Sau Hội nghị Trung ương 8 (Khóa I) của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập (5-1941), chính quyền cách mạng ở các căn cứ địa, các khu giải phóng trong cả nước được thành lập, hình thành các tổ chức Ủy ban Việt minh, Ủy ban Giải phóng và Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Trên phạm vi toàn quốc, thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng Việt Nam theo hình thức của một "Chính phủ lâm thời cách mạng".
Biến khát vọng thành hiện thực
Đầu tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, quyết định Tổng khởi nghĩa trên cả nước.
Cách mạng Tháng Tám 1945 giành thắng lợi, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra mắt quốc dân vào ngày 2-9-1945.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì họp Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: "Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập". Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Sau khi giành được độc lập, nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ chẳng những phải đương đầu với "giặc đói", "giặc dốt" và những hậu quả về kinh tế, xã hội do đế quốc phong kiến để lại, mà còn phải đối phó với nạn ngoại xâm, đe dọa vận mệnh của dân tộc.
Trong bối cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, bằng bản lĩnh chính trị, tin ở lòng dân, hiểu khát vọng dân chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử với hình thức phổ thông đầu phiếu. Vượt qua muôn vàn thử thách, thù trong giặc ngoài, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ở nước ta theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ đã thành công.
Thời kỳ này, HĐND và ủy ban hành chính các địa phương cũng được bầu cử, xác lập, cùng với Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân - thực thi sứ mệnh của nhà nước dân chủ cộng hòa, biến khát vọng làm chủ của nhân dân trở thành hiện thực.
Phải có lợi cho dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, trí tuệ nghiên cứu, xây dựng chính quyền công bộc của dân, được lòng dân, phát triển nền công vụ liêm chính, vì dân.
Ngay từ những ngày đầu lập quốc, cùng với việc ban hành các sắc lệnh hành chính, Người có nhiều bài viết về thể chế cơ quan dân cử, tổ chức bộ máy chính quyền, nền công vụ và cơ chế vận hành; giáo dục tư cách, đạo đức cán bộ; sửa đổi cách làm việc, chống quan liêu, lãng phí..., đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong đó, Người yêu cầu: "Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó", "không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người trong nhà trong họ vào làm việc với mình".
Người cảnh báo sớm về sự tha hóa quyền lực trong bộ máy chính quyền: "Ta nhận thấy xung quanh các UBND, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen"; "Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa. Thứ nhất dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền".
Sau khi dẫn chứng, chỉ ra những biểu hiện xấu của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới", "Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".
Nhất quán đường lối vì dân
Trong hành trình 78 năm của dân tộc kể từ sau Tuyên ngôn Độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã luôn nhất quán đường lối xây dựng nhà nước được lòng dân, vì hạnh phúc, tự do của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các giá trị cốt lõi của nền dân chủ luôn được thể chế hóa trong các quyết sách của Đảng, Nhà nước thông qua cơ chế chính quyền do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn quan liêu, chưa tận tụy với dân, chưa giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân. Một số khác đã tự biến mình thành "quan cách mạng", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí trở thành "giặc nội xâm" hại dân. Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực lớn đã bị phát hiện, khởi tố hình sự nhiều bị can, trong đó có cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng…
Thực tế đó chứng minh rằng công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng lãnh đạo, "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực, làm trong sạch bộ máy và nền công vụ liêm chính, vì dân, giữ vững niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, cần quán triệt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền công vụ liêm chính với đội ngũ cán bộ, đảng viên sát dân, gần gũi, lắng nghe dân; xây dựng chính quyền được lòng dân với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phải có những đức tính: Không tự kiêu, không có cái bệnh làm quan cách mạng. Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm. Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm. |