biện pháp tổ chức chặt chẽ, tỉ mỉ mới đưa được phong trào lên.

Thỉnh thoảng, một ngọn gió thốc về luồn qua lỗ thông hơi, làm căn hầm mát rượi. Ngồi nhìn ra thấy ánh nắng luồn vào miệng lỗ thông hơi khiến cho nó giống miệng ống bễ mạ vàng. Gió thổi cành lá tạt qua tạt lại, lúc thì che kín lỗ thông hơi, lúc lại mở toang ra, do vậy, ánh sáng hắt vào trong hầm lúc thì sáng bừng lên, lúc lại tối xầm đi, gợi cho tôi nhớ những ngày ở căn cứ ngồi sưởi bên bếp lửa bập bùng. Tự nhiên thấy nhớ, nhớ da diết rất nhiều. Chỉ nằm cách mặt đất mấy tấc mà thấy cuộc sống trên đó xa xôi quá. Tiếng mấy đứa bé gọi nhau, tiếng chày giã gạo, tiếng chân bước thình thịch khi vọng vào lòng hầm này đều biến dạng đi, nghe không rõ ràng gì hết. Nằm đây mà nhớ cả đến ngôi nhà mình mới ăn cơm hồi đêm, nhớ tiếng cười ríu ran của 2 cô bé. Rồi lại nhớ căn cứ, nhớ những ngày mưa dầm dề đi cõng gạo, nhớ gia đình, nhớ những người bạn đã hy sinh. Cuộc đời cũng nếm đủ chua cay, mặn nhạt, đã rèn cho tôi thói quen thích nghi nhanh chóng với môi trường sống, nhưng những xúc cảm trước cuộc sống vẫn luôn luôn mạnh mẽ trong tôi. Không ngủ được, tôi ngồi dậy lấy sổ ra ghé bên lỗ thông hơi nhờ ánh sáng yếu ớt của nó mà ghi chép. A vẫn ngủ mê mệt. Thỉnh thoảng, chân cậu ta lại giật nảy lên một cái. Có lẽ những lần vào sinh ra tử đã làm cho A hay bị giật mình như vậy. Lạ kỳ thật, con người nhỏ bé, lưng hơi khòm ấy đã từng nhiều phen gạt phăng lưỡi hái của thần chết mà giữ lấy cuộc sống. Có lần, anh đang nằm dưới một hào ngoài rào mà ngủ thì bọn lính sục tới. Mở choàng mắt đã thấy một nòng súng côn chĩa vào mình. Vậy mà vẫn kịp nổ một phát súng làm tên lính ấy ngã nhào rồi đạp qua xác nó, chạy thoát. Có lần bị địch dí chạy dạt ra đồng lúa. Ba người cùng chạy bị bắn chết. Chỉ còn A và một người nữa rúc vào trong lúa. Mùa tháng 10 lúa tốt, ngả rạp, đã che kín họ. Họ ngâm trong bùn, nằm im. Cả trung đội lính đạp nát ruộng mà kiếm không ra. Ở chiến trường này, những người như A rất nhiều - vào sinh ra tử vẫn lăn lộn với phong trào.

Gần năm giờ, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa hầm bồm bộp, tiếng bới đất, lá xột xoạt, rồi một thác ánh sáng ập xuống làm chói cả mắt. Lên khỏi hầm, thấy mặt nằng nặng. Vào nhà một bà già. Bà gọi đứa cháu: “Múc cho chú gàu nước, con!”. Thằng nhỏ chạy đi xách một gàu nước cho tôi rửa mặt. Bà già hỏi 2, 3 lần: “Để nấu cơm cho mấy chú ăn hỉ ?” Nê trả lời: “Có nấu cơm bên kia rồi ạ.”

Lại sang một nhà khác. Trong nhà chỉ có một bà má và một cô gái. Hai mẹ con bảo chúng tôi ngồi nghỉ rồi dọn cơm. Bữa cơm có thịt kho với củ cải, củ cải dầm mắm, mắm cái và canh đu đủ, nhưng cô Học vẫn băn khoăn: “Không có gì cho mấy anh ăn cho ngon”. Khi xúc món kho ra, cô bé này cứ lựa xúc thịt, còn để lại củ cải.

