Xúc tiến thương mại: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước

TH
Lĩnh vực xúc tiến thương mại đã phục hồi và dần sôi động, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương sáng 14/7, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Cục đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022, Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia năm 2022; Tuyên truyền quảng bá Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức Triển lãm sản phẩm Thương hiệu Quốc gia.

Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Ủy ban nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai quảng bá Thương hiệu Quốc gia thông qua cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây là cầu nối quan trọng giúp đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là các kênh phân phối do người Việt quản lý và sở hữu.

Đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, 6 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện vẫn còn rất khó khăn, với sự hỗ trợ của Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương đã thực hiện trên 15 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương. Đồng thời, tham gia quảng bá sản phẩm tại các sự kiện hội chợ triển lãm lớn tại nước ngoài với quy mô lớn, hỗ trợ hơn 200 lượt doanh nghiệp tham gia, củng cố quan hệ bạn hàng cũ và tìm hiểu, khai thác cơ hội xuất khẩu mới. Ngoài ra, thực hiện 5 hoạt động xúc tiến thương mại lớn cấp vùng tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 1.500 lượt doanh nghiệp từ các vùng miền của cả nước.

Thêm nữa, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài thực hiện thành công 22 phiên tư vấn xuất khẩu trực tuyến trong chuỗi 30 chương trình tư vấn cung cấp thông tin cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, ngành hàng; tổ chức 13 hội nghị giao thương trực tuyến quảng bá các ngành hàng, sản phẩm và tiềm năng xuất khẩu Việt Nam tới các nhà nhập khẩu tại đa dạng các thị trường của các châu lục.

Xúc tiến thương mại: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương

Về họat động xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại cũng triển khai đa dạng các hoạt động, gồm: Xây dựng gian hàng “Đầu tư phát triển Công nghiệp Việt Nam” tại hội chợ Việt Nam Expo 2022 với sự tham gia của 9 địa phương để quảng bá tiềm năng địa phương nhằm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, tọa đàm chính sách, kết nối giao thương trực tuyến và trực tiếp nhằm cập nhật thông tin về chính sách thu hút đầu tư của các địa phương tại Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến và trực tiếp cho các địa phương, khu công nghiệp nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thu hút đầu từ nước ngoài;

“Nhằm tăng cường phối kết hợp các nguồn lực để triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương, Cục đã hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai xúc tiến thương mại hiệu quả. Đặc biệt phối hợp với các UBND tỉnh/thành phố như Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Tháp... tổ chức các Hội nghị kết nối giao thương nông sản có thế mạnh của địa phương” - ông Phú thông tin.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Lazada, Shopee... đào tạo và tập huấn cho hơn 250 hợp tác xã ở các địa phương cách thức quảng bá thúc đẩy bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các kênh phân phối số, truyền thông số, mạng xã hội. Mặt khác, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế như Sippo (Thụy Sỹ), TFO Canada... tổ chức các chương trình tư vấn về xu hướng thị trường, kỹ năng tiếp cận khách hàng quốc tế cho doanh nghiệp trước khi tham gia các đoàn tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế lớn trên thế giới. Đây là những hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại của doanh nghiệp.

Liên tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Trong 2 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ, Cục Xúc tiến thương mại đã cố gắng tìm cách đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai xúc tiến thương mại. Qua đó đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thích nghi dần và biết khai thác các lợi thế của xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Từ đầu năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động giao thương trở lại sôi động, hoạt động xúc tiến thương mại được chuẩn bị kỹ hơn, triển khai bài bản hơn. Đáng chú ý nhất là đa số các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến nhằm phát huy các lợi thế của hoạt động gặp gỡ giao thương trực tiếp theo truyền thống, đồng thời khai thác tối đa các ưu thế của hình thức xúc tiến thương mại qua môi trường số, trước, trong và sau hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin cập nhật về thị trường, về nhu cầu khách hàng, quy định xuất nhập khẩu để có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc tìm kiếm khách hàng, xây dựng và duy trì quan hệ khách hàng, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp.

Xúc tiến thương mại: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước
Xúc tiến thương mại: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước

Trong các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022, các hiệp hội doanh nghiệp đã chú trọng đến các hoạt động xúc tiến thương mại đòi hỏi nghiệp vụ sâu hơn như xây dựng kế hoạch quảng bá ngành hàng, hay các hoạt động mang tính bền vững mà trước đây chưa được chú trọng như xúc tiến nhập khẩu nguyên liệu mang tính bền vững, công nghệ phục vụ sản xuất xanh...

“Nhìn chung, việc đẩy mạnh, triển khai ngay các hoạt động xúc tiến thương mại từ đầu năm 2022, đặc biệt xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ thị trường phục hồi nhanh, mở cửa sớm sau dịch bệnh Covid-19 đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về mặt thị trường, đẩy mạnh phục hồi sản xuất” - ông Phú khẳng định.

Những nỗ lực của Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị của Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ tại nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, địa phương đánh giá cao, đóng góp vào phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh xung đột căng thẳng giữa Nga và Ucraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc - một trong những thị trường lớn của Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương.

Đa dạng giải pháp nửa cuối năm

Ông Vũ Bá Phú chia sẻ, từ nay đến cuối năm, Cục Xúc tiến thương mại xác định sẽ tập trung triển khai các hoạt động chính như: Tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, rà soát các đề án Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, kịp thời điều chỉnh, quyết toán, phê duyệt nguồn kinh phí dôi dư nhằm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2022.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn với phương thức xúc tiến thương mại trực tiếp, trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

Thêm nữa, triển khai hiệu quả đoàn giao dịch thương mại, đoàn xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài quy mô lớn tập trung khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết và tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Tổ chức/Tổ chức tham gia các Hội chợ triển lãm lớn trong và ngoài nước (CAEXPO, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải, Hội chợ Sial Paris, Hội chợ Thương mại Việt Lào, FOODEXPO…).

Ngoài ra, sẽ triển khai chuỗi chương trình tư vấn thị trường xuất nhập khẩu; Triển khai Chương trình kết nối nhà cung cấp địa phương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; phối hợp với EuroCham tổ chức Hội nghị và Triển lãm Kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh...