Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính trong nước phối hợp với ADB thực hiện một báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng,chứng khoán va bảo hiểm. Nội dung Báo cáo và Hội thảo đã tập trung vào 3 nội dung chính đó là: Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế và thị trường thị trường tài chính thế giới và Việt Nam năm 2021; nhận định về những thị trường này trong năm 2022; đông thời đề xuất một số khuyến nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bộ Tài chính và các định chế tàu chính (ĐCTC).
Hội thảo có sự tham gia phản biện và trao đổi, thảo luận của lãnh đạo Ủy Giám sát Tài chính Quốc gia; Viện trưởng các viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh;Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học Kinh tế quốc dân. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo lãnh đạo và đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, FNF, các Hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình. Bài viết phản ảnh những mét nổi bật về sự kiện này.
Khái quát về tình hình kinh tế, thị trường tài chính thế giới và ở Việt Nam
Năm 2021, thế giới đã chứng kiến sự hồi phục kinh tế khá lạc quan sau những suy giảm trong năm 2020 với mức tăng trưởng âm (-3,1%). Kinh tế toàn cầu đã phục hồi nhanh với nhịp độ gia tăng 6,1% trong năm 2021; tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp khiến hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn tiếp tục; giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao từ mức 2% lên 3,8%, buộc nhiều nước phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ và tăng lãi suất đẫn đến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính,tiền tệ gia tăng.
Trong bối cảnh toàn cầu, thị trường tài chính vẫn hoạt động an toàn theo xu thế phục hồi và tăng trưởng. Nhờ năng lực và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và định chế tài chính trước các cú sốc vững hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 nên chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI) của năm 2021vẫn tăng 18,5%. Do bối cảnh vĩ mô và địa chính trị phức tạp hơn từ cuối 2021, bước sang năm 2022 thị trương chứng khoán (TTCK) toàn cầu có sự biến động, trở lại đà giảm điểm trong khi lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục phục hồi, dù có chậm hơn.
Đối với Việt Nam, sau ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 ,vào quý 3 năm 2021nền kinh tế đạt tăng trưởng âm 6,02%, lãnh đạo đất nước đã thay đổi chiến lược từ “không sang sống chung an toàn với Covid-19” đã tạo thuận lợi cho khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, Nhờ đó, GDP quý 4 đã tăng 5,22% và bình quân cả năm 2021 tăng trưởng dương 2,58%. Trong bối cảnh này, hệ thống tài chính bao gồm cả thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm với tổng quy mô 25 triệu tỷ đồng, gấp gần 3 lần GDP cả nước, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong điều tiết vốn, cung ứng hệ thống thanh toán, hỗ trợ và phân tán rủi ro cho nền kinh tế. Đây là những kết quả đến từ những chính sách linh hoạt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. Những chính sách thực thi giúp mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, nguồn vốn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên và những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về cơ bản tiếp tục được kiểm soát.
Do nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn trong năm 2021, cầu tín dụng và dịch vụ yếu, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng trong khi phải tăng nguồn lực xử lý rủi ro, các định chế tài chính đã tích cực cơ cấu lại nguồn thu, tận dụng chuyển đổi số, đa dạng hóa hoạt động để gia tăng lợi nhuận. Từ đó, tạo nguồn lực hạ lãi suất cho vay, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời tăng dự phòng tạo bộ đệm phòng ngừa rủi ro, xử lý nợ xấu và tránh được các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.
Phù hợp với xu hướng gia tăng của thị trường tài chính toàn cầu, thời gian qua thị trường tài chính Việt Nam đã duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và thực thi có kết quả chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành đã hỗ trợ triển khai phát triển một số lĩnh vực, ngành nghề chiếm khoảng 4% GDP trong 2 năm 2022-2023.
Bằng tăng cường năng lực của các định chế tài chính cùng với nâng cao khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, phòng chống rủi ro; trong năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 49,5%; lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại (NHTM), chiếm đến 80% thị phần, tăng gần 32% với chi phí hoạt động giảm 15%. Các ngân hàng số tăng nhanh với dịch vụ mobile banking tăng 75% về lượng và 87% về giá trị giao dịch, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% trong khi ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 .
Với thị trường chứng khoán (TTCK), năm 2021 chỉ số chứng khoán (VNindex) tăng 35,7%, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 48,4%, thanh khoản thị trường tăng 253%; huy động vốn qua TTCK đạt 757 nghìn tỷ đồng (tăng 62%), trong đó, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 657nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020; lượng nhà đầu tư mới đạt kỷ lục 1,5 triệu tài khoản, gấp gần 1,5 lần tổng số của 4 năm trước đó.
