Nhạc sĩ An Thuyên. (Ảnh gia đình cung cấp)
* Một tâm hồn âm nhạc đẫm chất dân ca
Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8/1949 tại vùng quê nghèo Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đó là một làng quê yên bình, có truyền thống văn nghệ dân gian. Ông từng chia sẻ: “Tôi có một may mắn, gia đình tôi ở làng Đáy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - nghèo tận đáy nhưng có phong trào văn hóa văn nghệ, có nền âm nhạc dân gian rất phát triển. Nhà tôi là một gánh hát tuồng, cải lương, hát phường vải. 11 tuổi tôi đã trở thành một “nhạc công” thổi sáo, kéo nhị cho mọi người hát. Âm nhạc dân gian thấm đượm với tôi từ bé, như sữa mẹ mình được bú từ nhỏ vậy”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, ông được điều về công tác tại Phòng Văn nghệ của Ty văn hóa Nghệ An. Những chuyến đi về với đời sống người dân, học từ văn hóa dân gian, như suối nguồn theo năm tháng bồi đắp và làm nên nét riêng có trong âm nhạc An Thuyên. Năm 1972, ca khúc đầu tay “Em chọn lối này”, ông viết chỉ trong một giờ đồng hồ, khi cùng các chiến sĩ công binh mở đường tại huyện Tương Dương. Tới năm 1978, tại Hội diễn quân khu 4, ca khúc này lần đầu tiên vang lên qua sự thể hiện của đội văn nghệ Tỉnh đội Nghệ An và sau đó, lan tỏa rộng rãi qua tiếng hát của Ca sĩ Thanh Hoa. Đúng như tên của ca khúc, An Thuyên đã chính thức bước vào một hành trình, một lối đi riêng, mà mỗi nhịp đập trong huyết quản ông đều vang lên khao khát, đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng qua những tác phẩm hiện đại mà rất đậm chất dân gian.
Sự nghiệp âm nhạc mà nhạc sĩ An Thuyên để lại cũng minh chứng cho năng lượng sáng tạo của ông luôn căng tràn, và trải dài ở các mảng ca khúc khác nhau. Ở mảng ca khúc nào ông cũng vận dụng và làm nổi bật bản sắc dân ca Nghệ Tĩnh một cách tài tình và hiệu quả. Ngoài những ca khúc viết về Bác, như: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (1974); dân ca miền Trung như "Huế thương" (1992), "Neo đậu bến quê" (1993); mảng nhạc phim như "Ca dao em và tôi"... nhạc sĩ An Thuyên còn thành công với nhiều ca khúc viết về miền núi từ ca từ đến tiết nhịp, như “Chín bậc tình yêu,” “Em chọn lối này,” “Thơ tình của núi”…
Trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, người yêu âm nhạc có thể cảm nhận chất đồng quê, ý vị mượt mà của các làn điệu dân ca Việt Nam quyện vào “tri thức âm nhạc bác học hiện đại” tạo nên những sắc màu riêng - sang trọng, đằm thắm mà bay bổng, hào hoa, giản dị mà vẫn tha thiết. Nhạc sĩ họa bằng âm thanh bức tranh của bến quê mình “Ngô mướt dài bãi quê/Gió chiều chiều rượi mát/Đàn trâu chậm ngoài đê/Vẫn đi về lối cũ/Chuyến đò đầy rời bến/Sông Lam biết khi mô cho cạn/Đục trong, nhục vinh câu hát hỡi người” (Neo đậu bến quê), tưởng như riêng mà chung, xa mà gần, lắng đọng mà mênh mang biết mấy... Hay trong “Ca dao em và tôi”, bằng lối tư duy mới mẻ, độc đáo về hình tượng âm nhạc “cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ/chặt đôi câu thơ/bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng”, người nhạc sĩ đã đưa người nghe trở về với mênh mang sông nước quê hương, dặt dìu man mác câu ca dao - dân ca quê nhà trong đêm trăng thanh gió mát, trên cánh đồng chang chang nắng “cùng khoác áo tơi ra đồng” hay chiều hoàng hôn đổ sắc tím trên “tiếng sáo thênh thang cánh cò”, đặc biệt là nơi đó có em - cô thôn nữ với “áo nâu sòng, chân lấm bùn” mà đẹp tựa “gót chân tiên”…
Không chỉ có quê hương Nghệ An - nơi ông sinh thành, mà tình yêu của người nhạc sĩ tài hoa này trải dài cùng với văn hóa các dân tộc, với những vùng đất mà ông đã đi qua. Đó cũng là kết quả của sự giao thoa giữa nét hồn hậu, sâu lắng trong văn hóa xứ Nghệ và sự bay bổng của văn hóa xứ Bắc, sự sang trọng cổ xưa của Huế, nét rộn ràng, khoáng đạt của văn hóa Tây Nguyên... để có những tác phẩm lay động lòng người như: "Huế thương", "Chiều sông Thương", "Hà Nội tình yêu của tôi", "Đi tìm bóng núi", "Tình ca mặt trời"...
