Vĩnh Phúc: Quy định của các Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch), TP Vĩnh Yên đối với học sinh về điện thoại khi đến trường

Từ năm học 2024-2025, trường THPT Trần Nguyên Hãn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức thực hiện quy định học sinh không mang điện thoại đến trường. Còn học sinh trường THPT thành phố Vĩnh Yên từ nhiều năm nay khi đến trường sẽ phải giao nộp điện thoại và khóa trong tủ sách của từng lớp, tạo môi trường học tập tích cực, lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện.
img-0102-1733892933.png
Giờ ra chơi không điện thoại đã được thực hiện hiệu quả tại Trường THPT Vĩnh Yên ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên

 

Đối với học sinh trường THPT Vĩnh Yên khi đến trường sẽ phải giao nộp điện thoại, được khóa  trong tủ sách của từng lớp. Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi có sự cho phép của giáo viên bộ môn. Giáo viên bộ môn muốn cho học sinh sử dụng điện thoại để tương tác trong giờ học, phải thông báo trước cho Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

img-0103-1733892933.png
Điện thoại được cất và khóa trong tủ sách suốt buổi học tại Trường THPT Vĩnh Yên

 

Quy định này nhằm đảm bảo rằng việc sử dụng điện thoại không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập, được thông qua trong cuộc họp phụ huynh đầu năm và nhận được sự nhất trí, ủng hộ hoàn toàn từ các bậc phụ huynh. Điều này cho thấy sự đồng thuận trong nhà trường, gia đình về tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường học tập an toàn và hiệu quả.

Thấy rõ nhất là giờ ra chơi của học sinh hiện nay đã trở nên sống động và gắn kết, không chỉ là cơ hội để các em thư giãn, giải trí sau những giờ học căng thẳng mà còn là thời gian để học sinh giao lưu, kết bạn và tham gia vào các hoạt động tập thể. 

Tại trường THPT Trần Nguyên Hãn, hình ảnh học sinh vui chơi, trao đổi bài vở hay rèn luyện sức khỏe xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều em chủ động tham gia các hoạt động thể chất như đá cầu, bóng chuyền hoặc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm học tập tại sân trường. Điều này không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng sau giờ học mà còn tạo ra những khoảnh khắc ý nghĩa để gắn kết bạn bè, học cách làm việc nhóm và phát triển nhiều kỹ năng mềm.

img-0104-1733892932.jpeg
Giờ ra chơi tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn

 

Không dừng lại ở đó, sự phối hợp giữa Đoàn thanh niên và các lớp học đã mở ra cơ hội cho từng lớp đăng ký tổ chức những hoạt động giữa giờ. Các trò chơi, môn thể thao được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo nên một bầu không khí vui vẻ, náo nhiệt mà bất kỳ học sinh nào cũng muốn tham gia. Chính sự gắn kết này đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết và rèn luyện sức khỏe cho học sinh. Những giây phút hòa mình vào tập thể không chỉ mang lại tiếng cười mà còn giúp học sinh có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức và nuôi dưỡng lối sống tích cực.

img-0105-1733892933.jpeg

Chia sẻ về sự thay đổi này, em Khổng Minh Hải, học sinh lớp 10A2, hào hứng cho biết: "Em rất thích những hoạt động giữa giờ mà trường tổ chức. Thay vì ngồi xem điện thoại, giờ em có thể chơi đá cầu với bạn bè, tham gia các trò chơi và cảm thấy sảng khoái hơn rất nhiều. Những hoạt động này giúp chúng em vừa rèn luyện sức khỏe, vừa gắn kết với bạn bè trong lớp và trong trường. Em hy vọng những chương trình này sẽ tiếp tục được phát triển hơn nữa!".

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự ủng hộ và lòng biết ơn đối với những thay đổi tích cực tại trường. Phụ huynh của em Lê Văn Trường chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm ơn nhà trường đã cho chúng tôi nhìn thấy những khoảnh khắc mà các con không có điện thoại, tập trung vào các hoạt động bổ ích. Điều đó làm chúng tôi vô cùng yên tâm và hạnh phúc." Một phụ huynh khác bày tỏ: "Cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo đã tạo nên một ngôi trường học hạnh phúc. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy con em mình phát triển toàn diện trong môi trường như vậy".

