Tháp Mười - Xứ Sen đồng phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nổi tiếng với những cánh đồng sen bạt ngàn, không chỉ là nơi thu hút du khách mà còn là vùng nguyên liệu trọng điểm cho ngành nông nghiệp của địa phương. Du khách đến đây có thể di chuyển sâu vào trong đồng sen trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, lướt chầm chậm trên mặt nước. Cảm giác hòa mình vào làn gió mát, trong mùi hương sen thơm dịu, khiến những lo lắng, muộn phiền của cuộc sống thường ngày dường như tan biến.
z5571280200750-a28d488f5fc4ea164532b609266ead84-1719280932.jpg
Sen tại Tháp Mười rất độc đáo

Sen tại Tháp Mười rất độc đáo, hoa bắt đầu nở từ sáng sớm có sắc trắng, đến trưa thì chuyển sang màu hồng, đến khoảng 15 giờ chuyển thành màu hồng đậm và hóa đỏ khi mặt trời lặn. Quá trình này lặp lại trong 3 ngày thì hoa chuyển sang màu tím thẫm rồi tàn.

Ngoài cảnh quan thơ mộng, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen, sữa sen và trà sen. Chiều xuống, khung cảnh trở nên yên bình với từng đàn chim kéo nhau về tổ, tạo thành những chấm màu đen dày đặc trên nền trời xanh tắt nắng.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, diện tích và sản lượng cây sen ở Tháp Mười ngày càng tăng. Sen hiện là một trong năm ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện và được chú trọng quy hoạch, xây dựng thương hiệu. Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022 diễn ra tại thành phố Cao Lãnh từ ngày 19-21/5 là dịp để quảng bá hình ảnh và kinh tế sen của huyện.

Huyện Tháp Mười phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen đạt 1.000ha, tập trung phát triển tại các xã Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi. Mục tiêu là hình thành chuỗi giá trị sản xuất bền vững, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sen Tháp Mười. Đồng thời, huyện hướng đến việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm sen, đạt tiêu chuẩn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trở thành sản phẩm đặc trưng và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả, nhận định Đồng Tháp có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, với lợi nhuận gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển du lịch và sản phẩm OCOP. Tỉnh hiện có 50 sản phẩm OCOP từ sen, 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Để phát triển ngành sen đạt diện tích 1.000ha, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ các sản phẩm sen tiếp cận công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, duy trì và nâng chất các sản phẩm sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, với ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt cấp quốc gia, và phát triển sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP.

Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu sen ngày càng được đầu tư và phát triển. Nhiều diện tích sen đã được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.