THỨ SÁU 16/6/1972
11 giờ rưỡi, sau bữa cơm trưa, tôi cầm quần áo đi tắm. Mới tới quá hang đá nhà bếp, nghe 2 tiếng nổ rầm rầm. “B.52!” - thoáng nghĩ vậy, tôi bật trở lên. Bom nổ rền hàng dây. Chạy vấp đá, ngã mấy lần. Lượng sức không chạy kịp lên cửa hang, tôi nhìn qua phía tay trái, thấy một cửa nhỏ thông vào hang. Vội vứt hết quần áo, khom người, đưa 2 tay ra phía trước, nhảy phóng tới như người nhảy xuống nước để bơi. Vừa chạm đáy hang, nghe một tiếng nổ “Rầm” nữa. Tối tăm hết thảy. Những vật gì đó nặng trịch đè lên đầu, lên mình tôi. Những tiếng nổ vẫn dội lên liên tiếp. Tôi nghĩ: “Rồi đó, chuyến này chắc đi đời rồi!”. Im lặng. Tôi vùng lên. Mở mắt ngó quanh thấy khói bụi bốc lên mù mịt. Quanh tôi, mấy cô gái bò lê, quần áo rách bươm, máu me bê bết. Mấy cô la lên:
- Chết thôi anh ơi, bây giờ làm sao!
Tôi nói:
- Cứ ngồi im!
Nhìn quanh, thấy hang trống rỗng, tôi nói:
- Các em lên hang phía trên đi.
Phía cửa hang phía trên, Hạnh nằm gục, kêu “Khò! Khò!” như tiếng rống quái dị. Tôi không thấy đầu cô ta đâu, chỉ thấy nửa thân mình phía dưới của cô trần truồng, lấm bụi đất. Trong khi 5 cô gái kia dắt díu nhau chạy lên hang trên thì tôi lại moi đất, kéo Hạnh dậy. Áo Hạnh rách bươm hết. Quần Hạnh chỉ còn 2 ống chân. Tôi thấy một vết thương lớn sau lưng cô. Hạnh kêu:
- Gì mà tội thế này anh ơi!
Tôi đặt Hạnh nằm ngay thẳng, vơ một chiếc khăn mặt rách băng vết thương lại, lấy mấy miếng dù rách phủ lên thân thể loã lồ của cô. Tôi chạy lên gọi thêm người xuống thì gặp Mai Ái Trực. Hai người trở xuống. Lúc này, tôi mới thấy cánh tay trái của Hạnh bị gãy nát. Tôi mở một cái ba lô nằm lăn lóc dưới đất lấy một cái quần đưa Trực mặc cho Hạnh và kiếm giẻ buộc tạm cánh tay Hạnh lại. Tôi và Trực vực Hạnh dậy, nhưng đuối sức quá. Trực lên gọi Hà xuống. Chúng tôi khiêng Hạnh lên hang đá lớn, đặt nằm ở giường, băng lại cho kỹ hơn. Nhìn cánh tay, tôi đau lòng quá: nó nát hết xương rồi, chỉ còn lại một ít thịt bầy nhầy. Tôi bẻ que, bó cố định. Máy bay địch tiếp tục đến oanh tạc. Bom phá. Bom xăng. Bom bi. Các loại bom tiếp tục dội xuống. Pháo biển bắn tới rầm rầm. Hạnh vừa rên, vừa nói:
- Bắn nó rớt mấy cái cho nó hoảng! Anh ơi giúp giùm em với!
Hạnh kêu khát nước. Chúng tôi không cho Hạnh uống. Bị thơng nặng, máu ra nhiều mà uống nước rất nguy hiểm).
Xế chiều, địch ngừng bắn phá. Chúng đưa tàu chiến, bo bo, xà lan cặp sát bờ biển, đổ bộ chừng 2 đại đội. Súng nhỏ nổ rộ phía núi sát biển. Trực thăng cũng quần lượn, phóng pháo dưới đó. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, đưa hết anh em lên hang đá Hội trường. Hang đá rộng, đông người
Hai quả bom nổ cách nhà bếp từ 5 đến 10 mét làm tanh bành tất cả. Quần áo bay tung lên, mắc vào cành cây. Những ống đạn pháo dùng đựng nước biến mất hết. Gạo đổ vung vãi trong hang.
