“Tam nông” phải lấy nông dân làm gốc

TS. ĐẶNG KIM SƠN, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Nghị quyết 26-NQ/TW đã đem lại thành công nổi trội về mặt nông nghiệp, nông thôn. Tới đây, “tam nông” phải lấy nông dân làm gốc, làm chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển…

Phải trả lời 3 câu hỏi cốt lõi

- Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, theo ông, đâu là thành tựu nổi bật hơn cả?

- Tôi cho rằng, có hai thành tựu nổi bật nhất. Một là, nông nghiệp đã phát triển, quá trình tái cơ cấu hiệu quả đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, đóng góp lớn cho xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Nông nghiệp trở thành nền tảng tạo việc làm, là nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân.

“Tam nông” phải lấy nông dân làm gốc -0

Hai là, bộ mặt nông thôn đã thay đổi vượt bậc. Khoảng cách với đô thị dần được cải thiện, công bằng xã hội được củng cố, tài nguyên môi trường được bảo vệ, bảo đảm ứng phó với thiên tai, kinh tế nông thôn phát triển, nhờ đó xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Tuy vậy, có những nhược điểm mà Nghị quyết 26-NQ/TW đã chỉ ra vẫn chậm được khắc phục. Đó là nông nghiệp phát triển kém bền vững, tăng trưởng giảm, khả năng cạnh tranh thấp, mức sống chênh lệch lớn giữa nông thôn và đô thị… Đặc biệt, dù nông dân đã được xác định là “chủ thể của phát triển” nhưng vai trò này vẫn chưa thể hiện. Những kết quả cho nông dân chủ yếu nhờ thành công của phát triển nông nghiệp và nông thôn mang lại. Dù chúng ta đã có quyết tâm nhưng nguyên nhân chính của tình trạng này là thay đổi tư duy chậm; tổ chức, cơ chế chưa được đổi mới một cách hiệu quả và kịp thời; khả năng huy động nguồn lực yếu.

- Trong bối cảnh đó, việc tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW cần làm bật lên những vấn đề gì, thưa ông?

- Quan trọng nhất là phải trả lời được 3 câu hỏi cốt lõi. Một là, từ tổng kết thời gian qua, đề ra vai trò của “tam nông” đối với quá trình phát triển đất nước thời gian tới như thế nào? Hai là, động lực nào cho quá trình phát triển “tam nông” hiện nay và tương lai, đâu là cách để phát triển động lực đó? Ba là, tới đây, xã hội, môi trường với nông dân, nông thôn sẽ có sự thay đổi lớn, vậy làm thế nào để đáp ứng hiệu quả, khai thác tốt nhất các lợi thế, khắc phục được mọi rủi ro, thách thức?

Hãy trao quyền cho nông dân!

- Sự thay đổi lớn về xã hội, môi trường với nông dân, nông thôn tới đây sẽ đặt ra những vấn đề nào cần phải tính tới, thưa ông?

- Tới đây, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ mạnh hơn rất nhiều, vừa tạo việc làm, thu nhập song cũng sẽ lấy đi tài nguyên của nông nghiệp, tiếp tục tạo chênh lệch giữa đô thị - nông thôn, miền núi - miền xuôi, đẩy mạnh di cư. Đây là thách thức rất lớn, kéo theo sự thay đổi rất mạnh mẽ cho toàn bộ xã hội nông thôn và nông dân. Hàng triệu người dân nông thôn sẽ thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang phi nông nghiệp trong một thời gian tương đối ngắn.

