Trong thông cáo báo chí phát đi từ Maniia (Philippine) ngày 17 tháng 7 năm 2024 ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong năm 2024 lên 5,0% so với mức dự báo trước đó là 4,9%, do xuất khẩu của khu vực đã bổ sung cho nhu cầu nội địa vững vàng hơn. Triển vọng tăng trưởng cho năm sau được giữ nguyên ở mức 4,9%.
Lạm phát toàn khu vực được dự báo giảm dần, xuống còn 2,9% vào năm 2024, trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu giảm và tác động dai dẳng của mức lãi suất còn cao. Đây là nhận định mới nhất trong ấn bản của báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) được công bố trong ngày.
Quá trình phục hồi kinh tế khu vực chủ yếu nhờ vào nhu cầu nội địa và xuất khẩu gia tăng trở lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông cáo báo chí của ADB nhấn mạnh, quá trình phục hồi chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu gia tăng trở lại, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu toàn cầu tăng mạnh đối với những sản phẩm điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn dùng cho các ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo,đang giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ một số nền kinh tế châu Á.
Trong khi lạm phát giảm dần về mức trước đại dịch, áp lực giá cả vẫn còn cao tại một số nền kinh tế. Do khí hậu bất lợi và những hạn chế về xuất khẩu lương thực ở một số quốc gia, giá lương thực vẫn cao tại Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Theo ADB, mức tăng trưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự báo duy trì ở mức 4,8% trong năm 2024 với tiêu dùng dịch vụ phục hồi, cùng với hoạt động công nghiệp và xuất khẩu mạnh hơn sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, ngay cả khi bất động sản gặp khó khăn và chưa ổn định. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp chính sách bổ sung vào tháng 5 để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Triển vọng của Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực được giữ nguyên ở mức 7,0% trong năm tài khóa 2024. Ngành công nghiệp Ấn Độ được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực sản xuất và nhu cầu xây dựng cao. Nông nghiệp sẽ phục hồi trong bối cảnh lượng mưa trên mức trung bình. Nhu cầu đầu tư ở đây được thúc đẩy mạnh với đầu tư công giữ vai trò chủ đạo.
Đối với Đông Nam Á, AĐB dự báo tăng trưởng duy trì ở mức 4,6% trong năm 2024 nhờ cải thiện vững vàng về nhu cầu nội địa và ở bên ngoài.
Do tốc độ tăng trưởng mạnh hơn ở A-déc-bai-gian và Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan, triển vọng tăng trưởng của khu vực Cáp-ca-dơ và Trung Á đã được nâng lên 4,5% so với dự báo trước đó là 4,3%.
Ở Thái Bình Dương, triển vọng tăng trưởng của năm 2024 được duy trì ở mức 3,3%, nhờ chi tiêu cho du lịch và cơ sở hạ tầng gia tăng cùng với hoạt động khai khoáng được phục hồi tại Pa-pua Niu Ghi-nê.
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%. Tuy nhiên, khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại, một trong những động lực phục hồi chủ yếu, có thể sẽ bị chậm lại. Trong khi nhu cầu trong nước còn yếu, lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4,0% trong cả hai năm 2024 và 2025.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, Alberk Park: “Hầu hết các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương đang chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với nửa cuối năm ngoái”. Ông cho rằng” các yếu tố cơ bản của khu vực đã vững vàng hơn nhưng các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới một số rủi ro có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng, đó là sự không chắc chắn liên quan tới kết quả bầu cử tại những nền kinh tế chủ chốt sẽ ảnh hưởng đến những quyết định về lãi suất và căng thẳng địa chính trị leo thang”./