Kiểm tra lại, tổn thất của chúng tôi gồm: Hương (công nhân in, vừa ở tỉnh xuống với tôi) hy sinh, Hạnh bị thương nặng, Hoa, Tuyết bị thương vừa, Nào, Thanh, Thuỷ bị sức ép làm tức ngực, mệt. Hương định đi tắm, vừa tới cửa hang dưới thì trúng bom! Hương là con trai của anh Đức - Bí thư Xã Uỷ Hoài Châu, người mà tôi rất khâm phục, đã ghi chép chân dung khá kỹ. Tôi giở sổ vẽ sơ đồ khu vực bị bom, hang đá, nơi chôn Hương để nếu có dịp thì trao cho anh Đức.
Tôi cũng bị sức ép làm bùng tai, mệt nhoài. Từ hôm nay, tôi bắt đầu được tiếp xúc thêm với một thế giới lạ lùng, thế giới của những tiếng kêu liên tục: tiếng o o như ve sầu, như dế mèn kêu, tiếng xạo xạo như tiếng những bước chân trên cát, tiếng u u như tiếng máy biến thế điện. Còn những âm thanh ở bên ngoài dội tới trở nên xa xăm hơn, nghe văng vẳng. Khái niệm về âm lượng bị lu mờ làm cho tôi không rõ mình nên nói tới mức nào cho mọi người vừa nghe.
Ở núi Bà, vùng ven Quy Nhơn, trong các lèn đá.
NGÀY 17/6/1972
Hạnh tiếp tục rên la vì đau đớn, vì khát nước. Suốt buổi sáng, cô tỉnh táo, nói nhiều. Cô đòi uống nước, đòi thay quần áo, đòi tắm, đòi mở băng. Cô la mọi người làm biếng, nước ở suối mà không chịu vác về. Cô rủ Tuyết đi xuống suối. Cô gọi tên tôi, Trực.
Tôi đến ngồi bên, an ủi Hạnh. Thương vô cùng. Cô bé này 18 tuổi, ở Phước Hậu (ven thị xã Quy Nhơn), mới đi thoát ly ít tháng. Hồi mới ra, cô luôn khóc, đòi về, nhưng qua những ngày sống với tập thể, được giáo dục, cô rất phấn khởi, luôn vui hát và đang học đánh máy.
Hạnh đòi xuống đất nằm, vì nằm võng tức. Tôi lấy tấm đệm và tấm ni lông trải cho Hạnh nằm. Hạnh vật vã kêu đau, kêu khát, đói. Tôi hoà bột đậu xanh với đường cho Hạnh uống. Hạnh mửa ộc ra. Tôi lấy lon hớt vào, lấy khăn lau cho Hạnh. Hạnh nhìn tôi, nói:
- Tội anh Long quá!
Thay băng cho Hạnh. Vết thương bị bẩn quá, rất hôi. Lúc này, tôi tìm ra thêm một vết thương nữa ở mông trái của Hạnh. Vội chỉ cho y tá rửa, băng lại. Vết thương này đã nhiễm trùng. Phải lấy kéo cắt đi những chỗ thịt thối. Kéo tụt một bên quần Hạnh xuống. Hạnh cứ nắm lưng quần, kéo lên, kêu:
- Người ta đông um sùm mà, đậy lại cho em, anh!
Tôi lấy tấm dù phủ ngang bụng cô, nói:
- Em nằm im cho chị Tùng chữa mới lành, anh đắp kín cho em rồi.
Sau khi rửa vết thương, Tùng dùng kéo cắt lưng quần để cởi ra, thay quần khác. Hạnh níu không được, la:
- Thôi rồi, bắt tôi ở truồng!
Rửa qua vết thương ở lưng. Vết thương sâu quá, thọc panh vào lút đến 2, 3 phân. Hạnh kêu, khóc:
- Trời ơi, làm thịt tôi đấy à! Thương dùm tôi với, anh Long đỡ em dậy.
Băng lại vết thương ở tay. Hạnh vật vã. Tôi hiểu Hạnh đau đớn vô cùng. Lòng tôi như có muối xát. Tôi nắm tay Hạnh, vuốt tóc, vuốt má Hạnh, dỗ dành cô mong làm dịu được chút nào nỗi đau đớn ấy.
