Thúc đẩy phát triển bền vững giao thông đường thủy nội địa Việt Nam

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn phục vụ nhu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam. Phát triển hành lang đường thủy và logistics nhằm gia tăng lưu lượng hàng hóa và giảm thời gian lưu thông trên những tuyến vận tải huyết mạch Đông -Tây và Bắc - Nam sẽ kết nối được các trung tâm sản xuất với cảng nước sâu quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trong tiêu dùng và xuất khẩu.
anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-083107-1719279235.jpeg

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu vận hành chở khách và hàng hóa - Ảnh: Quang Định

Theo nguồn tin từ Washington, ngày 21 tháng 6 năm 2024, Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 107 triệu USD cho dự án Phát triển hành lang giao thông thủy và logistics ở Nam Việt Nam. Dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực, tính hiệu quả và sự an toàn của các tuyến đường thủy nội địa ở phía Nam, đồng thời cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu và quản lý, nâng cấp hành lang vận tải thủy theo hướng Đông-Tây sẽ giúp giảm tới 30% khoảng cách vận chuyển giữa cảng lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ với cảng có lưu lượng lớn nhất Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vận tải hàng hóa bằng đường bộ, thải ra lượng các-bon nhiều hơn gấp 6 lần so với vận tải đường thủy, chiếm tới 80% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông.

anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-083101-1719279235.png
Thuyền vận tải thủy  (Ảnh minh họa Internet)

Cải tạo Hành lang vận tải thủy Bắc-Nam sẽ trực tiếp kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng nội địa với những cảng nước sâu nhằm phục vụ hoạt động thương mại quốc tế, giảm bớt lượng phát thải carbon và chi phí logistics. Chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có ý nghĩa rất quan trọng trong giảm phát thải các-bon trong ngành giao thông vận tải. Dự án này còn hỗ trợ trưc tiếp hệ thống phao tiêu báo hiệu và cải tạo những khúc cua gấp trên nhiều tuyến đường thủy, giúp cải thiện an toàn vận tải.

Theo những tính toán ban đầu, Dự án sẽ mang lại lợi ích lớn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và người lao động, các đơn vị khai thác tàu bè cũng như toàn bộ người dân miền Nam Việt Nam.

Phát biểu nhân sự kiện này, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, Mariam Sherman, cho biết: “Các tuyến đường thủy phía Nam Việt Nam có tiềm năng to lớn; đây là phương thức vận tải rẻ, xanh và an toàn hơn so với nhiều phương tiện vận tải khác. Thực hiện tốt dự án này sẽ trực tiếp hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là thúc đẩy cạnh tranh giao thông thủy nội địa giảm phát thải các-bon trong ngành giao thông vận tải, và qua đó, thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của đất nước”.

Phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Thế giới, Dự án sẽ thúc đẩy thịnh vượng chung trên một hành tinh đáng sống. Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và phát triển của Ngân hàng Thế giới coi việc đẩy mạnh vận tải đường thủy nội địa là một trong những biện pháp quan trọng mang lại nhiều tác động nhất, nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải Việt Nam./.