Tri ân các nhà thực vật học Quốc tế nghiên cứu về hoa lan Việt Nam

TH
Việt Nam là một trong 16 Quốc gia đa dạng sinh học hàng đầu trên thế giới. Riêng về các loại hoa lan, Việt Nam đã phân loại được 900 loài (Uớc tính có khoảng 1.100 loài). Nói về độ giàu có về tài nguyên thực vật, nhất là Hoa lan, GS. TSKH Leonid Averyanov, nhà thực vật người Nga đánh giá Việt Nam nhỉnh hơn Thái Lan và không thua kém gì Trung Quốc.

Hoa lan đối với người Việt là một loại hoa cao quý, thiêng liêng, không chỉ bởi hương thơm quyến rũ, màu sắc trinh nguyên tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao, mà hoa lan với người Việt còn là “thần dược” quý hiếm được lưu truyền trong dân gian và được Hải Thượng Lãn Ông ghi chép rất cẩn thận. Vì thế hoa lan được mệnh danh là loài hoa Vương giả chỉ dành cho vua chúa gắn với câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Hoa lan đã đi vào những áng văn thơ của mọi thời đại.

l1111111-1625998240.jpg

Hoa lan một vẻ đẹp thanh cao, tôn quý

Tường truyền, dưới thời Trần Anh Tông, nhà vua đã sưu tập được 500 loài cây lan quý, lập nên “Ngũ bách viên” - niềm kiêu hãnh của một ông vua hào hoa phong nhã. Các sứ thần Trung Quốc và các nước mỗi khi đến Việt Nam, vua Anh Tông thường đích danh dẫn họ đi xem vườn. Ai cũng tấm tắc khen và cho rằng Đông phương có một không hai, không ai có được vườn lan quý như vậy. vua Anh Tông thường sai bảo đi khắp nơi, lên rừng xuống biển, qua cả các nước Lào, Chiến Thành, Phù Nam, Xiêm La tìm các loài hoa quý, lạ đưa về.

Hay trong “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ, ông đã mô tả nhiều cảnh ở Tây Hồ, Bắc Cung, Long Trì và việc nuôi trồng hoa, chơi cây cảnh của vua quan và nhân dân ta. Mục “Hoa thảo” trong “Vũ trung tùy bút” đã mô tả nhiều loài hoa như Thạch hoa, Thanh lan, Đông lan, Kiết lan, đồng thời có nói rõ kỹ thuật trồng lan.

Trong những năm tháng tham gia phụ trách nội dung Tạp chí Việt Nam Hương Sắc và hoạt động tại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã giúp tôi có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi với nhiều người đam mê, tâm huyết sưu tầm hoa lan của Việt Nam và thế giới. Trong đó, có những tài liệu quý và những tư liệu ghi chép rất đáng trân trọng của PGS. TS Dương Xuân Trinh và Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đáng. Xin được giới thiệu một số nội dung chính dưới đây.

Gần 300 năm trước, vào khoảng năm 1743, nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, Joannis de Loureiro đã có những nghiên cứu, tìm hiểu về hoa lan Việt Nam. Tiếp sau đó là nhiều nhà thực vật trên thế giới cũng đã đến Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu về hoa lan như: George Finlayson (1821-1822); Gaudichard Geaupré 1837; Clovis Thorel (1861-1867); J.B.L. Pierre (1864-1877); Eugène Poilane (1880-1930); Cécil Boden Kloss 1918; Archille Finet (1896-1913); Francois Guillaumin (1907-1934); André Gagnepain (1929-1951); Pierre Tixier (1955-1966); Gunnar Seidenfaden (1966-1975); Karel Petrzelka (1975-1998); Leonid Averyanov từ 1966; Olaf Gruss từ 1995...

sach1-1625999267.jpg

Cuốn sách “Cây cỏ tại Nam kỳ” (Flora Cochinchinensis)