Về thị trường bảo hiểm (TTBH), năm 2021 đã duy trì được đà tăng trưởng doanh thu, đạt 217 nghìn tỷ đồng, tăng 19% cao hơn so với mức 14% của năm 2020, lợi nhuận ròng của các công ty kinh doanh bảo hiểm niêm yết cũng tăng tới 19%.
Mặc dù có những thành công, song nhìn chung, thị trường tài chính ngân hàng cũng đã xuất hiện những rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn và tội phạm tài chính gia tăng. TTCK sau giai đoạn phát triển nóng đang được điều chỉnh nhưng cũng xuất hiện tình trạng thao túng, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ; nhiều nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính và tâm lý đám đông dẫn dắt… Những rủi ro này đã được nhận diện nhưng rất cần có những chính sách, giải pháp khắc phục hiệu quả nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ chi trả dự báo sẽ tăng khi kinh tế phục hồi và tiến trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm còn chậm
Triển vọng thị trường tài chính Thế giới và Việt Nam trong năm 2022
Bước vào năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiến sự Nga-Ukraina cùng với các biện pháp trừng phạt gây, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả và lạm phát tiếp tục gia tăng buộc nhiều nước phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm; thị trường tài chính, tiền tệ chịu nhiều rủi ro.
Chậm hơn so với một số nền kinh tế khác, Việt Nam bắt đầu thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vào giai đoạn 2022-2023 với kỳ vọng mang lại những đột phá trong thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất-kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu. Nhiều giải pháp hướng vào giảm tác động từ chiến sự Nga-Ukraina và kiểm soát đà tăng giá cả,lạm phát. Những yếu tố này đã tác động tích cực đến hoạt động của thị trường tài chính nói riêng và phục hồi, phát triển KT-XH nói chung.
Với mong muốn đánh giá đúng mức thực trạng hệ thống tài chính năm 2021 và xác định xu hướng, cơ hội, thách thức tác động đến kết quả hoạt động cũng như tính bền vững của hệ thống trong năm 2022 và sau này, BIDV đã cộng tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) soạn thảo báo cáo “THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG 2022”. Báo cáo tập trung phân tích thực trạng thị trường tài chính thế giới và Việt Nam trên 3 trụ cột chính là: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm trong năm 2021 và triển vọng của năm 2022, qua đó nhận diện thuận lợi và khó khăn mà hệ thống tài chính Việt Nam sẽ phải đối mặt, nhằm đề xuất các chính sách và giải pháp để tận dụng cơ hội và tháo gỡ những rào cản này.
Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng với nhịp độ tăng trưởng chậm hơn đạt mức từ 3,2% đến 3,6%. Do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga -Ukraina tiếp diễn cùng với các lệnh trừng phạt làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa dịch vụ và lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao (có thể lên đến 6% trong năm 2022); buộc nhiều nước phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính-tiền tệ gia tăng. TTCK có sự điều chỉnh giảm điểm để tiến tới ổn định hơn.
Trong tiến trình mở cửa nền kinh tế, Việt Nam, kiên định chiến lược “sống chung an toàn cùng Covid-19” với những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động, kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng cả nước có thể đạt 5,5%-6% và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát lại tăng khá mạnh, có thể lên tới 3,8%-4,2% và duy trì ở mức 4% trong năm 2023.Trong bối cảnh này, thị trường tài chính năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhưng cần có sự điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới và tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Thị trường tài chính, được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.Đối với thị trường ngân hàng, lợi nhuận toàn ngành có thể tăng trưởng bình quân 20-25% và tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức tăng 14%-15% so với năm 2021. Vấn đề hoàn thiện thể chế bao gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới và phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô,tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện Chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng cần được tiếp tục chú trọng nhiều hơn.
Đối với TTCK, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết để đi vào ổn định và lành mạnh hơn. Theo kịch bản tích cực, chỉ số VNIndex có thể tăng hoặc giảm nhẹ theo kịch bản tiêu cực, nhưng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) dự kiến sẽ không thay đổi so với năm 2021, nghĩa là thấp hơn so với nhiều năm trước. Điều này sẽ góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm TPCP để cơ cấu lại nợ công.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ cùng với tăng cường việc quản lý, giám sát nhằm giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường. Trong khi thị trường bảo hiểm được dự báo duy trì đà tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18-20%.Trong đó, bảo hiểm nhân thọ sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng.
Cùng với những giải pháp đưa ra, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản cầnđược quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn là bước đi cần thiết nhằm ổn định và lành mạnh hóa thị trường.
