
Ông Ma Phúc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: Minh Quang là một trong địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây lạc hàng hóa. Nếu như trước đây, người dân trồng diện tích còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây lạc phát triển kém, sản lượng thấp. Đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình phối hợp với một số doanh nghiệp tập trung tuyên truyền vận động nhân dân trong xã chuyển đổi diện tích một số cây trồng địa phương năng suất thấp sang trồng thử giống lạc L14, L23 cho năng suất cao hơn.
Kết quả trồng thử nghiệm, cây lạc giống mới chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất, sản lượng cao hơn lạc giống địa phương.
Lạc L14, và lạc đỏ là giống phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai của địa phương, năng suất cao gấp đôi so với lạc giống địa phương. Năm 2025, toàn xã trồng hơn 715 ha lạc, trong đó, 10 ha được cấp mã vạch cho 75 hộ dân thôn Nà Mè. Lạc L14 diện tích năng suất trung bình đạt hơn 33 tạ/ha, sản lượng toàn xã đạt hơn 2.000 tấn.
Từ đó đến nay, cây lạc hàng hóa đã được bà con xã vùng cao này tập trung phát triển và coi đây là cây chủ lực giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông được xây dựng ngày một khang trang, thuận lợi cho việc trao đổi mua bán của bà con nông dân.
Anh Ma Phúc Mông, Trưởng thôn Nà Mè (Minh Quang), chia sẻ: Gia đình tôi trước đây chỉ trồng vài chục mét vuông đất để lấy củ lạc làm thức ăn hàng ngày. Từ năm 2022, được Chi cục trồng trọt hỗ trợ giống lạc L14 và phân bón, gia đình mở rộng diện tích trồng trên 4.000m2, mỗi năm thu hoạch hơn 3 tấn lạc, thu gần 30 triệu đồng, gấp 2 - 3 lần trồng ngô, lúa.
"Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mũi nhọn theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống nhân dân Minh Quang từng bước được cải thiện. Trong tương lai, xã sẽ chú trọng hơn nữa vào khâu đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định thu nhập cho người dân, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của xã", Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Ma Phúc Dương cho biết thêm.