Đồng quan điểm, cô giáo Thu Huyền, trường THPT Vĩnh Yên phân tích, việc không có điện thoại trong giờ ra chơi mang rất nhiều lợi ích tích cực như: Khuyến khích giao lưu và kết nối trực tiếp giữa các học sinh, thúc đẩy tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao và vui chơi tập thể, tăng cường phát triển kỹ năng giải trí và sáng tạo, tạo không gian yên tĩnh, cân bằng cho những học sinh cần thư giãn và tăng cường ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng công nghệ và các thiết bị điện tử.

img-0106-1733892933.png
Giờ ra chơi của các em học sinh Trường THPT Vĩnh Yên

 

Theo cô Thu Huyền, việc sử dụng điện thoại trong trường học có thể dẫn đến những vấn đề như bắt nạt qua mạng hay gây rối. Quy định cấm sử dụng điện thoại giúp giảm thiểu các vấn đề này, tạo ra môi trường học đường an toàn hơn. Không có điện thoại, các em học sinh sẽ phải tự tạo ra cách giải trí cho mình. Thay vì ngồi im lặng hay chỉ nhìn vào màn hình, các em có thể tham gia vào các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh, hát, nhảy, chơi nhạc cụ hay tham gia các trò chơi trí tuệ. Những hoạt động này không chỉ giúp phát triển khả năng tư duy, sáng tạo mà còn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các em, đồng thời giúp các em thư giãn và nạp lại năng lượng cho những giờ học tiếp theo.

Không phải ai cũng có sở thích tham gia vào các hoạt động tập thể sôi nổi. Với việc cấm sử dụng điện thoại, các em học sinh có thể tìm đến những không gian yên tĩnh để đọc sách, ngồi thiền, hoặc tham gia các hoạt động tự do như chơi cờ, giải đố. Đây là cơ hội để các em học cách tận hưởng những khoảnh khắc yên tĩnh, giúp cải thiện tâm lý, cân bằng cảm xúc và phát triển những sở thích cá nhân một cách lành mạnh.

img-0107-1733892933.jpeg
Các học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn ở huyện Lập Thạch trong giờ ra chơi

 

Việc cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi còn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm. Các em sẽ học cách phân biệt giữa việc sử dụng điện thoại khi cần thiết và khi nào cần cất điện thoại để tập trung vào các hoạt động trực tiếp với bạn bè và thầy cô. Điều này sẽ giúp các em hình thành thói quen sử dụng công nghệ một cách thông minh và có ích.

img-0108-1733892933.jpeg
Học sinh THPT Trần Nguyên Hãn tăng cường kết nối qua các trò chơi tập thể

 

Giờ ra chơi không có điện thoại sẽ giúp giảm thiểu những yếu tố gây phân tâm, như việc lướt mạng xã hội, chơi game hay nhắn tin, từ đó tạo ra một không gian vui chơi lành mạnh và an toàn cho học sinh. Các em sẽ tập trung vào những hoạt động vui vẻ, bổ ích thay vì bị cuốn vào những trò tiêu khiển ảo, không mang lại giá trị thiết thực. Việc này cũng giúp học sinh giảm bớt căng thẳng và có thể quay lại lớp học với tinh thần sảng khoái hơn. Việc cấm sử dụng điện thoại giúp học sinh tập trung hơn vào bài giảng và các hoạt động học tập. Khi không có điện thoại, học sinh có xu hướng tương tác nhiều hơn với giáo viên và bạn bè trong lớp. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa học sinh và giáo viên, đồng thời nâng cao tinh thần học hỏi và chia sẻ.

Giờ ra chơi không điện thoại không chỉ mang lại lợi ích trong việc cải thiện các mối quan hệ bạn bè và giao lưu xã hội mà còn giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Việc tạo ra một không gian tự do, không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử, giúp các em học sinh quay lại lớp học với tinh thần thoải mái và năng lượng tích cực hơn.
Phong trào "giờ ra chơi không điện thoại" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các em học sinh cũng như sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Đây không chỉ là một quyết định có tính định hướng, mà còn là một bước tiến đầy ý nghĩa trong hành trình xây dựng môi trường học đường lành mạnh, năng động. Hy vọng rằng, với những bước đi nhỏ này, các em học sinh sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, sẵn sàng bước vào những thử thách lớn lao hơn trong tương lai.