Thuốc lá điện tử len lỏi trong học đường

06/05/2023 19:33

Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, được cho là sành điệu,... đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn”, nhanh chóng xâm nhập vào trường học và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.

Nhiều học sinh ngộ độc vì thuốc lá điện tử

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Theo lời kể của các bệnh nhân, trước vào viện một giờ, những nam học sinh này sử dụng thuốc lá điện tử (chưa rõ loại và chưa rõ nguồn gốc). Sau đó tất cả xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn và nôn nhiều. Khi vào viện, bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu, xử trí truyền dịch theo phác đồ và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Thận lọc máu. 

vvvff-1683375816.png
Học sinh nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy. 

Trước đó liên tiếp xảy ra các vụ học sinh của trường THPT Hà Đông phải nhập viện vì liên quan đến thuốc lá điện tử. Ngày 4/4, 3 em học sinh lớp 10 của Trường THPT Hà Đông sau khi uống chai nước Fuze tea trà chanh sả của bạn học thì có biểu hiện mệt, buồn nôn, khó chịu, nóng trong người. Ngay lập tức, các em được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103. Qua xác minh, 1 học sinh thừa nhận đã nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước để trêu đùa bạn bè.

Cùng ngày, một học sinh lớp 11 cũng có biểu hiện choáng, mệt và ngã ra sàn lớp học sau khi sử dụng thuốc là điện tử. Sau khi được điều trị, hiện sức khỏe của các học sinh trên đều đã ổn định.  

Từ các vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. 

Cảnh báo những nguy hại từ "khói thuốc trắng"

Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.

Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế, gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.

z4322833037692-0fd1b8d7cc7d21f722b76b98a1f12dc5-1683376132.jpg
Thuốc lá điện tử với đủ màu sắc, hương thơm hấp dẫn giới trẻ sử dụng 

Bác sĩ Trần Thị Hồng Ngân, Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine, có cấu tạo bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật. Chất nicotine có khả năng gây nghiện cao, tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Đặc biệt, nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non). Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày...

Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm sát sao đến những biểu hiện lạ ở con mình như thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi; trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Giáo dục quan trọng đến từ gia đình và nhà trường 

Theo TS Nguyễn Bích Liên (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng. 

"Cha mẹ cần cùng con tìm hiểu về thuốc lá điện tử. Dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc, cha mẹ và con sẽ cùng tìm hiểu kỹ càng các mục sau: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì. Sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử. Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử. Các tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử. Hình dáng thuốc lá điện tử" - Chuyên gia giáo dục chia sẻ. 

Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy, cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật. Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. 

Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Do đó, nhà trường cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. 

Vị tiến sĩ này cũng đưa ra lời khuyên, học sinh cần các hoạt động nhiều hơn. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động cuộc sống: trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng. Khi đó, các con sẽ đỡ quan tâm đến các trò nguy hiểm. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất gây nghiện ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

"Để kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước" - TS Nguyễn Bích Liên chia sẻ. 

 

 

Phương Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Thuốc lá điện tử len lỏi trong học đường" tại chuyên mục Văn hóa - Môi trường. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309