Ăn rồi ra sân dạo mát một chút. Thôn xóm ở đây nhà cửa thưa thớt, lụp xụp, đất cát khô khan, vườn tược nghèo nàn. Giữa những đám lang, đám mì có những cây dừa cao vút. Nhiều cây, thân bị bom đạn đục ruỗng thành những hốc hác, lá bị cắt đi, xoè ra ngắn ngủn như bàn tay cụt.

NGÀY 6/3/1972

Cùng A về ở một chỗ với một tổ du kích. Nơi này khá an toàn, bất ngờ nên có thể ở khơi được (nghĩa là nằm trên mặt đất), có địch mới phải xuống công sự.

Mặc dù 3 giờ mới ngủ nhưng 6 giờ tôi đã dậy - không muốn ngủ nữa. Chừng 9, 10 giờ thì mọi người cũng dậy, ngồi tán chuyện nho nhỏ. Chị Tám đang vá quần cho mấy chú du kích. Còn mấy chú thì đang ngồi kể lại chuyện diệt gọn chốt An Quí. Mấy chú này mới chừng 17, 18 tuổi. Rồi đem bánh in (bánh khảo) ra ăn - bánh do đồng bào cho.

Tình hình yên ổn cho đến chiều. Khoảng 4 giờ, một du kích đến gọi tôi dậy: “Lính tới”. Khẩn trương xuống công sự. Mấy cậu du kích vừa cảnh giới, vừa nghi trang lại nơi ở. Ở nơi này phải biết quý từng cái lá khô, không dám đạp nát nó - bởi nó che dấu vết cho chúng tôi. Một lúc sau, Tài tới nói xuống: “Bọn lính đang ở xóm. Có bọn ra ngoài đồng bắn lung tung. Có chuyện gì thì đưa súng lên nhanh, chiến đấu”. Tài chạy đi một lát rồi lại tới: “Nếu chúng nó đến đây thì dũng cảm ngoan cường đánh”. Mấy du kích kia đều đáp: “Nó đến sẽ đánh!” Nhưng bọn địch không đến. Sẩm tối, chúng tôi lên khỏi công sự. Tôi bò ra rặng cây bên bờ suối, nhìn qua bên xóm thấy mấy người đang đi lại ngoài sân. Một ông già rón rén đi ra bờ rào. Lát sau, một con gà chạy từ đó ra, chân khập khiễng. Hiếu nói rằng hồi nãy một thằng lính kê súng bên đống rạ bắn con gà này bị thương. Con gà chạy vào đám mía, ba thằng đuổi theo nhưng không bắt được. Lúc này, con gà đang tập tễnh chạy vào sân. Ông già cúi xuống ẵm nó lên. Nghe ở nhà bên cạnh tiếng bọn lính nói nhốn nháo gì đó. Thấy một thằng men ra bờ rào, ngồi im bên một bụi cây. Tối mất rồi, không nhìn rõ nó - không biết nó ngồi phục kích hay gài mìn.

Anh em nhận định, ngày mai địch có thể sục vào đây. Bởi vậy, tất cả rời đi nơi khác.

Trải ni lông nằm ở trên, chờ gần sáng sẽ xuống công sự. Sương xuống ướt đầm đìa.

Chiếc công sự này đã lâu không có người ở. Tôi xuống, bị bầy kiến bu vào cắn đến nóng mình. Cửa ra vào quá nhỏ, sâu, phải nằm dài ra mà chui vào. Trong công sự có để đèn dầu và nhiều tài liệu. Những tài liệu này của mấy đồng chí mới hy sinh để lại.

NGÀY 7/3/1972

Một ngày lại qua. Chúng tôi vào xóm nắm tình hình. Chị Tám vào trước, lúc này đã quay ra, đem theo một gói bánh, gạo. Đói đến run người, chúng tôi ngồi bên bờ suối dở bánh ra ăn. Rồi lại đi vào.

