Trân trọng những trang viết của những người lính trận

Tôi được biết đến tác giả Nguyễn Công Thuấn, nhân một lần được nghe MC Tống Hồng Quân đọc truyện " Nỗi đau chất độc da cam" của anh, trong kênh " Hồi ức Cựu chiến binh". Sau đó là 28 câu chuyện viết về những người lính trận ở chiến trường.

Thực ra những bài viết này phần nhiều là số liệu, không hề mang một chút tính văn học nhưng đã khiến người đọc phải trân trọng và cảm phục. Vì nếu không phải là người trong cuộc bước ra, thì không thể có những trang viết mang tính hiện thực sâu sắc đến thế. Những người lính trận đâu chỉ đơn thuần chỉ hy sinh trước hòn tên mũi đạn. Họ còn quá trẻ nên nỗi đau đã nhân lên gấp nhiều lần đối với những người còn sống.

Thật trân quí, vì những trang viết của tác giả là người mới hơn 17 tuổi đã lên đường nhập ngũ, chỉ mới học hết lớp 5. Khi sống sót trở về, anh trăn trở và day dứt khôn nguôi, muốn để lại điều gì đó để giải tỏa và tri ân cho những đồng đội không bao giờ có cơ hội trở về. Anh đã viết bằng ngòi bút bi, kiểm tra lại cẩn thận và nhờ con gái viết lại bằng âm thanh vào điện thoại.

dt1dvh1-1725419417.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chúng ta sẽ không ngần ngại đồng hành cùng tác giả bằng tấm lòng thương cảm, khi đọc những câu chuyện đầu tiên của anh. Đó là những ngày đầu xa mẹ và gia đình, nỗi nhớ của những người lính tân binh trẻ măng như còn vương mùi sữa mẹ. Là những cơn sốt rét ác tính kèm theo những giấc ngủ dài triền miên 10 ngày đêm (240 tiếng đồng hồ). Là những lần vượt sông, dù không phải là vượt sông Thạch hãn trong huyền thoại...

Đúng là trong chiến tranh không có quyền lựa chọn nên anh và một số người chấp nhận làm lính trinh sát bộ binh, một nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm bởi luôn bị cái chết cận kề.

Hồi hộp đến thót tim khi đọc câu chuyện " Trinh sát căn cứ Nước trong" với nhữngchi tiết đắt giá, cùng nỗi đau phải chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh...

Điều đáng nói là tác giả đã viết bằng trí nhớ và cảm xúc trong thời điếm là độ tuổi của sự "nhớ nhớ quên quên". Tôi có cảm giác mơ hồ khi nghĩ: nguồn cảm xúc ấy được hình thành như một bản năng, sau một quá trình trải nghiệm sự khốc liệt của chiến tranh, và món nợ không thể trả cho những người đồng đội đã ngã xuống.

Ccb Nguyễn Công Thuấn tham gia kháng chiến với thời gian khá dài ( nhập ngũ năm 1966, ra quân năm 1982), là lính trận trực tiếp chống Mỹ và chống bọn Pôn Pốt...

Ngày ra quân, sống trong thời kỳ khó khăn của đất nước. Chúng ta hãy lắng nghe tác giả tâm sự: "...khởi đầu một cuộc sống mới cùng gia đình tự tạo việc làm, kiếm kế sinh nhai vô cùng khó khăn gian khổ. Hàng ngày, cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm nên không còn tâm trí nào để nhớ về nhau. Đến năm 2000, đời sống kinh tế đã ổn định, được ăn no mặc ấm, người lính phát sinh khủng hoảng tâm lý, đó là bệnh mất ngủ. Có hai nỗi nhớ dày vò day dứt trong lòng:

- Nhớ đồng đội còn sống, muốn gặp nhau để hàn huyên tâm sự.

- Nhớ đồng đội hy sinh nằm rải rác khắp núi rừng, thân nhân liệt sĩ không biết mô tê răng rứa mà tìm...

Sau những năm 2007, 2008, 2012, qua nhiều lần được gặp mặt và giao lưu vui vẻ thoải mái với những đồng đội còn sống, tình cảm cơ bản đã hóa giải được hai nỗi nhớ...".( trích trong câu chuyện thứ 27).

Cuối cùng là sự khẳng định của bạn đọc đối với những người lính được may mắn trở về, đó là lòng cảm phục và ngưỡng mộ các anh - những người đã cống hiến tuổi xuân của mình cho dân tộc và để lại những trang viết chứa đầy xúc cảm, giúp mọi người hiểu được giá trị cuộc sống hôm nay và cội nguồn lịch sử của dân tộc.

Cảm ơn và chúc mừng tác giả - anh Nguyễn Công Thuấn. Chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc bên gia đình và viết tiếp những câu chuyện hay cho mọi người thuởng thức.

Đ.N

Trái tim người lính