Vĩnh Phúc: Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tại khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống

11/05/2023 17:10

Với quan điểm mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh, Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu đang được các cấp, ngành quyết liệt triển khai thực hiện. Đặc biệt, đối với khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân mà còn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên đã tạo sự đồng thuận, nhất quán cao từ phía người dân.


Tiết mục đặc sắc hát múa cầu mùa được chính đồng bào dân tộc Cao Lan biểu diễn nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa độc đáo

Thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu thì có đến 95% dân số là người dân tộc Cao Lan. Những năm qua, người dân nơi đây luôn ý thức giữ gìn phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài Lễ hội xuống đồng được tổ chức quy mô, người dân còn tổ chức múa hát, tái hiện cảnh lao động, sinh hoạt hằng ngày của bà con như: Múa hát Sình ca, hát đối giao duyên, múa lên nương, phát rẫy, cầu mùa, tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, chọi dê, bịt mắt đập niêu… vào các dịp đặc biệt trong năm.

Ông Nguyễn Tiến Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Yên khẳng định, việc triển khai xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Đồng Dong sẽ giúp địa phương phát huy tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đây cũng là bước tiến trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ngay sau khi được chọn thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, thực hiện quy hoạch xây dựng khu Trung tâm văn hóa thôn Đồng Dong với diện tích 10.000 m2, gồm các hạng mục: hội trường, nhà truyền thống, sân bóng mini, sân bóng chuyền, hồ bơi, khu trưng bày văn hóa dân tộc... Việc triển khai Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Đồng Dong, xã Quang Yên đang nhận được sự đồng tình cao của người dân  vì họ chính là đối tượng thụ hưởng trực tiếp thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội.

"Sau khi hoàn thành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, du khách đến thôn Đồng Dong có thể lưu trú tại nhà sàn của người dân tộc Cao Lan để tìm hiểu những phong tục, tập quán của người dân bản địa. Ngoài ra, du khách còn được tham quan những gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương; không gian văn hóa dân tộc Cao Lan; xem trình diễn các điệu múa Sình ca, múa lên nương, xuống đồng… Điểm mới là chính người dân địa phương sẽ trực tiếp trở thành những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đến du khách những nét văn hóa, tập quán sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc mình, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân", ông Toàn chia sẻ.

Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo hiện có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trong đó, thôn Lục Liễu có số lượng lớn đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống với nhiều nét đặc trưng về phong tục, tập quán, văn hóa như: Hát Soọng cô, các lễ hội dân gian và sản vật đặc trưng bánh trưng gù, bánh gio chấm mật, bánh trứng kiến, xôi đen, mật ong… lại nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nên được chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND xã Đạo Trù đã kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Đề án xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, vận đồng người dân có diện tích đất nằm trong khu quy hoạch hiến đất để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Đến nay, 100% người dân có diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã chấp thuận phương án giải phóng mặt bằng của chính quyền.

Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết, thôn Lục Liễu có vị trí cửa ngõ của xã, gần một số dự án du lịch của huyện Tam Đảo đã được quy hoạch như: Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Vĩnh Thành, hồ Đồng Mỏ; khu du lịch Tam Đảo 2. Với tổng diện tích dự kiến xây dựng khu thiết chế văn hóa của thôn rộng gần 1ha, khi dự án được hoàn thành dự kiến sẽ phục vụ một lượng lớn người dân địa phương cũng như du khách đến giao lưu văn hóa, văn nghệ. Địa phương cũng sẽ dành nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thế mạnh như: Chăn nuôi lợn, gà, ong, thỏ; xây dựng các sản phẩm OCOP; phát triển các homestay... để du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song chính quyền và người dân tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống kỳ vọng, Đề án xây dựng thí điểm hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó, cải thiện thu nhập của người dân, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương. Đây cũng là chủ trương lớn của tỉnh nhằm tạo điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng nhu cầu phát triển.

 

Minh Trí