Tài chính xanh - Thực trạng và giải pháp đối với Việt Nam

Tài chính xanh là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, vì là một lĩnh vực còn khá mới mẽ, vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể phát triển bền vững, Việt Nam còn phải có các giải pháp lâu dài, đúng đắn.

Chiều ngày 22/7/2024, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024 với chủ đề: "Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ”.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị của ngành Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh; các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, Sở giao dịch chứng khoán; và đại diện lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp, quỹ đầu tư cùng đại diện hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam.

dt3xt3-1721789350.jpg

Các chuyên gia tham gia tại diễn đàn.

 

Phát biểu Khai mạc Diễn đàn Tài chính xanh 2024, TS. Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tài chính xanh đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

dtxt4-1721789478.jpg

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn.

 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên, tài chính xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai. Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, tài chính xanh có thể được hiểu là các chính sách, công cụ và giải pháp về tài chính – tiền tệ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, tăng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, bền vững.

Theo ông, tài chính xanh là xu hướng tất yếu của thế giới, vì vậy Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh.

Ngoài ra, với cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các- bon thấp, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu…v.v.

Là một thị trường mới và đầy tiềm năng, tuy nhiên Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức, như chưa có sản phẩm tài chính xanh (đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù. Chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…)

Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế.

Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh, gồm: ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng, về lãi suất.

Theo ông Cấn Văn Lực, để tín dụng xanh tại Việt Nam phát triển bền vững thì phải xây dựng Qũy tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi. Các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; có sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra cần tăng cường nâng cao nhận thực, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất – tiêu dùng xanh…để các hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn.

Tại diễn đàn, ông Vương Chí Dũng, vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng nêu một số giải pháp. Ông cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường vốn xanh (cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành).

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cộng đồng.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh.