Thời Pháp thuộc, tổng Xóm xưa gồm 12 làng thuộc 4 xã của Quận Hà Đông mang tên là Khả Lãm, Cổ Lãm, Phong Châu và Thắng Lãm. Tổng Xốm xưa liên quan mật thiết đến thời tiền sử với những chiến tích oai hùng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và dòng sông Hát huyền thoại. Những ghi nhận và sắc phong của nhiều triều đại xưa, đặc biệt là những chứng tích liên quan đến gia đình và chiến công của hai vị Vua Bà đã thôi thúc chúng tôi tìm về Tổng Xốm, với hy vọng được hiểu rõ hơn về cội nguồn tại một địa danh có số di tích lịch sử văn hóa quốc gia xếp hạng hàng đầu đất nước.
Trên trục đường Điền dã, dường như ở mọi nơi tìm đến chúng tôi đều ghi nhận được những dấu ấn lịch sử về cuộc khơi nghĩa từ đầu công nguyên.
Nơi khởi đầu, tại làng Nghĩa Lộ chúng tôi bắt gặp đền thờ Ả Lã Nàng Dê là con của Nguyễn Viêm vốn là Trưởng doanh Cổ Châu (thuộc Thanh Oai cổ). Năm 20 tuổi, Ả Lã Nàng Dê đã cùng em là chàng Quốc tập hợp trai tráng làng Yên Lộ theo hai Bà Trưng đánh giặc. Cả 2 người đều đã lập nhiều chiến công nhưng cùng hy sinh trên đất Cẩm Khê thuộc vùng Thanh Lãm cũ.
Đến làng Thanh Lãm doc trục đường làng xưa, chúng tôi đã nhận ra ngôi cổ miếu Linh Điền. Linh Điền thờ Bà Mèn Thiện là mẹ đẻ của hai Bà Trưng. Trong miếu thờ, đôi câu đối còn in nét chữ “Chát bẩm trang tư sinh quốc nữ, Địa chung láng khí tứ Thiên thần” mang hàm nghĩa "Tư chất trang uy sinh Quốc nữ và Đất thiêng khí sáng đón Thiên thần”.
Thôn Thanh Lãm còn có mộ bà Phùng Thị Chính, được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Bà Chính là nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng, mẹ bà mất sớm, được Bà Mèn Thiện nuôi dưỡng, lớn lên, bà theo 2 chị Trưng đánh giặc, lập nhiều chiến công và hy sinh ở vùng Thanh Lãm. Trong làng Thanh Lãm còn có đền thờ Đinh Cống và Đinh Lượng là những tướng lĩnh kiệt suất của Hai Bà Trưng. Tại đền thờ Đinh Cống còn lưu đôi câu đối “Thảo Hán tặc Kim Khê thủ nghĩa; Phù Trưng Vương Thạch trận vong thân” được dịch là: Giết giặc Hán trọn nghĩa trên đất Kim Khê; Giúp Trưng Vương quên mình nơi “Thạch trận” và “Trưng kỷ Sơn hà lưu hiển tích; Hát giang miếu điện lẫm uy linh” mang nghĩa “Thời Vua Bà núi sông in dấu tích, miếu điện bên sông Hát vẫn còn lộng lẫy uy linh”.
Ở cuối làng, giáp với đường 22 gần trường cao đẳng vật tư hiện nay còn miếu và mộ Bà Lý Thị Ngọc Ba là mẹ chồng của Hai Bà Trưng. Đối diện với UBND xã Phú Lãm tại thôn Quang Lãm là Đền thờ và mộ của Bà Trưng Nhị. Tương truyền, trong đền còn đôi câu đối “Nhất nguyên dáng văn minh chi Hội, Chi hĩ cận Thiên tử Chi Quang” được truyển tụng là “Vận hội mở kỷ nguyên văn minh, rạng rỡ thay gần với hào quang Thiên tử”.
