Tranh Đông Hồ tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một trong những dòng tranh dân gian xuất xứ từ làng Đông Hồ, tục gọi là làng Mái, thuộc Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây, tranh sản xuất ra bán chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người nông dân đồng bằng Bắc Bộ mua tranh về dán lên tường, hết năm lại bóc bỏ dùng tranh mới.
Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván gỗ, do người làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Tranh Đông Hồ là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác và phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Việt.
Căn cứ vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành 8 thể loại chính gồm: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật, tranh phản ảnh sinh hoạt cuộc sống và tranh châm biếm.
Về quy trình sản xuất tranh dân gian Đông Hồ có nhiều công đoạn, trong đó có hai khâu chính: sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh). Do đó để sản xuất tranh Đông Hồ, đòi hỏi mỗi nghệ nhân ít nhiều phải có năng khiếu thẩm mỹ bẩm sinh và kỹ năng lao động cao.
Công việc sáng tác mẫu tranh tốn khá nhiều thời gian, trước tiên phải chọn lựa đề tài có ý nghĩa, nội dung sâu sắc, mầu sắc hài hòa, bố cục chặt chẽ và có giá trị nghệ thuật lớn. Khi sáng tác mẫu tranh, các nghệ nhân thường sử dụng bút lông và mực Nho, để vẽ lên giấy bản mỏng và phẳng, để người thợ khắc, đục ván theo đúng mẫu. Việc sáng tác mẫu tranh không phải là việc riêng của một nghệ nhân, mà thường là kết quả chung của một làng tranh, của nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế mà tranh Đông Hồ có trường hợp một mẫu nhưng có nhiều dị bản khác nhau, hoặc một mẫu tranh có đến hai ba cách phân bố mầu sắc khác nhau. Vì vậy, có nhiều mẫu tranh cổ đến nay vẫn chưa xác định được chủ nhân sáng tạo.
Để thể hiện một bức tranh cần có hai loại ván khắc: ván in nét và ván in mầu. Ngoài bản nét đen chủ đạo, nếu là tranh mầu: có bao nhiêu mầu là có bấy nhiêu bản gỗ khắc in mầu tương ứng.
Ván in nét đen thường làm bằng gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, vừa dai lại dễ khắc, do đó, khi khắc ván in nét, nghệ nhân cần có kỹ năng chạm khắc giỏi, tạo được các nét gọn, thanh mảnh tinh vi và ván in lại mềm. Ván in mầu được làm bằng gỗ mỡ, hoặc gỗ vàng tâm là loại gỗ nhẹ, thớ mềm, xốp dễ hút mầu. Bởi vì khi phết mầu lên để in tranh, các loại gỗ này có khả năng hút mầu cao hơn nhiều các loại gỗ khác. Do đó, mầu sắc tranh tươi tắn hơn.
Đối với những bức tranh khổ lớn như tranh; y môn, tranh tứ bình, tứ quý... thì ván in không làm to bằng khổ tranh, mà được chia nhỏ thành ba bốn ván, khi in tranh phải ghép các mảnh lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
Dụng cụ khắc ván in là những mũi đục (còn gọi bộ ve), được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có từ 30 đến 40 chiếc khác nhau.
Khác với các loại tranh thông thường, giấy in tranh Đông Hồ khá đặc biệt, đó là loại giấy dó thường hoặc giấy dó quét điệp (điệp làm từ vỏ con điệp được nghiền nát thành bột trộn với hồ lỏang bằng bột gạo tẻ hoặc gạo nếp hay bột sắn), rồi dùng thét (loại chổi quét làm bằng lá thông) quét nhẹ lên mặt giấy, tạo nên những đường nét rất ấn tượng. Đặc biệt, thường dùng loại giấy điệp trắng pha chút nhũ sáng lấp lánh, làm toát lên thần thái của bức tranh .
Vật liệu, dụng cụ phục vụ việc in ấn gồm giấy dó (giấy dó điệp), các loại mầu , ván in, ván bìa và thét.
Cách in: trước khi in tranh phải chuẩn bị sẵn giấy in để thành tập (khoảng 100 đến 200 tờ). Khi in người ta dùng thét nhúng vào chậu màu, rồi quét đều lên trên mặt bìa. Cách lấy mực để in tranh dân gian Đông Hồ theo cách xếp ván tức là cầm “co” ván dập đi dập lại tấm ván xuống mặt bìa đã được phết mầu, để mầu thấm đều trên mặt ván. Sau đó đặt ván in lên tờ giấy định in sao cho cân đối, chính xác, ấn mạnh ván in vào tờ giấy, để có sự liên kết nhất định, rồi lật ngửa ván in có dính tờ giấy in tranh lên, lấy xơ mướp (hoặc bọt xốp) xoa đều lên mặt sau tờ giấy, để cho phẩm màu trên mặt ván thấm đều trên mặt giấy. Sau đó gỡ tờ tranh ra khỏi ván in và mang tranh ra phơi nơi thoáng mát. Màu tranh vừa in đã khô, tiếp tục in các mầu khác . Bản nét đen được in cuối cùng.