Lại dùng kéo cắt áo Hạnh, cởi ra. Cô cũng níu lại, kêu:
- Thôi thế là quần không có, áo không có.
Mặc quần rộng, áo rộng cho Hạnh, Hạnh kêu:
- Mặc gì lạ vầy? Như ông thày chùa!
Gần tối, đưa Hạnh, Hoa, Tuyết đi bệnh xá. Riêng Hạnh thì đi mãi mãi! Tới gần trạm xá, Hạnh đã tắt thở!
NGÀY 18/6/1972
Đã thu dọn xong đồ đạc, bắt tay vào công tác chuyên môn. Anh Khiết hướng dẫn một số thanh niên nhặt xếp lại chữ máy in. Bom hất đổ mất mấy bát chữ. Đó là những bát chữ chuẩn bị cho số báo đầu tiên của Thị uỷ Quy nhơn. Đã hốt lại, chữ lẫn với đất cát. Dù sao, mấy ngày nữa sẽ ra báo.
Sau trận bom B52 ở núi Bà,
TỪ 22 ĐẾN 30/6/1972
Dự hội nghị Thị uỷ mở rộng.
Anh Toàn phân tích tình hình: Thế của địch đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Cả một hệ thống phòng ngự của chúng ở phía Bắc tỉnh đã bị quét sạch. Đường số một bị cắt đứt từ Bình Khê tới Đèo Nhông. Đường 19 bị ta khống chế một thời gian dài. Địch bị bao vây, chia cắt không sao gỡ nổi. Trong toàn tỉnh, địch có 2 trung đoàn Cộng hòa - bị đánh tan tác, nay tập hợp lại tương đối đủ về số lượng nhưng ô hợp, binh lính hoang mang dao động, cầu an, số đào, rã ngũ tăng. Quân số địch trước chiến dịch A1 là 4 vạn, bị ta diệt khoảng 2 vạn tên, số còn lại phần lớn là địa phương quân. Quân giữ thị xã Quy Nhơn phần lớn là địa phương quân, với cấu trúc công sự không phải mạnh. Về lực lượng cách mạng tại Quy Nhơn: thế càng cao, lực càng mạnh, tạo được thế tấn công, chia cắt địch, có hậu phương gần gũi, vững chắc là các huyện phía Bắc tỉnh, đồng thời có nhiều vùng giải phóng nằm sâu trong lòng địch.
Anh Toàn nhấn mạnh về quyết tâm của chúng ta: Tiến tới giải phóng toàn bộ tỉnh Bình Định. Dốc toàn bộ lực lượng cho phía Nam, giành toàn bộ nông thôn. Binh vận phải đưa lên quy mô lớn hơn. Kết hợp với phong trào quần chúng phải tổ chức được binh biến ly khai trong quân đội Ngụy. Với Quy Nhơn, sẽ giải phóng bằng 3 mũi giáp công. Cú đấm quân sự sẽ mạnh chưa từng có. Trách nhiệm của địa phương là phải đưa cú đấm nổi dậy và binh vận lên mạnh tương ứng.
Suốt mấy ngày thảo luận để quán triệt tình hình, nhiệm vụ và xây dựng phương án. Gay nhất là phương án - làm sao phải truyền được hơi thở mới này vào quần chúng, xây dựng thực lực nhanh, đưa quần chúng vào tổ chức và hành động mạnh mẽ? Những cán bộ hợp pháp hoạt động trong Quy Nhơn phát biểu rất sôi nổi.
