Vĩnh Phúc: Tinh gọn bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế

 Không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
img-0069-1733715199.jpeg
Đảng ủy xã Đại Đồng quán triệt tới cán bộ, đảng viên một số nội dung, nhiệm vụ sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Dương Chung

Theo Nghị quyết số 1287 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), giai đoạn 2023-2025, tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã thành 13 đơn vị tại 6 huyện, thành phố.

Trong đó, thành phố Phúc Yên thực hiện sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị để thành lập phường mới là phường Hai Bà Trưng. Huyện Yên Lạc nhập xã Hồng Phương vào xã Hồng Châu.

Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và xã Hợp Thịnh để thành lập xã mới là xã Hội Thịnh. Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề để thành lập xã mới là xã Tây Sơn. Huyện Sông Lô nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn; nhập xã Bạch Lưu vào xã Hải Lựu.

Huyện Vĩnh Tường nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang; nhập xã Tam Phúc vào thị trấn Vĩnh Tường; nhập xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng; sáp nhập xã Việt Xuân, xã Bồ Sao, xã Cao Đại để thành lập xã mới Sao Đại Việt; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường để thành lập xã mới là xã An Nhân; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương để thành lập xã mới là xã Lương Điền; sáp nhập xã Vĩnh Ninh và xã Phú Đa để thành lập xã mới là xã Vĩnh Phú.

Sau sắp xếp, tỉnh sẽ có 121 xã, phường, thị trấn (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn); giảm 15 ĐVHC cấp xã so với trước khi sắp xếp.

Trước đó, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã sớm so với cả nước.

Thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 49, ngày 19/6/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 223, ngày 17/8/2023 về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó cụ thể hóa 38 nhiệm vụ, giao từng nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tiêu chuẩn các ĐVHC cấp huyện, cấp xã một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ, thận trọng, nhất là các ĐVHC có yếu tố đặc thù.

UBND các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp xã và xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Đến hết tháng 3/2024, 28 địa phương sắp xếp lại ĐVHC đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri với tỷ lệ đồng ý chủ trương đạt gần 92%. Cuối tháng 4/2024, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025; UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã và trình Chính phủ theo quy định.

Theo Nghị quyết 1287 của Ban Thường vụ Quốc hội, xã Tân Tiến được nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số vào xã Đại Đồng (Vĩnh Tường). Đến thời điểm này, 2 địa phương đã cơ bản hoàn thiện các bước chuẩn bị, sẵn sàng cho việc sáp nhập.

Đồng chí Trần Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết: “Việc sáp nhập xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng cơ bản thuận lợi vì nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Theo lịch sử hình thành và phát triển, trước năm 1957, Tân Tiến và Đại Đồng là 1 xã, các nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của 2 địa phương cũng có nhiều nét tương đồng.

Thời gian qua, 2 xã tập trung tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp ĐVHC đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua lấy ý kiến cử tri, tỷ lệ cử tri đồng ý với việc sáp nhập 2 xã và lấy tên xã sau sáp nhập là xã Đại Đồng đạt hơn 99%.

Dự kiến sau sáp nhập 2 địa phương sẽ dôi dư 13 cán bộ, công chức, hiện tại đã có 6 cán bộ, công chức có đơn xin nghỉ hưu trước thời gian quy định. Đối với các cán bộ, công chức còn lại sẽ được huyện bố trí, sắp xếp công việc theo quy định”.

Là một trong 4 cán bộ, công chức xin nghỉ hưu trước thời gian quy định của xã Đại Đồng, đồng chí Giang Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại Đồng chia sẻ: “Tôi hiểu rõ việc sáp nhập sẽ đem lại nhiều không gian phát triển mới cho địa phương, góp phần tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Bản thân tôi còn 5 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng tôi quyết định viết đơn xin nghỉ trước để việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ sau sáp nhập được thuận lợi, tạo điều kiện cho những người trẻ hơn có cơ hội cống hiến, phát huy năng lực”.

Triển khai Nghị quyết số 1287 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ đã khẩn trương lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương, xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện nghị quyết trình UBND tỉnh.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, bố trí công việc cho cán bộ, công chức sau sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cùng các giải pháp đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp xã, tạo động lực để tỉnh bứt phá phát triển trong giai đoạn mới.