* Joannis de Loureiro: Ông đã đến tới Việt Nam vào năm 1743 trong vài trò là người truyền giáo. Ngoài ra, ông còn tham gia khảo cứu thực vật và địa dư suốt 35 năm sau đó. Năm 1782, ông trở về Lisboa và đến năm 1790 thì xuất bản cuốn sách “Cây cỏ tại Nam kỳ” (Flora Cochinchinensis). Đây được xem là tài liệu giới thiệu về hoa lan Việt Nam đầu tiên ra thế giới. Trong cuốn sách đó, ông có mô tả một số loài lan Aerides (Giáng xuân hay Giáng hương) như cây Aerides odorata và Thrixspermum centipeda (Mao tử). Ông cũng ghi chép về một số loài lan được gửi tới Viện bảo tàng Anh Quốc, phần lớn còn lại đã mang về Lisboa và bị mất dưới thời vua Napoleon vào khoảng năm 1808. Đến nay cuốn sách quý này vẫn có thư viện của nhiều trường Đại học Califorrnia.

lanviet12345678-1626000253.jpg

Một loại lan kiếm mang tên Finlaysonianum

* George Finlayson: Trong cuốn “Thai Art and Culture: Historic Manuscripts from Western Collections” đã ghi nhận George Finlayson (1790 – 1823) là một nhà thiên nhiên học người Scotland có ảnh hưởng về những nghiên cứu về động thực vật và con người tại Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam, Mã Lại và Thái Lan. Vào khoảng năm 1821 – 1822, ông tháp tùng đoàn Thương mại Crawfurd đến Thái Lan và Nam Kỳ với tư cách là nhà tự nhiên học và trở về Calcutta vào năm 1823. Với những đóng góp cho tự nhiên học ở vùng Đông Nam Á, bên canh một loài chim phình cổ họng có sọc (Pycnonotus Finlaysonni) thì một loài lan kiếm của Huế (Việt Nam) là Cymbidium finlaysonianum được đặt tên riêng của ông.

* Gaudichard Geaupré: Ông là một dược sĩ và thảo mộc gia người Pháp. Cuộc đời của ông có 03 chuyến hành trình khám phá thế giới. Lần thứ nhất từ năm 1817 – 1820 với những dấu ấn về khám phá châu Úc qua các bộ sưu tập về thảo mộc ở đây. Chuyến đi thứ hai ở Nam Mỹ vào năm 1931. Năm 1936, ông thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ 3 để nghiên cứu về cây cỏ và đến Đà Nẵng (Tourane) vào mùa Xuân năm 1837. Trong chuyến đi này, ông có mang về vườn Thảo mộc Paris một số cây lan chưa xác định được tên.

thorel-clovis-orchidees-1625999851.jpg

* Clovis Thorel: Ông là một nhà thực vật học, nhà thám hiểm và bác sĩ người Pháp. Năm 1861, ông đến Nam Kỳ làm việc chính tại một bệnh viện tại Sài Gòn và tranh thủ nghiên cứu thế hệ thực vật tại đây. Năm 1866 – 1868, ông tham gia đoàn thám hiểm ngược dòng sông Mê Kong từ Angkor (Campuchia), đến Lào, bang qua Bắc Kỳ (Việt Nam) để đến Vân Nam (Trung Quốc). Trong hành trình đó, ông đã khám phá ra rất nhiều loại thực vật và mang về Paris một số hoa lan, cùng một số cây cỏ, trong đó có cây bắt ruồi Nepenthes thorelii mọc tại Tây Ninh, Lái Thiêu, Dầu Tiếng (Ti Tinh, Lo Thieu, Guia Toan). Ông có những đóng góp đáng kể cho ngành thực vật học khi mô tả 4.203 loài. Trong đó có nhiều loài được đặt tên của ông.

* Jean Baptiste Louis Pierre: Ông là một nhà thực vật học người Pháp nổi tiếng với các nghiên cứu về Châu Á. Từ năm 1864 – 1877, ông làm quản lý tại Thảo Cầm viên Sài Gòn. Trong thời gian này, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về hoa lan tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Những kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này được ông mô tả trong cuốn “Hoa cỏ tổng quát ở Đông Dương” (Flore genérale de l'Indochine) và các tài liệu có liên quan như: Flore Foretière de la Cochinchine (1880-1907); Sur les plantes à caoutchouc de l'Indochine (1903); Sapotaceae in the Notes botaniques (1890-1891). Tên của ông cũng được đặt cho một số chi của thực vật để tôn vinh những đóng góp của ông.