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh vừa mở ra thị trường, tạo cơ hội đầu tư song cũng tạo ra sự cạnh tranh ghê gớm. Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra động lực cho tăng trưởng, song nguy cơ tự động hóa sẽ đẩy lao động thủ công ra khỏi ngành công nghiệp, dịch vụ là rất lớn. Những điều này đe dọa trực tiếp tới thân phận và tương lai người nông dân trong khi khả năng tích lũy vốn, độ bao phủ phúc lợi xã hội, năng lực đào tạo nghề, thị trường lao động chính thức còn hạn chế.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu mạnh mẽ; mức độ khai thác tài nguyên đến giới hạn về đất, nước, sinh học, nhiên liệu hóa thạch…; sự xuất hiện của dịch bệnh và diễn biến thiên tai làm gia tăng rủi ro, thu hẹp địa bàn sống an toàn, giảm bớt diện tích canh tác nông nghiệp thuận lợi, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Tất cả những điều này cần được nhận diện thấu đáo, bởi nó tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nông thôn, mà đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là nông dân, hiện chiếm trên 60% dân số của nước ta. Chính cư dân nông thôn lại là nguồn tài nguyên quan trọng nhất hiện có, chưa khai thác hết và đầy năng lực cả về lao động lẫn trí tuệ con người.

Trước đây, công nghiệp hóa, đô thị hóa luôn đi kèm xu thế nông dân trở thành lao động công nghiệp, lao động dịch vụ, trở thành người kinh doanh… thì nay tình hình đã rất khác. Đô thị hóa, nếu theo mô hình tập trung vào hai thành phố chính quá tải với cả chục triệu người hiện nay, sẽ không thể hút thêm người vào. Điều kiện khởi nghiệp chuyển kinh tế hội thành doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay khiến cho con đường “lột xác” của giai cấp nông dân trong tương lai khác hẳn những gì đã diễn ra ở các nước khác trong quá khứ. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đó. Đây là thách thức của cả thế giới mà không một nhà nước giàu mạnh nào có thể can thiệp nổi, không một nền kinh tế nào thu hút đủ đầu tư để xử lý nổi.

- Theo ông, cách nào để vượt qua những thách thức này?

- Cách duy nhất là tổ chức lực lượng của cư dân nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận cơ hội, tăng cường năng lực, trao đủ quyền lực cho người nông dân để họ đứng lên chủ động tích lũy tài sản, trang bị kỹ năng, làm chủ quá trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức đời sống của mình.

- Ông hình dung thế nào về một nghị quyết “tam nông” cho giai đoạn tới?

- Ở đó, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là tấm áo giáp, là lá chắn, là chỗ dựa bảo đảm sự vững bền cho quá trình phát triển mà còn là nền tảng, là lợi thế cần được phát huy để trở thành động lực kinh tế và sức mạnh xã hội, môi trường của đất nước. “Tam nông” phải lấy nông dân làm gốc, làm chủ thể, trung tâm của sự phát triển. Nông dân phải được đặt lên trước. Sức mạnh của người nông dân sẽ được phát huy khi tổ chức lại và trao quyền cho họ trong hội nông dân, trong liên hiệp hợp tác xã đổi mới.

Muốn vậy, mấu chốt là phải thay đổi tư duy. Cũng như gần 40 năm trước khi Đảng quyết định Khoán 10: trao quyền và hỗ trợ cho kinh tế hộ thành công. Chuyện tổ chức cư dân nông thôn lại, trao quyền, tăng cường năng lực cho họ là vấn đề rất lớn, mong được Nghị quyết của Đảng dẫn dắt một cách sáng tạo. Quá trình chuyển đổi vài chục năm tới là rất ghê gớm khi 60 - 70% dân số nông thôn hôm nay rút xuống 10 - 30%. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa có thành công hay không là tùy thuộc tốc độ và chất lượng sự “lột xác” này. Không ai có thể làm thay chính chủ thể này trong việc ra quyết định, tham gia quản lý chứ không chỉ ở mức “bàn, làm, kiểm tra” hay “thụ hưởng”. Ở các quốc gia thành công, hợp tác xã, hội nông dân quản lý doanh nghiệp. Các tổ chức này tham gia cung cấp dịch vụ công như Nhà nước, tham gia xây dựng chính sách và quản lý kinh tế xã hội. Muốn thành công, cần nghĩ theo hướng đó!

- Xin cảm ơn ông!