Là điểm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ cho địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hiện nay, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) có khoảng 500 cửa hàng tạp hóa, hộ kinh doanh cá thể, hơn 100 đầu xe vận tải các loại và gần 90 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chợ truyền thống xã Đại Đồng được cải tạo, xây dựng, thu hút nhiều tiểu thương, khách hàng trên địa bàn trong và ngoài xã đến kinh doanh, buôn bán và mua sắm.
Từ năm 2018 đến nay, hệ thống cửa hàng Viettel Store, Điện máy Xanh và siêu thị Winmart+ được đầu tư, xây dựng tại địa phương không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của làng quê mà còn hình thành thói quen mua sắm văn minh, hiện đại của người tiêu dùng.
Chị Phan Thị Thúy, kinh doanh hoa quả cạnh chợ Đại Đồng cho biết: Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên công việc kinh doanh của tôi cũng như các tiểu thương trên địa bàn khá thuận lợi, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó, tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc các con được tốt hơn.
Nói về tình hình phát triển TM - DV trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Bùi Văn Tuất cho biết: Nhờ sự thích ứng, nhanh nhạy của người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực TM-DV trên địa bàn những năm gần đây gia tăng cả về số lượng và chất lượng.
Người dân đã dần làm quen với việc mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngay tại khu vực sinh sống. 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 612 tỷ đồng, đạt hơn 52% kế hoạch năm, trong đó, doanh thu từ TM - DV chiếm hơn 41%.
Rời xã Đại Đồng khi xế chiều, phố làng sầm uất hơn bởi người dân đi mua sắm tại các cửa hàng tiện ích, những cửa hàng kinh doanh đồ ăn san sát cùng sự khang trang, hiện đại của các trung tâm ngoại ngữ, dịch vụ spa… khiến chúng tôi cảm nhận vùng quê ngày càng “thay da đổi thịt”, từ một vùng nông thôn yên bình chuyển mình trở thành phố thị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đặc biệt xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) như “đòn bẩy” để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã Đồng Cương (Yên Lạc) mạnh dạn đầu tư, phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ.
Toàn xã hiện có khoảng 50 doanh nghiệp; hơn 300 hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng tạp hóa tổng hợp. 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu từ hoạt động TM - DV của xã đạt 198 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm.
Chị Phạm Thị Huệ, thôn Chi Chỉ cho biết: Phát huy thế mạnh của địa phương có vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, cuối năm 2023, tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng mới cửa hàng tiện lợi tổng hợp với tổng diện tích khoảng 400 m2. Hiện nay, cửa hàng có đầy đủ các loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm, đồ khô, đồ đông lạnh đến thiết bị điện tử, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, đồ chơi trẻ em, chăn, ga, gối, đệm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, giá cả phù hợp.
Xác định TM - DV là động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao của người dân, những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, hỗ trợ kinh phí để các địa phương làm đường giao thông, hệ thống chợ, hạ tầng thương mại.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn tỉnh có 65 chợ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí từ ngân sách hỗ trợ gần 107 tỷ đồng. Ngày 5/5/2023, tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM giai đoạn 2023-2030.
Trong đó, hỗ trợ 200 triệu đồng đối với mô hình siêu thị mini xây dựng mới; hỗ trợ 50 triệu đồng mô hình cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xây dựng mới; hỗ trợ 100 triệu đồng mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặc trưng của tỉnh và của địa phương xây dựng mới.
Đến nay, Vĩnh Phúc có 86 chợ, trong đó có 4 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 70 chợ hạng III và 1 chợ đầu mối; đặc biệt, chuỗi cửa hàng tự chọn Winmart+; cửa hàng tiện ích đã có mặt từ khu vực thành thị đến các vùng nông thôn…
Thực tế những năm gần đây, hoạt động TM - DV ở khu vực nông thôn đã có nhiều khởi sắc, không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa của người dân mà còn là tiền đề để khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển về mọi mặt.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ. Tình hình giá cả thị trường trên địa bàn ổn định, lượng hàng hóa phong phú và lưu thông tốt.
Đây là tín hiệu tích cực giúp lĩnh vực TM - DV tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và khẳng định vị thế là một trong những trụ cột trong phát triển KT - XH của tỉnh.
H.T
Vĩnh Phúc: Thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn khởi sắc
12:04 23/07/2024
Với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự năng động, linh hoạt, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư của người dân, doanh nghiệp, những năm gần đây, lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TM - DV) ở khu vực nông thôn đã và đang có những bước chuyển mình tích cực. Từ đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn rút ngắn khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn.
BÀI LIÊN QUAN
Tài trợ