BB

Tấm gương sáng rèn luyện sức khoẻ

avatar
Hiểu rõ vai trò của việc rèn luyện thể dục thể thao đối với sức khoẻ con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy việc luyện tập như một lẽ sống giản dị. Sinh thời Người từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ là bỗn phận của mỗi người dân yêu nước”. Người còn nhấn mạnh: “Sức khoẻ là tài sản quý giá nhất, không có gì có thể so sánh được”. Và như ông cha ta thường nói: “Có sức khoẻ là có tất cả”.

Nhận rõ tầm quan trọng của sức khoẻ con người, nên khi là một thanh niên, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, dạy học ở Trường Dục Thanh, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trước khi đi tìm đường cứu nước, thầy Thành không chỉ dạy văn hoá đơn thuần, mà thầy còn dạy cho học trò tập luyện thể dục thể thao. Mỗi buổi sáng thầy Thành thường dẫn học trò ra bờ sông Cà Ty (con sông chảy thị xã Phan Thiết), hay bãi biển để tập thể dục. Cứ thứ 5 hàng tuần, thầy giáo Thành lại dành ra một số thời gian để dạy thể dục cho học trò các môn: nhảy cao, nhảy xa, kéo xà đơn, xà kép, nhảy dây, kéo co... Bản thân thầy Thành tập thể dục bằng cách mỗi buổi sáng, trước giờ lên lớp, đi bộ hàng giờ dọc bờ biển, vừa được hít thở không khí trong lành, vừa được luyện tập đôi chân dẻo dai.

anh-chinh-trong-1684077104.jpg

Bác Hồ tập thể dục mỗi buổi sáng

Trong những năm tháng sống và làm việc ở Pháp, Bác Hồ luôn luôn có ý thức giữ gìn sức khoẻ để hoạt động cách mạng lâu dài. Mỗi buổi sáng, như thường lệ, Người dậy sớm tập đi bộ. Vào những ngày đông lạnh giá, trước khi đi làm, Người lấy hai viên gạch cho vào bếp lò của khách sạn, nơi Người thuê trọ, để chiều về lấy viên gạch ra, bọc báo cũ đặt dười tấm nệm nằm cho ấm.

Trong thời gian ở xứ sở Bạch Dương, miền đất lạnh, mùa đông có lúc nhiệt độ xuống dưới độ âm 20 đến 30 độ, rét run cằm cặp, nhưng Bác Hồ vẫn giữ thói quen dậy sớm tập thể dục đều đặn, như tập tạ, kéo dây thun, kéo xà...

bac-choi-bong-chuyen-1-sfahx-1684077104.jpg
Bác chơi bóng chuyền

Khi Người về Vân Nam, Trung Quốc, dù phải hoạt động bí mật, di chuyển nhiều nơi, nhưng không sáng nào Bác bỏ tập thể dục. Tập thể dục đối với Bác Hồ cấp thiết như cơm ăn, không khí để thở vậy. Không bỏ sót buổi nào.

Ngày trở về Tổ quốc, sống ở hang Pắc Bó, chật hẹp, khắp nơi toàn đá tai mèo lởm chởm, Bác đã lấy đất lấp vào những hóc đá, tạo thành một mặt phẳng đủ rộng để sáng sáng tập thể dục. Bác còn có sáng kiến dùng dao đẽo gọt những khúc gỗ thành những “quả tạ” to nhỏ khác nhau để tập tạ... Một đận ở nhà dân, Bác bị sốt rét nặng, đắp chăn, sưởi lửa vẫn rét run cầm cập, Bác nẩy ra “sáng kiến” trèo lên, tụt xuống cột nhà, tới khi vã mồ hôi, hết rét.

Tháng 9 năm 1943, sau khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa Dân quốc, Bác Hồ liền bắt tay tập luyện leo núi để phục hồi sức khoẻ, nhằm mục đích mau chóng trở về nước phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Việc Bác say sưa luyện tập, đã khiến cho Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch đã phải thốt lên: “Kính phục! Kính phục”.

bac-ho-tap-the-duc-2-1684077104.jpg

Sau những ngày nỗ lực luyện tập, sức khoẻ có phần ổn định, Bác trở lại Cao Bằng.

Trong những ngày ở Pắc Bó, hay Khuổi Nậm, rồi về lán Nà Lừa, Sơn Dương, Tuyên Quang... bất cứ ở đâu, Bác vẫn duy trì đều đặn thường xuyên nếp sinh hoạt, tập thể dục nâng cao sức khoẻ.

Chính nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên, mà Bác đã vượt qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945 nổ ra thắng lợi.

Các vị cách mạng lão thành kể rằng thời kỳ chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 18 năm 1941, sáng nào cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một ít thời gian tăng gia sản xuất, trồng rau, khoai, sắn... Sau đó đi tắm, bơi lội, vẫy vùng ở suối Lénine.

Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ trở về Hà Nội (1945 – 1946), mặc dù công việc hết sức bận rộn, ngày đêm lo đối phó với “thù trong giặc ngoài”, nhưng Bác vẫn giữ nếp dậy sớm tập thể dục buổi sáng.