Ở đây, tôi gặp một cô gái 18 tuổi, hoạt động hợp pháp tại Quy Nhơn: Phương. Người Phương nhỏ bé như con gái 14, 15 tuổi. Cô có đôi bàn tay rất đẹp với những ngón tay búp măng trắng hồng. Phương hồn nhiên, nhí nhảnh nhưng lại bị địch tra tấn ảnh hưởng tới thần kinh. Ngày nào Phương cũng lên cơn, sau đó nói nhảm như người mất trí chừng 2 giờ. Từ năm 12 tuổi, Phương đã nghi trang 8 công sự cho cán bộ. Có lần địch nghi có công sự, xăm khắp nhà Phương, ném lựu đạn vào hầm pháo rồi bắt Phương vào kiểm tra. Phương lấy lưng che chỗ vách hầm sạt để các anh trong công sự nghi trang lại và nói với địch “Không có gì”. Địch đem Phương ra đánh đập, treo lên ngọn dương. Khi địch rút, các anh đi kiếm mãi mới thấy Phương đã chết ngất trên đó. Ở xã Mỹ Thắng của Phương có thằng thiếu uý Thành gian ác có tiếng. Nó bắt đồng bào kêu nó là “Ông Thần”. Ai kêu là chú, là ông... nó đánh liền. Có lần nó bắt phụ nữ tập trung, kêu những chị có con đang bú ra vạch vú, vắt sữa cho nó coi. Phương tức quá, nói “Hồi giờ ông ấy không thấy vú hay sao?”. Nó nghe thấy, lôi Phương ra đánh cho một trận tơi bời. Nhưng sau đó, nó đã bị Phương trừng trị. Phương để trái mìn mo trong rổ, đem tới đặt ngay trong góc nhà nó ở. Mìn nổ, nó nằm trên võng mà chết, 4, 5 đứa khác cũng chết theo nó. Phương bị bắt. Nhưng Phương đã thoát khỏi tù. Phương lại dùng mìn mo diệt 12 tên Bảo an khác và lại bị bắt cùng 5 cô bé khác. Địch tập trung dân, đưa các cô ra tuyên bố xử bắn. Chúng đưa cho mỗi cô một bát mì tôm, một cốc côca để ăn, uống trước khi chết. Các cô hốt cát bỏ đầy bát, cốc. Địch kéo các cô tới bãi bắn. Đồng bào ùa tới giằng súng của bọn lính, cởi trói cho các cô. Phương chạy thoát, trốn vào một nhà dân. 18 tuổi, Phương đã bị bắt 4 lần, bị hành hạ đủ kiểu. Phương nói lần bị bắt thứ 2 “thảm nhất”. Nhưng Phương không thể kể với tôi “thảm” như thế nào, vì Phương sợ quá xúc động, lại lên cơn. Đòn thù không làm Phương mất hồn nhiên, mất sôi nổi, hăng say công tác. Họp, Phương phát biểu rất sôi nổi. Khi hăng hái quá, Phương bị cà lăm, cứ ngấp ngứ mãi mới nói được một tiếng - chính vì bị tra điện nhiều quá mà Phương bị tật này.
Chào tạm biệt Phương, tôi nắm mãi đôi bàn tay nhỏ nhắn, có những ngón búp măng xinh xinh. Chúc đôi bàn tay đẹp làm nên những chiến công mới xuất sắc. Phương lại trở vào thị xã xây dựng cơ sở, tổ chức những vụ đấu tranh chính trị, và quan trọng hơn nữa, sẽ cùng với các đồng chí của mình góp gió thành bão trong mùa nổi dậy sắp tới.
THỨ 7 NGÀY 1/7/1972
Kỷ niệm 26 năm ngày sinh của tôi
Trời cao xanh, nắng vàng óng ả.
Gió biển thổi về lồng lộng.
Cùng Trực, Thảo duyệt, sắp xếp bài cho tờ “Quy Nhơn”, tờ báo đầu tiên của thị xã. Mai mốt, báo sẽ ra đời và chắc sẽ đem lại cho người Quy Nhơn tình cảm, suy nghĩ mới. Nghĩ vậy, thấy vui vui.
NGÀY 2/7/1972
Chuẩn bị lên đường về Khu - ngoài ấy điện gọi về.
Đêm, ngồi trên hòn đá cao gần đỉnh núi mà nhìn về Quy Nhơn. Thị xã chạy dài với hàng dãy đèn điện sáng nhấp nháy. Phía đông, biển và trời nối liền nhau, không phân biệt được. Chỉ thấy nổi bật lên là những đốm sáng lấp lánh của hàng chục ngọn đèn măng sông của đồng bào làm biển - trông chúng như những ngôi sao.
