Theo đó, Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là Festival quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 42 quốc gia, vùng lãnh thổ và 20 tổ chức quốc tế đăng ký tham dự. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế, được tổ chức tại Hậu Giang từ ngày 11-14/12/2023. Tại Lễ khai mạc, dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, đại biểu khách quốc tế cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu lúa gạo trong và ngoài nước; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
Diễn ra ngay sau phần phát biểu khai mạc Festival của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi của ba miền: Ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Hương Giang, Ca sĩ Cẩm Ly, Ca sĩ Trịnh Núi (Giải nhất Sao Mai dòng nhạc nhẹ 2022), Ca sĩ Lê Minh Ngọc (Giải nhất Sao Mai dòng dân gian 2022), Rapper Phong WinDy, Nghệ sĩ Như Ý (Quán quân Chuông vàng vọng cổ 2023), Nghệ sĩ Thanh Nhường cùng CLB Sắc hồng Kid và Vũ đoàn Đồng chí; Biên đạo: NSND Thu Hà, Hoàng Huy, Tuấn Kiệt, Hồng Thoa, Ngọc Thanh, Ngọc Huyền.
Chương trình nghệ thuật được chỉ đạo nội dung bởi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang; Cố vấn chương trình: Nhà báo Tạ Bích Loan; Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật: TS.NSND Thu Hà; Chỉ đạo sản xuất truyền hình: Võ Ngọc Văn Quân; Đạo diễn truyền hình: Phan Phước Thiện; Biên tập kịch bản truyền hình: Thế Long; Chủ nhiệm chương trình: TS. Nguyễn Thanh Sơn; Tổ chức sản xuất: Lý Hoài Thông; Đạo diễn âm nhạc: Phạm Việt Tuân; Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Expo; Dẫn chương trình: MC Đức Bảo (VTV3) và MC Kỳ Hương (VTV Cần Thơ).
Chương trình nghệ thuật có kết cấu 3 chương: Chương I: Gieo hạt; Chương II: Gồng Gánh; Chương III: Mùa Gặt để khẳng định: Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, làng quê Việt Nam và đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ là loại lương thực quan trọng nhất mang lại sự no đủ, mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Theo BTC, Chương trình Nghệ thuật “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” là một chương trình nghệ thuật có quy mô hoành tráng nhất về ngành lúa gạo từ trước tới nay. Đây là một chương trình mang thông điệp về con đường lúa gạo Việt Nam với thế giới. Vì vậy, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt này phải là một nghệ sĩ tài năng giàu kinh nghiệm. NSND Thu Hà là người phù hợp để đạo diễn một chương trình nghệ thuật với những đòi hỏi đặc thù phục vụ công chúng trong và ngoài nước như Chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Nói về Chương trình nghệ thuật “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà cho biết: “Đây là một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang những thông điệp về hành trình lúa gạo Việt Nam với bạn bè Quốc tế và những đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua sứ mệnh của cây lúa. Vì vậy cây lúa sẽ được hình tượng hoá xuyên suốt trong chương trình nghệ thuật. Bên cạnh dàn nghệ sĩ tên tuổi, giàu kinh nghiệm và gần 1000 nghệ sĩ, diễn viên thì ngôn ngữ phải biên đạo thấm đẫm 2 yếu tố: Dân tộc và Hiện đại. Tôn vinh giá trị truyền thống, đồng thời yếu tố hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại”.