Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật: Thay vì loay hoay thủ tục công nhận Quốc hoa nên sớm chọn một ngày để tôn vinh hoa sen

Việc lựa chọn quốc hoa đang trở thành đề tài nóng với nhiều ý kiến tranh cãi. Hoa sen, biểu tượng của sự thanh cao và tinh khiết, liệu có phải là lựa chọn đúng đắn? Hay hình ảnh người nông dân ôm bó lúa, cười rạng rỡ dưới cánh đồng vàng mới thật sự đại diện cho tâm hồn và văn hóa Việt Nam? Ông Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Hoa sen được đề xuất là quốc hoa

Trong phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) ngày 26/6, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần có cơ quan thẩm quyền chính thức phê duyệt hoa sen là quốc hoa và áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam. Đây không phải là yêu cầu mới, bởi từ năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức bầu chọn quốc hoa và hoa sen đã nhận được 81% số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, việc công nhận chính thức hoa sen là quốc hoa vẫn chưa thể thực hiện do thiếu cơ sở pháp lý. Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa từ năm 2011, nhưng khi trình các cấp lại vướng mắc ở chỗ "ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký". Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền vì không có quy định cụ thể.

hoasen-1721819597.jpg

Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bầu chọn quốc hoa và hoa sen đã nhận được 81% số phiếu ủng hộ

Bên cạnh việc chọn quốc hoa, Bộ VHTTDL cũng đã nghiên cứu và đề xuất nhận diện lễ phục, quốc phục của Việt Nam là bộ áo quần có tính chất đặc trưng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải dừng lại do thiếu cơ sở pháp lý. Trước những vướng mắc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý, có thể giao cho một địa phương hay bộ, ngành đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận.

Trước một số băn khoăn về việc hoa sen cũng là quốc hoa của Ấn Độ, một số chuyên gia cho rằng điều đó không đáng ngại. Bởi trên thế giới có nhiều nước chọn cùng một loại hoa làm quốc hoa. Các nước Anh, Ả-rập Xê-út, Syria, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Iraq, Iran, Rumania, Luxembourg, Maroc đều chọn hoa hồng. Hàn Quốc, Malaysia và Sudan cùng chọn hoa dâm bụt. Pakistan và Philippines cùng chọn hoa nhài, Haiti và Bờ Biển Ngà cùng chọn hoa dừa.

Việc lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam vẫn đang diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người cho rằng đây là một sự lựa chọn phù hợp, những người khác lại lo ngại về những nhạy cảm liên quan.

Nên sớm chọn một ngày để tôn vinh hoa sen

Ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật, nêu quan điểm rằng hoa sen đã ăn sâu vào tiềm thức, văn hóa và đời sống của người dân Việt Nam từ rất lâu đời. Nó được tái hiện trong nhiều di sản kiến trúc cổ như Liên hoa đài, Khuê Văn Các và tam quan chùa chiền. Ông Vương Xuân Nguyên khẳng định: "Việc công nhận hoa sen là quốc hoa không quan trọng bằng việc thay đổi thái độ, hành vi và làm cụ thể tinh thần ấy".

Ông Nguyên lưu ý rằng việc công nhận hoa sen là quốc hoa cũng có nhiều nhạy cảm. Hoa sen đã được nhiều quốc gia khác công nhận trước, và nó cũng gắn liền với Phật giáo, trong khi Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo.

anh-chup-man-hinh-2024-07-24-luc-181150-1721819520.png

Ông Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật

Hơn nữa, hoa sen đã thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa dân tộc, hình ảnh nhận diện của Thăng Long - Hà Nội xuyên suốt gần 1000 năm qua kể khi vua Lý Thái Tông cho xây dựng Chùa Một Cột với lối kiến trúc "Liên Hoa Đài" vào năm 1049 (Việc làm này trước Ấn Độ hơn 900 năm, mới công nhận hoa sen là Quốc hoa vào năm 1950). Lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt này còn cho thấy, trước khi rút khỏi Thủ đô Hà Nội tháng 10 năm 1954, người Pháp đã cho dùng thuốc nổ để phá hủy Liên Hoa Đài - Chùa Một Cột. Chúng hòng muốn xóa bỏ một biểu tượng, văn hóa và tinh thần thiêng liêng của người Việt, cũng như biểu tượng nhận diện của Thăng Long - Hà Nội đã tồn tại gần 1000 năm lịch sử. Và công trình có tính chất biểu tượng Quốc gia này, đã được khởi công xây dựng lại vào ngày 01/01/1955 và được khánh thành sau 62 ngày sau đó.

"Vì vậy, có thực sự cần thiết một thủ tục mang tính hành chính ở thời điểm hiện tại không, khi việc đó vừa bộc lộ việc thiếu tính kế thừa những giá trị lịch sử của ông cha đã làm trong quá khứ, vừa thừa nhận quốc hoa của ta có sau Ấn Độ, lại vướng vào những nhạy cảm tôn giáo ở thời điểm hiện tại. Nên chăng, thay vì việc tiến hành một thủ tục có tính chất hành chính là công nhận hoa sen là quốc hoa, thì cơ quan có thẩm quyền nên thông báo một cách chính thức với Quốc tế rằng: hoa sen đã thực sự trở thành biểu tượng văn hóa, tâm hồn và cốt cách dân tộc Việt Nam ngay từ thời điểm năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây dựng Chùa Một Cột (Liên Hoa Đài) và quyết định chọn một ngày trong năm để kỷ niệm sự kiện trên gắn với việc tổ chức Festival hoa Sen Việt Nam tôn vinh những giá trị kinh tế, văn hóa và nghệ thuật của hoa Sen trong đời sống đương đại...", ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ. 

Một trong những đề xuất của ông Nguyên là tăng cường tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân về vị trí, vai trò của hoa sen trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đến việc quan tâm nhiều hơn tới tổ chức các lễ hội hoa sen như "Lễ hội Sen Hà Nội 2024" diễn ra từ 12 - 16/7/2024 đã tôn vinh và quảng bá những giá trị của hoa sen trong văn hóa Việt Nam. Ông cũng đề nghị khai thác cây sen để trở thành một giá trị đa ngành, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy các ngành phụ trợ khác như kết nối nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Việc lựa chọn quốc hoa là một bước quan trọng trong việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc tôn vinh đó cần sự có sự đồng thuận rộng rãi của cả cộng đồng để quốc hoa không chỉ được tôn vinh là biểu tượng văn hóa, tâm hồn và phí phách của người Việt, mà còn là nguồn cảm hứng, động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững cho Đất nước.