Thật tiếc, chưa làm được gì mấy, đặc biệt là chưa nuôi dưỡng được tờ báo bao lâu, đã phải về. Anh Toàn và các anh chị trong Thị uỷ đều rất tiếc và rất lưu luyên tiễn chúng tôi ra đi.
NGÀY 3, 4/7/1972
Lên đường. Lại leo núi Bà. Hồi này, địch bắn pháo dữ dọc đường nên đi khá căng. Nhiều đoạn phải chạy, mệt đứt hơi. Nắng và nóng. Những hố đạn pháo. Những cây đổ, cành gẫy. Những lỗ bom bi.
Địch càn Tây đường nên chưa qua được, phải nằm chờ ở trạm Huệ.
NGÀY 5/7/1972
Trưa, pháo địch dội tới rầm rầm. Một quả nổ trúng hòn đá trước cửa hang. Ngồi dưới hang, thấy lửa chớp rồi tất cả bỗng tối đen. Một lát sau mới thấy sáng dần. Từng cuộn khói thuốc pháo đen đặc lùa vào cửa hang đang tan dần. Mùi thuốc pháo pha lẫn mùi đá, lá cây tạo nên mùi khét, tanh, nồng dễ sợ làm chúng tôi ngột ngạt, nôn nao.
Pháo hết bắn. Ra ngoài hít thở không khí trong lành. Hòn đá trước cửa hang vỡ tung ra. Cũng lạ, những đồ đạc chúng tôi để cách đó mấy mét gồm chén sứ, ăng gô, sữa lon... đều không bị sứt mẻ.
Chiều, đi xuống. Trời dội cho một cơn mưa tầm tã. Ướt mèm. Vẫn phải vác lá nguỵ trang đi lom khom. Địch mới chốt thêm 2 chốt gần đây, rất dễ thấy chúng tôi. Chờ ở rìa núi, tối hẳn mới xuống. Phía Tây Nam, địch dội pháo nổ vang rền. Pháo bắn liên hồi, tôi đếm được khoảng 6, 700 quả. Phía đường chúng tôi đi thì tĩnh. Rất gần đồn địch. Thấy tên lính gác lia đèn pin qua lại. Đèn dù cũng thi nhau nổ bụp, phát sáng. Mỗi lần như thế, lại phải nằm rạp xuống ruộng.
Qua đường một cách bình yên. Tới đường sắt, gặp một tốp du kích đang nằm chờ đánh lính tuần.
Lên tới Tây đường, phải chờ rất lâu. Địch đang càn quét vùng rìa núi. Chúng mới đưa thêm lên 2 cây pháo, 13 xe tăng. Giao liên phổ biến: phải lách giữa 2 cánh quân Cộng hoà và Pắc Chung Hy mà đi, do vậy, phải im lặng tuyệt đối.
Chúng tôi lặng lẽ theo giao liên. Mới ra khỏi làng một lúc, anh Giang đã không theo kịp. Anh hét tướng lên: “Chờ với chứ!”. Mọi người đều rợn tóc gáy. Tuy nhiên, anh chàng phá bĩnh ấy đã khiến giao liên phải đi chậm lại. Nếu không, anh ta lại hét tướng lên nữa và nếu địch nghe thấy thì trời mà đoán được hậu quả sẽ tai hại thế nào? Lầm lũi đi. Đường vòng rất xa. Không gian im ắng. Không một tiếng pháo. Không một tiếng súng nhỏ. Lên đến đèo Nguỵ. Đèo này vốn nổi tiếng là trọng điểm pháo kích của địch. Cây cối hai bên đường tơi tả, gãy gục. Tuy nhiên, lúc này cũng im ắng lạ lùng. Đi tới 4 giờ sáng mới đến trạm.
NGÀY 6 - 10/7/1972
Về tới Ban Tuyên Huấn tỉnh.
Mưa rào. Gió đùng đùng. Trời bão mấy ngày.
NGÀY 11/7/1972
Lên đường đi Hoài Nhơn để về Khu. Qua khu nhà cũ. Vắng đìu hiu.