Từ Quang Lãm vào làng Vân Nội, dấu tích của Hai Bà Trưng vẫn còn đậm nét, giữa làng Vân Nội là ngôi đình với cây Bồ Đề hàng nghìn năm tuổi. Dân làng truyền lại, đây là nơi Bà Trưng từng cưỡi voi mỗi khi xung trận. Đình Vân Nội thờ Đống Xã là một vị tướng lỗi lạc. Đống Xã không chỉ có công giúp hai Bà Trưng chống giặc Hán mà còn âm phù để Lê Hoàn phá tan quân Tống, Trần Quang Khải bình Nguyên, Lê lợi đại thắng quân Minh. Thần phả Đình làng Vân Nội do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1578 ghi lạị “Lúc bình sinh ta giúp Trưng Nữ Vương lập một đồn lũy ở đây, khu Vân Nội xin làm đệ tử ta đồng ý. Ngay hôm đó, tướng sỹ kéo đến cùng Trưng Nữ cự chiến với tướng Mã Viện là Lý Phục Ba, quân địch thua to. Thời gian sau, Trưng Nữ cự chiến với Mã Viện, ta cùng Trưng Nữ thất cơ, thua chạy về cửa Kim Quyết liền hóa. Quốc Đại Vương mất, ta bèn quay về trước gò đồn lũy rồi hóa. Trên đó nay còn vết tích mộ “Đó là nơi ta ở”. Ngày nay, dân làng Vân Nội đều biết đến khu mả Đế, trong đó có phần mộ của Ông Đống Xã.
Tìm hiểu về những tư liệu ở xã Phú Lương do nhà nghiên cứu Đặng Văn Tu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây cung cấp, chúng tôi được biết, Kim Quyết xưa là nơi đóng đô. Thần phả cho biết, Bà Trưng chạy về Kim Quyết liền hóa, nghĩa là Bà chết tại kinh đô của mình. Ông cho biết thêm, ngày nay, trong vùng vẫn còn lưu truyền câu nói“Thượng Đa, Hạ Đề” gắn với truyền thuyết, ở đầu làng Vân Nội xưa có 3 gò cao trên có 3 cây đa, gọi là cây Đa chợ Tát. Tương truyền, Bà Trưng đánh nhau với Mã Viện ở Thành Đá (Thạch Thành) biết không thể thắng, Bà liền rút về kinh đô. Đến gò cây Đa chợ Tát, Bà vượt sông và chết ở đoạn sông này. Quãng sông “Thượng Đa, Hạ Đề” được cho là khoảng giữa cây Đa chợ Tát đến cây Đề còn ở Đình Vân Nội ngày nay (ảnh gốc bồ đề trên 6000 năm ở Đình làng Vân Nội). Nếu giữa truyền thuyết và thần phả có sự trùng hợp, thì đây có thể là khu vực Kim Quyết, tức kinh đô xưa của các Vua Bà.
Dấu tích xưa về Bà Trưng còn được lưu giữ ở khu Mả Đế (ảnh khu Mộ Đế làng Vân Nội phường Phú Lương Quận Hà Đông). Truyền thuyết có kể lại rằng, Bà Trưng chết trên dòng sông Hát, nhân dân vớt được xác Bà đưa về gò đất mai táng. Từ đó, khu đất này mang tên Mả Đế. Già làng ở đây thường kể lại rằng, ngày xưa mỗi lần rước Thần Đống Xã ra Quán, đến khu Mộ Đế phải rước kiệu vào Mộ, hạ kiệu bái yết rồi mới được tiếp tục rước đi.
Dọc theo sông Hát xưa kể từ Vân Nội về phía hạ lưu, dấu tích về Hai Bà Trưng còn lưu lại ở nhiều làng, xóm, tại thôn NhânTrạch có Đền thờ vợ chồng Đào Ký và Phương Dung là những vị Tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Trong làng Động Lãm và Thượng Mạo, những ngôi chùa thờ Bà Lý Thị Ngọc Ba là mẹ chồng của Hai Bà Trưng và 5 người con là Đặng Trình, Đặng Diên, Đặng Xuân, Đặng Nghiêm và Đặng Liễu đều là những nhân vật nổi tiếng đương thời.
Từ những dấu tích, truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian, được thể hiện trong các lễ hội, truyền thống, phong tục địa phương cùng với những hiện vật còn lưu giữ được trong các Đình, Chùa, Đền, Miếu và ở các gia đình, dòng họ….có thể tin là Tổng Xốm xưa là một phòng tuyến, nơi đồn trú quan trọng mà Tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng đã lập nên để chống lại kẻ thù xâm lược.
Đôi điều thu hoạch qua những ghi chép trên đây, người viết hy vọng có thể góp phần vào tìm kiếm thêm thông tin để làm sáng tỏ những điều đang còn nghi vấn về quê hương, sự nghiệp và nơi hy sinh của các vị Vua Bà./.