TS Lê Thành Ý: Kinh tế vĩ mô Việt Nam những tháng đầu năm 2022

Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, những tháng đầu năm nay dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Omicron có thể đạt đỉnh, song nền kinh tế Việt Nam vẫn mang nhiều triển vọng.

GDP quý I/2022 tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước; tình hình thị trường lao động tuy chưa phục hồi so với cùng kỳ trước đại dịch nhưng đã có nhiều cải thiện; sản xuất công nghiệp duy trì những kết quả vững chắc với mức tăng trưởng đạt 8,5% so năm trước; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng tốc 9,4%, một kết quả tốt nhất trong hai năm qua; cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận có thặng dư 1,4 tỷ USD trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và giải ngân đứng vững. Mặt khác, giá nhiên liệu và hàng hóa thế giới tăng cao khiến chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và tỷ giá thương mại xấu đi nhưng Ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục bội thu.

Từ những nét mới xuất hiện, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Thế giới kỳ vọng về sự phát triển của nền kinh tế trong trung hạn. Bài viết đề cập đến những diễn biến gần đây và những triển vọng dưới góc nhìn của một định chế tài chính lớn toàn cầu.

tt1-1650186652.png   

Kinh tế vĩ mô Việt Nam

Diễn biến kinh tế đáng quan tâm từ phân tích của Ngân hàng Thế giới

Từ nguồn dữ liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) Việt Nam,.cùng với số liệu về ngân sách của Bộ Tài chính; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Bộ Kế hoạch Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và chỉ số Quản lý thu mua (PMIđo lường“sức khỏe kinh tế” của ngành sản xuất do Nikkei và IHS Markit khảo sát, các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới (W.B ) còn sử dụng chỉ số nhà quản trị mua hàng của 400 doanh nghiệp chế tạo chế biến, theo các chỉ số về đơn đặt hàng, sản lượng, việc làm, thời gian cung ứng, tồn kho của các mặt hàng và những số liệu về tài chính,tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp. Dựa trên những số liệu đầu vào thu thập được, W.B đã tiến hành phân tích cẩntrọng nhằm có được cách nhìn khách quan về bức tranh kinh tế Việt Nam.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô ấn hành vào trung tuần tháng 4 năm nay, Ngân hàng đã chỉ ra những diễn biến kinh tế Việt Nam gần đây. Theo đó, từ tháng 3 năm 2022, số ca nhiễm Covid-19 và số trường hợp tử vong đã bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh. Tính đến ngày 9 tháng 4, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã lên tới 10,2 triệu và số tử vong là 42.794 người. Đã có khoảng 79% dân số được tiêm phòng đầy đủ và trên 46% được tiêm mũi bổ sung.

Cùng với diễn biến của dich bệnh, xu hướng di chuyển bắt đầu được phục hồi vào giữa tháng 3 với số lượt khách đến các điểm bán lẻ và vui chơi giải trí gia tăng gần trở lại mức ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số lượt người đến các điểm giao thông công cộng còn thấp hơn so với tháng 3/2021 và đáng chú ý là nhiều người nhiễm Covid-19 còn tự cách ly tại nhà.

Từ sự diễn biến tích cực trong phòng chống dịch bệnh, tăng trưởng đã được củng cố với sự hồi phục của các hoạt động kinh tế. GDP quý I năm 2022 tăng 5,0% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tốc độ của quý IV năm 2021. Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ lần lượt tăng  6,4% và 4,6%, đã đóng góp tới 4,3 % trong mức tăng GDP của cả quý.

Theo các nhà phân tích, sản xuất công nghiệp thời gian qua đã duy trì tăng trưởng vững chắc.  Trong tháng 3 năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% , tương đương với trước đại dịch,

Các ngành năng động bao gồm máy móc, thiết bị, điện tử, may mặc, giày da, và đồ uống, đều đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ với bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng tốc từ 4,1% lên 9,4%. Sự phục hồi này là do hoạt động kinh tế khôi phục và được dẫn dắt bởi doanh thu bán lẻ hàng hóa. Ngược lại, doanh thu  dịch vụ tiêu dùng tăng chậm hơn với tốc độ 4,8% thấp hơn so với 7,5% của cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 14,8% và 14,6% đã làm cán cân thương mại hàng hóa có thặng dư 1,4 tỷ USD.  

Giá năng lượng thế giới tăng cao và nhu cầu trong nước phục hồi khiến chỉ số lạm phát CPI trong tháng 3 bật tăng từ 1,4% lên 2,4% . Giá nhiên liệu và hàng hóa gia tăng làm chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và tỷ giá thương mại tiếp tục xấu đi. Song nhờ quả thu đảm bảo và việc điều chỉnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công nên Ngân sách Nhà nước đã  có mức bội thu.

