Trước khi chia tay, cụ Cả Khiêm hỏi:
- Chú định khi nào về thăm quê?
Nghe hai tiếng quê hương, Bác lặng đi, đôi mắt đăm chiêu nhìn ra cửa sổ chốc lát, rồi thong thả, từ tốn trả lời anh:
- Em cũng khát khao về thăm quê lắm, nhưng tình hình đất nước và công việc chưa cho phép em nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu. Em nghĩ về được đây cũng là nhà rồi!
Ngày ngày Bác luôn luôn khắc khoải nỗi nhớ quê nhà. Bởi Bác rời Tổ quốc đã 30 năm (1911 – 1941), nhưng thực ra Bác xa quê Nghệ An từ lúc 5 tuổi. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung (tên Bác lúc nhỏ) đã theo cha vào Huế lần thứ nhất. Năm 1901, khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung cùng cha quay về xứ Nghệ và đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành bước vào tuổi 16, lại theo cha lần thứ hai rời quê vào lại Huế. Và từ đây, Nguyễn Tất Thành liên tục di chuyển về phương Nam, vừa để trau dồi chữ Hán, vừa học thêm tiếng Pháp và tham gia giảng dạy ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành dưới cái tên Nguyễn Văn Ba làm phụ bếp trên trên chiếc tàu buôn của Pháp Latouché Tréville, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Nguyễn Tất Thành trước tiên đến Marseille, Pháp. Từ Pháp, Người đi qua châu Phi, đến Mỹ, sang Anh. Đầu năm 1917, Người trở lại Pháp, rồi sang Matxcova, Liên Xô. Cuối cùng trở về Quảng Châu, Trung Quốc, để gần đất mẹ thân thương.
Mùa đông năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với những đồng chí của mình đã thực hiện thành công cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2/9/1945.
Giành độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đã dành toàn tâm, toàn lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với chiến thắng “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam ruột thịt bị Mỹ - Diệm dày xéo, chia cắt lâu dài. Do đó Bác và Trung ương Đảng cùng toàn dân thực hiện cho được nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Vì vậy, mãi đến năm 1957, Bác mới có dịp về thăm quê hương Nghệ An, sau 50 năm xa cách vời vợi. Có một điểu rất lạ là Bác về thăm lại quê hương nhưng không phải với cương vị Chủ tịch nước, mà với tư cách một người con xa nhà lâu ngày, nay về thăm quê cha đất tổ, thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, thăm lại bạn bè từ thuở ấu thơ, đánh khăng, đánh đáo, bì bõm bơi lội tắm mát bên dòng Lam Giang..., với tình cảm rất đỗi thân thương, bồi hồi, xúc động.
Ngày Bác về thăm quê, nhiều người chứng kiến kể rằng, khi Bác về đến đất Nghệ An, một cán bộ lãnh đạo tỉnh đón Bác và mời Bác vào nghỉ ở nhà khách vừa mới khánh thành. Nhưng Bác nói ngay:
- Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi, nên phải về thăm nhà trước đã, mà nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Bác là người nhà, không phải là khách.
Thế là Bác về luôn Kim Liên, nơi Bác sinh ra từ đầu mùa sen nở. Vừa đến đầu cổng tre, thấy một tấm bảng nhỏ ghi: “Nhà Bác Hồ”. Bác quay lại nhìn mọi người, rồi tươi cười và bảo:
- Đây là nhà cụ Phó bảng, không phải là nhà Bác Hồ.
Rồi Bác thong thả, nhẹ bước đi vào thăm lại ngôi nhà xưa 5 gian, được bà con nhân dân Kim Liên chung sức xây dựng để mừng thân phụ của Bác, cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng năm 1901. Bác đứng lặng một hồi lâu trước sân, như để nhớ lại cái quá khứ tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, rồi nhìn hai ngôi nhà và Bác đưa tay chỉ cho mọi người đi theo biết: “Xưa kia đây là nơi trồng cây ổi đào, kia là cây bưởi và dọc lối đi là hàng cau mơn mởn rất đẹp”.
Cuối cùng, Bác lẳng lặng bước vào nhà. Bác nhớ như in những vị trí đặt các đồ vật. Tất cả còn nguyên vẹn trong ký ức của Người, không sai sót vật nào. Bác dừng lại hồi lâu trước gian thờ cúng gia tiên. Bác ngước nhìn lên bàn thờ mới được làm lại. Bác nghẹn ngào nói:
- Ngày xưa nhà Bác nghèo lắm, bàn thờ chỉ làm bằng tre không có chân, mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng giá vào hai cột nhà để đỡ bàn thờ. Bàn là tấm liếp đan bằng nứa, trên trải chiếu mộc.
Tần ngần một lúc, Bác đi ra sân, nhìn quanh một lượt mảnh vườn trồng khoai trước nhà. Một cán bộ địa phương nghĩ rằng Bác không muốn trồng khoai ở vườn, nên ngỏ ý xin Bác cho trồng hoa cho đẹp. Bác liền vui vẻ đáp:
- Khoai lang vào mùa hoa nở rất đẹp, lại là lương thực nuôi sống con người.