Ngôi nhà đầu xóm này có cái sân rộng và những cây dừa thấp, sai quả. Ở nhà chỉ có 2 ông già và một bà già. Trong khi chị Tám đi nấu cơm thì bà già kéo tôi và A lại ăn cùng gia đình: “Cứ lại đây ăn, cơm kia chín là vừa”. Bà già gắp cá ra cho chúng tôi ăn, tíu tít như gặp con. Ông già nói: “Gặp mấy chú, tôi lại nhớ con tôi quá. Con tôi đứa thì ở căn cứ, đứa thì tập kết ra Bắc. Có đứa vào năm 59, năm 67 lại ra. Thế mà nó không về nhà lấy một chút”. Bà già chỉ đĩa cá, nói: “Ăn đi con. Mấy bữa nay trời động, ít cá”. Nói tới đó, bà dừng lại một lát, cười: “Bữa trước cũng nói trời động thế này mà bị nó đánh cho nhừ đòn. Có thằng lính đóng giả cách mạng. Tôi không biết, mới cất ba lô giúp rồi dọn cơm cho ăn. Ôi cha, mình nói gì nó ghi hết, sau nó bắt lên đọc lại, đánh cho khiếp hồn”. Thấy tôi nói nóng ruột, bà già hỏi: “Có ăn rau dấp cá không?” và vội vã đi bưng rổ rau lại. Còn ông già thì đứng dậy, đi ra sân trước.

Cơm vừa xong, thấy ông già đột ngột trở vào, khoa khoa tay, nói thì thào: “Lính, lính!”. Chúng tôi vội vơ vũ khí, sẵn sàng ở tư thế đánh lại địch. A nhìn thoáng một cái, nói: “Không phải lính. Lũ nó.” Tiếng “lũ nó” chỉ anh em du kích thôn. Không khí đang căng, bỗng trở nên vui rộn. Bà già kéo 3 du kích lại mâm cơm: “Ăn đi, ăn rồi nấu nữa!”. Ông già xoa xuýt: “Tôi run quá, sao tới không báo trước để tôi cảnh giới khỏi lầm?”. Ông chỉ vào anh Thiệt - một du kích đã cứng tuổi, đội chiếc mũ Bảo an, cầm khẩu AR15: “Thế này thì ai không bảo là lính?”.

Chỉ một loáng, ba người đã ăn cơm xong - ở sát địch bao giờ cũng phải khẩn trương như vậy. Chúng tôi lại đi. Phải núp vào các bờ đất mà vượt qua từng đám ruộng. Rồi bám vào xóm hỏi thăm tình hình địch. Cứ như vậy qua hết nhà này tới nhà khác. Lại vào một nhà. Trong nhà, một bà mẹ và một cô gái đang sắt khoai lang. Tôi nhận ra cô gái này là một đoàn viên hợp pháp có dự buổi họp chi bộ, chi đoàn bữa trước. Cô gái lựa khoai đem nấu, bà mẹ bảo cô lấy dầu đốt lò sô nấu cho đỡ sáng. Anh Thiệt trách:

- Không có địch mà không đốt đèn sáng lên, để anh em phải bám miết!

Bà mẹ nói:

- Hồi chiều phía trong còn lính, biết nó kích ở đâu mà đốt đèn?

A nhận công văn ở cô gái và đưa cô 2 quyết nghị của xã điều động dân công.

Gia đình cho biết hôm qua và ngày nay bọn địch khoanh vùng, thanh lọc, bắt đi ba người và khui một công sự.

Khoai chín, Thiệt đùm vào một đùm ni lông để dành ăn ngày mai.

Tới một nhà nữa. Một bà già và một phụ nữ trung niên dậy đốt đèn. Lúc này đã gần 11 giờ khuya rồi. Tôi ra sân, nằm bên một đống rạ nghỉ một lát. Muỗi quá, không ngủ được. Vào nhà đã thấy gia đình dọn một mâm cơm.

