I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VẤN ĐỀ
Hiện nay, hàng năm Việt Nam sử dụng từ 7,5-8 triệu tấn vô cơ, 2,5-2,6 triệu tấn phân hữu cơ chế biến công nghiệp, chưa kể hàng chục triệu tấn phân hữu cơ do nông dân tự sản xuất chưa thể thống kê chính thức.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do giá phân bón tăng phi mã, từ 2,2-3 lần (Bảng 3) làm cho giá thành sản xuất nhiều nông sản tăng cao, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Chỉ số cạnh tranh quốc gia năm 2021 của Việt Nam chỉ xếp thứ 67 trên 140 quốc gia được xếp hạng[ Global Competitiveness Report 2021]. Với biến động giá trong năm 2021 và quý I/2022, trong 12 tháng của năm 2021 (30/12/2021 so 30/12/2020), người nông dân đã phải chi thêm (chỉ tính phần sử dụng bón cho cây trồng), cho phân urea: 786 triệu USD; DAP: 159 triệu USD; Kali: 395 triệu USD; SA: 336 triệu USD; NPK: 953 triệu USD; SSP: 15 triệu USD và FMP: 21 triệu USD (bảng 2). Như vậy với giá phân bón tăng 2,2-3 lần trong năm 2021, người nông dân đã mất thêm ít nhất 2.635 triệu USD. Một tổn thất khủng khiếp. Nếu so với giá phân bón của quý 1 năm 2022 thì tổn thất còn lớn hơn nữa. Dự báo, do đứt gãy nguồn cung vì dịch bệnh và xung đột Nga-Ucraina thì giá nhiều loại phân bón còn tăng cao nữa[ Theo AgroMonitor, 2022, trong năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Nga 400,7 nghìn tấn phân bón, trong đó phân Kali: 226,05 ngàn tấn; NPK: 158,2 ngàn tấn và DAP: 14,55 ngàn tấn. Nhập khẩu từ Belarus 216,8 ngàn tấn, chủ yếu là phân kali].
Với các nguyên nhân trên, thời gian gần đây có nhiều đề xuất phải giảm lượng phân bón vô cơ, đồng thời tăng cường ứng dụng phân bón hữu cơ. Những kiến nghị như: “Giảm 50% phân bón vô cơ, được hay không?” hay “Có thể giảm bao nhiêu phân bón trong trồng trọt” xuất hiện trên khắp các mặt báo, diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Các đề xuất này dựa trên số liệu là hiệu suất sử dụng phân bón vô cơ chỉ xung quanh 50% (45-55% với phân đạm, 35-45% với phân lân, tính cả hiệu lực tồn dư và 55-60% với phân kali), do vậy có thể giảm ngay lượng 50% kém hiệu quả này. Tuy nhiên, hiệu lực phân bón phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ngoại cảnh và thông thường, hiệu suất tối đa của phân bón ngoài đồng ruộng cũng chỉ có thể đạt 60-65% (Trong canh tác thủy canh có thể đạt đến 95%).
Hiện nay cũng có xu hướng cực đoan về vai trò của nông nghiệp hữu cơ và phân bón hữu cơ, coi phân bón vô cơ như là tội đồ làm suy thoái độ phì nhiêu của đất, ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, tăng phát thải khí nhà kính và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đến sức khỏe con người và kêu gọi loại bỏ phân bón vô cơ. Nên nhớ rằng, thế giới hiện vẫn đang sử dụng khối lượng phân vô cơ rất lớn (198,2 triệu tấn N + P2O5 + K2O cho niên vụ 2020/2021, tăng 5,2% so 2019/2020. Trong khi đó cũng chỉ có 17 triệu tấn phân bón hữu cơ công nghiệp được thương mại. Do vậy, việc xác định đúng và khách quan vai trò của phân bón hữu cơ và vô cơ (hóa học) là rất quan trọng, để có cách tiếp cận khoa học với sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Do vậy, dù cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón rất cấp thiết, góp phần thực hiện chỉ thị Chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV ngày ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, song giải pháp đề ra phải có cơ sở khoa học, phụ thuộc loại đất, cây trồng, thậm chí giống cây trồng, mùa vụ và nhu cầu thị trường.
II. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG PHÂN BÓN Ở VIỆT NAM
Năm 2021 Việt Nam sử dụng 7,43 triệu tấn phân bón vô cơ (bảng 2), trong đó cây lúa sử dụng gần một nửa với 45,22%; các cây công nghiệp dài ngày sử dụng 27,18%; cây ăn quả: 8,8% (bảng 2). Như vậy, mọi giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ phải tập trung vào các nhóm cây trồng có diện tích lớn và sử dụng nhiều phân bón này. Mức bón (phân thương phẩm) tạm tính 464,4kg/ha/vụ với lúa, 928,8kg/ha/năm với cây công nghiệp dài ngày; 743kg/ha/năm với cây ăn quả…Các mức bón trên của Việt Nam theo chúng tôi là không cao trong quan hệ so sánh với các nước khu vực Đông Á.
Có một xu thế chung là, những nước có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người thấp sẽ sử dụng nhiều phân bón vô cơ hơn để thâm canh, tăng năng suất, trừ vài nước có khó khăn về kinh tế như Cuba, Bắc Triều Tiên, các nước châu Phi, Mỹ La tinh. Những nước sử dụng nhiều phân bón vô cơ có thể kể đến Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc với mức bón cao gấp 3 - 4 lần trung bình của thế giới. Với Việt Nam, do một số cây gieo trồng nhiều vụ trong năm nên lượng bón bình quân cho một vụ sẽ thấp hơn (Bảng 5).
Lịch sử cho thấy, với dân số ít, chỉ cần sử dụng các giống cây trồng bản địa năng suất thấp cũng đủ đáp ứng nhu cầu của loài người về lương thực và thực phẩm. Khi đó, dinh dưỡng vốn có trong đất, một số vùng lại được bù đắp phù sa hàng năm thì chỉ cần luân canh, bón phân hữu cơ là đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Tuy nhiên, khi dân số tăng lên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm do đô thị hóa, giao thông và các nhu cầu khác thì áp lực thâm canh tăng năng suất là không thể tránh khỏi. Các giống lúa lai, lúa cao sản ra đời, số vụ sản xuất tăng lên trong một năm làm cho dinh dưỡng vốn có trong đất suy giảm nhanh chóng, khi đó chỉ phân bón hữu cơ không thế giúp cân bằng nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và việc sử dụng phân hóa học tăng lên như một quy luật tất yếu. Tổng kết trên cơ sở 300 thí nghiệm của A.Dobermann (IRRI, 2000), thì cứ sản xuất 1 tấn thóc, cùng với rơm rạ, cây lúa lấy đi 17,5kg N, 7,5 kg P2O5 và 21 kg K2O. Do vậy, nếu không có nguồn cung dinh dưỡng từ bên ngoài không thể đảm bảo năng suất.
Để nuôi sống dân số đang tăng lên, mỗi quốc gia có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau đây: i) Tăng diện tích thông qua khai hoang các vùng đất mới; ii) Tăng vụ và iii) Thâm canh (giống mới, bón phân, quản lý sâu bệnh và áp dụng các biện pháp thủy nông thích hợp). Tuy nhiên, với Việt Nam, đất sản xuất nông nghiệp nói chung và đất sản xuất cây lương thực cây thực phẩm nói riêng không những không tăng mà còn đang giảm đi nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.