Từ những chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế, các nhà phân tích đã đi sâu nghiên cưú nhiều lĩnh vực và đã rút ra những nhận xét cụ thể, Theo đó, giá tiêu dùng và sản xuất gia tăng đặt ra yêu cầu cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước; giá nhập khẩu cao cùng với giá hàng hóa trung gian và sản xuất gia tăng đã đẩy giá tiêu dùng, nhất là lương thực-thực phẩm lên cao.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong ngắn hạn, các biện pháp can thiệp chính sách cần nhằm vào loại bỏ tác động giá cả gia tăng đối với người dân, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương.Trong trung hạn,cần xây dựng hệ thống đảm bảo xã hội có khả năng ứng phó tốt hơn nhằm tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài, giảm nhẹ tác động tăng giá thế giới hiện nay. Các cấp có thẩm quyền cũng cần cân nhắc những cải cách mang tính cấu trúc để nâng cao năng suất của nền kinh tế,bao gồm cả giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản môi trường kinh doanh và đầu tư vào giáo dục,đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động. Dưới đây là những vấn đề đã được rút ra

Duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp

tt2-1650186772.png

Công nghiệp chế biến, chế tạo trong nền kinh tế 

Trong tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, tương đương với mức đạt được trước đại dịch. Các ngành năng động nhất bao gồm máy móc, thiết bị, điện tử, may mặc, giày da, và đồ uống, đều đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của công nghiệp chế biến, chế tạo từ 54,3 giảm xuống 51,7 trong tháng 3 có thể liên quan nhiều đến thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của những đợt lây nhiễm chủng virus Omicron. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn 50, nghĩa là điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn còn khả quan.

Cùng với những tín hiệu lạc quan trong sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã phục hồi với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng tốc từ 4,1% lên 9,4% so cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi này một phần do các hoạt động kinh tế được khôi phục sau COVID và được dẫn dắt bởi mức tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước.của doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Tạo cán cân thương mại hàng hóa cân bằng

Xuất và nhập khẩu hàng hóa những tháng đầu năm lần lượt tăng 14,8% và 14,6% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này một phần phản ánh giá hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng, mặt khác còn do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và vấn đề trầm trọng của từng khu vực trong bất ổn định toàn cầu.

Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày và máy tính, điện tử được duy trì lần lượt ở mức tăng 13,9% và 13,5%; kim ngạch nhập khẩu điện thoại, máy tính và điện tử tăng trên 30%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng nhập khẩu. Do giá dầu thế giới tăng vọt, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong tháng 3 tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Theo các đối tác thương mại, tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc lần lượt tăng  15,9% và 22,3% trong khi xuất khẩu sang EU lại giảm tốc, chỉ tăng 11,8% và tiếp tục xu hướng đi xuống kể từ tháng 12/2021.Thực tế diễn ra khiến cán cân thương mại dịch vụ tiếp tục thâm hụt ở mức 4,1 tỷ USD trong quý I năm 2022,

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trụ vững

Mặc dù có những bất ổn toàn cầu song thời gian qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện đều đã trụ vững. Vốn FDI đăng ký đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 3 năm 2022, tăng 35,2% so với tháng trước. Cùng với vốn đăng ký gia tăng, số dự án FDI mới trong tháng 3 cũng tăng tới 28,7%  so với cùng kỳ năm trước. Đây là diễn biến hứa hẹn và cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Theo lĩnh vực hoạt động, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư vào bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đầu đại dịch. Đầu tư vào lĩnh vực này đạt 1,2 tỷ USD trong tháng 3, và 2,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, vượt qua tổng vốn đăng ký cả năm 2021. Tỷ lệ giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tăng 8,7% và tháng 3, là tháng tăng thứ 4 liên tiếp gia tăng.

Thị trường lao động tiếp tục cải thiện

Số lao động có việc làm trong quý I/2022 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 2,2%, tương đương với trước đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa đạt mức mức ghi nhận và tình trạng thiếu việc làm còn trên 3,0% .

Thu nhập thực bình quân của lao động được phục hồi về mức của quý I năm 2021. Do giá nhiên liệu, yếu tố chính đóng góp vào lạm phát gia tăng, tỷ lệ lạm phát nhích tăng và CPI tháng 3 lên 2,4%. Lạm phát cơ bản từ mức 0,7% trong tháng 2 tăng lên 1,1%, thấp hơn so với mục tiêu 4,0%; đã phản ánh nhu cầu trong nước đang  được phục hồi cùng với sự truyền dẫn của chi phí vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian nhập khẩu gia tăng.

Ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất công nghiệp và các yếu tố đầu vào

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước đã phản ánh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng với tốc độ 5,5% trong quý I năm 2022. Mặc dù giá đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng 9,1%, nhưng chỉ số giá sản xuất nông nghiệp đã được kiềm chế ở mức tăng 0,6%. Giá sản phẩm chăn nuôi lợn thấp hơn tới 26,3% nhờ nguồn cung dồi dào và một phần do bán bớt đàn. Do nguyên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phải nhập khẩu nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng cao.

Tỷ giá thương mại với ảnh hưởng trong quý I/2022

tt3-1650186827.png

Trung tâm thương mại Tecco Elite City Thái Nguyên  trong vùng Việt Bắc

Tỷ giá thương mại, được đo lường bằng tỷ số của chỉ số giá xuất khẩu (FOB) trên chỉ số giá nhập khẩu (CIF), sau khi giảm lần lượt 5,2% ,4,4% trong quý III , quý IV năm 2021và tiếp tục giảm 3,1% trong quý I/2022. Xu hướng này phản ánh sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài và tính dễ bị tổn thương khi giá cả hàng hóa thế giới tăng cao, Những sản phẩm nhập khẩu có giá tăng cao nhất là sắt thép tăng 43,9%, phân bón  42,7%, nhiên liệu  37,4% , thức ăn gia súc và nguyên liệu đều tăng 27,7% so cùng kỳ năm trước. Do nhập khẩu được tính theo giá CIF nên tỷ giá thương mại xấu đi cũng thể hiện chi phí vận tải gia tăng, tỷ lệ này chiếm khoảng 2,5% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Với tỷ giá thương mại tiếp tục xấu đi, thặng dư thương mại hàng hóa đã giảm từ 2,9 tỷ USD trong quý I/2021 xuống còn 0,8 tỷ USD trong quý I/2022.

Tăng trưởng tín dụng còn ở mức cao

Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 3 tăng khoảng 15,9% là tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 1năm 2018. Sau khi tăng lên do thiếu thanh khoản, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm về mức 2,08% vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, lãi suất này vẫn cao hơn 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng cho thấy, điều kiện tài chính đang thắt chặt trên thị trường trong nước.

Dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi đã từ 88% (12/2021) tăng lên 89,5% trong tháng 3. Tuy nhiên, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn thấp hơn lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước, hiện ở mức 2,5%

Ngân sách tiếp tục bội thu

Nhờ hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ và chi ngân sách giảm 8,6% so cùng kỳ năm trước; mặt khác, nguồn thu tăng thêm 16,9% nên cân đối ngân sách Nhà nước ghi nhận đã bội thu  khoang 600 triệu USD trong tháng 3.

Chính phủ đã thu được 1/3 tổng dự toán thu và chi 19,7% tổng dự toán nên đã bội thu 4,8 tỷ USD. Nguồn thu từ dầu thô tăng 83,6% thuế trừ dầu thô tăng 7,1% và thu ngoài thuế tăng 38,3%. Để giảm nhẹ xu hướng tăng giá nhiên liệu trên thị trường trong nước, Chính phủ đã giảm 50% thuế suất thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, chính sách này theo ước tính sẽ làm giảm thu ngân sách hơn 1,0 tỷ USD trong năm 2022.

Kho bạc Nhà nước đã phát hành trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ với tổng giá trị tương đương 386 triệu USD trong tháng 3, nâng tổng giá trị trái phiếu phát hành lên khoảng 1,8 tỷ USD trong quý I, tương đương với 10,3% kế hoạch và lãi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường tăng nhẹ lên 2,20% vào cuối tháng 3.

Giá tiêu dùng và sản xuất gia tăng đặt ra những vấn đề cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ, do diễn biến giá cả sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm do tổng cầu yếu, nhưng sự gia tăng giá hàng hóa trung gian và giá sản xuất gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, nhất là giá lương thực, thực phẩm. Chính sách tạm giảm thuế được các cấp có thẩm quyền ban hành là một chính sách ngắn hạn Trong trung hạn, các biện pháp bao gồm cả hệ thống đảm bảo xã hội có mục tiêu hiệu quả và ứng phó tốt hơn sẽ, giúp xây dựng khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Theo các nhà phân tích, nếu tình trạng giá cả gia tăng kéo dài thì nên cho phép điều chỉnh và thích nghi với những thay đổi giá cả. Các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc để có những cải cách mang tính cấu trúc giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung. Biện pháp có thể áp dụng là giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics, và đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động là những khuyến nghị đã được gợi ra.Hy vọng đề xuất của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4 năm nay sẽ là một tài liệu tham khảo có ích đối với các nhà hoạch định chính sách nước nhà./