Tại cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã thông tin thêm về tình hình kiểm tra, xử lý gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Sau hai tuần kiểm tra, tính đến ngày 25/8 lực lượng quản lý thị trường tại một số địa bàn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã xử lý vi phạm hành chính 4 cửa hàng tạm ngừng hoạt động vì lý do hết xăng dầu.
Lũy kế từ đầu năm đến 25/8, có 255/16.700 cửa hàng xăng dầu trên cả nước hiện nay đang dừng hoạt động do nhiều lý do. Hiện, các cây xăng này đang được Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang xem xét xử lý để làm các thủ tục xin cấp lại.
“Trong hai đoàn mà Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, đã phạt vi phạm hành chính 23 doanh nghiệp đầu mối với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó có xử phạt bổ sung là tước giấy phép là 1,5 tháng đối với 7 doanh nghiệp đầu mối.
Trong 7 doanh nghiệp đầu mối này đến ngày 25/8 đã trả lại giấy phép cho 4 công ty do đã hết thời hạn giữ 1,5 tháng. Còn lại 3 công ty được trả lần lượt vào các ngày 29/8, 12/9 và 14/9”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Sau khi trả giấy phép, các công ty này đều nối lại việc cung ứng xăng dầu. Đặc biệt là 3 công ty chuẩn bị trả giấy phép, số lượng cửa hàng cũng như địa bàn và tình hình kinh doanh nhập khẩu lực lượng quản lý thị trường nắm rất kỹ khả năng tác động của việc cung ứng xăng dầu.
Đối với kết quả thanh tra 11 thương nhân đầu mối tại khu vực phía Nam, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Thanh tra Bộ Công Thương cho biết hầu hết thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quá trình hoạt động kinh doanh đã chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như chưa đáp ứng quy định hệ thống phân phối, hệ thống kho bãi xăng dầu, công tác báo cáo chưa đầy đủ, chưa đáp ứng quy định nhập khẩu tối thiểu…
“Căn cứ kết quả thanh tra, đoàn lập biên bản vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân dầu mối và một số công ty con.
Ngoài hình thức phạt tiền, đoàn kiến nghị hình phạt bổ sung và khắc phục hiệu quả như tước giấy phép và sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu nhập khẩu từ 1-3 tháng, và kiến nghị thu lời bất chính đối với tồn tại, vi phạm của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”, ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.
Chi tiết 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu:
STT |
Tên doanh nghiệp |
Thời hạn bị tước giấy phép |
1 |
Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022 |
2 |
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022 |
3 |
Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022 |
4 |
Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022 |
5 |
Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022 |
6 |
Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022 |
7 |
Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro |
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022 |