
Lễ hội Đúc Bụt là 1 trong 4 lễ hội tiêu biểu của huyện Tam Dương. Không gian lễ hội diễn ra tại Đền thờ Đức Bà Ngọc Kinh công chúa diễn ra vào ngày Mùng 8 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng nghìn người địa phương và du khách đến chiêm bái, cầu tài lộc.
Với 2 phần lễ và phần hội, lễ hội được tổ chức các tích trò, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Từ năm 2020 đến nay, lễ hội Đúc Bụt được thay đổi kịch bản từ “cướp chiếu” sang “tản chiếu phát lộc”.
Năm 2025, lễ hội Đúc Bụt được tổ chức ở quy mô cấp thôn, làng (làng Phù Liễn gồm 5 thôn).

Với hai trò “đúc bụt” và “trình nghề tứ dân”, lễ hội Đúc Bụt Phù Liễn tái hiện, ôn nhớ lại việc Đức Bà xưa ẩn mình trong vai nhà tu hành đã đúc tượng Phật, dựng chùa để tu tập và ngầm kết giao, tìm người đồng chí hướng, chiêu mộ binh sĩ mưu nghiệp lớn cứu nước, vừa gợi liên tưởng đến nghề đúc đồng của người Việt cổ.
Đặc biệt, lễ hội còn mang ý nghĩa cầu mùa, tôn vinh nghề nghiệp (trình nghề), cầu tài lộc với quan niệm ai giành được lộc thánh là tấm chiếu hoặc một vài sợi chiếu là vật được sử dụng úp lên mình “ông bụt” hay dính được chút bùn trát trên mình “bụt” trong lễ đúc bụt thì người đó sẽ may mắn, nhất là ai có được phần “lộc” từ chiếc chiếu úp trên mình ông bụt ngồi giữa (trong trò diễn “đúc bụt”) thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, đường con cái.
Từ năm 2020 đến nay, ba chiếu lộc được giữ lại trong hậu cung, chỉ được úp lên đầu “ông Bụt” khi làm lễ trong Đền. Sau khi kết thúc phần lễ và phần hội, ba chiếu lộc được Ban tổ chức lễ hội gỡ ra từng sợi, đưa vào “Bao bì lộc” được thiết kế đẹp mắt, trang trọng với lời chúc “Phúc - Lộc - Thọ” và được phát lộc cho du khách thập phương tham dự lễ hội.
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, văn minh trong lễ hội, năm nay lúc Ban tổ chức lễ hội tiến hành rút chiếu tản lộc bên trong đền, cửa đền sẽ được đóng kín và được lực lượng công an bảo vệ cả bên trong và bên ngoài khu vực tản chiếu.

Sau phần lễ là phần hội với các trò diễn đặc sắc: Trò “Đúc Bụt”: Tái hiện nghi thức đúc tượng Bụt, diễn ra ở trung tâm không gian lễ hội.
Người dân tin rằng ai giành được “lộc thánh” (chiếu úp lên tượng Bụt hoặc chút bùn trát trên tượng) sẽ gặp nhiều may mắn, đặc biệt là trong đường con cái; Trò “Trình Nghề Tứ Dân”: Diễn ra xung quanh trò “Đúc Bụt”, thể hiện bốn nghề chính của xã hội xưa: sĩ (học hành), nông (trồng trọt), công (thủ công), thương (buôn bán).
Hai trò diễn này cùng chuyển động đồng trục và theo chiều ngược kim đồng hồ, tạo nên nét độc đáo riêng của lễ hội; Tản chiếu, phát lộc: Thay cho nghi thức “cướp chiếu” trước đây, đảm bảo tính văn minh và gìn giữ giá trị truyền thống.
Trong lúc Ban tổ chức lễ hội tiến hành tản chiếu phát lộc ban trong đền thờ, thì bên ngoài các trò chơi dân gian khác như đấu vật, chọi gà, cờ người, bịt mắt đập niêu đất cùng các dịch vụ vui chơi giải trí mới, các tiết mục văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... vẫn được dân làng tổ chức, cho đến hết chiều cùng ngày.