Theo hồi ức của các bậc lão thành, có dịp tháp tùng Người đi thăm nước Pháp năm 1946, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Cộng hoà pháp, tại đây Bác vẫn giữ nguyên nếp dậy sớm tập thể dục.

Một Việt kiều có dịp chứng kiến, đã viết: “Công việc của Bác ngày càng bận, nhưng không bao giờ Bác Hồ bỏ thói quen dậy sớm tập thể dục và đọc báo... Hôm ấy là một ngày trung tuần tháng 9 năm 1946, Bác Hồ có lịch làm việc với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Moute, đến khoảng 3 giờ sáng mới thấy Bác về. Lạ thay, Bác làm việc khuya như thế, mà đến 5 giờ sáng Bác đã dậy tập thể dục và vệ sinh cá nhân”.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Sáng nào Bác cũng dậy sớm luyện tập, Bác tập chạy ở bờ suối. Bác còn tập leo núi, Bác chọn những ngọn núi cao nhất trong vùng để leo lên. Người còn động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cần giữ gìn sức khoẻ, tăng cường thể lực để phục vụ công tác chiến đấu, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Một trong những bài tập sử dụng rộng rãi là bài tập quân sự gồm 32 động tác với súng, gậy và một số môn như chạy việt dã, chạy vũ trang, đánh bóng chuyền, bơi lội...

images1858447-3-1684077104.jpg

Ngoài tập thể dục, Bác không chỉ ham mê luyện thái cực quyền mà còn có khả năng tiếp thu nhanh, để phòng thân. Một hôm Bác hỏi đồng chí Lý, người bảo vệ của Bác (ông Hoàng Hữu Kháng):

- Bác nghe nói, chú giỏi vỏ lắm phải không?

- Cháu ham tập các môn côn, kiếm, gậy và luyện nhiều về quyền theo yêu cầu công tác – đồng chí Lý thưa.

Bác khen đồng chí Lý đi bài “bát lộ liên hoa quyền” ra các đòn thế công, thế thủ rất hay. Bác hỏi tiếp:

- Người muốn tập bài này phải mất bao nhiêu ngày?

- Đồng chí Lý suy nghĩ một hồi rồi thưa:

- Nhanh cũng phải 8 đến 10 buổi.

Thế là Bác theo đồng chí Lý lên sân thượng Bắc Bộ phủ (nơi Bác làm việc từ 1945 -1946). Đồng chí Lý không ngờ, chỉ 3 buổi sáng theo yêu cầu của Bác, đồng chí Lý hướng dẫn xong 40 thế vỏ tiến, thủ và Bác đã lắp ghép thành thạo, đặc biệt là các thế “thái sơn áp đỉnh, độc cước phi thân”.

Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, vào những năm 1957 – 1958, Bác rất thích tập thái cực quyền. Những đêm trăng, Bác cùng anh em cảnh vệ thường tập đến khuya.

29-09-2021bac-2-1684077105.jpg

Sống cùng các chiến sỹ, Bác thường tìm hiểu và tập luyện những bài quyền mới. Bác tập bài mới rất say sưa, tiếp thu nhanh, chú ý đến từng thế tấn, thế gạt, đỡ... Mỗi động tác đều vận gân cốt và tập trung tinh thần cao độ. Vì vậy, Bác đi quyền rất sinh động. Bác cũng rất sốt sắng truyền lại cho các đồng chí của mình những bài quyền Bác đã học được.

Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã leo 379 bậc cầu thang lên thăm tháp Cutapmina, cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ, khiến nhân dân thủ đô New Delhi thán phục.

Năm 1967, Bác đề xuất với Bộ Chính trị, Bác muốn vào Nam thăm đồng bào, chiến sỹ ruột thịt. Để chuẩn bị cho chuyến đi đó, Bác đề ra kế hoạch cụ thể luyện tập sức khoẻ hàng ngày bằng cách đi bộ, tập mang ba lô nặng, để có thể vượt Trường Sơn. Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác: Mỗi ngày Bác thường đi bộ từ 5 đến 10 km, có hôm lên đến 20 km, băng rừng, lội suối, vượt sông, vai mang ba lô nặng khoảng 25 kg.

Khi đã ngoài 70 tuổi, Bác vẫn kiên quyết duy trì sức khoẻ, bằng cách trước tiên bỏ hút thuốc lá và giữ vững chế độ tập luyện và sinh hoạt hàng ngày. Theo đề nghị của Bác, các đồng chí cảnh vệ mua cho Bác 20 quả bóng quần vợt (tenis), để vào ngăn kéo. Bác đặt một sọt cách bàn làm việc của Bác chừng 5m, mỗi khi viết mỏi tay, Bác đứng dậy lấy quả bóng ném vào sọt, ném tay phải rồi đổi qua tay trái. Bác nói tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển hệ thần kinh và tính chính xác của đôi tay.

Để giữ gìn sức khoẻ, Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa. Ngoài giờ làm việc Bác tham gia lao động sản xuất. Nhờ vậy mà Bác ít khi ốm vặt, tinh thần luôn luôn minh mẫn./.