Có thể thấy ngay rằng sản lượng nhiều loại cây trồng ở Việt Nam tăng đáng kể trong thời gian qua (nhất là cây lương thực) chủ yếu là do năng suất cây trồng tăng. Theo Balu L. Bumb and Carlos A. Banante (1996), năng suất đóng góp trên 80% sản lượng cây trồng, 20% còn lại là do tăng diện tích. Tại Việt Nam, có thể nói gần như 100% sản lượng, nhất là cây lương thực, tăng thêm của cây trồng nhờ tăng năng suất. Lấy 3 cây trồng đại diện, có diện tích lớn và tiêu thụ nhiều phân bón để làm ví dụ, đó là cây lúa, ngô và cà phê. Ba cây trồng này phủ 9,3 triệu ha gieo trồng (chiếm 61,63% tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp) và tiêu thụ trên 70% lượng phân bón toàn quốc. Tính từ 1921 - 2018 (97 năm), diện tích gieo trồng lúa tăng có 1,64 lần; song sản lượng tăng 7,08 lần, nhờ năng suất tăng 4,4 lần. Với các cây trồng khác cũng có chung quy luật: Ngô năng suất tăng 4,1 lần trong 42 năm; cà phê tăng 3,7 lần trong 28 năm (Bảng 6).
Thêm nữa, hai vùng sản xuất nông nghiệp chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã không còn nhận được lượng phù sa như vốn có. ĐBSH từ nhiều năm nay không có phù sa. Còn tại ĐBSCL có xu thế giảm lũ, lũ lớn hiếm xảy ra; gần 90% số năm chỉ có lũ vừa và nhỏ (Trần Minh Tuấn, 2017). Còn theo Đài KT-TV khu vực Nam Bộ (2017), lượng phù sa chảy qua Tân Châu và Châu Đốc trung bình 1997 - 2016 giảm 0,72.106 tấn/năm (# 2,3%/năm) và giảm 46% sau 20 năm. Do vậy, cùng với việc tăng 2 - 3 vụ lúa/năm thì thiếu phù sa cũng làm cho nhu cầu sử dụng phân bón vô cơ tăng lên.
Về lượng phân hữu cơ sử dụng, rất tiếc hiện nay các quốc gia hầu như không thống kê được, một phần do phân hữu cơ chế biến chiếm tỷ lệ thấp, còn lượng lớn phân hữu cơ do hộ gia đình tự chế biến. Theo Persistent Market Research, quy mô thị trường phân bón hữu cơ chế biến của thế giới năm 2016 cũng chỉ đạt 17 triệu tấn (giá trị 5,57 tỷ USD), trong đó phân hữu cơ có nguốn gốc động vật (phân gia súc, gia cầm...) đạt 3,43 tỷ USD, còn lại là phân hữu cơ có nguồn gốc thực vật, chủ yếu là than bùn, chất lượng thấp. Châu Âu là khu vực sản xuất và sử dụng nhiều phân hữu cơ nhất (38%), tiếp đến là châu Á - Thái Bình Dương 24%, Bắc Mỹ 21,8%. Hiện tại, Bỉ là nước xuất khẩu nhiều phân hữu cơ nhất với 1,15 triệu tấn (năm 2015), tiếp đến là Hà Lan và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Pháp là thị trường tiêu thụ phân bón hữu cơ chế biến lớn nhất. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm - CAGR (Compound Annual Growth Rate) của phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp là 7,1%/năm (cao hơn 2 lần so với ngành phân bón vô cơ) và đạt giá trị 10,23 tỉ USD vào 2025 thì cơ cấu phân bón hữu cơ trong tổng nguồn cung phân bón sẽ được cải thiện đáng kể.
Còn tại Việt Nam, nhờ nhiều chính sách khuyến khích của Chính phủ[ Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”; Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ.] mà sản lượng phân hữu cơ chế biến đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ 1,07 triệu tấn năm 2017 lên 2,63 triệu tấn năm 2020 (bảng 4). Ngoài ra, theo điều tra của Cục Bảo vệ thực vật thì ngoài phân hữu cơ chế biến công nghiệp còn có một lượng đáng kể phân hữu cơ ủ (compost) tại mỗi hộ giá đình, trang trại đưa mức sử dụng phân hữu cơ trung bình trên cả nước lên 1.431 kg/ha gieo trồng. Tuy nhiên khối lượng này là còn rất thấp so với nhu cầu của sản xuất, ít nhất là 8-10 tấn phân hữu cơ/ha/năm.