Ngoài các ca khúc đề tài quê hương, nhạc sĩ An Thuyên cũng được biết tới với những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và nhiều ca khúc đã đi vào đời sống nhân dân, trở thành những sáng tác bất hủ đi cùng năm tháng; nên cũng rất khó để cho các nhạc sĩ đi sau tạo được sự đột phá ở chủ đề này. Thế nhưng với niềm tự hào lớn của một người con quê hương trước một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, với tất cả tình cảm dành cho Bác, nhạc sĩ An Thuyên đã đưa người nghe về với một đêm hát phường vải, về với ký ức tuổi thơ của Bác bên dòng sông Lam trữ tình, thơ mộng nghe hát đò đưa. Vẫn chất dân ca mộc mạc nhưng ấm áp lòng người, một hình tượng nghệ thuật về lãnh tụ gần gũi, mang đậm cốt cách, văn hóa xứ Nghệ đã đi vào đời sống âm nhạc tự nhiên qua “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.
Ông từng xúc động kể lại: “Suốt đêm ngồi viết bài hát này, nước mắt tôi cứ giàn giụa”. Ngay sau khi ra đời, bài hát đậm chất dân ca xứ Nghệ này đã được ca sĩ Lệ Thanh ở Đoàn Văn nghệ xung kích Tỉnh đội Nghệ An thể hiện thành công, được nhiều người yêu thích, sau đó lại được đến với công chúng cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng ca của NSND Thanh Hoa.
* Những ca khúc về quân đội hùng tráng, đầy khí phách
Hiếm nhạc sĩ nào cùng thời với An Thuyên có được thành công ở hai đề tài: tình khúc thấm đẫm làn điệu dân ca quê hương xứ sở và ca khúc về quân đội hùng tráng, đầy khí phách. Với tư cách là một nhạc sĩ quân đội, ông đã làm say đắm hàng triệu trái tim chiến sĩ bằng những bài hát như "Hành quân lên Tây Bắc" đầy âm hưởng chiến thắng Điện Biên. Một điều thú vị là nhạc sĩ An Thuyên sáng tác bài “Hành quân lên Tây Bắc” năm 1983. Nhưng 11 năm sau, ông mới có dịp được lên Tây Bắc và mới trực tiếp thấy Tây Bắc “vút xa mờ” với Tây Bắc “mây trắng bồng bềnh như mơ”.
Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: thethaovanhoa.vn
Cũng trong năm 1983, ông có bài” Khi xe tăng anh qua miền quan họ”, làm nhiều nhạc sĩ ngả mũ thán phục vì hình ảnh thứ vũ khí to lớn, thô ráp với làn điệu quan họ khó có thể hòa quyện, thế mà qua ông lại trở nên mềm mại, dịu dàng, chan chứa tình quân dân.
Riêng “Mẹ Việt Nam anh hùng” có thể coi là bài ca chính thức của mọi buổi lễ tôn vinh mẹ Việt Nam anh hùng. Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên tâm sự: Hình ảnh những bà mẹ run rẩy khóc khi ôm vào lòng những tấm “Giấy báo tử”, nhiều bà mẹ cứ đến bữa cơm lại thẫn thờ bày đủ số bát đũa cho những người con đã hy sinh... khiến nước mắt ông cứ trào ra, xúc động: “Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ/ và ánh mắt mẹ như mơ/ Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/ Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”... Giai điệu và lời ca cứ nối tiếp nhau bật ra và ông hoàn thành ca khúc “Mẹ Việt Nam anh hùng” chỉ sau hai tiếng đồng hồ.