Hai người đàn bà vừa coi chúng tôi ăn, vừa trò chuyện. A nhìn vào hầm pháo, nói:

- Lũ mình có cái hầm to từng ấy mà ở thì sướng.

Bà già hỏi:

- Cũng làm bằng thứ này ne?

- Làm bằng thứ này, nhưng nhỏ hơn. Lỗ chui vào chút chun, luồn như trạch.

Bà già lại hỏi:

- Mưa có vô nước không?

- Vô chứ, có khi ngập tới cần cổ.

Bà băn khoăn:

- Vậy làm sao?

- Thì ráng chịu chớ làm sao!

- Mùa khô chắc khoẻ hơn hỉ.

- Mùa khô lại nóng. Mồ hôi ra nhờn cả người, ướt đẫm quần áo, vắt ra nước.

Bà già chép miệng:

- Thôi, cực một chút cũng được, miễn là còn sống!

Sống với những người du kích, tôi càng hiểu rõ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào đối với họ. Kẻ địch làm sao có thể tách được quan hệ máu thịt giữa họ và đồng bào. Bởi vì, hầu hết các gia đình ở đây đều có con em đi tham gia cách mạng. Thằng Hương, ấp trưởng, từng đe doạ: “Cả thôn này chỉ trừ nhà ông Thức là không vào sổ đen của tôi!”. Chính lời đe doạ ấy lại nói lên sự cô lập, bất lực của chúng.

Nghĩ thật thương đồng bào. Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá rồi. Lòng người dầu có từng chai sạn đi trước những đau thương, uất hận, vẫn không tránh khỏi bồn chồn ngóng đợi ngày chiến thắng. Bà con mong cuộc khởi nghĩa nổ ra thật sớm, mong có cú đấm quân sự thật mạnh. Có bà nói:

- Sao bay? Bay nói khởi nghĩa sao chưa thấy? Tháng chạp qua, tháng một sắp hết, sao chưa thấy khởi nghĩa? Hay là bay phỉnh lũ tao?

Hôm nọ, khi gặp một phụ nữ, tôi được nghe chị nói:

- Sao không đưa bộ đội xuống đánh đi? Bay sợ không có gạo ăn à? Có, sẽ có đủ thôi. Như năm trước đấy, lũ tao nuôi hết, có để bộ đội đói đâu?

Và những người du kích cũng thật đáng yêu. Ở mỗi một con người đều có những nét thật độc đáo, có những câu chuyện làm người nghe phải rưng rưng cảm động. Hồi nãy, sau khi về nhà trở lại, Nương kể:

- Vào nhà gặp mẹ, hỏi: “Có gì ăn không má?”. Bả lật đật đưa một túm củ lang. “Ô, củ lang má nấu khi nào?”. Bả mới nói: “Củ lang sống”. Tôi nhăn nhó: “Cả ngày không có chút cơm mà đưa củ lang sống, trời ạ!”. Bả vội trút nồi cơm nguội ra rá: “Bưng ra sân ăn mau, con, lỡ lũ nó đến!”.

Kể tới đó, Nương cười:

- Bả càng sợ, tôi càng doạ. Tôi bày cơm ra giữa nhà, ăn đàng hoàng, làm bả cứ chạy quanh dòm chừng!

Cậu ta chặc lưỡi:

- Bả thương thì thương, nhưng bả sợ quá. Bả sợ, mình phát bực.

Hiếu kể:

- Má tôi bảo: “Lũ thằng Hương nắm được danh sách lũ mày hết rồi. Bọn lính cũng biết tên bọn bay”. Tôi liền nói: “Tưởng nó nắm danh sách người hợp pháp, chớ nắm danh sách lũ bất hợp pháp này mà làm gì? Má thật khéo lo. Nó có biết tên hay không thì khi giáp mặt nó cũng một sống một chết, chứ cần năn nỉ gì nó mà sợ?”.

Trong số những người hoạt động lâu năm ở đây, chỉ còn A và Bốn Thiệt. Anh Bốn chạc bốn chục tuổi, người thấp, đậm. Hồi trước, anh bị địch bắt tù 5 năm. Khi trở về, anh để râu dài, khai 49 tuổi, sống hợp pháp.