Nhìn chung, nền kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chậm lại do lạm phát tăng cao, chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và từ những tác động bất ổn toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm 2022; ngành ngân hàng và chứng khoán được hưởng lợi từ sự phục hồi này, bảo hiểm sẽ có phần trung lập hơn; Riêng TTCK đã bước vào giai đoạn điều chỉnh sau hai năm tăng nhanh cùng với động thái kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường của các cơ quan quản lý.Cùng với đó là, quá trình chuyển đổi số; thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại, hoàn thiện thể chế, tài chính xanh, đảm bảo ổn định vĩ mô,giảm tác động tiêu cực của các cú sốc từ bên ngoài và rủi ro hệ thống tài chính.Những động thái này sẽ được ưu tiên, tạo tiền đề cho bước phát triển tốt hơn trong những năm sắp tới.
Khuyến nghị chính sách từ báo cáo và ý kiến đại biểu tham dự hội thảo
Tại Hội thảo kỳ này, các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham gia đã cùng đưa ra một số kiến
nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Bộ Tài chính và các định
chế tài chính. Theo đó, đã nhấn mạnh vào nội dung tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tăng vốn;
hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường
cổ phiếu, thị trường TPDN; tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng
thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số; khuyến
khích phát triển tài chính,tín dụng và trái phiếu xanh.
Dựa trên những phân tích về triển vọng đối với thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, các kiến nghị được đưa ra nhằm tận dụng cơ hội phát triển và giảm thiểu tác động tiêu cực của những thách thức đối với hoạt động của hệ thống tài chính Việt Nam. Trong những vấn đề gợi ra, 8 khuyến nghi đối với Quốc hội và Chính phủ đã tập trung vào:
Trước hết Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch năm 2022-2023,
với phương châm nhất quán "sống chung an toàn với Covid". Trong đó, cần đặc biệt quan tâm,
có kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực y tế.
Hai là cần sớm hoàn tất ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.Để đảm bảo thực thi hiệu quả Chương trình này,cần gắn Chương trình phòng chống dịch với đề án cơ cấu lại nền kinh tế và 3 đột phá chiến lược.
Ba là, đẩy nhanh, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc. Sớm sửa đổi các bộ luật được người dân và doanh nghiệp thực sự quan tâm như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật kinh doanh BĐS.
Bốn là, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khác
Năm là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Chính phủ cần sớm ban hành các đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đầu tư và xây dựng các đơn vị sự ghiệp công nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội.
Thứ sáu Quốc hội, Chính phủ cần đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 %/năm từ nay đến năm 2030, Theo đó, cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm đối với Fintech,quy định quản lý tài sản số, chia sẻ dữ liệu và an ninh mạng.
Bảy là, chú trọng chỉ đạo giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật trên TTCK nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư; nhất quán phương châm điều hành ở đây là: kiến tạo thị trường phát triển, song vẫn kiểm soát rủi ro.
Sau cùng Quốc hội cho phép gia hạn thực hiện Nghị quyết 42 và tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu hoặc sửa đổi luật các TCTD, tạo nền tảng pháp lý vững chắc và thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
Thay cho lời kết
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi sau suy giảm mạnh,thị trường tài chính toàn cầu về cơ bản đã hoạt động theo hướng phục hồi và tăng trưởng. Bước vào năm 2022, mặc dù diều kiện vĩ mô và địa chính trị có những biến động song khu vực ngân hàng và bảo hiểm toàn cầu dù có chậm song đã tiếp tục phục hồi,.
Mặc dù bối cảnh quốc tế ,dịch bệnh phức tạp và kinh tế năm 2020-2021có nhiều khó khăn, song những tháng đầu năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh. Mở cửa trở lại được dự báo với tăng trưởng trở lại mức tăng 6% trong năm 2022 và có thể cao hơn vào năm sau. Cùng với xu thế toàn cầu và từ nội lực, thị trường tài chính đã trụ vững, duy trì mức tăng trưởng khá. Điều này cho thấy các biện pháp cơ cấu lại, hỗ trợ cho cả DN và TCTD là những xu hướng đáng quan tâm cùng với tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số. Những biện pháp này đã góp phần quan trọng vào tăng cường sức chống chịu và khả năng sinh lời của các tổ chức tài chính.
Thị thị trường tài chính, nhất là TTCK đang có bước điều chỉnh sau 2 năm gia tăng đã bộc lộ những rủi ro .Những chính sách, biện pháp tiến hành là cần thiết nhưng quan trọng hơn là cần có cách tiếp cận phù hợp theo hướng vừa kiến tạo thị trường phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro với hành lang pháp lý phù hợp, thực thi hiệu quả và tăng niềm tin của nhà đầu tư là những chủ thể tham gia thị trường.
Với kiến nghị của các nhà nghiên cứu và những nội dung cụ thể trong Báo cáo kỳ này, hy vọng đây sẽ là những là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý và những nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ để xác định và hoàn thiện hướng nghiên cứu lâu dài./.