Bài hát ca ngợi sự hy sinh vì Tổ quốc, vì độc lập tự do của các bà mẹ, hướng đến tương lai sáng đẹp: “Mẹ đã có ngàn đứa con, Mẹ đã có cả nước non/ Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài/ Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền/ Giặc tan hết ta xây quê hương/ Như ý Bác một đời hằng mong/ Để rực rỡ, rực rỡ Việt Nam”... Ca khúc được vang lên lần đầu tiên tại Lễ tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tháng 12/1994 và được tặng Giải Nhất do Bộ Văn hóa-Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng năm 1995.
Sinh thời, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên cho hay, tình yêu với quê hương đất nước, với biển đảo luôn thường trực trong tâm trí ông. Từng là Hiệu trưởng trường đại học Nghệ thuật Quân đội, nên ông đã cử nhiều đoàn nghệ sĩ - là những sinh viên ra Trường Sa để phục vụ văn hóa nghệ thuật cho các chiến sĩ hải quân. Cũng là một người đeo quân hàm, nên ông thấu hiểu những vất vả mà đồng đội mình - những chiến sĩ ngoài biển khơi hàng ngày đối mặt. Và nguồn cảm hứng về lính đảo, biển đảo luôn trở đi, trở lại trong những sáng tác của ông như một suối nguồn tươi trẻ. Tác phẩm “Hành khúc Biển Đông” ra đời năm 2014 với tiết tấu hào sảng, vui tươi như một lời thúc giục, động viên các chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Thông qua bài hát nhạc sĩ muốn gửi gắm tới người dân Việt Nam rằng: Hoàng Sa-Trường Sa luôn ở trong tim mỗi người Việt Nam và đó là điều không thể tách rời, vì vậy, phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngoài sáng tác ca khúc, An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như “Trương Chi”, “Đôi đũa kim giao”, “Biển tình cay đắng”, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...
Sự thành công trong lĩnh vực âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên đã được ghi nhận. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 với chùm tác phẩm: "Em chọn lối này," "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Hành quân lên Tây Bắc”. Bên cạnh đó, ông còn nhận được nhiều giải thưởng như giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng năm 1984; giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985; giải nhất cuộc thi của Bộ Văn hóa-Thông tin và Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1985…
Không chỉ là nhạc sĩ có nhiều đóng góp về mặt sáng tác, An Thuyên còn là một nhà quản lý âm nhạc có nhiều đột phá, một Hiệu trưởng tâm huyết, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ông gắn bó với ngôi trường này từ năm 1992 (khi đó là Trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội) và giữ cương vị Hiệu trưởng từ năm 1993 cho đến khi nghỉ hưu (2009). Gần 20 năm, ông đã nhen nhóm rồi cùng tập thể nhà trường thổi bùng ngọn lửa đam mê âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò, tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật cho Quân đội và cho đất nước.
Nhạc sĩ An Thuyên cũng là người thầy đáng kính của nhiều giọng ca nổi tiếng như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Vương Dung... Hồ Quỳnh Hương chia sẻ, nhạc sĩ An Thuyên chính là người thầy đầu tiên đã định hướng cho cô đến với con đường nghệ thuật. Còn NSND Phạm Phương Thảo thì tâm sự, với cô, cố nhạc sĩ An Thuyên là người thầy gần gũi, độ lượng và nhân ái vô bờ.
Sau này khi đã nghỉ hưu, nhạc sĩ An Thuyên vẫn giữ được ngọn lửa cảm hứng để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới trẻ trung và tình tứ: “Chú cuội chơi trăng”, “Chiều sông Thương”, “Vầng trăng đò đưa”…
Nhạc sĩ An Thuyên chưa có một ngày nghỉ ngơi thực sự vì ông luôn bước trên hành trình cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam với nhiều dự định còn dang dở. Năm 2015, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã từ giã cõi tạm về “neo đậu bến quê”, để lại cho cuộc đời những thanh âm ắp đầy tình yêu cuộc sống và con người bằng “gia tài âm nhạc” không tuổi mang dấu ấn phong cách An Thuyên./.