TS Lê Thành Ý: Ưu tiên phát triển sau khủng hoảng Covid-19

26/07/2022 21:10

Khủng hoảng COVID-19 là cú sốc lớn, làm thế giới mất đi hàng triệu mạng sống cùng với suy thoái kinh tế và theo nhiều  dự báo, quá trình khôi phục sẽ không đồng đều, để laị những vết thương khó lành.. Đại dịch diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá chậm lại và tình trạng dễ bị tổn thương sẽ tạo ra những dòng chảy ngầm là thách thức của toàn nhân loại.

  Tác động của đại dịch COVID-19 và xu thế phát triển

Dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2020, Chính phủ đã phản ứng nhanh chóng bằng cách thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để điều phối nỗ lực quốc gia nhằm tổ chức quản lý dịch bệnh và tiếp đó đóng cửa trường học và biên giới. Vào tháng 4 năm 2020, chỉ thị cách ly toàn xã hội được ban hành, và sau đó nới lỏng giãn cách khi những ca lây nhiễm được kiểm soát.

Việt Nam phải đối mặt với nhiều làn sóng COVID-19 liên tiếp vào tháng 8/2020 và tháng 1 và 2 năm 2021. Những làn sóng Covid-19 đều được kiểm soát bằng biện pháp hạn chế đi lại và chính sách truy vết hiệu quả. Làn sóng thứ tư với biến chủng Delta bắt đầu từ cuối tháng 4 năm 2021, buộc chính quyền phải ban hành biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, cả ở thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp. Làn sóng này cũng buộc Chính phủ phải đẩy nhanh tốc độ của chương trình tiêm chủng mở rộng,

Mặc dù khả năng chống chịu khá bền bỉ,song nền kinh tế đã bị tác động đáng kể bởi các biện pháp hạn chế thắt chặt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Do tác động kép của cả yếu tố trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế giảm tới 6,17% trong quý 3 năm 2021. Trên phương diện nội địa, khu vực dịch vụ giảm tới 30 % đối với ngành bán lẻ và 70% đối với vận tải hành khách trong tháng 8,9 năm 2021. Nhiều lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do việc đóng cửa các khu công nghiệp.

Về đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa suy giảm do doanh số xuất khẩu giảm mạnh, đồng thời dịch vụ cũng bị hạn chế bởi tình trạng đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết vẫn đạt 14 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2021. Điều này đã phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư  nước ngoài vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Làn sóng đại dịch gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo ước tính của Chính phủ, số việc làm bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lên tới 28 triệu (khoảng 40 % lực lượng lao động) trong quý III năm 2021. Khu vực dịch vụ tiếp tục bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch. Sự kết hợp của thất nghiệp gia tăng và giảm lương dẫn đến thu nhập trung bình của lao động giảm tới 44 % trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021.

the-gioi-hau-covid-1658844592.jpg

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, đã giảm lãi suất chính sách và trần lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn và các khoản cho vay ưu tiên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đọan đại dịch. Do tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh (14,5% từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021),đã cung cấp nguồn thanh khoản cần thiết cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mối quan ngại về tác động làm tăng nợ xấu (NPLs) lại gia tăng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đã và đang thiếu vốn.

Từ tác động tiêu cực của những đợt dịch bùng phát, đặc biệt từ sau tháng 4 năm 2021, nhiều cơ sở bán lẻ,sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân gặp nhiều khó khăn để duy trì khả năng thanh toán nợ. Các biện pháp gia hạn, khoanh nợ do NHNN ban hành giúp ngân hàng tái cơ cấu danh mục nợ, nhưng lại làm tăng tính tổn thương của hệ thống tài chính. Chính phủ quay lại chính sách tài khóa trung lập; cán cân tài khóa được kiểm soát chặt chẽ hơn với số thặng dư nhỏ trong 9 tháng đầu năm 2021. Thặng dư ngân sách chủ yếu xuất phát từ việc triển khai và giải ngân chậm chương trình đầu tư công. Mặt khác, những gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp và cá nhân có quy mô khiêm tốn (khoảng 1% GDP) và chỉ giải ngân được khoảng 40% số đối tượng thuộc diện hỗ trợ .

Trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam có thể tiến tới mức tăng trưởng GDP trước đại dịch là 6,0 đến 6,5% từ năm 2022 trở đi. Dự báo này được xây dựng trên cơ sở nền kinh tế được hồi phục  trong quý IV nhờ vào đẩy nhanh đáng kể chương trình tiêm chủng với 70% dân số được tiêm đầy đủ  và việc nới lỏng các quy định hạn chế di chuyển trong nội địa.

Nét mới của mô hình tăng trưởng và hy vọng đạt mức thu nhập cao

Việt Nam là một điển hình cho sự phát triển thành công trong những năm qua. Từ năm 2010, lánh đạo nhà nước đã nhận ra cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng; những động lực truyền thống  như tích lũy vốn hiện vật, lợi thế về dân số, nhân khẩu học và việc mở rộng sản xuất công nghiệp thâm dụng lao động đang dần cạn kiệt. Việt Nam cũng đã thừa nhận mô hình tăng trưởng hiện tại cần xét đến tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng mở rộng với ước tính vào năm 2035 tầng lớp này sẽ chiếm 50% dân số thay vì 18,5% ở thời điểm của năm 2018.

Trong giai đoạn 2016 đến 2020, báo cáo Đánh giá Quốc gia, Việt Nam 2035 và  Việt Nam Năng động lần lượt ra đời. Trên những cơ sở này, Chính phủ Việt Nam đã hình thành Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII (tháng 2 năm 2021) chính thức thông qua. Thông điệp chung của những văn kiện ban hành là Việt Nam cần chuyển sang mô hình tăng trưởng hướng tới chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, con đường phát triển từ quốc gia thu nhập thấp thành quốc gia thu nhập trung bình chủ yếu qua tích lũy vốn vật chất và vốn con người kết hợp với việc thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, nhưng quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thành quốc gia có thu nhập cao lại được thúc đẩy bằng sử dụng hiệu quả tài nguyên; tài sản hình thành và nguồn nhân lực có kỹ thuật cao. Nâng cao tính hiệu quả giúp tạo năng suất cần thiết dẫn đến cải thiện chất lượng mà những tầng lớp tinh tế với nhu cầu phức tạp hơn đang mong đợi.

Có nhiều phương pháp để nền kinh tế trở nên hiệu quả, song phương pháp tiếp cận theo khung quản lý tài sản (asset framework) đã được vận dụng vì nó cung cấp một khung tổ chức đơn giản. Phương pháp này xác định, tích lũy tài sản quốc gia là sự kết hợp của bốn loại hinh vốn, bao gồm vốn sản xuất, vốn vật chất, vốn con người và vốn tự nhiên của mỗi quốc gia.

Theo  Ngân hàng Thế giới, Vốn sản xuất  là tài sản  được tích lũy bởi doanh nghiệp; Vốn hiện vật là tài sản cơ sở hạ tầng quốc gia;  Vốn con người  là kỹ năng và sức khỏe của nguồn nhân lực ;còn Vốn tự nhiên là dạng tài nguyên như không khí sạch, đất, nước, biển, rừng và gia súc.