Thằng Hương kêu anh lên hỏi:

- Anh bao nhiêu tuổi?

- 49 tuổi.

- Sao không khai 50 tuổi cho tròn?

- Tôi sinh sao nói vậy, khai lên một tuổi không được!

- Anh mà 49? Tóc còn đen, răng còn chắc. Anh nhận lấy 37 tuổi và lựa đây: Cộng hoà, Nghĩa quân, Bảo an, lựa lấy một sắc lính mà cầm súng!

- Không, tôi 49, khai 49, không biết khai khác!

Bọn địch bắt nhốt anh. Thằng Hương ra vẻ thương hại, nói riêng với anh: “Thôi, để tôi xin cho anh về. Rồi anh phục vụ ở xã, đi với tôi hử!” Anh phỉnh nó: “Được, tôi sẽ cầm súng đi theo chú”.

Khi địch thả về, anh mới thử vợ:

- Bây giờ tôi ở nhà không được nữa. Vậy mình lựa cho tôi đi. Một là đi với thằng Hương - có lương, có xe, có khi muốn đi máy bay cũng được. Hai là đi theo “mấy ổng” - không có lương, phải nuôi, cực.

Vợ anh ngậm ngùi:

- Thôi, cực ráng chịu cực, tôi nuôi, đi theo “mấy ổng” đi!

Tuy có nhiều điểm tốt cơ bản như vậy, thôn này cũng còn có nhiều mặt yếu. Khâu đoàn kết trong cán bộ, đảng viên kém. Một thôn mà như là 2 thôn: Lý Trong và Lý Ngoài. Hai Lý này hoạt động tách biệt nhau. Mỗi lần cán bộ ở Lý Ngoài vào đứng chân ở Lý Trong rất khó khăn vì cán bộ nơi này không chịu nhận, không cho ở công sự. Hôm trước, khi tôi và A đến, họ nêu khó khăn và còn moi móc chuyện từ thuở nào, nói rằng trước đây thằng Xê đau, nằm nhờ bên Lý Ngoài mà không ai cho nhờ, vân vân. Ngay tối hôm qua, khi gặp chúng tôi, họ cũng từ chối rồi chuồn sạch, sau đó lại ra đầu xóm chọc chó làm chúng sủa vang, để chúng tôi tưởng địch đến, sẽ rút đi. Họ co thủ, chỉ trốn địch. Lẽ ra tối hôm qua họp quân dân chính để triển khai chỉ thị hoạt động tháng 3, nhưng nghe bọn Cộng hoà lùng sục ở các xóm, họ vội lánh mất, không tổ chức họp được.

NGÀY 8/3/1972

Công sự chật, lại ở nơi vắng vẻ, kín đáo nên chúng tôi chỉ để 2 người xuống, còn một người ngồi trên cảnh giới.

Lúc này là 10 giờ, tôi vừa ngồi cảnh giới vừa ghi chép. Trời nắng. Gió thổi làm bụi tre xào xạc. Phía ngoài đường, ầm ĩ tiếng xe ô tô, mô tô. Sau một loạt pháo cấp tập, không gian tạm yên ổn. Nhìn ra đồng, thấy đồng bào đội nón trắng đang lúi húi làm cỏ, be bờ. Mấy chú bé cưỡi trên lưng trâu, lặng lẽ cho trâu ăn cỏ ở bờ ruộng. Đôi chim chào mào đậu ngay trên cành cây trước mặt tôi, kêu ríu rít.

