Vật giá leo thang xói mòn tiến bộ xóa nghèo ở Châu Á – Thái Bình Dương: Thực trạng và giải pháp xóa nghèo đối với Việt Nam

Nghèo cùng cực được định nghĩa là có mức sống dưới mức 1,9 USD/ngày theo thời giá của năm 2011. Vật giá leo thang do lạm phát tăng cao, kết hợp cùng tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, đang tiếp tục đẩy người dân châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) vào tình trạng nghèo cùng cực. Theo ước tính, khoảng 155,2 triệu người ở các nước đang phát triền châu Á và Thái Bình Dương,chiếm 3,9% dân số khu vực, đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực.

Báo cáo Các chỉ số chính của Châu Á và Thái Bình Dương năm 2023, được công bố ngày 24 tháng 8 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, đại dịch Covid-19 đã đẩy thêm 75 đến 80 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực so với năm 2021 và những dự báo trước đó,

Trong khu vực CA-TBD, các nước đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2030, vẫn còn khoảng 30,3% dân số (khoảng 1,26 tỉ người) bị coi là dễ bị tổn thương với mức sống 3,65 USD/ngày theo giá  cả năm 2017.  

Albert Park, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận xét “CA-TBD đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng vật giá leo thang đang xói mòn tiến bộ xóa đói, giảm nghèo. Bằng cách tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo sẽ mang lại cơ hội cho tăng trưởng và việc làm. Các chính phủ trong khu vực có thể trở lại đúng hướng phát triển”.

Do ít có khả năng chi trả cho các nhu yếu phẩm như lương thực và nhiên liệu, người nghèo dễ bị tổn thương từ cuộc khủng hoảng vật giá leo thang. Tăng giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản khiến nhiều người nghèo không còn khả năng tiết kiệm, chi trả cho y tế, hoặc đầu tư cho giáo dục và những cơ hội khác giúp cải thiện điều kiện sống lâu dài. Phụ nữ chịu ảnh hưởng lớn, do họ có xu hướng kiếm được ít tiền hơn nam giới, trong khi vẫn phải làm những công việc không được trả lương.

Báo cáo của ADB lưu ý, người nghèo không chỉ kiếm ít tiền hơn mà còn phải chi trả cao hơn để tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong khi buộc phải đưa ra những lựa chọn có thể tốn kém hơn trong dài hạn. Ví như, các hộ gia đình thu nhập thấp thường phải mua hàng hóa với số lượng ít hơn và có thể đắt hơn so với khi mua số lượng lớn. Họ bị buộc phải sống trong các khu định cư không chính thức, nơi phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, tăng chi phí chăm sóc y tế, đi lại tốn thời gian và bất tiện hơn.

Nhằm giải quyết khủng hoảng vật giá leo thang, các chính phủ châu Á và Thái Bình Dương có thể tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, gia tăng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển nguồn vốn con người.

Ở Việt Nam, đói nghèo là vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc. Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và là một trong những nhiệm vụ góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

ngheo-1693230567.jpg

Xóa đói giảm nghèo bảo đảm thực thi nhân quyền vững chắc ở Việt Nam (Ảnh tạp chí Tuyên giáo)

Trên 30 năm đổi mới, nhờ thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã đạt được thành tựu có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh-quốc phòng, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước bền vững. Báo cáo phát triển Việt Nam của Ngân hàng thế giới trong nhiều năm đã khẳng định "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế".

Kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 trên phạm vi cả nước cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều là 7,52%, với tổng số 1.972.767 hộ. Riêng tỷ lệ hộ nghèo là 4,03% với 1.057.374 hộ. Trong đó, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc chiếm14,23%; Đồng bằng sông Hồng 1,00%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung  4,99%; Tây Nguyên là 8,39%; Đông Nam Bộ là 0,21%; Đồng bằng sông Cửu Long 2,26%. Trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ VNĐ để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội, tổng dư nợ của các hộ nghèo cả nước đã lên trên 283.000 tỷ đồng. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã phấn đấu không mệt mỏi trong nhiều năm, song công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn không ít khó khăn và thách thức.

Trước hết là về nhận thức, một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa chủ động vượt lên để thoát nghèo.

Hai là, đánh giá tỷ lệ nghèo thấp hơn thực tế, nên bộ phận người thực sự nghèo chưa tiếp cận được với các chương trình xóa đói, giảm nghèo.

 Ba là, nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói, giảm nghèo còn khiêm tốn; chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng và cá nhân có điều kiện vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. 

Bốn là, cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo chưa phù hợp còn bất cập, chưa tạo ra động lực để người nghèo chủ động vượt nghèo. Ở một số nơi, nhất là vùng cao, vùng sâu thông tin đến với người dân chưa đầy đủ, phần lớn cán bộ thực thi chương trình ở cấp xã đều là kiêm nhiệm.

Những tồn tại do nhiều yếu tố khách quan tác động trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đã đẩy tình trạng nghèo đói vận động theo hướng giảm nghèo thiếu bền vững và có xu hướng chậm lại; một số chính sách và giải pháp  không còn tác dụng mạnh mẽ như giai đoạn đầu. Do vậy, cần tạo động lực mới cho tương lai, tập trung vào phát triển và chuyển giao công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích gieo trồng; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại, tiểu, thủ công nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính.

Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi và những vùng khó khăn còn cao gấp nhiều lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước và có chiều hướng gia tăng, do nhiều yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Ngoài ra, một số đối tượng nghèo ở những vùng đang đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những điều kiện cơ bản làm gia tăng yếu tố tái nghèo và tạo sự không đồng đều trong giảm nghèo giữa các vùng.

Chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm giàu và nhóm nghèo có xu hướng gia tăng, thu nhập bình quân của nhóm hộ nghèo ở nông thôn chỉ đạt 70% mức chuẩn nghèo mới. Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo dẫn đến tình trạng nghèo tương đối trở nên gay gắt và việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo khó khăn hơn.

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo còn vô cùng gian nan. Nguy cơ tái nghèo có thể tăng do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; do đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng chưa đồng đều; cơ hội về việc làm của người nghèo ngày càng khó khăn. Đói nghèo trở lại là vấn đề luôn rình rập phần lớn số hộ mới thoát khỏi ngưỡng nghèo; chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh, đau ốm hoặc biến động giá cả bất thường thì những hộ này lại dễ rơi vào tình trạng nghèo đói.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, cải thiện đời sống người nghèo, hạn chế tốc độ gia tăng chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa nhóm hộ giàu và hộ nghèo, theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

Gia tăng nhịp độ trưởng kinh tế, tạo việc làm để nâng cao đời sống cho người nghèo.Kinh nghiệm rút ra cho thấy,trong những thập kỷ qua, đạt được thành tựu tích cực về giảm nghèo là do tăng trưởng kinh tế cao và liên tục. Để bảo đảm cho kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, cải cách cơ cấu kinh tế và bộ máy quản lý nhà nước đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết trên tất cả các mặt. Phát triển kinh tế, xã hội cần đồng bộ từ miền xuôi đến miền núi, từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa và nhứng vùng khó khăn. Chú trọng giúp các địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp. Có như vậy, mới tạo thêm nhiều việc làm ở cả thành thị và nông thôn. Giảm nghèo đói nghiêm trọng ở những vùng khó khăn đòi hỏi có sự đầu tư mạnh mẽ, liên tục của Nhà nước và sự chủ động vượt lên của chính địa phương và người nghèo ở những nơi này.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, là cơ sở để khắc phục tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch, thiếu thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt  cần coi trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác xóa đói,giảm nghèo; kết hợp chặt chẽ chương trình xóa đói, giảm nghèo với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Những giải pháp nêu raững  ưng nhằm nâng cao thiết thực mức sống và chất lượng cuộc sống người dân ở các xã nghèo, vùng nghèo; giảm dần khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc và các tầng lớp dân cư; bảo đảm cho người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là về chăm sóc y tế, văn hóa giáo dục và kế hoạch hóa gia đình. Từ đây cần coi trọng xã hội hóa các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là về nguồn lực.

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nguồn lực của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mang tính xúc tác để khơi nguồn của cộng đồng. Những “tấm lòng từ thiện"; "Nối vòng tay lớn"; " "Quỹ tình thương"; "Nhà đại đoàn kết” đã thu hút được đông đảo cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xây dựng và phát triển các chương trình xã hội hỗ trợ người nghèo là những việc làm cần thiết.

Ngoài các nguồn lực trong nước và nguồn hỗ trợ tài chính của cộng đồng, điều quan trọng là tiếp thu có hiệu quả sự trợ giúp kỹ thuật của bè bạn quốc tế, nhân rộng được nhiều bài học kinh nghiệm và mô hình tốt về xóa đói, giảm nghèo ;thực hiện tốt  phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của người dân.

Trong những năm sắp tới, xã hội hóa các hoạt động xóa đói giảm nghèo đòi hỏi các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và mọi người dân tiếp tục quan tâm và thúc đẩy lên một tầm cao mới, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của xã hội và người dân trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói. Theo đó, đổi mới công tác tổ chức, bảo đảm tính công khai, minh bạch và làm rõ trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động, người dân tham gia bàn bạc, thảo luận, nhằm tạo ra sự đồng thuận và hợp tác, quyết tâm vượt nghèo, vươn lên làm giàu của các xã nghèo, vùng nghèo và chính bản thân người nghèo 

Những năm gầy đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều tiến bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm thực hiện có chất lượng các chương trình xóa đói, giảm nghèo; thực thi cơ chế tự chủ trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, lập kế hoạch và huy động nguồn lực trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các cấp chính quyền chủ động, tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của các chương trình. Song, việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát và ra quyết định tại cấp xã vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần tạo mọi điều kiện để phát huy tính năng động, chủ động của cơ sở, phát huy sức mạnh về vật chất và tinh thần của cả cộng đồng để nâng cao hiệu quả của chương trình xóa đói, giảm nghèo.

 Yếu tố quan trọng để thực hiện giảm nghèo là, Nhà nước tạo động lực giảm nghèo thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và ý chí vượt nghèo của người dân. Các chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nghèo, xã nghèo bước đầu được đông đảo nhân dân trong cộng đồng tham gia, thảo luận và quyết định. Người dân từng bước nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được triển khai thực hiện xuyên suốt trong các hoạt động của chương trình giảm nghèo ở các địa phương.

Chống đói nghèo là một cuộc chiến lâu dài và quyết liệt. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn luôn ưu tiên giành nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ tiếp tục tạo động lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, đồng thời chủ động chỉ đạo thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Với sự đồng tâm hiệp lực của các ngành, các cấp, cộng đồng các tổ chức kinh tế, xã hội và của chính người nghèo chúng ta đủ niềm tin để hy vọng sự thành công tốt đẹp của công cuộc xóa dói giảm nghèo ở nước ta./.