Tiếp đó, Bác ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm vội bước ra chào Bác và hỏi:
- Bác còn nhớ tôi không?
Bác lấy tay vỗ nhẹ lên trán một lát rồi trả lời:
- Có phải cố Điền không?
Ông Hoàng Điền (cố Điền) chạy lại ôm lấy Bác, người bạn “chăn trâu cắt cỏ, thả diều” từ thuở ấu thơ và khóc nức nở, vì quá xúc động! Bởi đã trên nửa thế kỷ mà Bác vẫn nhớ tên từng người bạn.
Tạm biệt người bạn già, Bác ra thăm Giếng Cốc, nơi Bác thuở nhỏ thường gánh nước về cho gia đình. Tại đây Bác hỏi thăm lò rèn, do ông Hoàng Xuân Luyện lập ra để rèn nông cụ phục vụ bà con nông dân trong vùng từ cuối thế kỷ XIX, khi Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ, những lúc rảnh rỗi thường sang chơi và giúp làm những việc lặt vặt, có lúc giúp đập đe, thụt bệ, nhặt sắt vụn... Bác hỏi thăm nhà cố Phương, một người nghèo nhất xã Kim Liên thời bấy giờ: “Lúc này đủ ăn không?”. Nghe hỏi chuyện, mọi người ai cũng cảm động trước tình cảm của Người đối với quê hương.
Sau đó, bà con Kim Liên tập trung nghe Bác nói chuyện. Mở đầu Bác đọc câu thơ:
Quê hương nghĩa trọng tình cao,
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Với giọng đầm ấm của người con xứ Nghệ, Bác Hồ bùi ngùi nhớ lại, ngày ra đi, quê hương còn chìm trong bóng đêm nô lệ, nay trở về rất đỗi vui sướng, vì đất nước đã được độc lập, nhân dân được tự do, bà con ai ai cũng có cơm no áo ấm. Tuy vậy, Bác vẫn căn dặn:
- Kim Liên cố gắng phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm!
Nhiều người xúc động không kìm được nước mắt, trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim của Người, một vị lãnh tụ, dù đã xa quê trên 50 năm vẫn không quên tình làng nghĩa xóm.
Trước khi rời quê, Bác chẳng có gì, chỉ tặng lại các cụ 5 gói trà Ba Đình và mấy gói kẹo Hải Châu cho các cháu thiếu nhi.
Đúng như lời hứa, 4 năm sau, ngày 8 tháng 12 năm 1961, Bác lại về thăm quê lần thứ hai và cùng là lần thăm cuối cùng, trước lúc Bác đi xa. Điều bất ngờ, trong lần này, Bác về thăm làng Hoàng Trù, quê ngoại trước. Tại đây, người trò chuyện với những người bạn thuở thiếu thời, ôn lại những kỷ niệm xưa.
Trong dòng người quê ngoại ra đón Bác, có ông Trần Văn Từ, là một trong số không nhiều nhân chứng còn lại ở làng Hoàng Trù đã chứng kiến cuộc viếng thăm quê lần thứ hai của Bác. Cụ Từ bồi hồi kể:
- Ngày hôm đó, thấy Bác giữa vòng vây của bà con quê ngoại ai cũng lặng đi, ai cũng mừng mừng, tủi tủi!
Bác đi quanh nhà thờ họ Hoàng. Bác nhớ rất rõ nơi nào được sửa chữa so với ngày Bác còn ấu thơ. Rồi Bác ngồi bệt xuống bậc thềm ngôi nhà ngang. Các cháu thiếu nhi thấy Bác thì ngồi sà vào lòng, ngắm nghía Bác.
Cụ Từ nhớ lại:
- Trong hơn một tiếng đồng hồ thăm quê ngoại, Bác dành nhiều thời gian nhắc nhở bà con đoàn kết làm ăn, phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà. Các cháu thiếu nhi cố gắng học hành để lần sau Bác về thăm thấy mọi người tiến bộ.
Cả hai lần về thăm quê, dù thời gian lưu lại không nhiều, song Bác luôn luôn trăn trở lo lắng về đời sống của bà con. Điều này thể hiện rõ trong từng lời căn dặn của Người đối với cán bộ, đảng viên:
- Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu không có trường học, Đảng phải lo.
Trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng tình thương, nỗi nhớ, sự lo lắng, tình yêu đối với quê hương luôn canh cánh trong lòng của Bác. Tuy không có nhiều điều kiện về thăm quê, nhưng Người đã gửi gắm nỗi lòng, kỳ vọng qua những bức thư, bài viết gửi về quê nhà. Trong bức thư cuối cùng gửi BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 21/7/1969 (trước ngày Bác qua đời 2 tháng), Bác viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Người viết bài này, tin chắc rằng quê hương Nghệ An vẫn vọng mãi lời Người, những lời dạy ân cần, thiết tha, đầy trách nhiệm và kỳ vọng của Người mãi mãi là niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để Nghệ An vững bước đi lên.
Hình ảnh của Bác về thăm quê đã trở thành một hình ảnh đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo với bài học quý báu: “Học theo Bác từ những điều giản dị nhất”.