Mầu sắc tranh dân gian Đông Hồ hoàn toàn là mầu tự nhiên, không pha trộn, gồm 4 mầu cơ bản: đen, vàng, xanh và đỏ. Mầu vàng làm từ hoa hòe hay hoa giành giành. Mầu xanh từ gỉ đồng hay lá chàm. Mầu đen của than lá tre, gỗ xoan hay rơm nếp. Mầu đỏ lấy từ gỗ vang hoặc sỏi son lấy từ trên núi Thiên Thai.
Quy trình in mầu theo thứ tự: từ đỏ, xanh, đến vàng và đen. Mỗi lần in chỉ in được một mầu. Để các mảng mầu ăn khớp với nhau: ở mỗi tấm ván đều có 2 điểm cữ đánh dấu cạnh ván in. Mầu sắc được tô vẽ với độ đậm nhạt khác nhau tùy thuộc vào nội dung của bức tranh. Mầu tranh dân gian tuy đơn giản, nhưng tạo cảm giác rất ấn tượng. Vì thế người ta rất dễ phân biệt tranh Đông Hồ với tranh Hàng Trống Hà Nội và các loại tranh khác.
Bố cục tranh Đông Hồ được xây dựng rất rỗ ràng. Nội dung tranh được lấy từ những hình ảnh gần gũi với đời sống thường nhật. Ví dụ tranh “Đám cưới chuột”; “Đàn lợn âm dương ”; “Cuộc thi đấu vật”... Các bức tranh này mang lại cho người xem cảm giác yên bình, giản dị.
Mỗi loại tranh Đông Hồ được trang trí trong nhà vào những dịp khác nhau và ở những vị trí khác nhau. Thí dụ: Tranh nhị bình: “Cá chép trông trăng và chim công” thường được treo hai bên bàn thờ. Tranh “Ông Công Ông Táo”, treo ở gian bếp. Tranh thờ dùng vào dịp Tết Nguyên đán là tranh “Tam phủ”; “Tứ phủ”... với nội dung khuyến thiện, trừ ác. Tranh “Gà Đại cát” để cầu chúc mọi người, mọi nhà đón Xuân, ăn Tết vui vẻ, tốt lành, may mắn. Tranh “Gà đàn” thể hiện tình mẫu tử, tình yêu đồng loại. Tranh “Lợn ăn lá dáy” thể hiện tinh thần âm- dương bình hành, có thái cực là có lưỡng nghi, có âm là có dương. Đó là sự sinh tồn, phát triển. Tranh lợn chứa đựng những ước nguyện của người nông dân khao khát cuộc sống sung túc, đông vui, hòa thuận, no đủ
Bộ tranh nhị bình “Quốc gia thịnh trị thiên hạ thái bình”, với mong ước đất nước thanh bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Tranh “Vinh hoa” (bé trai ôm con gà) thể hiện lời chúc có con trai khỏe mạnh, lớn lên sự nghiệp vinh hiển.
Tranh “Đám cưới chuột, nhắc nhở con người sống phải đạo, biết đối nhân xử thế, sống nhân hậu, nhân văn, nhưng vẫn kiên cường tràn đầy sức chiến đấu. Tranh “Mục đồng thổi sáo” thể hiện sự bình yên, thanh lạc trong cuộc sống, một cuộc sống nơi thôn dã mộc mạc.
Tranh tứ bình “Tố nữ” loại tranh phổ biến trong các gia đình thành thị. Tranh thể hiện vẻ đẹp, sắc vóc và tâm hòn phụ nữ Việt Nam. Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng) thể hiện ý chí học trò mong đỗ đạt như hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Cá chép trong văn hóa dân gian biểu trưng cho ý thức và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
So với các loại tranh khác, nghệ thuật tranh Đông Hồ mang tính biểu trưng, trang trí, nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, độc đáo trong việc sử dụng đường nét tiết giảm, các mảng mầu dẹt đều, là mầu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy điệp óng ánh. Về nội dung tranh dân gian Đông Hồ phản ảnh sâu sắc đời sống tinh thần,vật chất của con người, xã hội, theo quan điểm thẩm mỹ học dân gian của người dân châu thổ sông Hồng. Đó là những bức tranh khắc họa ước mơ yêu đời của người lao động cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Tranh dân gian Đông Hồ góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc làm cho đời sống tinh thần của người Việt thêm phong phú./.