Gần như đã có sự đồng thuận giữa Chính phủ và các đối tác phát triển về những ưu tiên mà Việt Nam cần đặt ra để tối ưu hóa quá trình tích lũy của cải và tài sản. Với mục tiêu cải thiện hiệu quả của từng loại hình vốn bắt đầu từ vốn sản xuất. Việc cải thiện hiệu quả loại hình vốn này cần thông qua sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp có sức cạnh tranh và sự đào thải của những doanh nghiệp cạnh tranh yếu kém. Điều này chỉ có thể xảy ra trong môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, tiếp cận tài chính và đổi mới sáng tạo, có các quy định minh bạch và sự bảo vệ về pháp lý để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Để cải thiện vốn vật chất, ngoài phát triển cơ sở hạ tầng và hiện đại hoá cần cải thiện hiệu quả quản lý đầu tư công, bao gồm cả việc vận hành, bảo trì và sử dụng tài sản hiện có. Việc này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở hạ tầng. Cần lên kế hoạch và phối hợp đầu tư công để tối ưu hóa sức mạnh tổng hợp của ngành và giữa các vùng, bao gồm cả thành thị và nông thôn; giữa thị trường trong nước và toàn cầu.Ưu tiên nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Liên quan đến vốn con người, Việt Nam đạt thành tích cao về giáo dục phổ thông, nhưng giáo dục đại học, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và các chính sách bảo trợ xã hội còn kém phát triển. Hiệu quả nguồn vốn con người sẽ nâng cao bằng cách loại bỏ những rào cản đối với người mới gia nhập thị trường lao động hoặc những người bị phân biệt đối xử hay bị hạn chế tiếp cận thông tin tìm việc. Mặc dù Việt Nam sắp hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng chất lượng chăm sóc y tế cần được quan tâm hơn trong bối cảnh già hóa dân số với tốc độ nhanh

Cuối cùng, việc nâng cao hiệu quả vốn tự nhiên đòi hỏi cải thiện đáng kể về cả về tính bền vững và khả năng chống chịu. Phát triển bền vững liên quan đến việc chuyển từ thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang sử dụng những tài sản này hiệu quả hơn. Phát triển bền vững cũng đòi hỏi phải chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, có nhiều cơ hội cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, kiểm soát ô nhiễm môi trường nghiêm khắc hơn và chuẩn bị đối phó với các tác động không tránh khỏi của biến đổi khí hậu,

Thay lời kết luận

Ở giai đoạn hiện nay, rủi ro tài khóa dường như trong tầm kiểm soát nhưng phải theo dõi chặt chẽ vì nó liên quan đến sức khỏe tài chính, có thể dẫn đến các khoản nợ tiềm tàng. Những thay đổi trên thế giới làm trầm trọng hơn tác động tiêu cực của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam. Tác động toàn cầu của đại dịch còn nhiều bất định, song kinh nghiệm từ những cú sốc y tế cho thấy, thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Tăng tốc của những xu hướng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Việt Nam đó chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc thương mại; sự tăng tốc của nền kinh tế số và sự gia tăng mạnh mẽ của những sáng kiến xanh.

Thương mại và các hệ thống tài chính toàn cầu bị lay động do những biện pháp áp dụng để hạn chế di chuyển và phòng chống dịch đang đi ngược lại bản chất của toàn cầu hóa.

Giãn cách xã hội khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc, không chỉ trong thương mại mà còn cả trong cung cấp dịch vụ cá nhân như học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc tại nhà, và giao dịch Chính phủ điện tử. Tuy xu hướng này đã có từ trước đại dịch COVID-19,nhưng nó đã tăng tốc đáng kể trong những năm đại dịch bùng phát.

Đại dịch đã nhấn mạnh sự mong manh của cuộc sống con người khi đối mặt với những cú sốc ngoại sinh, khiến nhân loại phải cải thiện khả năng chống chịu không chỉ với đại dịch trong tương lai mà còn cả với biến đổi khí hậu. Hoạt động đầu tư xanh gia tăng gánh nặng chi phí vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khởi xướng chương trình xanh trong kế hoạch phục hồi dài hạn đã dẫn đến những sáng kiến quốc tế để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ xanh rất đáng khích lệ

Trong dòng chảy toàn cầu sau đại dịch, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một hướng đi từ thực tiễn Việt Nam.  Đây cũng là điểm nhấn để đất nước vươn lên nhằm đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này./.

 

 

Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "TS Lê Thành Ý: Ưu tiên phát triển sau khủng hoảng Covid-19" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309