Tây Nguyên được coi là địa bản địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Theo thống kê, Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như: GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao: khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.
Bên cạnh đó, liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Đồng thời, Tây Nguyên cũng đang đối diện với nguy cơ nguồn nước cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp….
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên yêu cầu Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên tập trung triển khai ba nhóm nội dung chính trong thời gian tới.
Thứ nhất, đó là câu chuyện kết nối giao thông giữa nội bộ 5 tỉnh và với khu vực phụ cận. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để Tây Nguyên bứt phá, phát triển, nhiệm vụ đầu tiên là kết nối giao thông nội bộ 5 tỉnh trong khu vực và các vùng lân cận, như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Nguyên tắc là phối hợp giữa 5 tỉnh, và trong bối cảnh hiện này cần có sự huy động vốn của Trung ương, địa phương cùng nhà đầu tư.
Cụ thể, ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương; nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Tây (Ngọc Hồi-Pleiku, Pleiku-Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột-Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng Hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…
Thứ hai là phối hợp thu hút đầu tư với tinh thần lợi ích khu vực là lớn hơn. Cụ thể, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phối hợp, cùng xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương. Tây Nguyên cố gắng phát triển nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương, nghĩa là phát huy hiệu quả của tính liên kết vùng.
Thứ ba là triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy sản xuất để tận dụng lợi thế của khu vực.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý vấn đề tạo sinh kế cho người dân, cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số phải lâu dài, đất có khả năng sản xuất và đồng bộ với hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần bảo tồn văn hoá để bảo đảm cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương tập trung triển khai quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trong quy hoạch cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu, rừng…
Ngoài ra, Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng mức tiền nhận khoán bảo vệ rừng để người dân tăng thêm thu nhập. Chú trọng tăng cường việc chuyển đổi số, thúc đẩy giao thương hàng hóa, buôn bán nông sản qua không gian mạng.