NGÀY 12/7/1972
Tới thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa, Hoài Ân). Nơi này, cuộc sống đang xanh tươi lại và thật náo nức. Hồi trước, đi qua chỉ thấy cây cối, bụi rậm. Bây giờ đã thấy nhà tranh mọc lên san sát, thấy những vạt bắp xanh mượt bồng con. Con đường được mở rộng, xe GMC chạy được. Một anh thợ cắt tóc cho biết ở đây đã thực hiện việc làm hợp tác. Cả thảy có 90 lao động. Trâu bò, cuốc rựa được chính quyền chu cấp đầy đủ. Hiện nay, bà con đang bừa lần cuối để cấy. Mạ cũng đã đủ. Xẩm tối, tôi mới thấy bà con vác cuốc từ đồng về.
NGÀY 13/7/1972
Sáng sớm, đạp xe đi Bồng Sơn. Qua những xóm bị địch đánh cháy rụi.
Thị trấn vắng vẻ, đổ nát.
Riêng các thôn ngoại vi thì đời sống vẫn nhộn nhịp. Đồng bào đang tập trung làm cỏ lúa.
NGÀY 14/7/1972
Tôi tranh thủ làm việc với Ủy ban thị trấn Bồng Sơn. Ngày 8 tháng 5, ta đã công bố bộ máy chính quyền cách mạng gồm 7 người; ngày 9 đã hình thành bộ máy các ngành, giới ở xã, thôn. Đã thanh lọc, đảm bảo không còn tề điệp chui trong hàng ngũ cách mạng. Lực lượng du kích từ số không, nay đã có 50, còn bổ sung cho bộ đội 20 người, đã hình thành xã đội, thôn đội. Về đời sống, nông thôn tương đối ổn định, tăng thêm diện tích canh tác, chính quyền giúp cho dân 4 máy bơm nước. Đã tích cực thực hiện các biện pháp chống phản kích: 80% địa hình đã được cải biến, có giao thông hào, chông - ngày đi sản xuất, tối về đào hào. Về an ninh, đã quét ráp hết từ dân vệ trở lên, hiện đang tổ chức cho bọn ngụy cũ - từ liên gia, xóm trưởng tới phòng vệ dân sự - học tập cải tạo. Về văn hóa, cấp một có 5 lớp, với trên 1.200 học sinh. Chuẩn bị mở lớp bình dân học vụ.
NGÀY 16/7/1972
Thị trấn Tam Quan cũng bớt nhộn nhịp. Một số gia đình đã dỡ nhà, dời về vùng nông thôn ở.
Sáng, mấy chiếc trực thăng quần lượn sát ngọn dừa. Ngồi trong nhà, chúng tôi cũng nhìn thấy tụi giặc lái lăm lăm súng ngồi trong máy bay nhìn xuống. Khi máy bay vòng về phía Nam, nghe có những loạt súng bắn lên.
NGÀY 17/7/1972
Về Hoài Thanh họp. Được tin du kích Bồng Sơn đã bắn rơi một trong những chiếc trực thăng bay thấp hôm qua. Năm du kích leo lên lầu cao - có đại liên, AK, AR15... trực chiến. Lúc máy bay bay ra, không ai kịp bắn. Họ tiếc quá, nghênh súng chờ. Khi máy bay bay vào, họ đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay bị trúng đạn, lạng về phía Tây. Phía đó, súng lại nổ. Nó lạng về phía Hoài Xuân. Năm du kích Hoài Xuân kê súng vào thân dừa, đồng loạt bắn. Khắp trời vùng giải phóng đều dăng lưới lửa hạ nó. Nó rơi ở vùng Hoài Xuân. Đồng bào, du kích liền tràn tới cưa súng, tháo rốc két đem về rồi đốt máy bay. Bọn địch hèn hạ cho phản lực tới thả bom làm chết 17 đồng bào.
Đêm đêm ở đây vang lên tiếng trống mõ. Đó là cách dùng âm thanh uy hiếp tinh thần địch mà bà con gọi là thanh viện.
Bom, pháo vẫn nổ rền ở phía Nam.
