Đại đội 14 pháo cao xạ ZSU 23-4M của chúng tôi trực thuộc Trung đoàn 268, Sư đoàn bộ binh cơ giới 304 (Quân đoàn 2), là một trong những đơn vị được trang bị vũ khí kỹ thuật mới, hiện đại vào đầu năm 1979. Đó là các tổ hợp pháo cao xạ tự hành bọc thép bánh xích hạng nhẹ, có trang bị radar, hệ thống máy tính điện tử và 4 khẩu pháo phòng không tự động 23mm.
Đại đội trưởng của tôi lúc đó là anh Nguyễn Văn Cảnh (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh), 13 năm quân ngũ, đã trải qua chiến đấu chống Mỹ và chiến trường K, vậy mà không rõ vì sao chỉ đeo lon Chuẩn úy, đến nỗi đã gãy gạch mà chưa chịu thay. Có lẽ hồi đó phấn đấu lên sĩ quan không phải chuyện dễ dàng nếu chưa qua trường lớp chính quy như anh. Anh ấy dáng người nhỏ, da đen rắn rỏi và gầy, tính tình hiền hậu nhưng rất nghiêm khắc, là sĩ quan chỉ huy gương mẫu nhưng có “khuyết điểm” nghiện thuốc lào. Hằng đêm, khi trực chỉ huy, dù trời mùa đông rét buốt, anh ấy vẫn thức dậy 2, 3 lần đi kiểm tra gác, ai bỏ gác hoặc chui vô chăn, không đứng đúng vị trí gác là lãnh đủ, bị báo thức cả trung đội tập trung ra đồi vắng ngồi mà kiểm điểm. Có mấy tay lính láu cá, trời lạnh căm, đứng gác được một lúc là leo lên giường ngồi cuộn chăn cho đỡ rét, nếu nghe tiếng rít của điếu thuốc lào ở nhà ban chỉ huy đại đội, tức là đại đội trưởng Cảnh chuẩn bị đi kiểm tra, phải tung chăn ra vị trí gác ngay.
Đại đội tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư lệnh Sư đoàn và sân bay quân sự Kép ở huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc, đóng quân cách Sư đoàn Bộ chừng 1 cây số, đi qua 2 ngọn đồi bát úp. Vì là đơn vị có trang bị vũ khí mới, hiện đại lại đang ở gần chiến tuyến nên chúng tôi được lệnh canh gác cẩn mật cả ngày và đêm, không được để người lạ mặt bén mảng, kể cả người dân quen biết trong vùng, người nhà chiến sĩ đến thăm chỉ được đón tiếp ở nhà khách trung đoàn.
Một ngày đầu Xuân 1980, khi ánh nắng vàng rực rỡ của buổi sớm ban mai mang theo hơi ấm xua tan cái rét ngọt miền Bắc, lính trực gác đại đội tôi chặn một người đàn ông lạ mặc đồ bộ đội, dáng vẻ nông dân, xăm xăm đi vào khu vực đóng quân của đại đội đòi gặp đại đội trưởng. Chiến sĩ trực gác cảnh giác chặn người đàn ông, mắt không rời từng cử chỉ của người lạ, tức tốc quay điện thoại hữu tuyến chúng tôi thường gọi là “cối xay tiêu” nghe rột rột, báo cáo với ban chỉ huy đại đội.
Đại đội trưởng Cảnh đang trực, bước ra thấy người đàn ông nọ, tưởng rằng lính của đơn vị thường ngày vô làng tán gái, làm chuyện gì đó có lỗi với dân làng nên bị dân ra phản ảnh, nghiêm nét mặt hỏi:
- Anh là ai, gặp tôi có chuyện gì?
- Mình là Chơn, thủ trưởng Quân đoàn đến thăm đơn vị. Người đàn ông nọ từ tốn.
- Xin lỗi, anh chờ một chút. Nói rồi, đại đội trưởng Cảnh đi nhanh vào nhà ban chỉ huy, trong lòng bán tín, bán nghi, nghĩ bụng: “Thế quái gì đây, thủ trưởng Quân đoàn sao ăn mặc giống nông dân, không đeo quân hàm, lại đi một mình không có lính bảo vệ, hay là tay này nói phét”. Tuy nghi ngờ nhưng anh vẫn nhấc điện thoại gọi khẩn lên trực ban Sư đoàn hỏi có đúng thủ trưởng quân đoàn tên Chơn đang đến thăm đơn vị hay không thì được trả lời:
- Đúng rồi, Thiếu tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh Quân đoàn đến chỗ anh, tôi đang định báo cho ban chỉ huy đại đội thì anh gọi. Sĩ quan trực ban Sư đoàn nói.
Đại đội trưởng Cảnh gác máy, chỉnh đốn trang phục, ra đầu hồi nhà nhấc cái dùi cui sắt đánh kẻng báo động liên hồi rồi chạy ra làm động tác nghiêm chào thủ trưởng theo tác phong Điều lệnh quân đội:
- Báo cáo Thiếu tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh Quân đoàn! Tôi, Chuẩn úy Nguyễn Văn Cảnh, đại đội trưởng đại đội 14, trung đoàn 268, sư đoàn 304 có mặt chờ mệnh lệnh đồng chí.
- Được, ngày nghỉ nên mình vào thăm anh em thôi.