Kẻ địch vẫn đang ráo riết thanh lọc quần chúng. Chúng đã bắt 14, 15 người, đánh đập rất dữ. Bà Hoa không chịu nổi đã khai ra tổ khởi nghĩa của mình có 10 người. Chúng càng đánh hung, mong khui trục được tổ chức của ta. Thằng Hương dẫn bọn “Cộng hòa” la lết hết xóm này qua xóm khác. Bọn này rất hung dữ, cướp giật trắng trợn. Một bà già nói rằng hôm nay có thằng cướp 3 con cá của một bà gánh cá, bà giật lại, nó liền đánh bà. Ghê gớm hơn nữa - bà nói - chúng còn chặt phứt tay những phụ nữ đeo xuyến, nhẫn để cướp vàng. Một bà mẹ tức giận tố cáo: “Bữa qua nó mổ bụng tôi. Chiều chạng vạng, nó bắt tôi cởi hết quần áo, nó cầm dao rạch một đường từ trên ngực xuống nhưng chỉ rạch doạ. Nó nói: “Bữa hổm có 3 cộng sản vào nhà bà”. Nó bắt tôi chỉ hầm bí mật. Tôi nói: “Hầm bí mật, các ổng làm bí mật, ai thấy được mà chỉ. Như mấy ông làm chỗ ở bí mật, mấy ông có cho ai hay không?”.

Nghe chúng tôi khua động ở ngoài, một bà già trong hầm hỏi vọng ra: “Ai đó?” và cằn nhằn: “Người ta ngủ mà còn làm ầm ầm không cho ngủ”. Mấy cậu du kích trả lời: “Mấy con đây”. Bà cụ lần ra khỏi hầm, đến nhìn sát vào mặt chúng tôi. Nhìn nhận kỹ càng rồi, bà mới vỗ một cái vào vai Thiệt: “Cha bay! Bước vô, bước vô” và cười móm mém. Bà hỏi chị Tám: “Sao, mấy bữa nay đi đâu im ắng đi, bây giờ mới về?”. Bà mách với chúng tôi tội ác của bọn địch và hỏi: “Làm sao chứ bay, căng như thế này mãi sao?”. Bà bảo: “Thôi, tình hình căng quá, bọn bay kiếm chỗ nào yên yên ở ít tháng, khi nào bớt căng hãy về. Bọn tao ráng chịu đòn cũng được”. Chị Tám cười: “Chết sống chúng con cũng bám lại làm công tác, chứ lánh đi sao được?”.

Địa phương chưa có biện pháp gì để chống thanh lọc. Suốt từ khi chúng thanh lọc đến nay, chưa có một tiếng súng nào bắn vào chúng. Du kích công khai có thể đánh được, nhưng đánh rồi sẽ không có chỗ đứng chân, sẽ bị tổn thất hết. Lúc này, chính là lúc du kích mật phát huy tác dụng. Bọn lính chia nhỏ ra la lết xóm này qua xóm khác, ngủ bừa bãi trong nhà dân, du kích mật rất dễ đánh - chỉ cần lén ném một quả lựu đạn là có thể diệt được mấy tên địch, sẽ làm chúng co lại. Tiếc rằng du kích mật ở đây hoạt động yếu quá, không đánh địch.

NGÀY 9/3/1972

Bọn Cộng hoà đã rút hết. Các xóm đều le lói những ngọn đèn dầu. Ở một sân nhà tập trung mấy cô gái đi dân công về. Mấy cô chừng 17, 18 tuổi thật hiếu động, cứ cười rúc rích hoài.

NGÀY 10/3/1972

Vừa vào nhà vợ chồng ông lão đầu xóm, đã thấy bà già chạy ra thì thào: “Thằng Muôn đi chiêu hồi rồi!”. Muôn là du kích thôn, mấy bữa nay cùng đi với chúng tôi, ngày hôm nay nằm công sự cùng Thiệt. Bà nói tiếp: “Bọn bay đừng lên, sợ nó dẫn lính tới bao”. Bà kéo chúng tôi vào nhà, bắt ngồi ăn cơm. Bà gắp cá, gắp gan cá nhám liên tiếp vào bát tôi, nói: “Gan cá nhám đấy, chắc ngoài đó không có, ăn đi con”. Bà chép miệng: “Cái thằng dại dột vậy, thế mà đi chiêu hồi rồi”. Ông lão căm tức: “Biết thì thọc cho mấy gậy cho chết đi!” Bà già cười: “Rồi nó lại dẫn lính đến đánh mình cho coi. Cho nó ăn, nó đi chiêu hồi, nó quay lại đánh mình!”.

