Tết trồng cây nhớ Bác

“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.” Đây là hai câu thơ Bác Hồ, khi phát động “Tết trồng cây”, lần đầu tiên năm 1959, nay đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.

Để thực hiện lời kêu gọi của mình, sáng ngày 11 tháng 01 năm 1960, Bác đã tiên phong cùng đồng bào Thủ đô đi trồng cây ở Công viên Thống Nhất (lúc bấy giờ gọi Công viên Hồ Bảy Mẫu). Và từ đó đến nay kể cả những năm tháng kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Tết nào nhân dân ta cũng là Tết trồng cây.

Qua sự kiện đó cho thấy, Bác Hồ của chúng ta ngay từ cuối thập niên 1950, đã ­nhận rõ nguy cơ của biến đổi khí hậu, do ngày ngày trên toàn thế giới đã thài ra một lượng khí CO2 và khí metan vào không trung ngày một tăng lên, cùng với nạn phá rừng, đã làm cho tầng ozon bị thủng, nhiệt độ trái đất tăng lên. Trong lúc đó mãi đến năm 2015, mới có sự thỏa thuận Paris tại Hội nghị Biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc triệu tập. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA, Hoa Kỳ, trong thế kỷ XX, nhiệt độ trung bình của không khí tăng 0,6+ 0, 2 oC và trong thế kỷ XXI, nếu nhân loại không có biện pháp hữu hiệu giảm thiểu khí CO2 và metan phát tán vào không trung, thì nhiệt độ trái đất trong suốt thế kỷ XXI có thể tăng lên 1,1 đến 6,4 0C.

Dự đoán trước nguy cơ đó, Bác Hồ đã chủ trương “Tết trồng cây”, phủ xanh đồi trọc, nhằm cải thiện môi trường sinh thái và cũng để làm nguyên liệu giấy, và vật liệu làm nhà cho nhân dân.

bac-ho-trong-cay-da-o-cong-vien-thong-nhat-nam-1960-1684573317.jpg
Bác Hồ trồng cây đa ở Công viên Thống nhất năm 1960

Ngày 30 tháng 4 năm 1959, Bác viết trên báo Nhân dân: “Ngay từ bây giờ, đồng bào phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già đến trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột) và mọi gia đình phải trồng một bụi tre”.

Ngay trước đó, khi vừa mới về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong bài: “Năm mới, công việc mới” viết cho báo “Việt Nam Độc lập” số 114, ra ngày 01 tháng 01 năm 1942, Bác Hồ đã sớm nhận thấy tính tất yếu là phải trồng cây, lợi ích của việc trồng cây: “muốn ăn quả thì phải trồng cây”.

Theo Bác lý do phải trồng cây trước hết và trên hết là vì lợi ích của nhân dân là lấy gỗ làm nhà ổn định cuộc sống, đồng thời là để góp phần cải thiện môi trường sống, chống biến đổi khí hậu.

Một con người, cùng một lúc vừa phải lo chỉ đạo cuộc chiến chống xâm lược vĩ đại của dân tộc, lại không chỉ phải lo đến từng cái cột cái kèo cho mỗi gia đình mà còn lớn lao hơn là phấn đấu góp phần cùng loài người giữ gìn “an ninh khí hậu” trên hành tinh chúng ta. Hiển nhiên Bác là “người hiền”  là “thánh nhân”, là “Cha, là Bác, là Anh” (thơ Tố Hữu) của nhân dân Việt Nam. Dù trải qua bao nhiêu dâu bể, chúng ta không thể nào quên công ơn ấy, tấm lòng ấy: “Tết trồng cây”, ta lại nhớ thương Người bấy nhiêu.

Cũng vào cái năm 1959 ấy, ngày 28 tháng 11, mở đầu “Tết trồng cây” đầu tiên Bác viết “Từ năm 1960 đến năm 1965 (năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ phải trồng được 90 triệu cây, vừa có cây ăn quả, cây có hoa, vừa có cây làm nhà. Và trong 10 năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây lấy gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta”.

Đối với thế hệ trẻ, Bác căn dặn: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc chu đáo, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, sau 5 năm sức lao động của các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rể , mỗi cây 3 đồng thôi, các cháu sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng 8 nhà máy cơ khí loại khá”.

Đặc biệt ytruowsc lúc “đi xa”, trong Di chúc, Người còn dặn dò: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi (nơi có phần mộ của Bác) . Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều sẽ thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh, có lợi cho công nghiệp và khí hậu trong lành”.

bac-ho-trong-cay-da-o-thon-yen-bo-xa-vat-lai-ba-vi-1969-1684573318.jpg
Bác Hồ trồng cây đa ở thôn Yên Bò, xã Vật Lại, Ba Vì, 1969

Và như thế, Tết năm nào nhân dân ta cũng đều có “Tết trồng cây”. Bác chỉ rõ: “Trồng cây là công việc tốn kém ít mà lợi ích thì nhiều, đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.

Ngày nay đất nước thống nhất, dân ta có một cái Tết thật đặc biệt, đó là “Tết trồng cây” - một cái Tết đầy ý nghĩa, do Bác Hồ phát động vào mùa xuân 1960, giờ đây  được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng.

Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe Bác đã có phần giảm sút nhiều, việc bố trí để Bác đi trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý Bác là một vấn đề hết sức nan giải. Những người phục vụ Bác rất lo lắng, nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn việc trồng cây. Nhưng Bác kiên quyết không đồng ý. Người nói: “Đây là dịp kỉ niệm 10 năm ngày phát động “Tết trồng cây”, nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích… ”. Sau đó, Bác gợi ý, nên chọn Vật Lại, Ba Vì Hà Tây (cũ), là nơi có phong trào trồng cây tốt.

Tại đây, Bác đã trồng một cây đa. Nhìn những xẻng đất Bác vun cây và bình nước tưới mát cho cây, mọi người ai ai cũng xúc động! Trồng cây xong Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Tết trồng cây năm ấy, hơn nửa thế kỷ trôi qua, hàng ngàn, hàng vạn cây xanh đã được trồng. “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời dặn dò của Người về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững đối với con người có ý nghĩa lớn lao và thiết thực nhất. Đó quả thực là tầm nhìn đi trước thời đại, kêu gọi con người giữ gìn môi trường sinh thái. Đó là tầm nhìn không chỉ cho nhân dân ta hay của một quốc gia riêng biệt, mà là tầm nhìn mang tính toàn cầu, mà nhân loại hôm nay thức tỉnh đi vào cuộc họp COP 26 tại Glasgow, Vương quốc Anh.