Nói rồi ông khoát tay ra hiệu không cần nghi thức điều lệnh và đi thẳng vào doanh trại đơn vị.
Đại đội trưởng Cảnh triệu tập ban chỉ huy và các Trung đội trưởng (Trưởng xe), thông báo có Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn đến thăm. Tôi có vinh dự nhận nhiệm vụ báo cáo với Thiếu tướng tính năng chiến đấu của pháo cao xạ tự hành ZSU 23-4M mà đại đội mới được làm chủ, cảm nhận được bàn tay ấm áp của vị Tướng quân lúc ông ấy bước tới, vổ nhẹ lên vai tôi và nói “Cảm ơn đồng chí !” khi vừa thuyết trình xong.
Thủ trưởng Nguyễn Chơn đi một vòng quanh doanh trại, kiểm tra bếp ăn, suất ăn của bộ đội, rồi ở lại dùng bữa trưa với ban chỉ huy đại đội trong sự xúc động của chúng tôi về vị Tướng quân gần gủi, nhân hậu, thân mật với cấp dưới như vậy.
Cuối bữa ăn, ông quay sang hỏi đại đội trưởng Cảnh:
- Cậu đeo quân hàm Chuẩn úy bao lâu rồi? Tại sao gãy gạch mà không thay?
- Dạ, báo cáo Thủ trưởng, 9 năm rồi ạ! Anh Cảnh cười hồn nhiên trả lời.
- Có bị kỷ luật gì không mà chưa thăng quân hàm? Thủ trưởng Chơn hỏi.
- Dạ, báo cáo không bị kỷ luật gì cả! Anh Cảnh bộc bạch.
Giọng Quảng Nam, ông ngạc nhiên nói:
- Lạ hỉ, 13 năm quân ngũ, 9 năm Chuẩn úy, chỉ huy đơn vị vũ khí hiện đại mà chưa phong quân hàm, tôi sẽ hỏi bên Cục cán bộ xem vì sao.
Thực lòng, thời đó những người lính chúng tôi chỉ biết hy sinh, cống hiến, coi việc xét phong quân hàm là việc của cấp trên mà không tìm cách này cách khác để đòi hỏi cho riêng mình.
Bẳng đi một thời gian sau đó, đại đội trưởng Cảnh nhận được quyết định thăng vượt cấp từ Chuẩn úy lên Trung úy. Anh em đơn vị ai cũng chúc mừng, bắt khao to, anh ấy cười hiền nói:
- May mà Thủ trưởng Chơn thăm đột xuất không thì mình vẫn Chuẩn úy già chưa biết đến bao giờ. Đời đôi lúc có những tình huống hy hữu thế.
Chúng tôi tìm hiểu được biết, do trong chiến đấu ở chiến trường, hồ sơ lưu giữ bị thất lạc, anh Cảnh lại được điều chuyển qua nhiều đơn vị nên việc theo dõi phong cấp hàm chậm trễ.
Sau lần thủ trưởng Nguyễn Chơn đến thăm đại đội, đơn vị có mở đợt sinh hoạt chính trị tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của ông, biết được ông là một một vị tướng anh hùng, nhà quân sự tài ba. Từ người lính trở thành một vị tướng, cuộc đời ông gắn liền với các cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam, giúp Nhân dân Campuchia đánh đổ chế đội Khmer Đỏ diệt chủng, cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách, vang dội, khiến kẻ thù khiếp sợ. Cuộc đời chinh chiến, chỉ huy đánh trăm trận trăm thắng của Tướng Nguyễn Chơn gắn với những giai thoại: “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”.... Kẻ thù khiếp hãi khi nghe tên ông.
Là tướng lĩnh trận mạc, nhưng lại rất sâu sắc về công tác chính trị, rất yêu thương người lính, các trận đánh do ông chỉ huy luôn diễn ra chớp nhoáng, ít thương vong. Ông là biểu tượng cao đẹp của truyền thống “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Cuộc đời binh nghiệp vô cùng lẫy lừng của ông với 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba ... cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Mãi lo đánh giặc, khi tuổi đã ngũ tuần ông mới lập gia đình. Nhân duyên đưa ông gặp và đem lòng yêu thương người con gái nổi tiếng: Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý, khi đó cũng đang là đại biểu Quốc hội Khóa VI. Hai người đã nên duyên vợ chồng, một đám cưới đặc biệt được tổ chức giữa năm 1977. Đặc biệt vì lẽ, trong đám cưới, cô dâu, chú rể được nhận quà quý của Bác Hồ là hai chiếc đồng hồ Poljot và mấy mét vải do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác mang đến tặng theo như lời Bác đã nói với Anh hùng Trần Thị Lý trước đây khi chị có vinh dự được gặp Bác: “Lúc nào cháu xây dựng gia đình, báo cho Bác biết để Bác đến chúc mừng”.
Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra đi về cõi vĩnh hằng vào cuối năm 2015 ở tuổi 89. Tài năng và đức độ của ông được lịch sử khắc ghi và các thế hệ noi theo.
Với tôi, một lần được gặp vị Tướng lĩnh huyền thoại là ký ức đẹp đẽ không thể nào quên trong những năm tháng vinh dự đứng trong đoàn quân “Bộ đội Cụ Hồ”.