Nghe bà già nói, tôi thấy vô cùng xót xa. Những thằng phản bội gây biết bao tác hại cho cách mạng. Chúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của những người chân chính, làm tổn hại đến lòng tin của dân. Bà già vẫn săn sóc cho chúng tôi từng miếng ăn, nhưng trong lời nói đó có ẩn một câu nhắn nhủ: “Má nuôi các con đây, má không tiếc gì các con hết, nhưng các con đừng phản bội nghe!”. Ăn cơm xong, chị Tám định dọn chén đũa, ông già giằng lấy và nói: “Bay để lũ tao. Lũ bay có trách nhiệm làm việc nước. Lũ tao có trách nhiệm lo cho lũ bay!”.

Ông bà lão năm nay đã trên dưới 70 tuổi. Ông già tên là Phu. Con cháu đi thoát ly hết, ông bà mời một ông già nữa về ở cho vui. Đã nhiều lần bọn địch tập kích ngôi nhà này, đánh một số đồng chí hy sinh. Sau mỗi lần ấy, chúng lại bắt ông bà lão ra đánh đập tàn nhẫn. Tết vừa rồi, chúng đến cướp cả nếp, cả vịt của gia đình. Tuy nhiên, hai vợ chồng ông lão vẫn một lòng một dạ với cách mạng.

Tới đâu, chúng tôi cũng nghe đồng bào bảo: “Thằng Muôn đầu hàng rồi!”. Một phụ nữ nói: “Từ chiều tới giờ hết muốn ăn uống, nghe nó ớn quá!”. Một cô gái chân thọt, khập khiễng chạy theo chúng tôi: “Thằng Muôn đầu hàng rồi, mấy anh đi coi chừng nó dẫn lính về bao đó”. Cô níu lấy tay A và cứ nói mãi một câu: “Bãi cha nó đi, bãi cha nó đi”. Cả thôn xóm xôn xao. Mấy cô gái hợp pháp vội vàng sửa soạn đồ đi lánh, vì sợ thằng Muôn dẫn ác ôn về bắt. An - du kích mật - người nhỏ chút, cũng khăn gói lên núi. Hồi sáng, cậu ta vui miệng kể hết những trận đánh của mình cho thằng Muôn nghe.

Chúng tôi cũng phải lánh đi hết. Những công sự và đường đi lối lại của chúng tôi, thằng Muôn đã biết hết.

Thằng Muôn chừng 17 tuổi, gầy, trán hơi dô, mới vào du kích chừng hai tháng nay. Mấy ngày nay, nó có than khổ, nhưng vẫn làm mọi công việc chúng tôi giao. Chiều nay, khi cảnh giới cho anh em ngủ, nó nói với Thởng:

- Mày ở đây, tao vô nhà bà Trọng coi thử địch ra sao, chú Bốn biểu tao vậy.

- Thiệt không? Để tao xuống hỏi chú Bốn hử?

- Dỡn thôi.

Ngồi một lát, thằng Muôn lại nói:

- Anh Tài phân công mỗi đứa cảnh giới 2 tiếng - Bây giờ tao cảnh giới, mày đi ngủ đi.

Thởng không đi ngủ mà xuống cảnh giới ở phía sau.

Muôn lén chạy ra đường cái, chuồn một mạch. Về nhà, má nó hỏi:

- Sao hôm nay mày lên sớm dữ vậy?

Nó cười, chuồn ra cửa sau. Qua nhà ông Kiên, ông đang cúng cháo, mời nó:

- Vô ăn cháo, con!

- Cháo mà ăn!

Nó cười cười, nói nhỏ câu ấy rồi đi thẳng xuống ga. Tới đó, nó gặp bọn lính, hỏi gặp thằng Hương - ấp trưởng An Quý. Đồng bào không ngờ nó đi đầu hàng, đến khi biết thì đã muộn, không bắt được nó nữa. Một cô gái hợp pháp vội chạy về báo tin ghê gớm đó.

(Còn nữa)