Vĩnh Phúc: Vũ Di ( Vĩnh Tường)  xây dựng nông thôn mới thông minh tạo ra diện mạo mới nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân

Việc tích hợp chuyển đổi số vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí và nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
vu-di-vinh-tuong-vinh-phuc-1720504985.jpg
Người dân trong Vũ Di đang quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt

Để đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, mô hình thôn thông minh là một trong bốn tiêu chí quan trọng. Để thực hiện điều này, thôn cần ít nhất một mô hình ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất hàng hóa và tự động hóa quản lý. Cụ thể, thôn cần có tổ công nghệ số cộng đồng, đại diện thôn sử dụng các nền tảng số để tuyên truyền, phổ biến thông tin, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trong cộng đồng thôn. Ngoài ra, nhà văn hóa thôn cần được trang bị mạng wifi miễn phí, 100% trụ sở cơ quan, tổ chức và hộ dân trong thôn cần được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam (Vpostcode), và 100% sản phẩm OCOP của địa phương cần được đưa lên sàn thương mại điện tử. Cuối cùng, thôn cần ít nhất một mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong một trong các lĩnh vực.

Mặc dù nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới thông minh, nhưng Vũ Di, Vĩnh Tường đã thấy hình hài của những thôn thông minh dần hình thành và phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trong đời sống của người dân.

Về thôn Vũ Di, xã Vũ Di, dễ dàng nhận thấy rằng hạ tầng viễn thông đã được đầu tư bài bản. Thanh toán hóa đơn qua mạng và kết nối thông tin thời sự qua các trang mạng dùng chung đang được đẩy mạnh. Điều này khẳng định con đường “số hóa” đã và đang đi vào đời sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Năm 2023, khi được lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình thôn nông thôn mới thông minh, mặc dù công nghệ số vẫn còn “mơ hồ” đối với người dân, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, thôn Vũ Di, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều này tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

vu-di-vinh-tuong-vinh-phuc-1720505009.jpg
Vũ Di ngày một khang trang, xanh, sạch, đẹp

Toàn thôn Vũ Di hiện có trên 580 hộ với gần 1700 khẩu, trong đó 70% người dân sản xuất nông nghiệp và hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết các gia đình trong thôn đều có ít nhất một điện thoại thông minh và lắp đặt mạng internet tốc độ cao. Cách người dân ở Vũ Di tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày cũng tự nhiên, gần gũi, giống cách mà Ban phát triển của thôn tuyên truyền và dân vận đến từng nhà. Nhờ đó, việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” trở nên rõ nét và thực chất ngay từ các thôn, xóm.

Khi ngỏ ý muốn hỏi đường đến nhà đồng chí trưởng thôn Vũ Di, ông Phan Biên Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Di liền đưa chiếc điện thoại và hướng dẫn chúng tôi: Chỉ cần mở ứng dụng mã địa chỉ trên điện thoại thông minh, chúng tôi sẽ được chỉ dẫn đến chính xác địa chỉ nhà của bất kỳ hộ nào trong thôn mà không cần phải hỏi thăm theo cách người dân vẫn thường làm như xưa. Đó chính là điểm thuận lợi mà gắn mã địa chỉ số đã mang lại.

Vừa thoăn thoắt mở chiếc điện thoại thông minh trên tay, vừa chỉ cho chúng tôi thấy thôn, xóm giờ đã “thông minh” ra sao, Phó Bí thư chi bộ, trưởng thôn Vũ Di Nguyễn Thị Tĩnh cho biết, Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn đã cập nhật các trang Zalo, Facebook… để kết nối người dân trong thôn, cũng là kênh giao tiếp giữa Ban điều hành thôn và người dân. “Hiện tại, Ban vận động xây dựng Mô hình thôn thông minh thôn Vũ Di đang triển khai hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đăng ký tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Postmart.vn, agri-postmart.vn… để kết nối, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. 100% người dân trong thôn có sổ khám chữa bệnh điện tử; trên 96% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh trong đó tích hợp nhiều ứng dụng. 80,5% người trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện hàng tháng, đóng học phí của học sinh… Thôn đã lắp đặt xong hệ thống camera an ninh giám sát tại các tuyến đường trục chính để quản lý trật tự an toàn xã hội và hệ thống điện chiếu sáng ứng dụng công nghệ số để bật, tắt tự động”, bà Tĩnh vui vẻ nói.

Không chỉ vậy, người dân trong thôn còn tích cực áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong việc quảng bá các sản phẩm. Ông Lê Minh Huấn, chủ cơ sở sản xuất rượu 94, thôn Vũ Di cho biết: Hiện nay, gia đình đã thành lập trang fanpage, đồng thời, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ ứng dụng nền tảng số, sản phẩm của gia đình được nhiều người tiêu dùng biết đến, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng theo

Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho xã Vũ Di. Cơ sở hạ tầng được đầu tư từ điện, đường, trường học, trạm, đến phát triển sản xuất, kinh doanh và công nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình thôn thông minh tại thôn Vũ Di đã đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Sự tin tưởng và ủng hộ của người dân đối với lãnh đạo của Đảng và chính quyền cũng được khẳng định. Các tiêu chí xây dựng thôn thông minh tại Vũ Di đã hoàn thành, và điều này là động lực để xã tiếp tục chỉ đạo xây dựng 3 thôn còn lại thành thôn thông minh. Mục tiêu là xây dựng xã thông minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.