375px-tuong-jb-louis-pierre-1625999972.jpg

Tượng bán thân của Pierre ở Thảo cầm viên Sài Gòn

*  Eugène Poilane: Theo D.G. Frodin, 2001, Guide to Standard Floras of the World, năm 1909, Eugène Poilane đến Nam Kỳ (Việt Nam) với vai trò là một pháo binh. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông làm việc với Viện Thảo mộc và năm 1922, ông trở thành nhân viên Nha Kiểm Lâm. Ông lập đồn điền cà phê tại Khe Sanh vào năm 1926 và đi khắp Đông Dương thu lượm hoa cỏ gửi về Bảo tàng viện Saigon. Tới năm 1947, tính ra ông đã tìm được 36,000 mẫu thực vật trong đó có một số hoa lan. Ông là người có công mang các giống cây từ Pháp, Nhật và các quốc gia khác đến Việt Nam.

ca-phe-2-1626000072.jpg

Eugène Poilane (1887-1964)

* Cécil Boden Kloss: Là một nhà động vật học người Anh. Ông được biết đến là chuyên gia về các loài động vật có vú và chim ở Đông Nam Á. Theo Malayan Branch of the Royal Asiatic Society. 1932, từ năm 1908, ông làm việc dưới quyền của Herbert Christoppher Robinson tại bảo tàng Kuala Lumpur. Năm 1918, ông đã đến Đà Lạt và mang về một số hoa lan cho viện Bảo tàng Anh Quốc. Tên của ông cũng được đặt cho một số động thực vật, trong đó có một loại răn Fimbrios Klossi được phân bố ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

lanviet12-1626000399.jpg

Chân dung Wilhelm Micholitz

* Wilhelm Micholitz: Ông là một nhà sưu tập thực vật người Đức, từng làm việc cho nhà vườn người Anh gốc Đức (Henry Frederick Conrad Sander), chuyên thu mua hoa lan và cây cảnh khắp Á Châu. Ông đã tới Việt Nam vào khoảng năm 1905 và thu lượm khá nhiều hoa lan. Sau này có nhiều cây mang tên ông như: Aerides micholitzii, Spathoglottis plicata var. micholitzii, Bulbophyllum micholitzii, Coelogyne micholitzii…Những cây lan do ông thu lượm đã mang về Paris, sau này được Finet, Gagnepain và Guillaumin nghiên cứu.

achille-eugene-finet-1626000546.jpg

Achille Eugène Finet

* Archille Eugène Finet: Ông là một nhà thực vật người Pháp được biết đến nhiều nhờ các nghiên cứu về các loài hoa lan có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc. Ông ấn hành một số tài liệu nói về những cây lan ở Đông Dương hiện còn lưu trữ tại Viện Thảo mộc Paris. Năm 1898, ông nhận diện sưu tập hoa lan của Hoàng tử Henry d'Orleans với phần lớn là những cây ở phía Nam Vân Nam trong đó có 6 cây của Lào. Trong một tài liệu khá lớn vào năm 1901, ông liệt kê một danh sách các cây ở Đông Nam Châu Á hiện còn ở Paris, trong đó chừng mười mấy cây của Đông Dương. Trong tài liệu vào năm 1910, Finet đã nghiên cứu về những cây của Việt Nam, phần lớn do Eberhardt thu lượm, một vài giống mới được mô tả trong tài liệu này và trong các tài liệu khác. Finet là một nhà khoa học đứng đắn cho nên các biên khảo của ông rất đáng tin cây. Ông vẽ khá nhiều tài liệu phân tách về cây cỏ hiện còn tàng trữ tại Paris.

lanviet1234-1626000645.jpg

François Gagnepain

* François Gagnepain: Ông là nhà thực vật học người Pháp tên viết tắt là Gagnep, chuyên nghiên cứu về hoa lan tiếp theo Finet. Từ năm 1929 đến năm 1934, ông đã ấn hành 17 tài liệu ngắn mô tả nhưng cây lan mới của Đông Dương. Năm 1936-1967, ông viết chung với Henri Humert (1888-1967) một thảo mộc gia người Pháp trong cuốn Flore générale de l'Indochine.

lanviet12345-1626000796.jpg

André Guillaumin (André Louis Joseph Edmond Armand Guillaumin)