NGÀY 18/7/1972
Dự cuộc họp Huyện ủy. Tình hình chung toàn huyện Hoài Nhơn đến nay như sau: Đã truy bắt căn bản hết tàn binh ngụy. Thuần khiết nội bộ, đưa 271 tên ngụy đi cải tạo, giáo dục 400 tên tại xã. Đã phá căn bản hết đồn bốt địch, lấy vật liệu xây dựng thôn, xã chiến đấu. Quần chúng đóng góp nhân lực, trong 10 ngày chuyển được 450 tấn lương thực. Trên 3.000 ngươì đã đi dân công. Các xã đều huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự cho du kích. Tuy vậy, về thực lực của ta, đủ về số lượng nhưng chưa bảo đảm về chất lượng. Chưa hình dung ra biện pháp tiến hành 3 mũi giáp công cho phù hợp.
Một con số thống kê làm tôi suy nghĩ mãi: Trong đợt tổng tấn công, nổi dậy từ 12 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1972, Hoài Nhơn có 36 quần chúng hy sinh, trong khi đó du kích, bộ đội địa phương hy sinh 27 người! Tôi càng thấm thía bài học về nhân dân - nhân dân bao giờ cũng chịu đựng khó khăn, ác liệt nhất, hy sinh nhiều nhất và nhân dân chính là nền xây nên những tượng đài chiến thắng!
NGÀY 19/7/1972
Kẻ địch muốn nống lấn, chiếm lại vùng giải phóng. Chúng đưa quân ra vùng Phủ cũ, Hoài Đức. Bị đánh, chúng bật lui, kêu bom pháo. Sáng nay, B.52 Mỹ dội bom 7 đợt với 21 lượt chiếc. Tiếp đó, phản lực, pháo cũng nã tới. Chúng đổ quân ở một số điểm cao. Pháo binh ta, 8 khẩu bố trí thành một đường vòng cung, dội bão lửa xuống đầu chúng. Chúng ta quyết giữ vững vùng giải phóng. Người già, trẻ em ở những nơi xung yếu được sơ tán về vùng nông thôn. Toàn dân sẽ vũ trang đánh địch.
TỪ 21 ĐẾN 24/7/1972
Địch liên tiếp dội B.52: Hoài Hảo 5 đợt, Hoài Châu 2 đợt, giáp Quảng Ngãi 2 đợt, nhưng chỉ rải trên rìa núi, trong khi quân ta đã áp xuống đồng bằng, nên chẳng ai chết cả. Tiếng rằng nhiều đợt, nhưng số lượng bom đạn cũng chỉ bằng một đợt của những năm 68 - 69 vì máy bay hồi này chở ít bom quá. Sau khi B.52 oanh tạc, đến phản lực, pháo, trực thăng bắn phá. Rồi địch đổ quân ở một số điểm cao. Chúng đã có mặt ở Tam Quan, Hoài Thanh, Hoài Tân, Bồng Sơn. Chúng ta đang chặn đánh chúng. Bom, pháo ùng ùng suốt ngày đêm. Trong những ngày đầu, ta diệt một đại đội ở Thiết Đính, 2 đại đội ở Hoài Thanh và Hoài Ân. Nghe đồng bào nói lại, bọn lính rất bạc nhược, có thằng bị đẩy ra khỏi máy bay là khóc. Chúng chỉ dựa vào bom đạn Mỹ. Không biết lũ máy bay, pháo binh đã dội xuống những vùng đất mới giải phóng này bao nhiêu tấn bom đạn? Nhà sập đổ. Người chết. Thị trấn tan hoang. Vùng nông thôn đông đặc những đồng bào ở thị trấn sơ tán về.
NGÀY 25/7/1972
Tạm biệt Bình Định, về Khu. Đứng trên núi, nhìn thấy phía biển Tam Quan mấy chiếc tầu chiến đứng hầm hè. Còn phía biển Quảng Ngãi thì vắng lặng.
NGÀY 26/7 ĐẾN 4/8/1972
Về Khu theo đường dưới - đường Tây Quảng Ngãi. Phần lớn đường chạy qua những đồi sim, đồi trọc hoặc rừng cây thưa thớt, thỉnh thoảng chạy qua những khu ruộng bậc thang. Theo trạm ít ngày rồi chúng tôi tách, rẽ về phía sông Sà Lò, sông Tang. Gặp lại con đường hồi năm 1970 tôi đi cõng gạo với Tạo, Nghị. Nhớ như in từng chỗ nghỉ, chỗ lội sông, chỗ nấu ăn. Sống lại những kỷ niệm thân thương, trong đó đầy vất vả.
(Còn nữa)