Thay đổi tập quán nuôi gia súc dưới nhà sàn

TH
Với quyết tâm thay đổi tập quán trong chăn nuôi, cải thiện cảnh quan - môi trường sống vùng nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, giáp Campuchia đã hỗ trợ nguồn lực giúp người dân thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, khu dân cư giúp bộ mặt nông thôn thêm sạch đẹp, văn minh.

Chuồng trại chăn nuôi của người dân ở huyện Lộc Ninh được di dời xa nhà ở,  khu dân cư góp phần giúp bộ mặt nông thôn thêm sạch đẹp, văn minh

Chuồng trại chăn nuôi của người dân ở huyện Lộc Ninh được di dời xa nhà ở, khu dân cư góp phần giúp bộ mặt nông thôn thêm sạch đẹp, văn minh

Chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò xung quanh nơi ở là tập quán lâu đời của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Thế nhưng, tập quán này nay đã thay đổi. Ông Đoàn Quốc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, cho biết, xã hiện có 196 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn hơn 900 con. Sự vào cuộc tuyên truyền cùng với nguồn lực hỗ trợ đã giúp các hộ đồng bào DTTS nhận thức tốt những tác động tiêu cực khi chăn thả, nuôi nhốt gia súc gần nhà, từ đó nhiệt tình hưởng ứng chủ trương di dời.

“Đối với những hộ không có đất xây dựng chuồng trại thì được hỗ trợ nuôi nhốt ở khu vực tập trung, đảm bảo 100% số hộ chăn nuôi trên địa bàn chăn thả, nuôi nhốt gia súc đúng nơi quy định”, ông Ngữ nói. 

Bà Thị Êm ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, nói: “Từ ngày được xã vận động, hỗ trợ xây dựng chuồng bò ra xa nhà, cũng đỡ lắm. Trước thì đàn bò để ngay cái chuồng trước nhà lại nền đất nên mỗi lúc con cháu có bệnh tật gì là tội nghiệp lắm. Nay có chuồng mới rồi, dọn dẹp vệ sinh tiện lắm, mình chỉ cắt cỏ cho bò ăn, không còn lo ảnh hưởng đến những người trong nhà và bà con xung quanh nữa”. Đến nay, 100% chuồng trại trâu, bò của bà con trong xã được hỗ trợ di dời, trong đó địa phương đã vận động hơn 200m3 bê tông xây dựng khu vực nuôi nhốt tập trung dành cho những hộ không có đất làm chuồng. 

Tương tự, ông Điểu Thành và nhiều hộ đồng bào dân tộc S’tiêng trên địa bàn ấp 2, xã Lộc An, thay vì trước đây có thói quen nuôi nhốt quanh nhà theo tập quán cũ, nay đã chuyển toàn bộ số trâu, bò của gia đình ra xa nhà ở, khu dân cư theo chủ trương của địa phương. Trước đây, đàn bò 13 con của nhà ông nuôi trước nhà thường xuyên bốc mùi hôi thối, nhưng cách nay chừng 4 tháng, được cán bộ xã đến động viên (vận động), giúp đỡ, ông đã chuyển đàn bò ra phía xa sau nhà. 

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng Ban Công tác MTTQ ấp 2, xã Lộc An, từ khi phát động đến nay, đã có 158 hộ trên địa bàn xã di dời chuồng trại theo chủ trương chung. Trong đó, địa phương huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con xây dựng chuồng trại với số tiền hơn 80 triệu đồng.

“Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ dân nhận thức được tác động tiêu cực của việc nuôi thả trâu, bò xung quanh nhà, nơi ở, khu dân cư, nhưng khó khăn lớn nhất là bà con không có đất ở, đất làm chuồng. Do đó, lãnh đạo ấp đã vận động những hộ kế bên cho mượn đất, đồng thời hỗ trợ vật tư giúp bà con làm chuồng trại”, ông Cường nói. 

Số liệu của UBND huyện Lộc Ninh cho thấy, qua vận động di dời, đến nay, trên địa bàn huyện có toàn bộ 910 chuồng trại được di dời với tổng đàn 4.578 con. Tổng kinh phí cho công tác di dời 2,17 tỷ đồng, trong đó địa phương vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ vật tư, công lao động gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 29 triệu đồng, số còn lại do người dân đối ứng để chuồng trại kiên cố hơn.