* André Guillaumin (André Louis Joseph Edmond Armand Guillaumin): Ông là nhà thực vật học người Pháp. Khởi sự nghiên cứu về hoa lan ở Tân Tây Lan vào khoảng 1920. Năm 1924, ông nghiên cứu về những cây lan hài tại Đông Dương gồm các cây Paphiopedilum gratrixianum và Paphiopedilum delenatii. Trong cuốn Flore générale de l'Indochine bắt đầu từ năm 1907 và phần đầu xuất bản vào năm 1912. Vào khoảng năm 1930, ông viết về những cây lan dựa theo những sưu tập tàng trữ tại Paris, trong số này có những cây ở Thái Lan. Các tài liệu do Gagnepain viết chung với ông gồm 96 loài và 485 giống. Sau khi hoàn tất cuốn Flore génerale de l'Indochine, ông ấn hành nhiều tài liệu nhận dạng gồm có những bản vẽ mầu của Simond và Eberhardt, 38 tài liệu này đã được ấn hành từ năm 1940 cho đến năm 1965. Tổng cộng trước sau, có 75 cây mang tên ông và Gagnepain.

* Pierre Tixier: Ông là một người Pháp bắt đầu với công việc phụ tá cho Guillaumain. Căn cứ vào tài liệu do Guillaumain biên soạn và những cây do chính tay sưu tầm, ông khởi sự việc nghiên cứu vào năm 1955. Ông đã ấn hành một vài tài liệu mang tên ông. Năm 1966, ông ấn hành một cuốn sách nói về những cây phong lan ở phía nam dẫy Trường Sơn bao gồm về thời tiết và thổ nhưỡng. Ông thu thập một số lớn tài liệu mô tả và hình vẽ chưa từng phổ biến và trao cho Gunnar Seidenfaden.

lan090

Gunnar Seidenfaden

* Gunnar Seidenfaden: Ông là một nhà ngoại giao và là nhà thực vật người Đan Mạch. Ông từng là Đại sứ tại Thái Lan (1955 – 1959) và tại Hoa Kỳ (1959 – 1961). Trong thời gian làm Đại sứ tại Thái Lan, ông và cộng sự đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về hoa lan của các nước Đông Nam Á, trong đó có nghiên cứu một số loài lan của Việt Nam. Ông đã xuất bản một số cuốn sách về hoa lan như: The Orchids of Thailand: A Preliminary List viết chung với bác sĩ Tem Smitinand, Orchid Genera in Thailand, Contributionsto the Orchid Flora of Thailand, The Orchids of Indochina và The Orchids of Peninsular Malaysia and Singapore viết chung với Jeffrey Wood. Ông là một chuyên gia danh tiếng với 120 cây mới và là tác giả của 240 cây được định danh với một số hình vẽ của chính ông. Những loài lan mang tên ông gồm có Seidenfadenia, Seidenfadeniella, Seidenfia, Gunnarella, Gunnarorchis, và Fadenia.

Trong cuốn “Hoa Lan tại Đông Dương” (The Orchid of Indochina) xuất bản vào năm 1992 bao gồm 502 trang khổ lớn trong đó có khoảng 136 loài và 720 giống của Việt Nam. Sau này nhiều khoa học gia ngoại quốc và trong nước căn cứ vào cuốn sách của ông mà nghiên cứu thêm. Bộ sưu tập gồm hơn 10.000 mẫu vật của ông đã được tặng cho Đại học Copenhagen cùng với các bản vẽ gốc của Katja Anker và những người khác. Năm 2016, một số mẫu vật được trả lại cho Thái Lan với mục đích bảo tồn và phát triển một số loại lan quý.

hoa000-1625998871.jpg

GS. TS Leonid Averyanoy

* Leonid Averyanov: Ông là nhà thực vật người Nga, thuộc Viện Thực vật Komarov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông cũng từng là phó Chủ tịch Hội Thực vật Nga, Chủ tịch Hội Lan Nga. Ông bắt đầu nghiên cứu về Lan Việt Nam từ năm 1981, với hơn 30 năm hoạt động ông đã mô tả và công bố hàng trăm loài lan và các loài khác từ Việt Nam qua các tài liệu: The Slipper Orchids of Vietnam (do ông và tiến sĩ Phillip Cribb, tiến sĩ Phan Kế Lộc, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp viết chung xuất bản năm 2003); The Orchid of Vietnam Illustrated; Updated Checklist of the Orchids of Vietnam; The Orchids of Cuc Phuong National Park illustrated guide 2013...Trong đó, có khoảng 300 giống thuộc 77 loài mới tìm ra tại Việt Nam trong các chuyến khảo sát của ông diễn ra từ năm 1984 cho đến năm 2006. Trong số này có khoảng 150 cây lan này không có ghi trong các sách Orchid of Indochina của Gunnar Seidenfaden.

Quá trình nghiên cứu về hoa lan Việt Nam, ngoài sự giúp đỡ của các cộng sự Việt Nam, ông còn nhân được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế như: Hội Hoa Lan Hoa Kỳ (American Orchid Society), Hội quốc gia địa dư (National Geographic Society), hội Hoa Lan San Diego (San Diego Orchid Society); Tổ chức UNESCO… Đặc biệt, GS.TS. Leonid V. Averyanov là người đã phát hiện ra một loài lan hài mới, đặc hữu của Việt Nam - Paphiopedilum Helenae (Mang tên người vợ của ông).

tiep111-1626001076.jpg

Karel Petrzelka

* Karel Petrzelka: Ông là nhà ngoại giao người Tiệp Khắc, từng giữ chức vụ Tổng Lãnh sự sứ quán tại Việt Nam (1975 – 1988). Trong thời gian này ông và người con trai Alex Petrzelka, kỹ sư điện đã sưu tầm được 250 cây lan và khảo cứu khoảng 84 loài với 350 giống và thu được trên 400 tấm hình hoa từ năm 1989 đến năm 1998. Ông từng có ý tưởng về lập Danh mục lan rừng Việt Nam.

olappp-1625998958.jpg

GS. Olaf Gruss, người có nhiều đóng góp cho bảo tồn lan hài Việt Nam

* Olaf Gruss: Ông là một nhà thực vật học người Đức, một người có nhiều công trình nghiên cứu và khảo nghiệm lan hài Việt Nam. Ông cũng tích cực hỗ trợ nhiều nghệ nhân sưu tầm hoa lan của Việt Nam công bố một một loài lan hài mới tìm được như: Nghệ nhân Chu Xuân Cảnh, nghệ nhân Trần Tuấn Anh; Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn…Ông cũng đã xuất bản cuốn “Lan Hài Bạch Tạng” (Genus Paphiopedilum Albino Forms) trong số này có 16 cây của Việt Nam.

lan1-1625998140.jpg

Loài lan mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Paphiopedium Ho Chi Minh)

Đặc biệt, một loại lan đặc hữu của Việt Nam được phát hiện vào năm 1998 ở Cao Bằng đã được GS. Olaf Gruss và Holger Perner đặt tên là lan Vietnamense. Năm 1999, ông Popow, một nhà trồng lan người Đức đã nhân giống thành công cây lan delenatii với cây lan vietnamense. Năm 2002, cây lai nở hoa và được ông đặt tên theo tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam: Paphiopedilum Ho Chi Minh, nghĩa là lan hài Hồ Chí Minh. Năm 2008, nước Cộng hòa Djibuoti (một nước thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Phi) đã phát hành một mẫu tem giới thiệu loài lan mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Paphiopedium Ho Chi Minh) phát hành một mẫu tem giới thiệu loại lan hài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (Paphiopedium Ho Chi Minh). Từ đó, thế giới biết đến và trân trọng loài lan đặc biệt này.

nguyen1234-1626003290.jpg

Người viết bài (bên phải) đón tiếp thành viên Hiệp hội Hoa lan Hoàng Gia Thái Lan 

Nhìn lại chiều dài lịch sử mấy trăm năm qua, tri ân những đóng góp to lớn của những nhà thực vật học, chúng ta có thể tự hào rằng ngành hoa lan Việt Nam là một trong số ít những ngành sớm có sự giao lưu hợp tác quốc tế. Nhiều loại hoa lan của quốc tế cũng đã được thuần dưỡng di thực cả tự nhiên lẫn cơ học về Việt Nam và ngược lại. Bằng cách đó, những giá trị về hoa lan Việt Nam cũng đã được giới thiệu một cách trang trọng trong hệ tri thức toàn cầu. 

Vấn đề đặt ra cho hôm nay là chúng ta cần phải làm gì để phát huy tối đa những giá trị truyền thống, văn hóa, khoa học và những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, sự đa dạng sinh học để thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát triển hoa lan Việt Nam lên tầm cao mới, để Việt Nam trở thành một cường quốc về hoa lan. Cơ hội biến một thú chơi văn hóa thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao làm giàu cho quê hương Đất nước đang hiện hữu và chờ đợi những hành động khoa học, quyết liệt, đồng bộ và thiết thực hơn nữa của mỗi chúng ta./